Cùng với Khoa học và công nghệ, Giáo dục và đào tạo được coi là quốc sách hàng đầu, có sức mạnh nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội, phát huy giá trị đất nước, văn hóa và con người Việt Nam. Trong bối cảnh của nền kinh tế mở cửa tại Việt Nam, quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng về giáo dục đang diễn ra ở quy mô toàn cầu đã tạo cơ hội thuận lợi để ngành này tiếp cận với các xu thế mới, tri thức mới, những mô hình giáo dục hiện đại, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài, tạo thời cơ để phát triển.
Đồng thời, bối cảnh cũng đặt ra những yêu cầu cấp bách cho ngành Giáo dục và đào tạo về nguồn nhân lực chất lượng, đặc biệt là việc tận dụng thời cơ phát triển nguồn lực con người trong giai đoạn dân số vàng. Không giống như các lĩnh vực khác, nguồn lợi từ đầu tư giáo dục bao gồm cả các giá trị kinh tế và phi kinh tế; có nguồn lợi có thể thu được ngay nhưng cũng có những nguồn lợi có thể thu được sau một khoảng thời gian dài về sau. Vấn đề chú trọng đầu tư cho giáo dục không chỉ là quan tâm đến một ngành mà còn là đầu tư cho phát triển đất nước, điều này thường được nhấn mạnh trong các chính sách phát triển giáo dục và đào tạo của Việt Nam.
Những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm lớn cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo, đặc biệt là các chính sách đầu tư, đảm bảo tỷ lệ chi cho giáo dục từ 20% trở lên trong tổng ngân sách nhà nước. Cùng với sự tăng trưởng không ngừng của kinh tế xã hội, đầu tư cho giáo dục từ nguồn ngân sách nhà nước năm sau luôn cao hơn năm trước. Trong vòng 5 năm của giai đoạn 2016-2020, ngân sách nhà nước chi thường xuyên cho giáo dục đã tăng trên 32,2%. Trong năm 2016, ngân sách nhà nước được phân bổ chi cho giáo dục đào tạo và dạy nghề là 195,6 nghìn tỷ đồng (trong đó 34,6 nghìn tỷ lấy từ nguồn ngân sách Trung ương và 161 nghìn tỷ từ nguồn ngân sách địa phương). Đến năm 2020, con số dự toán chi cho giáo dục đào tạo và dạy nghề là 258,7 nghìn tỷ đồng (trong đó 30,2 nghìn tỷ lấy từ nguồn ngân sách Trung ương và 228,5 nghìn tỷ từ nguồn ngân sách địa phương). Thậm chí, chi tiêu công cho giáo dục/GDP của Việt Nam đang ở mức cao so với nhiều nước trên thế giới (4% năm 2019), kể cả so với một số nước có trình độ phát triển kinh tế cao hơn trong khu vực (Singapore 3,2% năm 2010, Thái Lan 3,8%).
Dữ liệu từ Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho thấy, giai đoạn 2016-2022, có 33 dự án đầu tư công được khởi công và hoàn thành, nhiều hơn 9 dự án so với con số 24 dự án đầu tư công giai đoạn 2011-2015. Điều đó cho thấy sự chú trọng, quan tâm của Nhà nước đến công cuộc phát triển giáo dục và đào tại tại Việt Nam không chỉ là chủ trương, chính sách mà đã được hiện thực bằng hành động cụ thể với mức độ đầu tư tăng đều qua các năm.
Nguồn ngân sách Nhà nước được tập trung ưu tiên đầu tư cho giáo dục phổ cập, giáo dục ở những vùng đặc biệt khó khăn, dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách xã hội, giáo dục năng khiếu và tài năng, đào tạo nhân lực chất lượng cao, đào tạo các ngành khoa học cơ bản, khoa học xã hội nhân văn, khoa học mũi nhọn và những ngành khác mà xã hội cần nhưng khó thu hút người học. Ngoài ra, các nguồn lực của nhà nước và xã hội đầu tư cho giáo dục và đào tạo còn hướng đến nâng cao tính tự chủ, phát triển năng lực hội nhập và cạnh tranh quốc tế.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đẩy mạnh cơ chế, chính sách quy định trách nhiệm, nâng cao vai trò của các tổ chức, đoàn thể chính trị, kinh tế, xã hội trong đầu tư phát triển đào tạo nhân lực, đặc biệt đào tạo nhân lực chất lượng cao và nhân lực thuộc ngành nghề mũi nhọn. Quy định trách nhiệm của các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng và gia đình trong việc đóng góp nguồn lực và tham gia các hoạt động giáo dục, tạo cơ hội học tập suốt đời cho mọi người, góp phần từng bước xây dựng xã hội học tập. Xây dựng và thực hiện chế độ học phí mới nhằm đảm bảo sự chia sẻ hợp lý giữa nhà nước, người học và các thành phần xã hội.
