Luật Sư Việt Nam
Thái Văn Lung, một chiến sĩ chống Pháp bất khuất
(Stxdd.thanhuytphcm.vn) – Luật sư Thái Văn Lung là một trong những người tham gia kháng chiến chống Pháp có địa vị đặc biệt và đã thể hiện tinh thần chiến đấu và hy sinh đầy quả cảm. Nhiều người biết đến Thái Văn Lung qua giới thiệu trong cuốn Nam bộ, những nhân vật một thời vang bóng của Nguyên Hùng (Nhà xuất bản Công an nhân dân, 2003), ở chương IV, có tên rất hay là “Các thầy kiện khoác áo chiến bào”.
Luật sư Thái Văn Lung (1916 - 1946).
Ngay sau khi Thái Văn Lung hy sinh, báo Cứu quốc số 294, ra ngày 17/7/1946, đã đăng bài viết của Trưởng ban Thường trực Quốc hội Nguyễn Văn Tố có tiêu đề: Một cái tang đau đớn cho quân đội Việt Nam, cho Quốc hội, cho giới trí thức, và cho toàn quốc đồng bào: Ông Albert Thái Văn Lung đã bỏ mình vì nước, giới thiệu vắn tắt về thân thế của ông và sự anh dũng của ông.
Thái Văn Lung sinh ngày 14/7/1916 (có tài liệu ghi ông sinh năm 1914) tại Thủ Đức, tỉnh Gia Định, xuất thân từ gia đình Công giáo, có quốc tịch Pháp. Cha ông là cụ Thái Văn Lân, một nhân sĩ giao du rộng trong giới văn nghệ sĩ.
Ở tuổi thiếu niên, Thái Văn Lung sang Pháp du học, đậu cử nhân Luật, lại còn học Trường Khoa học chính trị, là trường chuyên đào tạo các chính khách. Vì là dân Pháp (từ năm 1930), ông phải nhập ngũ, học trường võ bị nổi tiếng Saint Cyr, ra trường với hàm chuẩn úy, tham gia chiến đấu cho Pháp tại Thái Lan. Năm 1941, ông được thăng trung úy, sau đó giải ngũ và về nước và làm luật sư tại Tòa Thượng thẩm Sài Gòn.
Khi Nhật đảo chính Pháp để độc chiếm Đông Dương, Xứ ủy Nam bộ (do đồng chí Trần Văn Giàu đứng đầu) đã tương kế tựu kế với đề nghị của người Nhật về việc xây dựng một lực lượng thanh niên ủng hộ Nhật để rồi biến thành một tổ chức yêu nước, chống cả Pháp và Nhật. Đó là Thanh niên Tiền phong. Thái Văn Lung qua sự tổ chức của các trí thức như Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Văn Thủ…, đã tham gia ngay lực lượng này và đem khả năng quân sự đã học để huấn luyện đội viên.
Ngay ngày 23/9/1945, khi Nam bộ kháng chiến vừa bùng nổ, Thái Văn Lung bị thực dân Pháp bắt nhưng ông nén đau chịu tra tấn mà không để lộ thân phận. Do lúc này thực dân Pháp mới tiến vào, chưa xây dựng được cơ sở vững chắc, người mà chúng bắt thì nhiều, không thể quản lý hết, nhờ thế Thái Văn Lung trốn thoát. Ông thoát ly gia đình, tham gia kháng chiến tại quê nhà, được cử làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến quận Thủ Đức. Trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội lần đầu tiên, ông trúng cử ở tỉnh Gia Định (cùng 5 đại biểu khác là Phạm Văn Khung, Lê Văn Mảng, Trịnh Thị Miếng, Trần Văn Nguyên và Nguyễn Oắng).
