Nhà giáo Đỗ Hồng Chỉnh - Chủ tịch HĐQL QXHPA
NHÀ GIÁO ĐỖ HỒNG CHỈNH
Nhà giáo Đỗ Hồng Chỉnh - Phu nhân cố Luật sư Phan Anh. Bà còn là Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Xã hội Phan Anh đã qua đời ngày 28/9/2022 (ngày Giáp Thân, tháng Canh Tuất, năm Nhâm Dần) thọ 90 tuổi; được An táng tại nghĩa trang Bãi Cầu (Dục Tú, Đông Anh, Hà Nội).
Bà giáo Đỗ Hồng Chỉnh sinh năm 1933 trong một gia đình Giáo học thuộc dòng họ Đỗ Đại Tông Dục Tú. Cha Bà là một Nhà Giáo dạy học từ năm 1920 đến năm 1962. Bà được Người Mẹ chăm chút dạy chữ, bồi dưỡng “công, dung, ngôn, hạnh” và rèn luyện nữ công gia chánh ngay từ thủa ấu thơ.  
NHÀ GIÁO ĐỖ HỒNG CHỈNH
     Sau 2 năm toàn quốc kháng chiến chống bọn thực dân trở lại xâm lược nước ta, Bà mồ côi Mẹ; mới 15 tuổi đã cùng gia đình theo Cha lên chiến khu Việt Bắc. Thi được vào học trường Sư phạm Trung ương (tại Cẩm Nhân, Yên Bình, Tuyên Quang), rồi sang Khu học xá Nam Ninh (bên Trung Quốc) tiếp tục học tập. Năm 1953 tốt nghiệp khoa Sư phạm cấp 1, cô giáo Đỗ Hồng Chỉnh được Sở Giáo dục Liên khu Việt Bắc phân công về trường Phổ thông cấp I & II Chiêm Hóa (Tuyên Quang) dạy học. Cô giáo được các em học sinh các dân tộc thiểu số huyện Chiêm Hóa và các em học sinh con cán bộ kháng chiến rất ngưỡng mộ, thương yêu, gắn bó, khát khao được học cô giáo dạy chữ và tổ chức sinh hoạt đội thiếu nhi quàng khăn đỏ phục vụ chăm xóc, thăm hỏi các anh thương bệnh binh đang nằm điều trị tại bệnh viện Chiêm Hóa.
     Năm 1955, cô giáo được Sở Giáo dục Hà Nội phân bổ về trường Tiểu học Nguyễn Du dạy văn hóa. Cùng năm đó, cô giáo Đỗ Hồng Chỉnh lấy chồng, kết hôn với Luật sư Phan Anh. Cô giáo dạy tiểu học, rồi dạy phổ thông cơ sở luôn giành được nhiều tình cảm yêu thương, tin cậy, kính trọng của nhiều thế hệ học trò trường Nguyễn Du. Hình ảnh cô giáo Đỗ Hồng Chỉnh mãi mãi trở thành niềm kiêu hãnh của tất cả các em học sinh trường Chiêm Hóa (Tuyên Quang) và trường Nguyễn Du (Hà Nội) đã được theo học lớp cô giáo giảng dạy.
     Anh Doãn Mạnh Dũng - nguyên học sinh trường Nguyễn Du khi được tin cô giáo qua đời, đã viết thư về viếng tang: … “Vào học lớp 4 trường Tiểu học Nguyễn Du (khóa 1958 - 1959), thật sự may mắn có một Người Thầy tuyệt vời đã dạy tôi cách học và cách sống, để không hối tiếc” … “Cô giáo Đỗ Hồng Chỉnh không chỉ dạy chúng tôi biết vượt qua chính mình để học giỏi, … mà còn hướng chúng tôi vào những công việc cụ thể phục vụ cộng đồng. Biết cảm thông, chia sẻ và khoan dung với mọi người là những đức tính cần được rèn luyện từ nhỏ. Tình yêu nước phải bắt đầu từ tình yêu thầy cô, bạn bè ở trường, về nhà là tình yêu cha mẹ và anh chị em” … “Cô giáo Đỗ Hồng Chỉnh đã dạy chúng tôi ước mơ và khát vọng đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu” … “Người Thầy mà tôi hằng yêu quý đãđi xa”, nhưng Người đã để lại thế hệ chúng tôi tấm gương: “Tận tụy với đất nước. Tình yêu thương và sự khoan dung với con người”. Tôi mãi mãi là học trò biết nghe lời cô giáo ! ... Vĩnh biệt cô giáo Đỗ Hồng Chỉnh đã dạy tôi nên Người” …
      Những năm 60 thế kỷ XX, được cử đi học trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Tại nơi sơ tán, điều kiên sinh hoạt của sinh viên thời “chống chiến tranh phá hoại” vô cùng khó khăn, Bà giáo - cán bộ đi học, đã nêu “tấm gương người Chị - thanh thản nhẹ nhàng chịu đựng gian khổ, mạnh dạn vượt khó, lạc quan tin tưởng cuộc kháng chiến sẽ thắng lợi” cho các bạn sinh viên cùng lớp noi theo.  
      Tốt nghiệp, được phân công về Cục Đào tạo Bồi dưỡng thuộc Bộ Giáo dục công tác, Nhà giáo tập trung vào nghiên cứu Phương pháp “Giáo dục kỹ thuật tổng hợp”, “Giáo dục học kết hợp với hành” và “Những kiến thức Sinh vật học mới” để phục vụ việc bồi dưỡng giáo viên giảng dạy môn sinh vật học cấp 2. Với tính cách làm việc “luôn hướng về phía trước” Bà giáo tranh thủ tiếp thu “kiến thức tổng hợp” và “tư duy nhìn xa” của Người Chồng; Bà giáo đã mạnh dạn đề xuất một số phương án “Cải cách giảng dạy bộ môn Sinh vật học cấp 2” lên Cục Đào tạo Bồi dưỡng và lãnh đạo Bộ Giáo dục.
