Luật Sư Việt Nam
Nguyễn Mạnh Tường - Người luật sư yêu nước: Nụ hôn Nguyễn Mạnh Tường
Thái Bình là tỉnh đồng bằng Bắc bộ bị Pháp chiếm đóng sau.
Thái Bình là tỉnh đồng bằng Bắc bộ bị Pháp chiếm đóng sau. 
 
GS-TS-LS Nguyễn Mạnh Tường
ẢNH: TƯ LIỆU KMS
 
Vì thế, thời kỳ 1947 - 1949, nhiều trí thức tên tuổi của đất nước theo cơ quan hoặc tản cư về đây: Bùi Kỷ, Tăng Xuân An, Trịnh Đình Rư, Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Tường Phượng, Hoàng Như Mai, Nguyễn Mạnh Tường...
Tiến sĩ luật khoa Đào Quang Huy, học trò luật sư (LS) Nguyễn Mạnh Tường ở Trường Bưởi (nay là Trường trung học quốc gia Chu Văn An, Q.Tây Hồ, Hà Nội), kể lại một chuyện có thật nhưng đầy huyền thoại về một phiên tòa diễn ra ở làng Xuân Thọ, H.Đông Quan, Thái Bình.
Vào thời kỳ 1947 - 1949 có một câu chuyện dân gian xuất hiện, lan truyền rất nhanh. Chuyện rằng: Một thanh niên nông dân đi làm đồng về, thấy anh đại đội trưởng đóng tại nhà, đang ôm ấp vợ mình. Sẵn cái cuốc trên tay, anh ta phang một cái, đại đội trưởng chết ngay. Phiên tòa mở ra với ý định xử thật nghiêm tội giết người và làm mờ nhạt các tình tiết khác để giữ uy tín cho bộ đội. LS Nguyễn Mạnh Tường được chỉ định bào chữa. Ông chỉ có ít phút gặp thân chủ của mình. Diễn biến phiên tòa đúng như chủ định: Anh nông dân chịu án tử hình và được phép nói lời cuối cùng. Anh nhìn chánh tòa, nhìn LS, ngập ngừng nói: “Xin phép được hôn bà chánh tòa trước khi chết”. Bị bất ngờ, chánh tòa không kịp trấn tĩnh, đập bàn quát mắng anh nông dân rằng tội lỗi đến thế mà còn dám hỗn láo, nói liều. Nhân đó, LS Nguyễn Mạnh Tường nói thêm: “Thưa ông chánh tòa, ông là người có học thức, suy nghĩ chín chắn, mà trước một câu nói không đâu của người sắp chết, còn nổi giận ghê gớm như thế. Phương chi, anh nông dân nghèo ít học kia, trông thấy người đàn ông khác trong buồng vợ mình thì sự giận dữ đến mức hành động thiếu suy nghĩ là điều có thể hiểu được”. Kết quả cuối cùng, anh nông dân được giảm án, thực chất là tha bổng vì hồi ấy Thái Bình đâu có trại giam. Sau phiên tòa, LS Lê Văn Chất “mắng” LS Nguyễn Mạnh Tường: “Toa xỏ moa”, rồi hai ông cả cười. Chánh tòa là LS Lê Văn Chất, có người vợ trẻ đẹp. Và ai cũng hiểu rằng câu nói cuối cùng của anh nông dân do “ai” mớm lời, là “nụ hôn Nguyễn Mạnh Tường”. Đoạn trên được trích từ bài viết Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Tường: người thầy giáo, nhà sư phạm tài danh của nhà giáo Phạm Viết Hoàng, trong cuốn Gương mặt người thầy (NXB Giáo dục, 2008) .