Nếu nhiều năm về trước, giáo dục đào tạo được xem như một lĩnh vực phúc lợi nhằm thỏa mãn nhu cầu học tập của xã hội, thì đến nay, khi vai trò của giáo dục đào tạo ngày càng tăng trong bối cảnh nền kinh tế tri thức phát triển, đầu tư vào ngành này không còn là công việc riêng của Nhà nước mà đã trở thành một ngành kinh tế “đặc biệt”. Được đánh giá là quốc gia có môi trường chính trị và xã hội ổn định, môi trường đầu tư an toàn cộng với tiềm năng phát triển giáo dục đào tạo tại Việt Nam vẫn còn rất nhiều dư địa đã thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt trong quá trình đàm phán để gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam đã cam kết thực hiện Hiệp định chung về thương mại dịch vụ (GATS) đối với tất cả 12 ngành dịch vụ trong đó có giáo dục, điều đó có nghĩa giáo dục cũng là một dịch vụ trong hoạt động thương mại.
Trong thập kỷ qua, Việt Nam đã đạt được những thành công nhất định trong hoạt động thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào phát triển dịch vụ giáo dục. Các số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy sự lạc quan và tín nhiệm của các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực giáo dục đào tạo tại Việt Nam với những dự án có quy môn lớn. Cụ thể, lũy kế đến năm 2009, cả nước có 128 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài cho giáo dục đào tạo với tổng vốn đăng ký đạt 275,8 triệu USD; riêng trong năm 2009 có 12 dự án với số vốn đăng ký 30,4 triệu USD.
Sau khoảng 10 năm, lũy kế số dự án đã tăng gấp 4 lần lên (526 dự án) và số vốn đăng ký tăng rất mạnh gấp 15,8 lần (đạt 4.376,2 triệu USD) so với năm 2009. Riêng năm 2019 có 72 dự án được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký đạt 67,4 triệu USD. Số lượng và nguồn vốn các dự án đầu tư vào dịch vụ giáo dục nhìn chung có xu hướng tăng. Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh vừa là 2 địa phương có dự án đầu tư nước ngoài đầu tiên trong lĩnh vực giáo dục, vừa là nơi thu hút nhiều nguồn lực đầu tư nhất trong lĩnh vực này. Đa số các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vào giáo dục đào tạo tại Việt Nam có xu hướng nhắm vào mô hình chuỗi, trường liên cấp, trường song ngữ theo tiêu chuẩn quốc tế đi từ mầm non với khả năng có thể mở rộng trong tương lai, trung tâm giáo dục kiểu mới (toán tư duy, kỹ năng…), hệ thống trung tâm ngoại ngữ…
Đặc biệt, 2 Nghị định quan trọng là Nghị định số 135/2018/NĐ-CP ngày 4/10/2018 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 46/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và Nghị định số 86/2018/NĐ-CP 06/6/2018 quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi với nhiều ưu đãi hơn, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài tiến vào lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam. Theo đó, Nghị định 135 đã giúp đơn giản hóa yêu cầu về mặt pháp lý, vận hành và rút nhắn quy trình thủ tục hành chính; còn Nghị định 86 giúp giảm yêu cầu về nhân sự và tăng hạn mức tuyển sinh học sinh Việt Nam, giúp tăng tỷ lệ học sinh Việt Nam được học chương trình giáo dục của nước ngoài từ không được vượt quá 10% với cấp tiểu học và trung học cơ sở, 20% với cấp trung học phổ thông đến không vượt quá 50% đối với cơ sở giáo dục mầm non và cơ sở giáo dục bắt buộc.
Nhờ đó, trong 2 năm 2018 và 2019, đầu tư nước ngoài cho giáo dục đào tạo đã tăng vọt từ vị trí thứ 12 đã lên vị trí thứ 9 về vốn đăng ký trong số các ngành nhận đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Riêng khối trung tâm ngoại ngữ, tin học tính đến cuối năm học 2018-2019 đã đạt trên 3,9 nghìn trung tâm, tăng trên 1,1 nghìn trung tâm so với năm học trước, đặc biệt là các trung tâm ngoài công lập, trung tâm có vốn đầu tư nước ngoài đã đáp ứng được gần 2 triệu lượt người học. Sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực giáo dục đào tạo cũng góp phần giúp đa dạng hóa về phương pháp và nội dung giảng dạy, bắt nhịp với xu hướng chung của nền giáo dục quốc tế.
