Tin tức
TRƯỜNG TIỂU HỌC TÙNG ẢNH 100 TUỔI
Nhân dịp trường tiểu học Tùng Ảnh 100 năm tuổi, có mấy người bạn ở quê nói tôi viết bài về trường. Tôi xa quê đã lâu, không biết viết gì, chỉ biết kể lại chuyện của ngày xưa, nhiều chuyện cũng chỉ được nghe bà và mẹ kể lại - Tác giả: Võ Hồng Phúc-Nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

 

Tháng 11 năm nay, trường Tiểu học xã Tùng Ảnh, Đức Thọ, Hà Tĩnh kỷ niệm 100 năm ngày thành lập. Trường được thành lập năm 1923 bởi quyết định của Đốc học Hà Tĩnh, với tên ban đầu là Trường Kiêm bị Đông Thái, ít năm sau nâng lên là Trường Tiểu học Đông Thái
      Quê tôi vốn là vùng đất hiếu học. Thời  nho giáo thịnh hành, đó là vùng đất khoa bảng. Trên một vùng đất của xã Tùng Ảnh ngày nay có đến hai văn chỉ, dân làng gọi là Nhà Thánh Yên Trung và Nhà Thánh Yên Đồng, là nơi thờ Khổng Tử cũng là nơi để các nhà nho bình văn bình thơ và dạy học. 
      Khi phong trào học chữ Quốc ngữ và cải cách giáo dục phát triển mạnh, năm 1919 vua Khải Định quyết định kỳ thi Hội cuối cùng, kết thúc nền giáo dục khoa cử theo nho học. Dân trong vùng lại cho con em theo học chương trình giáo dục mới. Theo chương trình học mới thì phải đi xa, lên phủ lên tỉnh. Làng Đông Thái thời đó có nhiều người làm việc ở các nơi, mong muốn đào tạo con em của mình theo xu hướng phát triển của thời đại, mới đề nghị cho lập trường tiểu học Đông Thái theo mô hình bán công bán tư, nhà nước chỉ trả lương cho các thầy giáo. Thời gian đầu trường chỉ có mấy lớp đầu của bậc tiểu học nên được gọi là Trưởng Kiêm bị Đông Thái, ít năm sau  có đầy đủ các lớp của bậc tiểu học mới được gọi là trường Tiểu học Đông Thái. Buổi đầu mới mờ trường chỉ có thầy giáo cho các lớp, không có bộ phận quản lý. Thầy giáo thường là người trong làng, phải được đào tạo theo quy định. Khi làm thầy giáo tiểu học thì được gọi là trợ giáo, ăn lương trợ giáo, làng thường gọi là anh “Trợ”, hoặc ông “Trợ”, tuỳ theo tuổi tác, giống như làm thừa phái thì gọi là ông “thừa”, anh “thừa”, làm tham biện thì gọi là ông “tham”, anh “tham”. Khi nâng lên tiểu học thì có hiệu trưởng và người quản lý. 
   Trường học thuở ban đầu thì lấy đình làng, đền Cao Các, các Nhà Thánh làm cơ sở. Sau đó dân 5 làng Tùng Ảnh, Trinh Nguyên, Đông Thái, Yên Hội, Yên Nội cùng đóng góp xây nhà lợp ngói tường gạch gần sân vận động cạnh chợ Hạ, nằm dọc theo bờ đê, giữa hai làng Trinh Nguyên và Đông Thái. Trường rất đẹp và khang trang. Năm 1947 mặt trận Bình Trị Thiên bị vỡ , Trường Quốc học Huế tản cư ra Châu Phong, trường nhượng một phần đất và nhà để xây dựng trường Chuyên Khoa. Trận Pháp ném bom 1951 trường bị phá hỏng, học sinh tiểu học lại về học ở các nhà Thánh, đình, đền. Trường Chuyên Khoa thì dời sang Đô Lương. 
    Trường mang tên Đông Thái vì là người Đông Thái khởi xướng, lại là làng nổi tiếng nhất trong 5 làng thời đó, có đến 3 Tổng Đốc và nhiều quan lại đỡ đầu cho việc thành lập trường! Việc thành lập trường Tiểu học Đông Thái thời điểm đó cũng là một đặc cách, vì lúc đó ở mỗi tỉnh chỉ có bốn năm trường tiểu học!    Trường mang tên Đông Thái nhưng học sinh là con trẻ của tất cả các làng Tùng Ảnh, Trinh Nguyên, Yên Hội, Yên Nội. Vì  dân cả 5 làng qua quan hệ thông gia, họ hàng rất gằn bó với nhau , quê nội làng này nhưng quê ngoại thì ở làng kìa. Năm làng như một! Con em của một số làng ở xa hơn cũng được nhận vào học. 
    Năm 1945 xã đổi tên là xã Châu Phong, trường cũng đổi tên theo, gọi là trường tiểu học Châu Phong, rồi trưởng Cấp 1 Châu Phong vì từ lâu đã là nơi học của con em cả xã .
    Tháng 9 năm 1954, tôi vào học lớp 1 ở trường. Vì chiến tranh nên mẹ tôi cho tôi đi học chậm 1 năm, em trai tôi kém tôi 18 tháng nên mẹ cho đi học cùng. Năm đó hai anh em vào cùng một lớp. 


