Luật Sư Việt Nam
Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường: Nhà biện lý đáng gờm
Nhà biện lí đáng gờm là câu bình luận của chính người Pháp tại Hội nghị Đà Lạt (1946) về Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường cùng các đồng chí của ông trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, đảm bảo độc lập, chủ quyền, tự do và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Ngay trong phái đoàn Pháp, có người đã nói bên lề cuộc Hội nghị với Phó trưởng đoàn Võ Nguyên Giáp: "Các ông có những nhà biện lí đáng gờm".
 
Một trí thức Tây học siêu ưu
 
Nguyễn Mạnh Tường sinh tại phố Hàng Đào (Hà Nội) ngày 16-9-1909, khi vừa kết thúc phong trào Duy Tân và Đông Kinh Nghĩa Thục. Thoạt đầu, phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục được khởi xướng tại số 4 phố Hàng Đào - trường học do nhà Nho yêu nước Lương Văn Can (1854 - 1927) đứng đầu. Không khí giảng dạy, học tập ở trường này đã đi vào thơ ca: "Buổi diễn thuyết người đông như hội/ Kì bình văn khách tới như mưa".
Ngọn lửa vừa bùng lên đã bị dập tắt ngay nhưng dư âm của Duy Tân và Đông Kinh Nghĩa Thục trong "Văn minh tân học sách" vẫn như một mạch ngầm chảy trong tư duy những nhà Nho đầu thế kỉ XX.
Cùng thế hệ Nguyễn Mạnh Tường, nhiều người vẫn theo con đường Nho học và làm quan chức Nam triều. Nguyễn Mạnh Tường là một trí thức Tây học, chịu ảnh hưởng hoàn toàn tư tưởng và văn hoá Pháp.
Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường (ảnh tư liệu gia đình).
 
