Luật Sư Việt Nam
Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường - Lòng tự trọng của người trí thức
Nức tiếng tranh khôi đoạt giáp với 2 bằng Tiến sĩ Quốc gia ở tuổi 22 (1932), Giáo sư - Luật sư Nguyễn Mạnh Tường (1909 -1997) là hình ảnh mẫu mực của người trí thức Việt Nam về lòng tự trọng và bảo toàn danh dự.
 
Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường.
 
Ông chia sẻ: “Thế hệ chúng tôi được lòng yêu nước thôi thúc. Thế hệ ngày nay cũng được lòng yêu nước nuôi dưỡng. Chúng ta gặp gỡ trong tâm tình. Tôi chỉ xin cầu chúc các bạn: Hãy luôn sống đúng danh dự của người trí thức. Hãy vun trồng không nguôi lòng yêu nước và luôn nuôi dưỡng việc nghiên cứu và hướng nó về quê hương.
Một số học trò bên Pháp thấy ông đến già vẫn sống đạm bạc, đã ngỏ lời mời thầy ở lại nhưng ông từ chối: “Tôi là người trí thức Việt Nam, tôi có lòng tự trọng của mình. Tôi không thể vì miếng cơm, manh áo mà bỏ đất nước nghèo mà ra đi”.
Lòng tự trọng của người trí thức
Năm 1989 nhân dịp thọ 80 tuổi, cụ Nguyễn Mạnh Tường sang Paris theo lời mời của bạn bè Việt Nam và Pháp đi du lịch sang thăm lại nước Pháp …
Hồi ký của luật sư Nguyễn Mạnh Tường viết về thời gian này:
“Các bạn bè Việt - Pháp ở đây đã dành cho tôi một sự tiếp đón thật xúc động. Sau sáu mươi năm xa cách, tôi mới được thấy lại đất nước mà tôi đã được sống và học tập trong nhiều năm, đồng thời nhận được sự tiếp đón tế nhị và ân cần chăm chút của những trái tim vàng. Cái ước nguyện ôm ấp từ nhiều năm nay bây giờ mới được thực hiện. Thế là mãn nguyện”.
Ông đã thực hiện một cuộc phỏng vấn trên vô tuyến truyền hình ở hệ thống TF1 và hai buổi diễn thuyết, một ở Clermont l'Hérault ở gần Montpellier.
“Sự kiện bất ngờ, không thể biết trước đã cuốn hút tôi và làm tôi xáo trộn cả đầu óc là các cuộc nổi dậy của quần chúng trong các nước Đông Âu. Nhiều nhà báo đã đến hỏi ý kiến của tôi về hậu quả của nó có thể xảy ra ở Việt Nam”.
Sau những ngày bên Pháp trở về, luật sư Nguyễn Mạnh Tường đã kể lại tại Câu lạc bộ Thời sự - Khoa học (53 Nguyễn Du – Hà Nội) cho những nhà trí thức và những học trò trong suốt 2 giờ đồng hồ về chuyến đi này.
 
Trong đó có cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên tờ Le Monde – một tờ nhật báo lớn ra buổi chiều ở Paris. Nhà báo tập trung vào vấn đề chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản và gắn với tình hình Việt Nam.
“Ngài thấy thế nào về cuộc khủng hoảng ở Đông Âu?”, phóng viên tờ Le Monde hỏi.
Luật sư Nguyễn Mạnh Tường trả lời: “Tôi là một luật sư, quen bào chữa, chứ không phải một công tố viên, quen lên án. Hơn nữa, ngụ ngôn Pháp có câu: Cú đá của con lừa (le coup de pied de l’âne) để nói về những kẻ hèn hạ thừa cơ người khác gặp khó khăn mà lợi dụng. Các ông đừng ép tôi làm con lừa ngu ngốc ấy”.
 
