Luật Sư Việt Nam
Giáo sư Vũ Đình Hòe - nhà trí thức lớn của dân tộc
Giáo sư Vũ Đình Hòe là trí thức lớn của dân tộc. Ông là Bộ trưởng Giáo dục đầu tiên trong Chính phủ lâm thời, từ tháng 8/1945 đến tháng 3/1946, và là Bộ trưởng Tư pháp trong suốt 15 năm sau đó.
Cụ Vũ Đình Hòe, Bộ trưởng Bộ Giáo dục đầu tiên của Việt Nam tròn 100 tuổi. Ảnh: Phương Vy/TTXVN
Ông cũng là đại biểu của Thủ đô Hà Nội trong Quốc hội khóa đầu tiên được bầu trong cuộc tổng tuyển cử ngày 6-1-1946. Dù ở cương vị nào, ông cũng có những đóng góp xuất sắc.

Một tấm gương yêu nước nồng nàn

Giáo sư Vũ Đình Hòe sinh ngày 1/6/1912, tại làng Lương Ngọc, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, trong một gia đình có truyền thống nho học.

Ông sớm xác định một lý tưởng sống cao đẹp mà nhiều thanh niên ưu tú thuộc thế hệ ông đã hướng về, vươn tới: bằng vốn văn hóa hiện đại và nhiệt huyết của tuổi trẻ, đẩy mạnh việc nâng cao dân trí, góp phần đưa đất nước thoát cảnh lầm than nô lệ.

Sau khi tốt nghiệp cử nhân luật khoa tại Trường Đại học Luật Đông Dương, thay vì dễ dàng có một vị trí tốt trong hàng ngũ quan lại, công chức cao cấp của chính quyền thực dân, ông đã chọn con đường dạy học tốt đẹp và thanh bạch tại hai trường trung học tư thục nổi tiếng lúc đó là Thăng Long và Gia Long.

Cùng các giáo sư đồng nghiệp như Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Minh Giám, Đặng Thai Mai… ông đã góp phần đào tạo lớp lớp thanh niên mới, có trình độ văn hóa vững vàng và có tinh thần yêu nước sâu nặng. Vừa dạy học ông vừa tham gia hoạt động trong Hội Truyền bá quốc ngữ.

Ông còn ý thức sâu sắc về tầm quan trọng của báo chí trong công cuộc “nâng cao dân trí, chấn hưng dân khí”. Năm 1941, ông cùng một nhóm bạn chí cốt, tâm huyết như tiến sĩ luật khoa Phan Anh, Vũ Văn Hiền, nhà doanh nghiệp Hoàng Thúc Tấn, nhà báo Lê Huy Vân thành lập tờ Thanh Nghị - một trong những tờ báo nổi tiếng thời ấy, tập hợp hàng trăm cây bút có uy tín, tài năng và đức độ thuộc cả hai giới cựu học và tân học, cả những vị cao niên và tráng niên.

Dưới sự điều hành linh hoạt, uyển chuyển của giáo sư, nhiều bài viết trong 120 số Thanh Nghị đã cung cấp cho giới trí thức Việt Nam lúc đó những hiểu biết cần thiết, đặc biệt về hiện trạng đất nước trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, để nhằm kín đáo nhắc mọi người quan tâm đến vận mệnh của đất nước trong hiện tại và tương lai.

Người tạo nền móng cho nền giáo dục hiện đại Việt Nam

Cách mạng tháng Tám thành công, Giáo sư Vũ Đình Hoè được cử vào Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, giữ chức Bộ trưởng Giáo dục.

Chỉ trong 6 tháng ở cương vị này, Bộ trưởng Vũ Đình Hòe đã có những cống hiến quan trọng đối với ngành giáo dục, đó là đệ trình lên Chủ tịch Hồ Chí Minh và được Người nhanh chóng chấp thuận 3 chủ trương lớn, mang tính “tạo nền” cho ngành giáo dục cách mạng non trẻ đó là: Quyết tâm thanh toán nạn mù chữ trong vòng một năm; thực hiện việc dạy học ở tất cả các cấp, kể cả đại học bằng tiếng Việt và nhanh chóng thực hiện kế hoạch cải cách giáo dục, “thay thế hẳn nền giáo dục nhồi sọ, phù phiếm trước đây của thực dân Pháp bằng nền giáo dục của Chính phủ nhân dân cách mạng theo phương châm: dân chủ, dân tộc, khoa học” (hồi ký Vũ Đình Hòe).

