TIỂU SỬ LUẬT SƯ PHAN ANH
Luật sư Phan Anh sinh ngày 16 tháng 12 năm 1911 (tức ngày 26 tháng 10 năm Tân Hợi). Ông xuất thân trong một gia đình nhà nho ở xã Tùng Ảnh huyện Đức Thọ tỉnh Hà Tĩnh, là nơi phát tích cuộc khởi nghĩa của Đình nguyên Phan Đình Phùng hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi năm 1885.
Năm 1926, ông nhận được học bổng của trường Trung học Bảo hộ (Trường Bưởi) và đã đọc “Bản án chế độ thực dân Pháp” của Nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc. Đỗ Tú tài, học ngành Luật tại trường Đại học Đông Dương Hà Nội, ông chuyên tâm học hành và hoạt động xã hội hướng về dân tộc, về đất nước, chứ không phải chuẩn bị hành nghề kiếm sống “vinh thân phì gia”. Ông tham gia Đảng Xã hội Pháp và là Chủ tịch Tổng hội sinh viên.
Năm 1936 - 1937 ông tổ chức những cuộc vận động quần chúng. Chí hướng của ông là vừa học vừa hoạt động xã hội chuẩn bị cho hoạt động chính trị sau này. Năm 1936 ông vừa học luật vừa dạy văn hóa ở trường Thăng Long (Hà Nội); Tham gia phong trào Dân chủ Đông Dương đấu tranh trên diễn đàn báo chí.
Năm 1937, ông tốt nghiệp cử nhân Luật (ở vị trí thứ hai), sang Pháp học, Luật sư chuyên tâm vào nghiên cứu Pháp lý và đã đạt được kết quả ưu tú, học và thi xong ba bằng Tiến sĩ về Công pháp, Tư pháp và Lịch sử (vì muốn thi Thạc sĩ Luật học phải có ba bằng Tiến sĩ đó).
Năm 1938, Luật sư chuẩn bị trình luận án Thạc sĩ Luật học, thì chiến tranh thế giới lần thứ hai nổ ra, phải bỏ dở việc bảo vệ luận án; Nhưng việc nghiên cứu luật học cũng đã hoàn thành, mang lại cho Luật sư sự hiểu biết đầy đủ về Pháp luật và những nhận thức tiến bộ mới xuất hiện trên thế giới.
Trở về nước, Luật sư ban đầu còn mơ hồ về lực lượng to lớn của công nhân và nông dân trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc. Ở thành thị các tầng lớp khác thì ai nấy đều lo sinh kế, nên ông chỉ trông cậy vào trí thức.
Năm 1940, một nhóm trí thức trong đó có Luật sư được hình thành đã góp tiền mở hai tờ báo: “Thanh Nghị” và “Khoa Học” với mục đích tranh đấu cho nền độc lập dân tộc; Để tránh “kiểm duyệt” tờ báo phải dung hòa bằng nội dung khảo cứu kinh tế văn hóa; Xã hội thời đó gọi là “nhóm Thanh Nghị”.
Song song với việc ra báo Thanh Nghị, viết báo Thanh Nghị; Luật sư vẫn làm việc ở tòa Thượng thẩm và làm Luật sư bào chữa ở tòa Quân sự, một phần vì quan điểm chính trị đấu tranh cho lẽ phải, một phần muốn rèn luyện thêm tay nghề. Hầu như tuần nào Luật sư cũng có mặt ở tòa án Quân sự để bào chữa cho các chiến sĩ cách mạng - những người đã vì đất nước mà đấu tranh quên mình.
Năm 1945 Luật sư tham gia Chính phủ Trần Trọng Kim. Việt Nam cần phải giữ thế trung lập giữa Nhật và Đồng Minh; Chính phủ không thành lập Bộ Quốc phòng để thanh niên Việt Nam không phải vào quân đội tham gia chiến tranh, thay vào đó Chính phủ thành lập Bộ Thanh niên và cử Luật sư làm Bộ trưởng. Luật sư đã chọn Giáo sư Tạ Quang Bửu làm Thứ trưởng Bộ Thanh niên.