Một đặc điểm nữa ở đầu tư vào giáo dục khiến lĩnh vực này đặc biệt so với các ngành kinh tế khác đó là cùng lúc thu hút sự đầu tư từ cả hai phía cung và cầu. Không giống với các hàng hóa vật chất và dịch vụ khác có thể bị bão hòa do cung quá nhiều, cầu trong giáo dục được cho là không bao giờ được thỏa mãn vì sự phát triển của khoa học công nghệ và kiến thức trong giáo dục là không có giới hạn. Sức hút của giáo dục - đào tạo với các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước đến từ chính nhu cầu ngày càng cao của các bậc phụ huynh - những nhà đầu tư đặc biệt, không có nhu cầu hoàn vốn và luôn hào phóng khi đầu tư vào sự nghiệp giáo dục cho con em mình. Theo một khảo sát người tiêu dùng của Nielsen, cha mẹ Việt rất xem trọng tương lai giáo dục của con em và việc chi tiêu cho giáo dục có thể chiếm tới một nửa tổng chi tiêu của gia đình (khoảng 47%). Các bậc phụ huynh cũng có nhiều hơn các sự lựa chọn cho con em mình tại các trường tư chất lượng cao chứ không còn mang nặng tư tưởng phải học trường công như trước. Yêu cầu ngoại ngữ để phát triển công việc của nền kinh tế mở cũng khiến lượng học sinh học tại các trung tâm ngoại ngữ, tư duy ngày càng tăng.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhất là khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thì xu hướng người nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam đã, đang tăng lên đáng kể. Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, có 91,2 nghìn người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam, trong đó có 81,9 nghìn người thuộc diện cấp giấy phép theo quy định của pháp luật Việt Nam vào làm việc theo 4 vị trí là chuyên gia, giám đốc điều hành, lao động kỹ thuật và nhà quản lý. Việc các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm và đề xuất đầu tư vào giáo dục đào tạo cũng phần nào đáp ứng nhu cầu học tập của con em các nhà đầu tư và các doanh nhân đến sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Những cơ sở chất lượng cao theo tiêu chuẩn của những nền giáo dục tiên tiến nhất thế giới này không chỉ dành cho con em người nước ngoài, mà còn thu hút một lượng không nhỏ các gia đình Việt Nam có điều kiện và sẵn sàng chi tiêu vì kỳ vọng vào tương lai con em mình.
Là một nền kinh tế mới nổi, Việt Nam ngày càng tham gia mạnh mẽ vào thị trường toàn cầu, dẫn đến nhu cầu ngày càng tăng về lực lượng lao động chất lượng cao. Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế lại gắn liền với tăng năng suất của lực lượng lao động và giáo dục đào tạo chính là mấu chốt quyết định chất lượng lao động. Vì vậy, đầu tư vào giáo dục được xem là chìa khóa để xây dựng đội ngũ nhân lực này, cũng là để nâng cao tính cạnh tranh của mỗi cá nhân trên thị trường lao động, vì sự tăng trưởng kinh tế - xã hội của quốc gia.
Những đổi mới về chính sách của Quỹ Xã hội Phan Anh trong năm 2024
Nhân dịp trường tiểu học Tùng Ảnh 100 năm tuổi, có mấy người bạn ở quê nói tôi viết bài về trường. Tôi xa quê đã lâu, không biết viết gì, chỉ biết kể lại chuyện của ngày xưa, nhiều chuyện cũng chỉ được nghe bà và mẹ kể lại - Tác giả: Võ Hồng Phúc-Nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Qũy Xã hội Phan Anh là nơi các cá nhân khi tham gia các hoạt động từ thiện đã có thể hoạt động một cách công khai minh bạch, hiệu quả thiết thực nhờ quy định mới và sự hỗ trợ của giải pháp thiện nguyện trên nền tảng số.
Rồi người ta có thể sẽ quên Sangsane, sẽ quên Damrey, sẽ quên Ketsana nhưng Noru thì không. Nó sẽ là cơn bão lịch sử về sức mạnh, về cấp độ lớn nhất từng đổ bộ vào đất liền của Việt Nam. Và tôi cầu mong nó không để lại dấu ấn lịch sử về thiệt hại.
Video được lấy nguồn từ : http://media.baohoabinh.com.vn/50/168...