     Bốn năm học ở đó tôi chỉ học với hai thầy, thầy Hân và thầy Tộ ( thầy Dương Bá Tộ). Thầy Hân dạy lớp 1 và lớp 2 , là thầy giáo cũ , trước đây được gọi là trợ giáo, nên người làng vẫn gọi là ông Trợ Hân. Chúng tôi thì gọi là thầy Trợ Hân. Thầy bảo đừng gọi như thế, chỉ gọi là thầy Hân thôi, bây giờ chế độ mới, không còn là “ trợ” nữa! Chúng tôi vẫn quen miệng gọi là: thầy Trợ Hân , bị thầy mắng. Tập mãi mới bỏ được chữ “Trợ”, chỉ gọi là thầy Hân! 
Học xong lớp 1, đang nghỉ hè thì cải cách ruộng đất. Tháng 9 khai giảng năm học 1955-1956 tôi lên lớp 2 thì đang là cao trào của đấu tố . Nhà tôi thuộc giai cấp bóc lột nên mẹ và bà nội bị đấu tố, nhà bị bao vây, cả nhà bị đói. Hai anh em chúng tôi không được đến trường. Mẹ dạy học cho chúng tôi ở nhà. Tháng 11 xong cải cách ruộng đất, nhà tôi không bị quy là địa chủ, nhờ sự cưu mang của dân làng nên mọi người vượt qua được nạn đói khi bị bao vây. Tháng 11 /1955 mẹ đưa hai anh em chúng tôi đến trường gặp thầy Hân, nói việc dạy chúng tôi học ở nhà, thầy lại cho chúng tôi theo học cùng các bạn, mặc dù nhập học chậm hơn hai tháng. Đúng là kiểu trường làng ngày xưa. 
   Lên lớp 3 và lớp 4 chúng tôi học với thầy Dương Bá Tộ , một thầy giáo trẻ, hồi đó khoảng dưới  30 tuổi. Nhà thầy ở đầu làng, một ngôi nhà tranh 3 gian. Thầy dạy tất cả các môn, với một giọng nói chậm rãi, rõ ràng , nhẹ nhàng, cung cách của những nhà giáo ngày đó! 
    Năm 1958 chúng tôi lên cấp 2, chia tay mái trường tuổi thơ, mái trường ở Nhà Thánh Yên Đồng và Nhà Thánh Yên Trung , Trường tiểu học Đông Thái- Truong cấp 1 Châu Phong- Trường Tiểu học Tùng Ảnh ngày nay-  Một trường Tiểu học nay đã 100 tuổi!
   Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập, xin chúc các thầy cô giáo và học sinh trường Tiểu học Tùng Ảnh phát huy những thành tựu tốt đẹp 100 năm qua , kế tục truyền thống của vùng quê hiếu học, đào tạo thế hệ trẻ trở thành những người có ích cho đất nước, phụng sự tổ quốc và nhân dân!

Bài viết liên quan
04/09/2024
Thay đổi chính sách Quỹ Xã hội Phan Anh

Những đổi mới về chính sách của Quỹ Xã hội Phan Anh trong năm 2024

Cá nhân tham gia vận động, ủng hộ và quyên góp từ thiện: Qũy Xã hội Phan Anh luôn hướng tới sự minh bạch, sự chuyên nghiệp

Qũy Xã hội Phan Anh là nơi các cá nhân khi tham gia các hoạt động từ thiện đã có thể hoạt động một cách công khai minh bạch, hiệu quả thiết thực nhờ quy định mới và sự hỗ trợ của giải pháp thiện nguyện trên nền tảng số.

Siêu bão Noru liên tục mạnh lên, miền Trung bắt đầu mưa lớn

Rồi người ta có thể sẽ quên Sangsane, sẽ quên Damrey, sẽ quên Ketsana nhưng Noru thì không. Nó sẽ là cơn bão lịch sử về sức mạnh, về cấp độ lớn nhất từng đổ bộ vào đất liền của Việt Nam. Và tôi cầu mong nó không để lại dấu ấn lịch sử về thiệt hại.

Đặc sắc Chương trình nghệ thuật “Hòa Bình - Thanh âm xứ Mường” và Carnival năm 2022

Video được lấy nguồn từ : http://media.baohoabinh.com.vn/50/168...

Hoạt động từ thiện phải mở sổ kế toán, minh bạch thông tin

Nguồn: (Chinhphu.vn) - Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 41/2022/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán áp dụng cho các hoạt động xã hội, từ thiện có hiệu lực từ 1/9 tới.