Công việc đầu của Bộ Thanh niên là mở trường Thanh niên Tiền Tuyến. Bộ đã bổ nhiệm ông Phan Tử Lăng làm Hiệu trưởng trường Thanh niên Tiền Tuyến. Ở một số địa phương, Bộ Thanh niên tổ chức Thanh niên Xã hội, chọn những Thanh niên trí thức nổi tiếng và có lòng yêu nước làm “Huynh trưởng”, để tập hợp, kêu gọi, giáo dục thanh niên ở địa phương noi gương các anh hùng hào kiệt đời trước mà phát huy tinh thần độc lập dân tộc, tổ chức các hoạt động hướng thiện, phục vụ đồng bào, ...
Được tin Nhật đầu hàng Đồng Minh vô điều kiện, Chính phủ Trần Trọng Kim đệ đơn từ chức lên Nhà vua ngay trong ngày hôm sau. Vua Bảo Đại yêu cầu các thành viên Chính phủ nán lại để tiếp tục một số công việc. Chính phủ Trần Trọng Kim đã làm thêm được hai việc đáng kể: (1) Khuyên vua Bảo Đại đừng cố giữ ngai vàng mà đi ngược trào lưu lịch sử, tránh dựa vào lực lượng bên ngoài gây cảnh “tương tàn cốt nhục”, nên chấp thuận ý nguyện của nhân dân mà “thoái vị”. (2) Kèm theo lời tuyên bố từ chức, trao lại chính quyền cho Nhân dân, Chính phủ Trần Trọng Kim đã đưa ra một danh sách những nhân sĩ trí thức yêu nước có tiếng tăm trong cả nước, phục vụ việc thành lập Nội các mới.
Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, Luật sư cùng Nội các Trần Trọng Kim từ chức. Tháng 9 năm 1945, Luật sư Phan Anh được Chủ tịch Hồ Chi Minh giao nhiệm vụ làm Chủ tịch Hội đồng Kiến thiết quốc gia, ông Bùi Công Trừng làm Phó Chủ tịch Hội đồng. Về đối nội, Hội đồng đã thực hiện chủ trương của cách mạng: rất trân trọng nhân sỹ trí thức yêu nước, động viên giới trí thức tham gia phong trào cách mạng và các hoạt động xã hội, kiên quyết bảo vệ nền độc lập. Về đối ngoại, với những kẻ có âm mưu chia rẽ để tranh phần ảnh hưởng chính trị thì cũng phải thấy Hội đồng Kiến thiết quốc gia - một lực lượng chính trị đang ủng hộ cách mạng, gồm nhiều thành phần khác nhau, nhưng thống nhất về mục tiêu: Bảo vệ và xây dựng Tổ quốc; Công nhận vai trò lãnh tụ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, làm cho uy tín của Hồ Chủ tịch dâng cao từ trong nước ra quốc tế.
Sau ngày bầu cử Quốc hội khóa I ngày 6 tháng 1 năm 1946, Chính phủ Liên hiệp được thành lập, Luật sư nhận lời tham gia Chính phủ với chức danh Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Bên cạnh nhiệm vụ ban hành những sắc lệnh về tổ chức bộ máy quân đội, Luật sư đề nghị Chính phủ cho mở trường đào tạo sĩ quan chỉ huy, Hồ Chủ tịch đã tán thành cho thành lập trường Võ bị Trần Quốc Tuấn và bổ nhiệm ông Hoàng Đạo Thúy làm Giám đốc. Tiêu chuẩn tuyển sinh là những thanh niên đã có bằng thành chung.