Thân sinh Nguyễn Mạnh Tường là Nguyễn Văn Cát, làm Phán sự ở Phủ Toàn quyền Đông Dương. Chúng tôi không có tư liệu cụ thể thành văn để biết được ông phán Nguyễn Văn Cát đã học chữ Tây (chữ Pháp) như thế nào và ảnh hưởng của ông đối với Nguyễn Mạnh Tường ra sao. 
Tuy nhiên, dựa vào những tư liệu lịch sử liên quan đến chính sách giáo dục của Toàn quyền Đông Dương ở Việt Nam lúc đó, có thể nhận thấy sự tiếp nối qua việc Phủ Toàn quyền, như nhận xét của Trịnh Văn Thảo trong sách "Nhà trường Pháp ở Đông Dương" (NXB Thế giới, 2009), đó là "thực hiện một chính sách thoả hiệp, xích lại gần với triều đình nhà Nguyễn và giới Nho sĩ" để lập trường Quốc Học tại Huế vào năm 1896 rồi giao cho Ngô Đình Khả quản lí. 
Tiếp đó, tại Hà Nội, Henri Gourdon - Giám đốc Học chính đã ban bố những cải thiện đầu tiên của nền Nho học truyền thống (Thư Henri Gourdon gửi Toàn quyền Paul Beau ngày 25-8-1906). 
Tuy nhiên mô hình giáo dục nước Pháp theo 3 cấp học: Ấu học (Tiểu học), Thiếu học (Trung học) và Trung học (Đại học) chỉ thực sự được thoát khỏi bàn giấy trong ngăn kéo công văn để đi vào hiện thực sau kì thi Nho học cuối cùng (1919). Đó cũng là khi cậu bé Nguyễn Mạnh Tường bước chân vào giảng đường trường Pháp - Việt.
Giáo dục cũng có đóng góp quan trọng trong việc tiếp biến văn hoá (acculturation) về mặt tư tưởng đối với những học sinh Việt Nam trong nhà trường Pháp - Việt. Thanh niên bản xứ được đối xử như thanh niên Pháp: Họ được tuyển vào các trường học của Pháp. 
R. Goblet - cựu Bộ trưởng Bộ Giáo dục Quốc dân Pháp lúc đó đã nói: "Việc giảng dạy tốt hơn và rộng rãi hơn về Lịch sử, Địa lí, Vật lí và Khoa học tự nhiên, thêm vào đó là những khái niệm về quyền tự nhiên và kinh tế chính trị sẽ giúp cho những khối óc thông minh non trẻ phát triển và với việc ghi khắc vào đấy những kiến thức cần thiết cho hết thảy mọi người, nó trang bị trước cho các bạn chống nguy cơ của sự dốt nát và không tưởng".
Từ một người dân thuộc địa, Nguyễn Mạnh Tường tiếp thu nền giáo dục nước Pháp. Ông học tiếng Pháp từ nhỏ. Nhờ trí thông minh, ông đã học liên tục trong các trường Pháp: trường Paul Bert và trường Albert Sarraut, Năm nào Nguyễn Mạnh Tường cũng đứng nhất lớp trước con mắt ngạc nhiên của mọi người Pháp và bạn học đồng lứa đều là con Tây.
Năm 1927, sau khi đỗ Tú tài loại ưu, Nguyễn Mạnh Tường sang Pháp du học tại Trường Đại học Montpellier. Năm 1932 Nguyễn Mạnh Tường đỗ hai bằng Tiến sĩ: ngày 28/5/1932 ông bảo vệ xuất sắc luận án Tiến sĩ Luật Khoa: "Cá nhân trong xã hội cổ nước Nam. Tổng luận về luật nhà Lê". (L'individu dans la viriue société Annamite. Essai de synthèse sar le code des Lê). 
Khó ai tin nổi rằng tháng 7 cùng năm, ông lại bảo vệ luận án tiến sĩ Văn chương "Luận án giá trị Kịch Alfret de Musset". (Essai sur la valeur dramatique du théâtre d'Alfred de Musset) kèm theo một bản phụ lục rất giá trị. "Nước An Nam trong văn học Pháp của Jules Boissière" (L'Annam dans la littérature francaise de Jules Boissière) Nguyễn Mạnh Tường trở thành một hiện tượng độc nhất vô nhị trong lịch sử khoa cử hai nước Việt - Pháp.
Báo Nam Phong, số 173, tháng 6/1932, trong bài "Gương thanh niên" đã chép nguyên văn lời nhận xét của ông Chánh chủ khảo về bản luận văn Tiến sĩ Luật khoa của Nguyễn Mạnh Tường như sau:
"Ông còn trẻ tuổi, những người tài giỏi không phải đợi tuổi mới lộ ra. Ông học trường đại học mấy năm nay đều đứng đầu cả, ông học tập sắc sảo một cách lạ thường; nay bài luận văn Tiến sĩ được đem trình Hội đồng thật là một kết quả mĩ mãn của công phu học tập bấy lâu. Hội đồng phải phục cái tài học rộng, chí khí cao thượng của ông. 
Bài luận văn của ông là một kiệt tác về luật học (un chef d'oeuvre juridique), một kiệt tác vừa về luật học vừa về văn học nữa (un chef d'oeuvre juridiqe et littéraire). Nội dung đã súc tích không còn ai bắt bẻ được gì. Văn thể lại sáng lạn, đáng là một áng văn chương tuyệt tác. 
Ở hai ban Luật học cũng như Văn học trong đại học Montpellier này, ông đều đồng thời đoạt giáp tranh khôi cả. Tài đã lỗi lạc, học lại chăm chỉ, ai cũng phải phục. Cái gì cũng vượt trội hơn người. 22 tuổi đầu mà đã rõ ra mặt bác học toàn tài. 
Bài luận văn của ông sẽ được các nhà thượng lưu trí thức ở nước Pháp cùng ở ngoại quốc đọc đến và thưởng thức; 22 tuổi đã đỗ đầu luật khoa tiến sĩ, lại sắp thi văn học tiến sĩ, thật là cổ lai hữu hạn, vì ở nước Pháp chưa hề có một người 22 tuổi mà đỗ văn khoa tiến sĩ bao giờ. Ông có trí thông minh tuyệt vời mới đạt được kết quả lạ lùng như vậy.
Nói về công phu học thuật của ông thì Hội đồng của chúng tôi chỉ cần nhận xét một câu là đủ cả: Bài luận văn của ông đầy sức thuyết phục. Thật xứng đáng với tài học của ông mà còn làm rạng danh cả trường đại học. Hội đồng xin tặng cho ông lời phê bình đặc biệt hơn cả là "siêu ưu, được Hội đồng khen" (Très bien, avee éloges du Jury)".
 
Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường và Giáo sư Hoàng Xuân Hãn năm 1989 (ảnh tư liệu gia đình).
 