Tại phiên toà xét xử ông cố vấn Vĩnh Thụy
Chiều ngày 21/8/2009, bà Vũ Bảo Tuyên con gái của cụ Vũ Đình Hòe - Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục trong Chính phủ Lâm thời tháng 8 năm 1945, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp (từ tháng 3 năm 1946 đến năm 1960 khi Bộ Tư pháp giải thể) dẫn tôi đến nơi hai cụ đang cư trú thuộc phường Linh Trung, quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh. Bậc công huân của đất nước vịn ghế bước ra, phong thái quắc thước, mái tóc bạc phơ phơ rung rung theo, thần thái tinh anh.
Tôi tới xin cụ kể cho một số kỷ niệm với GS.TS Luật sư Nguyễn Mạnh Tường nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh (1909 –2009) người trí thức nổi danh trong nền giáo dục hai nước Việt-Pháp từ những năm ba mươi của thế kỷ XX.  Là hàng cháu chắt, tôi giữ mãi ấn tượng về nụ cười hiền, tiếng nói vang và ấm của cụ Vũ Đình Hòe trong suốt câu chuyện.
- Có lần cụ từng kể, luật sư Nguyễn Mạnh Tường từng bào chữa cho ông Cố vấn tối cao Vĩnh Thuỵ tại Tòa án Quân sự. Sự việc này cụ thể ra sao ạ?
- Ông Vĩnh Thụy được Chính phủ, được Cụ Hồ giao công tác tham gia đoàn đi sang Trung Quốc để gặp Trung ương Đảng Quốc Dân Trung Hoa - Tưởng Giới Thạch. Nửa đường ông Vĩnh Thụy lợi dụng cơ hội tìm cách đi Hồng Kông, nửa đường không về nước, từ đấy liên hệ với phái viên của Pháp. Dần dà ông ấy chịu để Pháp lôi kéo đi ngược với đường lối đánh Pháp của dân ta, Chính phủ ta và Cụ Hồ.
Việc đưa ông Cố vấn tối cao Vĩnh Thụy ra xét xử trước Tòa án, Chính phủ ta phải cân nhắc nhiều. Tôi lúc bấy giờ là Bộ trưởng Bộ Tư pháp nên cũng được họp trong phiên Chính phủ họp bàn về xử vụ ông Vĩnh Thụy đào nhiệm. Chính phủ quyết định giao cho Tòa án xét xử theo đúng pháp luật, phải làm đàng hoàng đầy đủ thủ tục, có luật sư bào chữa cho bị cáo vắng mặt.
Mấy tháng sau, Toà án quân khu III được thành lập do ông Lê Văn Chất làm Chánh án, ông Bùi Lâm làm Công cáo uỷ viên, một Hội thẩm chính trị là đại biểu quân đội, một Hội thẩm chuyên môn là ông Trần Đình Trúc - Thẩm phán do Giám đốc Tư pháp khu III phái sang. Hai luật sư cùng bênh vực cho bị cáo Vĩnh Thụy là ông Đỗ Xuân Sảng và ông Nguyễn Mạnh Tường.
 
Luật sư Nguyễn Mạnh Tường (bên phải) cùng anh vợ - dược sĩ Tống Lịch Cường.
 
Bản cáo trạng buộc tội ông Vĩnh Thuỵ rất đanh thép. Sau khi đã thực thi đủ thủ tục pháp lý và bàn luận kỹ càng, Hội đồng xét xử đã ra phán quyết vắng mặt bị cáo: Tử hình đối với Nguyễn Vĩnh Thuỵ về tội phản quốc.
Chuyện xảy ra đã lâu, tôi chỉ còn cảm tưởng: Nói chung là ông Nguyễn Mạnh Tường đã làm đúng nhiệm vụ của người luật sư. Pháp luật của mình lúc ấy, cũng chưa được hoàn chỉnh. Luật sư Nguyễn Mạnh Tường đề nghị ghi vào bản án xử theo điều luật của nhiều nước trên thế giới là: Tử hình vắng mặt, khi nào bắt lại được can phạm thì sẽ mở lại phiên toà chứ không được thi hành cái án đã tuyên trước đó. Tòa án cũng đồng ý. Vụ án ông Vĩnh Thụy được xét xử thận trọng, nghiêm minh, được dư luận dân chúng, nhất là anh em trí thức hoan nghênh, ủng hộ.
“Bằng cách dốc toàn lực vào nghiên cứu, vào việc thực hiện những ý tưởng của mình, tôi đã hoàn toàn thỏa mãn về cuộc đời, vì mọi ước mơ của tôi đều đã thành đạt. Tôi mơ làm Giáo sư văn chương Tây thì tôi đã là Giáo sư. Tôi mơ trở thành Luật sư cãi những vụ nổi tiếng, tôi đã là Luật sư.
Tôi mơ một cuộc sống thật gần gũi người dân, nghề giáo và trạng sư đã giúp tôi cảm thông và sống được những nỗi niềm của người dân bình dị. Tôi mong được nhiều người thương thì đâu đâu cũng gặp tình cảm thân thương.
Việc tôi sang đây chứng tỏ hùng hồn tình cảm và sự giúp đỡ to lớn của các bạn trí thức dành cho tôi” - (GS Nguyễn Mạnh Tường).
KIỀU MAI SƠN
Nguồn: https://nongnghiep.vn/giao-su-nguyen-manh-tuong---long-tu-trong-cua-nguoi-tri-thuc-d250196.html
Bài viết liên quan
NGÀY PHÁP LUẬT VÀ TƯ TƯỞNG PHÁP QUYỀN NHÂN NGHĨA HỒ CHÍ MINH

Nguồn: https://sotuphap.daklak.gov.vn/ngay-phap-luat-va-tu-tuong-phap-quyen-nhan-nghia-ho-chi-minh-2410.html Ngày đăng: 08/11/2013 16:04 Năm nay là năm đầu tiên Nhà nước ta lấy ngày 09 tháng 11 để tổ chức kỷ niệm Ngày Pháp pháp luật Việt Nam.