Nhìn lại danh sách những trí thức tên tuổi của đất nước theo cơ quan hoặc tản cư về Thái Bình trong bài viết của nhà giáo Phạm Viết Hoàng thấy chỉ còn duy nhất GS-NGND Hoàng Như Mai - nguyên Hiệu trưởng Trường trung học Phan Thanh (tỉnh Thái Bình) trong kháng chiến chống Pháp (thời điểm người viết đọc cuốn sách này). Trưa 13.8.2009, theo lời hẹn trước, tôi đến ngôi biệt thự trong một con phố ở Q.1, TP.HCM. Như một ẩn sĩ trầm mặc
giữa phố thị, GS-NGND Hoàng Như Mai chống can (ba-toong) nhẹ bước ra thanh thoát, gương mặt hồng hào nhân hậu toát lên cùng mái tóc bạc như mây trời. Ông mới ra viện được 5 ngày, sức khỏe hãy còn yếu, nhưng vẫn đồng ý tiếp, để kể cho tôi nghe chuyện về GS-TS-LS Nguyễn MạnhTường. GS-NGND Hoàng Như Mai mở đầu câu chuyện với một giọng thanh, ấm và truyền cảm, nếu không được biết từ trước có lẽ tôi không đoán được người học trò của thầy Nguyễn Mạnh Tường ở Trường Bưởi năm xưa, nay đã 91 tuổi.
Ông nhớ lại, hồi sắp đại hội văn nghệ Khu 3, thì ông Trần Thiếu Bảo - Giám đốc Nhà xuất bản Minh Đức, chơi trội, đăng cai cả một cuộc “luận chiến văn nghệ” tại đình làng Khuốc (Cổ Khúc, Tiên Hưng, Thái Bình) trong 3 ngày. Địa điểm tổ chức là mượn của một gia đình giàu có. “Dịp này thầy Nguyễn Mạnh Tường về để dự hội nghị văn nghệ Thái Bình kết hợp bào chữa cho một vụ án. Độ mới đầu kháng chiến cũng có tòa án xử đàng hoàng cả. Anh lục sự ở đấy nghe tiếng ông Nguyễn Mạnh Tường hùng biện nổi như cồn thì muốn thử xem sự thực hư ra sao. Anh ta mời thầy Tường đến và cứ thao thao bất tuyệt kể chuyện nọ xọ chuyện kia để thầy không có thì giờ xem hồ sơ. Thầy Tường lật lật qua hồ sơ rồi ra ngoài ngồi nói chuyện. Hôm sau, trước tòa, thầy cãi rất hay. Anh lục sự phải sợ khiếp vía. Vì ông chỉ xem qua vài sự kiện trong hồ sơ thôi mà ông cãi được. Vụ thầy Tường cãi đó là: cô con dâu cầm dao đâm bố chồng. Tôi không dự cái cuộc ấy nhưng được nghe người ta kể lại. Thầy Tường bào chữa: Xưa nay chuyện bố chồng con dâu, nhất là mẹ chồng nàng dâu xung đột với nhau là chuyện rất điển hình ở xã hội Việt Nam, xảy ra coi như cơm bữa. Nhưng vì sao cô này lại đâm bố chồng? Vì khẩu hiệu của kháng chiến: Mỗi người sẵn sàng cầm vũ khí trong tay để giết giặc. Cho nên lỗi tại có vũ khí kia chứ không thì chị ấy không phạm tội giết bố chồng.
Thành ra người ta kính trọng thầy Nguyễn Mạnh Tường tại sao ông giỏi thế.
Vụ cãi của thầy Tường tôi nghĩ cái đó cũng rất điển hình - thầy thông minh lắm”, GS-NGND Hoàng Như Mai bồi hồi.
 