Ngày 26 tháng 5 năm 1946 lễ khai giảng khóa đầu tiên được tổ chức với sự có mặt của Hồ Chủ tịch, ông Võ Nguyên Giáp và Luật sư. Bác Hồ đã tặng thầy trò nhà trường lá cờ đỏ thêu dòng chữ: “Trung với nước, hiếu với dân”; Sau này lời dạy đó trở thành tinh thần bất diệt của quân đội nhân dân Việt Nam.
Tháng 7 năm 1946, Luật sư Phan Anh được Chính phủ giao trách nhiệm làm Tổng thuyết trình viên của phái đoàn Chính phủ Việt Nam đàm phán với phái đoàn Chính phủ Pháp tại Hội nghị Fontainebleau (Pháp).
Tháng 9 năm 1946, Luật sư được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ xây dựng “Tạm ước 14 tháng 9 giữa Việt Nam và Pháp”; Theo dõi hai bên thực hiện Tạm ước. Luật sư thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (từ 10 năm 1946 ).
Ngày 19 tháng 12 năm 1946 toàn quốc kháng chiến, Luật sư lên Việt Bắc tham gia kháng chiến với tư cách “Người cán bộ” chứ không phải tư cách Bộ trưởng. Cuộc họp Chính phủ Kháng chiến kỳ giáp Tết Đinh Hợi (1947), Bác Hồ bổ nhiệm Luật sư Phan Anh làm Bộ trưởng Bộ Kinh tế, tham gia Hội đồng Quốc phòng tối cao. Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp đảm trách thêm nhiệm vụ Ủy viên Trung ương Mặt trận Liên Việt. Tham gia Hội nghị Genève lập lại hòa bình ở ba nước Đông Dương.
Luật sư Phan Anh đã nhiều năm tiếp tục hoạt động công tác trong Chính quyền cụ Hồ.
Thời gian 20 năm chống Mỹ cứu nước, Luật sư Phan Anh giữ trách nhiệm Bộ trưởng Bộ Công thương (năm 1954). Bộ trưởng Bộ Ngoại thương (năm 1958). Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Luật gia Dân chủ quốc tế (đến năm 1986). Ủy viên đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Trong 15 năm sau khi nước nhà được thống nhất, Luật sư Phan Anh là: Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam. Đại biểu Quốc hội (khóa II đến khóa VIII); Phó Chủ tịch Quốc hội khóa VII, tham gia Ban chấp hành Liên minh Quốc hội thế giới (UIP). Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Hòa bình của Việt Nam kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng Hòa bình thế giới cho đến khi qua đời.
Cuộc đời Luật sư Phan Anh sống rất đẹp và có ý nghĩa cho đến ngày tạ thế.
Luật sư rất đồng tình với bài cụ Hồ trả lời các phóng viên đến phỏng vấn “Cụ là ai ?”:
“Học thuyết Khổng Tử có ưu điểm của nó là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo Giêsu có ưu điểm của nó là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Các Mác có ưu điểm của nó là phương pháp làm việc biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm là chính sách của nó phù hợp với điều kiện nước ta. Khổng Tử, Giêsu, Các Mác, Tôn Dật Tiên chẳng đã có những điều chung đó sao ?; Họ đều muốn mưu cầu hạnh phúc cho loài người, mưu cầu phúc lợi cho xã hội. Nếu hôm nay Họ còn sống trên đời này, Họ họp lại một chỗ, tôi tin rằng Họ nhất định chung sống với nhau rất hoàn mỹ như những người bạn thân thiết. Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy. Tôi chính là tôi ngày trước: Một người yêu nước”.
Tổng kết 30 năm công tác chính quyền với trách nhiệm Bộ trưởng trong Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa rồi nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Luật sư đã được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng nhất, Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhất, Huân chương Đại Đoàn kết dân tộc, ... Thủ tướng Phạm Văn Đồng cùng một chiến hào trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ rất khốc liệt đã đánh giá Luật sư Phan Anh bằng cụm từ ngắn gọn “Trọn vẹn”.