Tin tưởng vô biên vào tương lai đất nước
 
Luật sư - hay nói theo ngôn ngữ thời đó là trạng sư - thầy cãi là một nghề hoàn toàn mới ở Việt Nam, chỉ xuất hiện khi người Pháp xây dựng hệ thống hành chính thuộc địa. Người Việt Nam đầu tiên đỗ Tiến sĩ Luật khoa là Luật sư Trần Văn Chương (1898 - 1986). 
Trước Nguyễn Mạnh Tường đã có nhiều người tốt nghiệp Luật khoa và hành nghề trạng sư như Hồ Đắc Điềm (1899 - 1986), Nguyễn An Ninh (1900 - 1943), Trịnh Đình Thảo (1901 - 1986), Bùi Tường Chiểu (1904 -?)... Nguyễn Mạnh Tường đỗ 2 bằng Tiến sĩ Văn chương và Luật khoa trong ánh hào quang rạng rỡ của một trí thức thuộc địa. 
Song cũng chính tư tưởng "Tự do - Bình đẳng - Bác ái" của Cách mạng Pháp 1789 trong thân phận một trí thức thuộc địa đã tác động nhiều đến suy nghĩ và hành động của ông. Bằng cấp cao nhưng ông vẫn bị phân biệt là trí thức thuộc địa. Ông không nhập quốc tịch Pháp, không vào làng Tây, ông vẫn là dân An Nam. 
Bằng cấp cao nhưng khi về nước, Chính phủ Bảo hộ không muốn ông có một môi trường làm việc ngang bằng với người Pháp. Ông lại tiếp tục một cuộc hành trình đến với xứ sở xuất phát tư tưởng "Tự do - Bình đẳng - Bác ái" để rồi trở về với chính nơi chôn nhau cắt rốn, hoà mình vào làm một nhà giáo dạy trường Trung học Bảo hộ (trường Bưởi). Không chịu nổi sự sỉ nhục của cấp trên, ông bỏ ra mở văn phòng hành nghề Luật sư ở 77 phố Gambetta (nay là phố Trần Hưng Đạo).
Sau này, trong Hồi kí của mình, Nguyễn Mạnh Tường viết:
"Luật sư có một cái đầu biết suy nghĩ và cái miệng biết nói lên lời, họ hiểu biết pháp lí, biết tranh luận và phê phán, có ý thức cao về nhân phẩm, về danh dự và trách nhiệm. Luật sư phải có cổ cứng để giữ cho khuôn mặt luôn ngẩng cao, có cái nhìn thẳng trước mặt, có con mắt quan sát và tâm trí thì phê phán. Họ luôn đứng thẳng hết chiều cao của tầm vóc mình và bao giờ cũng đứng về phía nhân dân.
Tôi nghĩ rằng có thể khẳng định nghề luật sư là tiêu chuẩn của một nền dân chủ. Ở nước nào mà tiêu chuẩn ấy đang tác động và nghề luật sư với đầy đủ tư cách chính thức được hoạt động thì ở đó nền dân chủ đã thắng lợi".
Chính nhờ những tiếp biến trong tư tưởng dân chủ, tinh thần tôn trọng pháp luật mà Nguyễn Mạnh Tường đã thẳng thắn bày tỏ ý kiến của mình bằng bản tham luận "Qua những sai lầm trong Cải cách ruộng đất - Xây dựng quan điểm lãnh đạo" đọc tại cuộc họp Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở Hà Nội ngày 30-10-1956. Luật sư Nguyễn Mạnh Tường nói:
"Hội nghị Mặt trận Trung ương họp để nghiên cứu các sai lầm trong Cải cách ruộng đất và chính sách sửa chữa sai lầm ấy. Hôm nay tôi được đúc kết trước toàn thể Hội nghị các ý kiến mà trong mười ngày vừa qua tôi đã trình bày trong tổ thảo luận, với tinh thần thận trọng của người trí thức không bao giờ quên trách nhiệm của mình trước nhân dân và lịch sử nước nhà".
Về các nguyên nhân sai lầm, Luật sư Nguyễn Mạnh Tường nêu nhận định cá nhân mình: "Các nguyên nhân trực tiếp ta trông thấy ngay. Sở dĩ mà khi nghiên cứu chính sách cải cách, ta không nghĩ đến giải pháp pháp lí đưa ra để điều hoà với giải pháp chính trị, phải chăng là vì ta không biết giải pháp pháp lí? Nếu không thì là sự thiếu sót nghiêm trọng của cấp lãnh đạo. Nhưng tôi tin rằng không phải như thế đâu. Sở dĩ ta không để ý đến giải pháp pháp lí là vì ba lí do: Quan điểm ta-địch, thù-bạn của ta rất mơ hồ. Ta bất chấp pháp luật, lấy chính trị lấn át pháp lí. Ta bất chấp chuyên môn
Kết thúc bản tham luận, ông bày tỏ: "Các ý kiến của tôi, dù sai hay đúng, tôi cứ thành khẩn đề đạt lên các vị, gọi là để góp phần vào hội nghị, một phần nhỏ mọn nhưng chan chứa một niềm hi vọng và tin tưởng vô biên ở tương lai của đất nước".
Kiều Mai Sơn
Nguồn: https://cand.com.vn/Nhan-vat/Giao-su-Nguyen-Manh-Tuong-nha-bien-ly-dang-gom-i540538/
 