Nhờ những đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt, ngành giáo dục cách mạng non trẻ ngay từ những ngày độc lập đã dồi dào sức sống, tác động tích cực đến mọi mặt hoạt động của đất nước.

Cũng trong năm 1945, ông còn là người cho mở cửa lại Đại học Đông Dương với tên Đại học Quốc gia Việt Nam, được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Việt và ông trực tiếp dạy môn kinh tế. Ông đã trở thành một trong những vị giáo sư đầu tiên của nền giáo dục đại học Việt Nam mới.

Giáo sư Vũ Đình Hoè không chỉ là thầy giáo mà còn là một người đi tiên phong trong nghiên cứu giáo dục ở Việt Nam. Ông đã viết nhiều bài về giáo dục bình dân và cải cách giáo dục, sau hợp biên thành 2 cuốn sách “Những phương pháp giáo dục ở các nước và vấn đề cải cách giáo dục” (năm 1945) và “Một nền giáo dục bình dân” (năm 1946).

Cuốn sách 100 năm Đại học Quốc gia Hà Nội khi giới thiệu những gương mặt “làm nên lịch sử” có viết: Không ít ý tưởng nhà giáo dục học Vũ Đình Hòe đề xuất từ hơn nửa thế kỷ trước vẫn còn nguyên ý nghĩa thời sự, như: Triết lý giáo dục vị nhân sinh, định hướng thực nghiệp, “lưu thông” (ngày nay nói: liên thông) giữa phổ thông trung học có chuyên ban và phổ thông chuyên nghiệp, lập hệ Cổ học Á Đông ở bậc phổ thông chuyên ban và tiếp nối lên cao đẳng (đại học) Hán Nôm như một chuyên ngành có ý nghĩa “then chốt quan trọng” trong công cuộc xây dựng văn hoá dân tộc.
Hiện thực hóa “tư tưởng pháp quyền”

Khi công việc ở ngành giáo dục đang hanh thông, sau khi trúng cử đại biểu Quốc hội khóa I - nơi mà đại biểu Quốc hội Vũ Đình Hòe luôn làm tốt nhiệm vụ đại biểu nhân dân, Hồ Chủ tịch đã điều động ông sang giữ chức Bộ trưởng Bộ Tư pháp - nơi đang ngổn ngang những khó khăn và công việc trong sự nghiệp khởi xướng một nền tư pháp tiến bộ, dân chủ nhân dân.

Trong suốt 15 năm đứng đầu Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Vũ Đình Hoè đã hoàn thành sự ủy thác của Chủ tịch Hồ Chí Minh, củng cố Bộ Tư pháp, xây dựng hệ thống cơ quan tư pháp từ trung ương đến địa phương, đắc lực giúp Người đặt nền móng cho Nhà nước pháp quyền nhân nghĩa.

Ông đã kiên trì nguyên tắc tư pháp nhân dân và nguyên tắc tư pháp độc lập với hành chính được ghi trong Hiến pháp 1946. Trong xử lý công việc, ông tỏ ra có bản lĩnh, dám đấu tranh bảo vệ lẽ phải và pháp luật. Nhờ vậy, ông đã có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng nền móng tư pháp của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Từ năm 1961, khi không làm Bộ trưởng Tư pháp, chuyển sang hoạt động nghiên cứu tại Viện Luật học trực thuộc Ủy ban Khoa học xã hội, dù trong hoàn cảnh nào, giáo sư luôn giữ được cốt cách một kẻ sĩ: bình tĩnh, ung dung, điềm đạm, vẫn say mê mài miệt viết sách, viết báo, làm từ điển, tham gia các cuộc hội thảo khoa học của Quốc hội và Bộ Tư pháp. Những công trình của ông về luật học, đặc biệt về Dân luật đã phục vụ thiết thực công cuộc đổi mới của đất nước.

