Tin hoạt động của Qũy
Dự án Bến Tam Soa
Dự án được chia thành 2 giai đoạn thực hiện,BẢN ĐỒ QUY HOẠCH ĐANG ĐƯỢC GÓP Ý KIẾN

ĐỀ XUẤT DỰ ÁN BẾN TAM SOA

I. Chủ trì: Quỹ Xã hội Phan Anh và UBND Huyện Đức Thọ-Tỉnh Hà Tĩnh

II. Mục đích, yêu cầu: Dự án Bến Tam Soa cần phải xứng tầm với tầm vóc và tiềm năng của việc hợp tác giữa Quỹ và Huyện.  Do vậy, Dự án cần đạt được các mục tiêu về chất lượng cả về chiều sâu lẫn chiều rộng. Khi thực hiện Dự án sẽ tạo ra hệ sinh thái có tính bền vững cao và luôn có điều kiện mở rộng, phát triển cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, công nghệ và nhu cầu ngày càng nâng cao của người dân và cùng với nhu cầu phát triển của kinh tế, xã hội tại địa phương.

III. Nội dung đầu tư

Dự án có thể được chia ra làm 2 phần chính (có thể được chia thành 2 giai đoạn thực hiện).

1.Phần 1: Đầu tư xây dựng một quần thể du lịch sinh thái, lịch sử, văn hóa, cảnh quan môi trường mang đậm truyền thống văn hóa địa phương đồng thời cũng đạt được các tiêu chí hiện đại, bền vững và luôn có khả năng mở rộng, nâng cấp theo yêu cầu của thực tiễn. Phần 1 này ngoài việc đầu tư điểm nhấn về du lịch sinh thái, môi trường tại chính Bến Tam Soa, Dự án cũng đồng thời tôn tạo các di tích danh thắng về văn hóa, lich sử, cảnh quan môi trường khác  tại địa phương, tạo hệ thống các điểm đến cho các tour tuyến du lịch. Phần 1 có thể được phân ra thanh 3 phân khu chức năng.

- Phân khu 1: Khu Vườn lịch sử dân tộc (có thể được thay chữ Vườn bằng chữ Rừng). Ý đồ đầu tư là quy hoạch một vùng sinh thái trên diện tích hàng chục héc –ta, chạy dài từ khu vực Bến Tam Soa đến tới vùng đồi núi lân cận (do các chuyên gia quy hoạch cân nhắc) nhằm di chuyển các cây cổ thụ từ các nơi khác trên địa bàn Tỉnh tới trồng tại khu vực này. Bắt đầu từ vài trăm cây đến hàng nghìn cây. Khu Vườn lịch sử dân tộc được kéo dài có thể tới nhiều km nhằm thể hiện dòng chảy của lịch sử dân tộc Việt Nam từ cận đại trở về cội nguồn từ thời kỳ Vua Hùng dựng nước. Ý tưởng này nhằm đạt tới 3 mục tiêu chính: (1) Tạo dựng cho các thế hệ hiện nay và mai sau biết tới một cách sống động về dòng chảy của lịch sự dựng nước và giữ nước của tổ tiên, ông cha; (2) Trực tiếp bảo tồn các cây cổ thụ quý hiếm trong vùng, tạo môi trường sinh thái cảnh quan. Thông qua quy hoạch và thổi hồn lịch sử vào rừng cây cổ thụ sẽ tạo điều kiện nuôi dưỡng và bảo vệ nguồn gen thực vật quý hiếm trong môi trường tự nhiên một cách bền vững lầu dài và an toàn có thể kéo dài tới nhiều thế hệ tiếp theo; (3). Tạo ra một loại hình du lich độc đáo, mới mẻ để thu hút khách du lịch từ trẻ em đến người cao tuổi, trong và ngoài nước và đặc biệt là kiều bào ta ở hải ngoại. Khơi dậy lòng tự tôn và tự hào dân tộc của các thế hệ người con đất Việt.