Bài viết liên quan
NGÀY PHÁP LUẬT VÀ TƯ TƯỞNG PHÁP QUYỀN NHÂN NGHĨA HỒ CHÍ MINH

Nguồn: https://sotuphap.daklak.gov.vn/ngay-phap-luat-va-tu-tuong-phap-quyen-nhan-nghia-ho-chi-minh-2410.html Ngày đăng: 08/11/2013 16:04 Năm nay là năm đầu tiên Nhà nước ta lấy ngày 09 tháng 11 để tổ chức kỷ niệm Ngày Pháp pháp luật Việt Nam.

LUẬT GIA VŨ ĐÌNH HÒE VÀ QUÁ TRÌNH HIỆN THỰC HÓA TƯ TƯỞNG PHÁP QUYỀN

Trần Thị Mỹ Linh K19502 & Nguyễn Thủy Tiên K195022C, Sinh viên Đại học Kinh tế – Luật, ĐHQG Tp HCM Cách mạng tháng Tám thành công, bên cạnh niềm vui và sự phấn khởi, nước ta phải đối mặt với nhiều vấn đề nan giải, trong đó có việc xây dựng một hiến pháp dân chủ. Bước ngoặt để hoàn thành mục tiêu trên chính là sự ra đời của Hiến pháp năm 1946 cùng với việc vận dụng tư tưởng Nhà nước Pháp quyền nhân nghĩa – nhà nước dân chủ; vận hành, quản lý theo pháp luật kết hợp với giáo dục đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặc biệt vào giai đoạn 1946-1960, dưới sự dẫn đường của Hồ Chủ tịch, luật gia Vũ Đình Hòe được xem là trợ thủ đắc lực giúp Người thúc đẩy hiện thực hóa tư tưởng pháp quyền.

Bí Mật Thú Vị Về Vị Bộ Trưởng Bộ Tư Pháp Đầu Tiên Của Việt Nam VŨ TRỌNG KHÁNH

Quý vị và các bạn thân mến, luật sư Vũ Trọng Khánh là Bộ trưởng Bộ Tư pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng viết về ông: “Anh là một trí thức yêu nước, có tâm huyết đối với vận mệnh của Tổ quốc, đã từng có đóng góp xứng đáng trong Chính phủ lâm thời đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong suốt những thập kỷ kháng chiến và những năm tiếp theo, anh đã hết lòng phục vụ nhân dân, có cống hiến xứng đáng đối với sự nghiệp đoàn kết toàn dân và xây dựng nền luật học của nước ta”. Vậy những cống hiến to lớn của ông cho sự nghiệp cách mạng như thế nào? Mời quý vị cùng tìm hiểu rõ hơn trong video ngay sau đây của Qũy Xã hội Phan Anh

Hồi ức nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Đình Hòe: Đạo lý và pháp lý trong tư tưởng pháp quyền Hồ Chí Minh

Điều khác biệt căn bản của tư tưởng pháp quyền Hồ Chí Minh là Nhân, là tình người, “thương người như thể thương thân”. Người đây là dân, trước hết là dân nghèo, lam lũ chạy ăn từng bữa, nên có thể còn ít học, còn lạc hậu, nên dân chưa hiểu ra cái mới, cái đúng thì “phải biết kiên nhẫn chờ đợi và càng kiên trì giải thích, thuyết phục”, chứ không thể bức bách, dùng vũ lực đàn áp.

TƯ PHÁP VÀ CÔNG AN - TRÍCH “VŨ ĐÌNH HÒE – PHÁP QUYỀN NHÂN NGHĨA HỒ CHÍ MINH”

Vũ Đình Hoè "Cái quan định luận" (Đóng nắp quan tài rồi mới phán xét được) - câu nói của người xưa hoàn toàn đúng với cụ Vũ Đình Hòe, cố Bộ trưởng Tư pháp (1946 - 1960 )nước VNDCCH. Có thể coi những lới sau đây của Trưởng ban tang lễ, Ủy viên Trung ương ĐCSVN,, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân là một lời phán xét như vậy:

Pháp quyền nhân nghĩa Hồ Chí Minh

Tôi đã dự định giới thiệu với bạn đọc cuốn "Pháp quyền Nhân nghĩa Hồ Chí Minh" dày gần 800 trang - cuốn sách mà GS Vũ Đình Hòe sau nhiều lần lưỡng lự đã quyết tâm viết lúc đã về hưu (bắt đầu từ năm 1991 và hoàn thành tháng 7 năm 2004).