Với những công lao và đóng góp lớn cho dân tộc, ông đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất và Huân chương Kháng chiến hạng Nhì.
Nguồn: https://baotintuc.vn/nhan-vat-su-kien/giao-su-vu-dinh-hoe-nha-tri-thuc-lon-cua-dan-toc-20170604214503274.htm
 
Bài viết liên quan
NGÀY PHÁP LUẬT VÀ TƯ TƯỞNG PHÁP QUYỀN NHÂN NGHĨA HỒ CHÍ MINH

Nguồn: https://sotuphap.daklak.gov.vn/ngay-phap-luat-va-tu-tuong-phap-quyen-nhan-nghia-ho-chi-minh-2410.html Ngày đăng: 08/11/2013 16:04 Năm nay là năm đầu tiên Nhà nước ta lấy ngày 09 tháng 11 để tổ chức kỷ niệm Ngày Pháp pháp luật Việt Nam.

LUẬT GIA VŨ ĐÌNH HÒE VÀ QUÁ TRÌNH HIỆN THỰC HÓA TƯ TƯỞNG PHÁP QUYỀN

Trần Thị Mỹ Linh K19502 & Nguyễn Thủy Tiên K195022C, Sinh viên Đại học Kinh tế – Luật, ĐHQG Tp HCM Cách mạng tháng Tám thành công, bên cạnh niềm vui và sự phấn khởi, nước ta phải đối mặt với nhiều vấn đề nan giải, trong đó có việc xây dựng một hiến pháp dân chủ. Bước ngoặt để hoàn thành mục tiêu trên chính là sự ra đời của Hiến pháp năm 1946 cùng với việc vận dụng tư tưởng Nhà nước Pháp quyền nhân nghĩa – nhà nước dân chủ; vận hành, quản lý theo pháp luật kết hợp với giáo dục đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặc biệt vào giai đoạn 1946-1960, dưới sự dẫn đường của Hồ Chủ tịch, luật gia Vũ Đình Hòe được xem là trợ thủ đắc lực giúp Người thúc đẩy hiện thực hóa tư tưởng pháp quyền.

Bí Mật Thú Vị Về Vị Bộ Trưởng Bộ Tư Pháp Đầu Tiên Của Việt Nam VŨ TRỌNG KHÁNH

Quý vị và các bạn thân mến, luật sư Vũ Trọng Khánh là Bộ trưởng Bộ Tư pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng viết về ông: “Anh là một trí thức yêu nước, có tâm huyết đối với vận mệnh của Tổ quốc, đã từng có đóng góp xứng đáng trong Chính phủ lâm thời đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong suốt những thập kỷ kháng chiến và những năm tiếp theo, anh đã hết lòng phục vụ nhân dân, có cống hiến xứng đáng đối với sự nghiệp đoàn kết toàn dân và xây dựng nền luật học của nước ta”. Vậy những cống hiến to lớn của ông cho sự nghiệp cách mạng như thế nào? Mời quý vị cùng tìm hiểu rõ hơn trong video ngay sau đây của Qũy Xã hội Phan Anh

Hồi ức nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Đình Hòe: Đạo lý và pháp lý trong tư tưởng pháp quyền Hồ Chí Minh

Điều khác biệt căn bản của tư tưởng pháp quyền Hồ Chí Minh là Nhân, là tình người, “thương người như thể thương thân”. Người đây là dân, trước hết là dân nghèo, lam lũ chạy ăn từng bữa, nên có thể còn ít học, còn lạc hậu, nên dân chưa hiểu ra cái mới, cái đúng thì “phải biết kiên nhẫn chờ đợi và càng kiên trì giải thích, thuyết phục”, chứ không thể bức bách, dùng vũ lực đàn áp.

TƯ PHÁP VÀ CÔNG AN - TRÍCH “VŨ ĐÌNH HÒE – PHÁP QUYỀN NHÂN NGHĨA HỒ CHÍ MINH”

Vũ Đình Hoè "Cái quan định luận" (Đóng nắp quan tài rồi mới phán xét được) - câu nói của người xưa hoàn toàn đúng với cụ Vũ Đình Hòe, cố Bộ trưởng Tư pháp (1946 - 1960 )nước VNDCCH. Có thể coi những lới sau đây của Trưởng ban tang lễ, Ủy viên Trung ương ĐCSVN,, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân là một lời phán xét như vậy:

Pháp quyền nhân nghĩa Hồ Chí Minh

Tôi đã dự định giới thiệu với bạn đọc cuốn "Pháp quyền Nhân nghĩa Hồ Chí Minh" dày gần 800 trang - cuốn sách mà GS Vũ Đình Hòe sau nhiều lần lưỡng lự đã quyết tâm viết lúc đã về hưu (bắt đầu từ năm 1991 và hoàn thành tháng 7 năm 2004).