Cùng với việc nuôi trồng rừng cây cổ thụ Dự án sẽ quy hoạch, xây dựng các trạm dừng chân  một cách khoa học và  phù hợp với “ý tưởng  dòng chảy lịch sử” của Dự án.  Nơi này vừa là các trạm dừng chân cho du khách nghỉ ngơi mà còn là nơi học tập, tìm hiểu, tra cứu các sự kiện đã xảy ra trên dòng chảy của lịch sử theo từng giai đoạn. Các trạm dừng chân này được đầu tư các phòng chiếu phim kiêm thư viện, bảo tàng ảo, nhằm tái hiện lại từng giai đoạn lịch sử. Nơi này cũng có thể có thể trưng bày một số hiện vật lịch sử đang nằm trong kho của các viện bảo tàng tại các địa phương trên cả nước vốn ít có cơ hội trưng bày cho công chúng chiêm ngưỡng. Hội Khoa học Lịch sử sẽ là nhà tư vấn chính cho các nội dung có tính lịch sử cho hệ thống các trạm dừng chân này.  Nhà đầu tư và các cấp chính quyền địa phương sẽ xây dựng các cơ chế thông thoáng nhất để người dân thuộc mọi miền Tổ quốc và đặc biệt là kiều bào ta ở nước ngoài sẽ có điều kiện thuận lợi nhất để có thể trực tiếp đóng góp cả về vật chất và tinh thần cho Dự án.

(Ý tưởng này Quỹ lĩnh hội từ các nhà nghiên cứu khoa học lịch sử trong và ngoài nước. Nếu ý tưởng này được triển khai tại huyện Đức Thọ - Hà Tĩnh thì nhà đầu tư và các cấp chính quyền cần xin phép bản quyền để triển khai trên thực địa).

Phân khu 2 : Là khu sinh hoạt công cộng về văn hóa, thể thao, giải trí, ẩm thực … thông qua việc đầu tư trên thực địa các ý tưởng kiến trúc độc đáo đậm chất truyền thống văn hóa Việt  Nam đã đạt được các giải thưởng kiến trúc trong nước và quốc tế. Khu ngày được xác định sẽ đặt ngay tại trung tâm khu vực mũi của Bến Tam Soa, điểm nhấn khởi đầu của Dự án. Các công trình kiến trúc nơi đây vừa đảm bảo sự vững chắc lâu dài nhưng lại được mang kiểu dáng độc đáo, đậm nét văn hóa truyền thống và sử dụng các vật liệu tại địa phương như gỗ, tranh, tre nứa để làm, dù chỉ là ốp bọc ngoài, nhằm tôn lên vẻ đẹp truyền thống, gần gũi với môi trường. Ngoài việc xây dựng theo các bản thiết kế đã được giải thưởng và chính tác giả được giải thưởng này sẽ thiết kế lại phù hợp với không gian Bến Tam Soa (có tính tới các công năng mà nhà đầu tư dự định đưa các dịch vụ vào không gian bên trong khu kiến trúc). Khu vực này cũng sẽ giành cho các ý tưởng kiến trúc độc đáo mới lạ trong tương lai của các kiến trúc sư Việt Nam và quốc tế. Tức là việc đầu tư sẽ tạo không gian mở cho sự phát triển của tương lai. Khoảng không gian cho các công trình trong tương lai sẽ được đầu tư cảnh quan, vười cây, hoa đẹp để không tạo cảm giác không gian trống khi chưa đầu tư các công trình mới. Mục tiêu cần đạt được là thu hút được những kiến trúc sư giỏi, sáng tạo và nổi tiếng đến với Dự án để làm cho Dự án không ngừng được nâng cấp và đổi mới. Điều này cũng đòi hỏi công tác quy hoạch ngay từ đầu cần phải được thực hiện một cách rất khoa học. Tuy các công trình kiến trúc độc đáo là điểm nhấn của phân khu này nhưng việc đầu tư vào cảnh quan, môi trường sinh thái cho phân khu cũng cần được quan tâm đặc biệt, tạo ra những ngôn ngữ cao về thẩm mỹ, có sự kết hợp hài hòa giữa cảnh quan (landscape) với các công trình xây dựng sẽ đảm bảo thành công cho Dự án.