Tiếp thêm 15 năm công tác chính trị “đấu tranh bảo vệ hòa bình thế giới”, “xây dựng thế giới hòa bình đối thoại và hợp tác”, Luật sư Phan Anh được Liên hợp Quốc tặng Kỷ niệm chương Bảo vệ hòa bình. Hội đồng Hòa bình thế giới tặng Huy chương Vàng Joliot Curie và Huy chương Vì những cống hiến cho sự nghiệp xây đắp tình hữu nghị. Đoàn Chủ tịch Xô viết tối cao Liên Xô tặng Huân chương Hữu nghị giữa các dân tộc; Kỷ niệm chương 100 năm ngày sinh V.I. Lênin; Kỷ niệm chương 40 năm chiến thắng trong cuộc chiến tranh Bảo vệ Tổ quốc vĩ đại (1941-1945).
Vào dịp Luật sư tròn 75 tuổi, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ hòa bình của Liên Xô đã có thư chúc mừng, trong đó có đoạn viết: “Trong nhiều năm công tác có hiệu quả, chúng tôi thấy đồng chí ở vị trí hàng đầu của phong trào Hòa bình thế giới. Hoạt động của đồng chí trên cương vị Phó Chủ tịch Hội đồng Hòa bình thế giới góp phần thống nhất những cố gắng của dư luận thế giới trong cuộc đấu tranh nhằm cứu nhân loại khỏi nguy cơ hạt nhân và củng cố an ninh các dân tộc. Dư luận Liên Xô, những chiến sỹ trong phong trào Hòa bình ở Liên Xô coi đồng chí là người bạn của đất nước chúng tôi - một nhà hoạt động xã hội và nhà nước - một nhân vật quốc tế - một chiến sỹ đấu tranh không mệt mỏi cho tự do và độc lập của Tổ quốc, cống hiến hết sức lực cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội trên đất nước Việt Nam” ...
Vào ngày Luật sư tạ thế, Chủ tịch Hội đồng Hòa bình thế giới gửi điện đến Việt Nam. Bức điện có đoạn viết: “Ông Phan Anh đã đóng góp một cách xuất sắc cho phong trào Hòa bình thế giới và giải trừ quân bị, phát triển độc lập dân tộc, chủ quyền lãnh thổ, nhân quyền, công lý xã hội. Là một Luật gia thông thái, ông đã đóng góp vai trò quan trọng trong sự nhấn mạnh của điều lệ và luật pháp. Ông đã bảo vệ trên diễn đàn quốc tế quan điểm phải làm cho luật pháp và dân chủ trở thành đồng nghĩa trong quan hệ quốc tế, qua đối thoại, chứ không qua đối đầu, bằng cách thiết lập một trật tự dân chủ mới, kinh tế mới” …
Trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, Luật sư Phan Anh đã được Tổ quốc tin cậy giao nhiều trọng trách. Hội đồng Hòa bình thế giới, Hội Luật gia dân chủ quốc tế hết sức tín nhiệm. Dù ở bất cứ cương vị nào, nhận nhiệm vụ gì, Luật sư Phan Anh hết sức tận tâm, tận lực và tận tụy, đã đem hết trí tuệ của mình ra phụng sự đất nước và phục vụ nhân loại, để lại dấu ấn trong lòng mọi người sự kính trọng về tinh thần và hiệu quả làm việc. Luật sư luôn giữ nếp sống chân thành, trung thực, tận tụy và liêm chính của một Người trí thức đích thực.
Luật sư Phan Anh tạ thế ngày 28 tháng 6 năm 1990 (tức ngày 6 tháng 5 năm Canh Ngọ) tại Hà Nội. Tên “Phan Anh” đã được các thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế và tỉnh Hà Tĩnh đặt tên một đường phố tại địa phương.
Madame Do Hong Chinh - Chairperson of the Foundation
Historian Duong Trung Quoc
Professor. Dr. Le Minh Tam
PhD. Nguyen Si Dung
Journalist. Hong Thanh Quang
Poet. Bang Viet
FCPA (Australia) CPA (Vietnam)