Bấy giờ, ở khu vực quận Thủ Đức (về cơ bản là địa bàn của thành phố Thủ Đức hiện nay) có nhiều đơn vị bộ đội lấy phiên hiệu là Bộ đội 44, 45, 46. Một bộ phận của bộ đội Tân Bình rút qua Thủ Đức gọi là bộ đội 43. Cả 4 đơn vị bộ đội này do Thái Văn Lung chỉ huy, nên vẫn được gọi là bộ đội Thái Văn Lung. Ở Thủ Đức và khu vực lân cận bấy giờ còn một số lực lượng kháng chiến khác như bộ đội Đào Sơn Tây, bộ đội du kích An Điền… Đầu năm 1946, khi thực dân Pháp đánh nống ra các vùng ven nội đô Sài Gòn, Thái Văn Lung còn tích cực tham gia công tác công tác dân vận để tiếp tế và hỗ trợ cho các lực lượng kháng chiến khác. Khi bộ đội thiếu gạo, bằng uy tín cá nhân Thái Văn Lung cùng Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam bộ Phạm Ngọc Thuần đi quyên tiền, quyên gạo trong dân, hay viết thư mượn tiền của anh em trí thức Sài Gòn ủng hộ bộ đội.
Lính Pháp ở Thủ Đức rất e ngại bộ đội Thái Văn Lung khi biết ông từng tham gia quân đội Pháp. Mục tiêu của chúng là mua chuộc, nếu không được thì bố trí lực lượng tiêu diệt. Thủ Đức là địa bàn quan trọng nối liền Sài Gòn với các tỉnh miền Đông và từ đó có thể ra Trung nên địch bố trí lực lượng dày đặc để diệt cho kỳ được Thái Văn Lung và lực lượng của ông.
Bài viết của cụ Nguyễn Văn Tố trên Báo Cứu quốc số ra ngày 17/7/1946.
Trong một cuộc bao vây, chúng bắt được Thái Văn Lung. Biết ông là người từng có quốc tịch Pháp, từng đi lính cho Pháp, tên chỉ huy trưởng Tiểu khu Thủ Đức dụ hàng: “Ông trung úy chỉ có một con đường sống mà thôi: đầu hàng và khai những gì ông biết. Nếu không, bản tử hình chờ ông”. Thái Văn Lung khẳng khái nói: “Tôi nguyên là sĩ quan trong quân đội Pháp. Tôi nhớ rõ trong điều lệ danh dự người lính Pháp không có điều khoản tiết lộ bí mật quân sự khi bị bắt. Kỷ luật bộ đội Việt Nam cũng vậy. Các ông có thể xử bắn tôi. Còn tôi thì không thể khai gì với các ông”.
Địch tra tấn ông dã man. Có lúc tỉnh, ông yêu cầu cho gặp gia đình. Địch mừng rỡ, hy vọng gia đình sẽ thuyết phục ông cộng tác với Pháp. Nhưng khi gặp được vợ, ông nói: “Tôi chết không có gì ân hận. Tôi sung sướng đã làm tròn nghĩa vụ. Nếu em còn sống và được tha, em nhắn lại các chiến hữu của chúng ta lời nói sau cùng của tôi: Hãy cố gắng đạt tới mục đích chung sau ngày thắng lợi”.
Ngày 2/7/1946, ông bị giết hại trong tù.
Theo bài viết trên báo Cứu quốc đã dẫn ở trên, người phát ngôn quân đội Pháp tại Sài Gòn nói rằng ông Thái Văn Lung đã tự tử vì không chịu nổi cực hình. Đây là một thông tin bịa đặt, nhằm trút bỏ trách nhiệm giết hại một trí thức từng có quốc tịch Pháp (năm 1945, Thái Văn Lung trở lại quốc tịch Việt Nam), đồng thời hàm ý mỉa mai sự thiếu anh dũng của người thủ lĩnh bộ đội Thủ Đức. Nhưng với những gì Thái Văn Lung nói với vợ, ông là một người bất khuất, đầy niềm tin vào thắng lợi cuối cùng.