Phân khu 3: Khu resort bất động sản 5 đến 6 sao nằm bên cạnh phân phu 2. Khu này mang đậm yếu tố du lịch, nghỉ ngơi, giải trí cao cấp. Ý nghĩa của việc đầu tư của khu này là biến nó trở thành bộ phận không thể tách rời của 2 phân khu 1 và 2. Việc đầu tư tại Dự án Resort tuyệt đối tránh xây dựng các công trình quá đồ sộ, to lớn. Ngược lại, chỉ xây dựng các biệt thự từ 1 đến 2 tầng, nằm dưới tán cây và được bao quanh bởi nhưng vườn hoa, cây cảnh được đầu tư chọn lọc kỹ càng. Thêm vào đó, quy hoạch ở đây cần xây dựng một hệ thống kênh, rạch, hồ sen nhân tạo vừa để tạo cảnh quan, tạo không gian vi khí hậu cho từng địa điểm và toàn bộ tổng thể toàn khu.  Phân khu này sẽ hỗ trợ đắc lực cho cả phân khu 1 và 2. Tại khu resort việc xây dựng các bể bơi lớn và mini sẽ được chú trọng đặc biệt. Đầu tư bến thuyền và các phương tiện vận chuyển sinh thái đường bộ và đường sông để tạo nên các tour tuyến phục vụ khách du lịch một cách hiện đại và bảo vệ môi trường sinh thái.

Chất lượng cơ sở hạ tầng của giai đoạn 1 này có ý nghĩa quan trọng đặc biệt. Các yếu tố cơ bản nhất cần quan tâm là:

a.      Độ cao của nền móng của các phân khu 1, 2 , 3 sẽ đảm bảo cao hơn đỉnh lũ cao nhất tại địa phương từ 1 đến 2 m;  vừa để chống lụt vừa để thoát úng nhanh chóng;

b.      Vấn đề hạ tầng xử lý nước thải, thoát nước mặt, nước sinh hoạt và xử lý rác thải, phòng chữa cháy cần đạt được các tiêu chuẩn cao nhất;

c.      Đảm bảo sự tương thích tố đa có thể cho việc đầu tư phần 2 trong tương lai. Thí dụ đầu tư vào năng lượng sạch (điện gió, điện mặt trời, v,v… )

 2. Phần 2. Giai đoạn đầu tư trong tương lai: Thiết lập các dự án độc lập về môi trường, sinh thái như bảo vệ nguồn nước thiên nhiên và nguồn nước sinh hoạt cho các nhu cầu trong và ngoài huyện Đức Thọ; xử lý nước thải rác thải cho toàn vùng. Đầu tư phát triển năng lượng tái tạo điện gió nếu điều kiên thực tế cho phép. Tôn tạo cảnh quan môi trường của các khu vực lân cận. (Cần lưu ý các Dự án thuộc hạng mục 2 này sẽ dựa trên nền tảng tài chính là các nguốn vốn ODA, các khoản cho vay ưu đãi và viện trợ không hoàn lại của các định chế tài chính quốc tế và các quốc gia phát triển).

Do các hạng mục đầu tư của phần 2 chủ yếu là do các tổ chức đa biên (Liên hiệp quốc ,WB , IMF) và song biên tài trợ nên Chính phủ TW và chính quyền địa phương sẽ tuân thủ các quy định của nguồn tài trợ, nên trước mắt Dự án không nói nhiều về phần này. Tuy vậy, đây sẽ là hệ quả rất quan trọng mà việc đầu tư tại các hạng mục của phần 1 mang lại. Các bên có liên quan cần tận dụng cơ hội này để tạo thêm cú hích cho sự phát triển bền vững và lâu dài. Trong các hạng mục có thể đầu tư là phần năng lượng sạch (gió, mặt trời …). Đây là lĩnh vực cần được quan tâm thích đáng. Cùng với lĩnh vực này thì các dự án bảo vệ nguồn nước (nước đầu nguồn) cũng là một vấn đề sinh thái rất quan trọng cho tính bền vững của sự phát triển. Do vậy, sự quan tâm của quốc tế sẽ rất quan trọng. Nếu các điều kiện khách quan cho phép thì địa phương có thể thu hút được thêm hàng trăm triệu USD đầu tư cho các dự án này với các điều kiện ưu đãi đặc biệt (hiện nay cố vấn tài chính của Quỹ là ngài Ken Atkinson sẽ là một đầu mối quan trọng để các công việc đầy tư được kết nối với các nguồn tài chính quốc tế khác nhau).