Nguồn: https://thanhnien.vn/nguyen-manh-tuong-nguoi-luat-su-yeu-nuoc-nu-hon-nguyen-manh-tuong-post785118.html
 
 
Bài viết liên quan
NGÀY PHÁP LUẬT VÀ TƯ TƯỞNG PHÁP QUYỀN NHÂN NGHĨA HỒ CHÍ MINH

Nguồn: https://sotuphap.daklak.gov.vn/ngay-phap-luat-va-tu-tuong-phap-quyen-nhan-nghia-ho-chi-minh-2410.html Ngày đăng: 08/11/2013 16:04 Năm nay là năm đầu tiên Nhà nước ta lấy ngày 09 tháng 11 để tổ chức kỷ niệm Ngày Pháp pháp luật Việt Nam.

LUẬT GIA VŨ ĐÌNH HÒE VÀ QUÁ TRÌNH HIỆN THỰC HÓA TƯ TƯỞNG PHÁP QUYỀN

Trần Thị Mỹ Linh K19502 & Nguyễn Thủy Tiên K195022C, Sinh viên Đại học Kinh tế – Luật, ĐHQG Tp HCM Cách mạng tháng Tám thành công, bên cạnh niềm vui và sự phấn khởi, nước ta phải đối mặt với nhiều vấn đề nan giải, trong đó có việc xây dựng một hiến pháp dân chủ. Bước ngoặt để hoàn thành mục tiêu trên chính là sự ra đời của Hiến pháp năm 1946 cùng với việc vận dụng tư tưởng Nhà nước Pháp quyền nhân nghĩa – nhà nước dân chủ; vận hành, quản lý theo pháp luật kết hợp với giáo dục đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặc biệt vào giai đoạn 1946-1960, dưới sự dẫn đường của Hồ Chủ tịch, luật gia Vũ Đình Hòe được xem là trợ thủ đắc lực giúp Người thúc đẩy hiện thực hóa tư tưởng pháp quyền.

Bí Mật Thú Vị Về Vị Bộ Trưởng Bộ Tư Pháp Đầu Tiên Của Việt Nam VŨ TRỌNG KHÁNH

Quý vị và các bạn thân mến, luật sư Vũ Trọng Khánh là Bộ trưởng Bộ Tư pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng viết về ông: “Anh là một trí thức yêu nước, có tâm huyết đối với vận mệnh của Tổ quốc, đã từng có đóng góp xứng đáng trong Chính phủ lâm thời đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong suốt những thập kỷ kháng chiến và những năm tiếp theo, anh đã hết lòng phục vụ nhân dân, có cống hiến xứng đáng đối với sự nghiệp đoàn kết toàn dân và xây dựng nền luật học của nước ta”. Vậy những cống hiến to lớn của ông cho sự nghiệp cách mạng như thế nào? Mời quý vị cùng tìm hiểu rõ hơn trong video ngay sau đây của Qũy Xã hội Phan Anh

Hồi ức nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Đình Hòe: Đạo lý và pháp lý trong tư tưởng pháp quyền Hồ Chí Minh

Điều khác biệt căn bản của tư tưởng pháp quyền Hồ Chí Minh là Nhân, là tình người, “thương người như thể thương thân”. Người đây là dân, trước hết là dân nghèo, lam lũ chạy ăn từng bữa, nên có thể còn ít học, còn lạc hậu, nên dân chưa hiểu ra cái mới, cái đúng thì “phải biết kiên nhẫn chờ đợi và càng kiên trì giải thích, thuyết phục”, chứ không thể bức bách, dùng vũ lực đàn áp.

TƯ PHÁP VÀ CÔNG AN - TRÍCH “VŨ ĐÌNH HÒE – PHÁP QUYỀN NHÂN NGHĨA HỒ CHÍ MINH”

Vũ Đình Hoè "Cái quan định luận" (Đóng nắp quan tài rồi mới phán xét được) - câu nói của người xưa hoàn toàn đúng với cụ Vũ Đình Hòe, cố Bộ trưởng Tư pháp (1946 - 1960 )nước VNDCCH. Có thể coi những lới sau đây của Trưởng ban tang lễ, Ủy viên Trung ương ĐCSVN,, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân là một lời phán xét như vậy:

Pháp quyền nhân nghĩa Hồ Chí Minh

Tôi đã dự định giới thiệu với bạn đọc cuốn "Pháp quyền Nhân nghĩa Hồ Chí Minh" dày gần 800 trang - cuốn sách mà GS Vũ Đình Hòe sau nhiều lần lưỡng lự đã quyết tâm viết lúc đã về hưu (bắt đầu từ năm 1991 và hoàn thành tháng 7 năm 2004).