Cụ Nguyễn Văn Tố có nhiều đoạn ca ngợi Thái Văn Lung: “Sau khi quân đội đế quốc Nhật đánh đổ chủ quyền người Pháp ở Đông Dương ngày 9 tháng 3 dương lịch năm 1945, trạng sư Albert Thái Văn Lung cùng bác sĩ Phạm Ngọc Thạch khởi xướng Thanh niên Tiền phong từ thành thị đến thôn quê trong tất cả các tỉnh Nam bộ, lăn lóc chịu cực khổ để huấn luyện cán bộ, không khi nào nản chí. Anh Thái Văn Lung, thủ lãnh Thanh niên Tiền phong Nam bộ là một trong những người đã đào tạo tinh thần mới của thanh niên Việt Nam, linh hồn của sự kháng chiến ở Nam bộ. (…) Sau khi đế quốc Pháp chiếm Sài Gòn, Thái Văn Lung theo bộ đội, chỉ huy cuộc kháng chiến ở miền Đông, vùng Thủ Đức, một mình lo chỉ huy bộ đội, quân nhu, liên lạc, đã chiếm được nhiều kỳ công rực rỡ. Sau Hiệp định Sơ bộ ngày 6 tháng 3 dương lịch, quân Pháp đã dụ Thái Văn Lung đem khí giới ra hàng, hứa sẽ không trừng trị. Nhưng Thái Văn Lung không thèm trả lời và trước sự cướp bóc và khủng bố lương dân của quân đội Pháp, Thái Văn Lung vẫn tiếp tục dùng bộ đội anh chỉ huy để bảo vệ sinh mạng và tài sản dân chúng ở vùng Thủ Đức (Gia Định)”.
Tượng luật sư, liệt sĩ Thái Văn Lung tại Trường THCS Thái Văn Lung, phường Tam Phú, thành phố Thủ Đức.
Cụ viết tiếp: “Cá nhân của Thái Văn Lung là một người rất thông minh, một trạng sư trẻ tuổi đầy tương lai mà các đồng nghiệp đều khâm phục. Hơn nữa, Thái Văn Lung là một người bạn trung thành, một người con hiếu thảo. Đối với thanh niên, Thái Văn Lung là một người lãnh đạo sáng suốt, đắc lực, đã không phân biệt giai cấp mà trái lại đã thực hiện sự thống nhất thanh niên miền Nam nước Việt Nam. Đối với bộ đội, Thái Văn Lung là một người chỉ huy nhân dung vô cùng và đầy mưu lược đã làm cho quân đội Pháp vô cùng khiếp sợ, cho nên bọn chúng đã tuyên bố nhất định thủ tiêu anh lập tức, sau khi bắt được. Thái Văn Lung là một chiến sĩ kiểu mẫu, là một thanh niên cương quyết và tận tụy phụng sự Tổ quốc với hết năng lực của anh”.
Trong tờ báo La Voix du Maquis (Tiếng nói kháng chiến), ở mục Variétés du Maquis (Bưng biền phong phú), luật sư Phạm Ngọc Thuần, bạn chí thân của Thái Văn Lung đã viết: "Không một bí mật quân sự. Không một tiết lộ. Không một tin tức nào vượt khỏi đôi mắt đã khép chặt một cách anh dũng phi thường và khép chất mãi mãi. Cái chết kéo dài một cách thảm khốc, luật sư Thái Văn Lung còn minh họa bằng một hình tích đẫm máu của chính anh để nói thêm với ta rằng: Vết nhơ của nô lệ chỉ có thể rửa được bằng máu".
Hiện nay, trên địa bàn quận Thủ Đức cũ, có một trường tiểu học và một trường THCS mang tên Thái Văn Lung. Tên ông cũng được đặt tên đường và trường học ở nhiều tỉnh thành.
Điều đáng tiếc là với sự cống hiến và hy sinh anh dũng của luật sư, người trí thức nổi tiếng Thái Văn Lung, đến nay ông vẫn chưa được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, dù rằng ở mức độ ảnh hưởng và tầm vóc của ông, điều đó sẽ càng có ý nghĩa trong việc giáo dục truyền thống.
Nguồn: https://hcmcpv.org.vn/tin-tuc/thai-van-lung-mot-chien-si-chong-phap-bat-khuat-1491884696
 