IV. Lựa chọn hình thức đầu tư cho phần 1

Hiên nay đang tồn tại các hình thức đầu tư như FDI, Hợp tác kinh doanh, PPP, BOT, BT. Quỹ Phan Anh khuyến nghị việc đầu tư phần 1 nên được triển khai dưới dạng BOT. Hình thức BOT thông thường chỉ giành cho các công trình giao thông, công nghiệp nặng, cơ sở hạ tầng về năng lượng….rất ít khi áp dụng cho các dự án đầu tư nêu ở phần trên. Tuy vậy, Quỹ vẫn khuyến nghị áp dụng hình thức này vì:

- Đây là một công trình lớn, tác động mạnh và trực tiếp tới các mặt sinh thái, môi trường, kinh tế xã hội, văn hóa, du lịch… của địa phương. Mục tiêu của Dự án là tạo cú hích về các mặt nói trên cho sự phát triển của địa phương;

- Dự án sẽ tận dụng tối đa các thành quả của công nghệ 4.0 trong toàn bộ quá trình triển khai và kinh doanh.

- Dự án này chỉ là sự khởi đầu cho các dự án tiếp theo và đặc biệt nó sẽ thường xuyên được mở rộng và nâng cấp theo yêu cầu của sự phát triển;

- Dự án cũng là nơi đào tạo trên thực tế cho đội ngũ quản lý tại địa phương trong suốt quá trình hình thành và khai thác.

- Dự án cần gắn liền với uy tín và tạo nên thuơng hiệu của các thế hệ lãnh đạo tại địa phương.

Từ các đặc điểm nêu trên Quỹ và Lãnh đạo của tỉnh Hà Tĩnh và huyện Đức Thọ cần tìm ra các giải pháp để đạt được mục tiêu này.

 V. Nguồn tài chính

Theo kinh nghiệm đối với các dự án muốn đạt được các mục tiêu tham vọng nêu trên thì nguồn tài chính ban đầu cho Dự án này cần đạt được mức khoảng 1000 tỷ VND, tương đương với khoảng 50 triệu USD. Quỹ và Huyện cần tạo dựng được các phương án xã hội hóa nhằm không những đảm bảo nguồn tài chính ban đầu mà cho sự mở rộng và nâng cấp Dự án.

D. Giải pháp thực hiện

Hiện nay Quỹ đã nhận được sự chấp thuận về nguyên tắc của một doanh nghiệp (sau đây gọi là Doanh nghiệp) có thể tham gia đầu tư cùng lúc vào cả 3 phân khu của Dự án (nên tránh việc lựa chọn nhiều doanh nghiệp để tạo ra sự thiếu đồng bộ trong công tác quy hoạch và triển khai). Doanh nghiệp này với sự hỗ trợ mạnh mẽ của Quỹ Phan Anh có khả năng thu xếp được nguồn tài chính lên tới khoảng 50 triệu USD. Doanh nghiệp đang chờ đợi các đề xuất từ phía Huyện và Quỹ đối thiết lập cơ chế về quyền lợi, sự hỗ trợ để xác định nghĩa vụ của họ khi tham gia đầu tư vào Dự án.

Trong trường hợp 3 bên: Địa phương, Quỹ và Doanh nghiệp thống nhất được cơ chế đầu tư cho Dự án thì việc triển khai Dự án cần được thực hiện theo các bước như dưới đây.

1.      Huyện và Quỹ làm Tờ trình xin Tỉnh chấp nhận chủ trương đầu tư.

2.       Ba bên Huyện + Quỹ + Doanh nghiệp ký hợp đồng BOT.

3.      Triển khai ngay làm công tác quy hoạch. Trong công đoạn này, Huyện và Quỹ sẽ trực tiếp cùng tham gia với Doanh nghiệp để đảm bảo các tiêu chí bền vững, sinh thái môi trường (Vai trò của Doanh nghiệp trong giai đoạn này chủ yếu là đảm bảo tài chính để thanh toán cho các công tác làm quy hoạch trong đó có cả sự tham gia đầy đủ của các cơ quan của Huyện và Tỉnh trong việc đưa ra các thông số về đất đai thổ nhưỡng, khí hậu cùng các tiêu chí về sinh thái, môi trường mà Dự án phải đạt được. Tiếp theo Huyện và Quỹ sẽ hỗ trợ và kết hợp chặt chẽ với Doanh nghiệp để lựa chọn các tổ chức và cá nhân có uy tín, trình độ chuyên môn cao có thể đáp ứng được các tiêu chí cao mà Dự án đề ra. Địa phương và Quỹ cùng Doanh nghiệp tổ chức các buổi giải trình để các cấp có thẩm quyền thông qua các bản quy hoạch 1/2000 và 1/500 của Dự án.