LUẬT GIA VŨ ĐÌNH HÒE VÀ QUÁ TRÌNH HIỆN THỰC HÓA TƯ TƯỞNG PHÁP QUYỀN

Trần Thị Mỹ Linh K19502 & Nguyễn Thủy Tiên K195022C, Sinh viên Đại học Kinh tế – Luật, ĐHQG Tp HCM Cách mạng tháng Tám thành công, bên cạnh niềm vui và sự phấn khởi, nước ta phải đối mặt với nhiều vấn đề nan giải, trong đó có việc xây dựng một hiến pháp dân chủ. Bước ngoặt để hoàn thành mục tiêu trên chính là sự ra đời của Hiến pháp năm 1946 cùng với việc vận dụng tư tưởng Nhà nước Pháp quyền nhân nghĩa – nhà nước dân chủ; vận hành, quản lý theo pháp luật kết hợp với giáo dục đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặc biệt vào giai đoạn 1946-1960, dưới sự dẫn đường của Hồ Chủ tịch, luật gia Vũ Đình Hòe được xem là trợ thủ đắc lực giúp Người thúc đẩy hiện thực hóa tư tưởng pháp quyền.

Bí Mật Thú Vị Về Vị Bộ Trưởng Bộ Tư Pháp Đầu Tiên Của Việt Nam VŨ TRỌNG KHÁNH

Quý vị và các bạn thân mến, luật sư Vũ Trọng Khánh là Bộ trưởng Bộ Tư pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng viết về ông: “Anh là một trí thức yêu nước, có tâm huyết đối với vận mệnh của Tổ quốc, đã từng có đóng góp xứng đáng trong Chính phủ lâm thời đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong suốt những thập kỷ kháng chiến và những năm tiếp theo, anh đã hết lòng phục vụ nhân dân, có cống hiến xứng đáng đối với sự nghiệp đoàn kết toàn dân và xây dựng nền luật học của nước ta”. Vậy những cống hiến to lớn của ông cho sự nghiệp cách mạng như thế nào? Mời quý vị cùng tìm hiểu rõ hơn trong video ngay sau đây của Qũy Xã hội Phan Anh

Hồi ức nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Đình Hòe: Đạo lý và pháp lý trong tư tưởng pháp quyền Hồ Chí Minh

Điều khác biệt căn bản của tư tưởng pháp quyền Hồ Chí Minh là Nhân, là tình người, “thương người như thể thương thân”. Người đây là dân, trước hết là dân nghèo, lam lũ chạy ăn từng bữa, nên có thể còn ít học, còn lạc hậu, nên dân chưa hiểu ra cái mới, cái đúng thì “phải biết kiên nhẫn chờ đợi và càng kiên trì giải thích, thuyết phục”, chứ không thể bức bách, dùng vũ lực đàn áp.

TƯ PHÁP VÀ CÔNG AN - TRÍCH “VŨ ĐÌNH HÒE – PHÁP QUYỀN NHÂN NGHĨA HỒ CHÍ MINH”

Vũ Đình Hoè "Cái quan định luận" (Đóng nắp quan tài rồi mới phán xét được) - câu nói của người xưa hoàn toàn đúng với cụ Vũ Đình Hòe, cố Bộ trưởng Tư pháp (1946 - 1960 )nước VNDCCH. Có thể coi những lới sau đây của Trưởng ban tang lễ, Ủy viên Trung ương ĐCSVN,, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân là một lời phán xét như vậy:

Pháp quyền nhân nghĩa Hồ Chí Minh

Tôi đã dự định giới thiệu với bạn đọc cuốn "Pháp quyền Nhân nghĩa Hồ Chí Minh" dày gần 800 trang - cuốn sách mà GS Vũ Đình Hòe sau nhiều lần lưỡng lự đã quyết tâm viết lúc đã về hưu (bắt đầu từ năm 1991 và hoàn thành tháng 7 năm 2004).