Bài viết liên quan
NGÀY PHÁP LUẬT VÀ TƯ TƯỞNG PHÁP QUYỀN NHÂN NGHĨA HỒ CHÍ MINH

Nguồn: https://sotuphap.daklak.gov.vn/ngay-phap-luat-va-tu-tuong-phap-quyen-nhan-nghia-ho-chi-minh-2410.html Ngày đăng: 08/11/2013 16:04 Năm nay là năm đầu tiên Nhà nước ta lấy ngày 09 tháng 11 để tổ chức kỷ niệm Ngày Pháp pháp luật Việt Nam.

LUẬT GIA VŨ ĐÌNH HÒE VÀ QUÁ TRÌNH HIỆN THỰC HÓA TƯ TƯỞNG PHÁP QUYỀN

Trần Thị Mỹ Linh K19502 & Nguyễn Thủy Tiên K195022C, Sinh viên Đại học Kinh tế – Luật, ĐHQG Tp HCM Cách mạng tháng Tám thành công, bên cạnh niềm vui và sự phấn khởi, nước ta phải đối mặt với nhiều vấn đề nan giải, trong đó có việc xây dựng một hiến pháp dân chủ. Bước ngoặt để hoàn thành mục tiêu trên chính là sự ra đời của Hiến pháp năm 1946 cùng với việc vận dụng tư tưởng Nhà nước Pháp quyền nhân nghĩa – nhà nước dân chủ; vận hành, quản lý theo pháp luật kết hợp với giáo dục đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặc biệt vào giai đoạn 1946-1960, dưới sự dẫn đường của Hồ Chủ tịch, luật gia Vũ Đình Hòe được xem là trợ thủ đắc lực giúp Người thúc đẩy hiện thực hóa tư tưởng pháp quyền.

Bí Mật Thú Vị Về Vị Bộ Trưởng Bộ Tư Pháp Đầu Tiên Của Việt Nam VŨ TRỌNG KHÁNH

Quý vị và các bạn thân mến, luật sư Vũ Trọng Khánh là Bộ trưởng Bộ Tư pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng viết về ông: “Anh là một trí thức yêu nước, có tâm huyết đối với vận mệnh của Tổ quốc, đã từng có đóng góp xứng đáng trong Chính phủ lâm thời đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong suốt những thập kỷ kháng chiến và những năm tiếp theo, anh đã hết lòng phục vụ nhân dân, có cống hiến xứng đáng đối với sự nghiệp đoàn kết toàn dân và xây dựng nền luật học của nước ta”. Vậy những cống hiến to lớn của ông cho sự nghiệp cách mạng như thế nào? Mời quý vị cùng tìm hiểu rõ hơn trong video ngay sau đây của Qũy Xã hội Phan Anh

Hồi ức nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Đình Hòe: Đạo lý và pháp lý trong tư tưởng pháp quyền Hồ Chí Minh

Điều khác biệt căn bản của tư tưởng pháp quyền Hồ Chí Minh là Nhân, là tình người, “thương người như thể thương thân”. Người đây là dân, trước hết là dân nghèo, lam lũ chạy ăn từng bữa, nên có thể còn ít học, còn lạc hậu, nên dân chưa hiểu ra cái mới, cái đúng thì “phải biết kiên nhẫn chờ đợi và càng kiên trì giải thích, thuyết phục”, chứ không thể bức bách, dùng vũ lực đàn áp.

TƯ PHÁP VÀ CÔNG AN - TRÍCH “VŨ ĐÌNH HÒE – PHÁP QUYỀN NHÂN NGHĨA HỒ CHÍ MINH”

Vũ Đình Hoè "Cái quan định luận" (Đóng nắp quan tài rồi mới phán xét được) - câu nói của người xưa hoàn toàn đúng với cụ Vũ Đình Hòe, cố Bộ trưởng Tư pháp (1946 - 1960 )nước VNDCCH. Có thể coi những lới sau đây của Trưởng ban tang lễ, Ủy viên Trung ương ĐCSVN,, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân là một lời phán xét như vậy:

Pháp quyền nhân nghĩa Hồ Chí Minh

Tôi đã dự định giới thiệu với bạn đọc cuốn "Pháp quyền Nhân nghĩa Hồ Chí Minh" dày gần 800 trang - cuốn sách mà GS Vũ Đình Hòe sau nhiều lần lưỡng lự đã quyết tâm viết lúc đã về hưu (bắt đầu từ năm 1991 và hoàn thành tháng 7 năm 2004).