4.      Huyện và Quỹ sẽ thường xuyên hỗ trợ, giám sát Doanh nghiệp trong suốt quá trình đầu tư. Quỹ sẽ huy động các mối quan hệ sẵn có để giúp Doanh nghiệp có thể hợp tác được với các định chế tài chính quốc tế và trong nước cũng như các chuyên gia quốc tế có uy tín trong các lĩnh vực bảo vệ sinh thái môi trường để việc đầu tư luôn được liên tục và với chất lượng cao, đi đúng hướng và phù hợp với các tiêu chí hỗ trợ các dự án phi lợi nhuận của Liên Hợp quốc và các định chế tài chính quốc tế đa biên khác.

 

Hình ảnh toàn cảnh Bến Tam Soa

 

Video toàn cảnh Bến Tam Soa nhìn từ trên cao

 

BẢN ĐỒ QUY HOẠCH ĐANG ĐƯỢC GÓP Ý KIẾN

 

 

 

MỘT SỐ HÌNH ẢNH CỦA BUỔI LÀM VIỆC VÀ KHẢO SÁT THỰC TẾ CỦA 

LÃNH ĐẠO QUỸ XÃ HỘI PHAN ANH VÀ LÃNH ĐẠO HUYỆN ĐỨC THỌ

 

 

 

 

Bài viết liên quan
Kính gửi cộng đồng các nhà hảo tâm

Quỹ Xã hội Phan Anh Đã kêu gọi thành công đợt đầu, quyên góp cho Dự án học bổng: “HỖ TRỢ HỌC SINH NGHÈO VƯỢT KHÓ”

Trao học bổng cho học sinh vượt khó và tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện

Sáng 29/3/2024, Quỹ Xã hội Phan Anh phối hợp với trường THPT Trần Phú, tổ chức trao quà cho học sinh vượt khó và tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện, trao giải thưởng cuộc thi "Vẽ tranh thư viện, tô điểm tri thức".

03/15/2024
CẢM NHẬN CỦA HỌC SINH ĐƯỢC NHẬN HỌC BỔNG TIẾNG ANH TỪ QUỸ XÃ HỘI PHAN ANH

Kể từ khi thành lập cho tới nay, Quỹ xã hội Phan Anh luôn xác định sứ mệnh phát triển và trau dồi kỹ năng toàn diện đối với những bạn trẻ, đặc biệt là học sinh vượt khó. Chình vì vậy, Quỹ đã tổ chức nhiều chương trình hỗ trợ, cấp học bổng cho các bạn học sinh có tinh thần học tập nhưng hoàn cảnh còn khó khăn, tạo điều kiện cho các em có cơ hội được hưởng những chương trình đào tạo toàn diện nhất.

03/13/2024
🎓 DANH SÁCH CÁC HỌC SINH ĐÃ NHẬN HỌC BỔNG TỪ QUỸ XÃ HỘI PHAN ANH 🎓

Trong năm vừa qua, 2023 quỹ đã thực hiện một số các chương trình thiện nguyện tiêu biểu như trao học bổng cho 12 em tại huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh

03/04/2024
🎨 KHỞI ĐỘNG VÒNG BÌNH CHỌN CUỘC THI “TRANG TRÍ THƯ VIỆN - ĐIỂM TÔ TRI THỨC”

🌻 Một bức tranh đẹp cũng như một nghĩa cử cao đẹp - Vincent Van Gogh 🏞

BUỔI GẶP MẶT CUỐI NĂM CỦA BAN LÃNH ĐẠO QUỸ XÃ HỘI PHAN ANH

Nhân dịp kết thúc năm Quý Mão và chuẩn bị bước sang năm Giáp Thìn, các sáng lập viên và ban cố vấn của Quỹ Xã hội Phan Anh đã đến dự buổi gặp mặt tại trụ sở Quỹ.