      Bà giáo Đỗ Hồng Chỉnh - Nhà Sư phạm mẫu mực - Nhà nghiên cứu cải cách phương pháp giảng dạy bộ môn Sinh vật học cấp 2 đã làm việc miệt mài cho đến ngày nghỉ hưu. Bạn bè biết những việc Nhà giáo đã làm, rất quý trọng và kính nể. Tổ quốc Việt Nam thống nhất, Nhà nước đã tặng thưởng Bà giáo tấm Huân chương kháng chiến Chống Mỹ cứu nước hạng Nhất.
     Về hưu, Bà Đỗ Hồng Chỉnh đã giành toàn bộ thời gian và trí tuệ của mình giúp việc Luật sư Phan Anh. Với chồng, Bà tự nhận là “cô học trò nhỏ”, “người vợ tâm tình”, “người bạn đời tri kỷ”, “người giúp việc tận tụy, tin cậy”. Bà hằng ngày tốc ký ghi lại mọi lời Luật sư kể về “Cuộc đời và quá trình hoạt động công tác” của mình. Khi Luật sư Phan Anh qua đời, Bà giành toàn bộ thời gian và khả năng lao động trí óc của mình viết lại tất cả các câu chuyện mà Chồng bà đã kể lúc sinh thời; Bà ngày đêm nhẫn nại đọc kỹ và ghi chép đầy đủ mọi thông tin trong các tập hồ sơ tài liệu của Luật sư để lại. Sau biết bao lần viết đi, chỉnh lại, rồi hiệu đính, Bà đã hoàn thành Tuyển tập tài liệu “Cuộc đời hoạt động phụng sự Tổ quốc của Luật sư Phan Anh” dài hơn 7 ngàn 9 trăm trang. Nay Tuyển tập tài liệu Bà đã viết, được đóng thành nhiều quyển, nhiều tập làm tư liệu lịch sử.
      Mặc dù đã ngoài 85 tuổi, Bà cùng với một số trí thức yêu nước kiến nghị lên Chính phủ cho phép thành lập Quỹ Xã hội mang tên chồng Bà. Chính phủ đã cấp giấy phép cho Quỹ Xã hội Phan Anh được hoạt động từ cuối năm 2021. Bà Đỗ Hồng Chỉnh trên cương vị Chủ tịch Hội đồng quản lý đã kiên định chỉ đạo Quỹ vượt qua mọi khó khăn ban đầu thực hiện những chuyến thiện nguyện tài trợ giúp đỡ một số trường Phổ thông cơ sở ở huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh). Đã trao các xuất học bổng cho “một số học sinh nghèo, có tinh thần vượt khó, rất nhiều triển vọng” với phương trâm hoạt động: “Công khai minh bạch, phụng sự phát triển cộng đồng, tôn vinh sự công bằng chính trực, trân trọng con người, hướng tới trân quý các giá trị nhân văn trong cuộc sống” ...
     Không chỉ dừng lại ở các hoạt động thiện nguyện, Bà giáo còn yêu cầu Quỹ tuyên truyền giới thiệu: “Những câu chuyện hào hùng trong lịch sử dân tộc”, “những tấm gương yêu nước của các bậc tiền bối” … nhằm giúp thế hệ trẻ Việt Nam trân quý các giá trị lịch sử của dân tộc, trau dồi lòng yêu nước, có cách nhìn tích cực, để sống thật trách nhiệm với Tổ quốc.
     Bà giáo Đỗ Hồng Chỉnh là “Nhà giáo dục đích thực của nền giáo dục dân chủ nhân dân”. Sự nghiệp “dạy trò” và công việc “viết sách” của Nhà giáo đã hoàn thành tốt đep. Cuộc đời và sự nghiệp của Nhà giáo đúng với câu thơ trong truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du: “Trên vì nước, dưới vì nhà. / Một là đắc hiếu, hai là đắc trung” mà Luật sư Phan Anh đã từng ngâm và lẩy Kiều.
     Chúng tôi vô cùng kính trọng Nhà giáo, rất tự hào về Bà Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Xã hội Phan Anh - một Người Phụ nữ rất tận tâm với nghề giáo dục, có cuộc sống gương mẫu, giản dị, thủy chung, kiên cường. Chúng tôi nguyện học tập tấm gương kiên trung, ngoan cường, vượt khó trong hoạt động công tác và đức tính trong sáng, lành mạnh, giản dị, tiết kiệm trong sinh hoạt đời thường của Bà Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Xã hội Phan Anh.
Nhà giáo Đỗ Như Cự 

 

Bài viết liên quan
TRƯỜNG THANH NIÊN LAO ĐỘNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA HÒA BÌNH MỘT THỜI ĐÁNG NHỚ - QUYỂN 1 TẬP 1

Ngày 1/4/1958 trường Lao động XHCN Hòa Bình khai giảng khóa học đầu tiên. Báo Nhân dân số ra ngày 27/6/1962 đăng bài phóng sự “Đến thăm trường học dũng cảm” chính thức phong tặng trường Thanh niên LĐXHCN Hòa Bình danh hiệu “trường học dũng cảm” ra thông tin đại chúng. Ngày 17/8/1962, vinh dự lớn cho nhà trường, Bác Hồ về thăm và nói chuyện với toàn thể cán bộ, giáo viên, học sinh trường Thanh niên LXHCN Hòa Bình.

Bà Đỗ Hồng Chỉnh - Phu nhân Luật sư Phan Anh: Cho vẹn trăm năm một chữ Đồng - Nguồn từ Báo Đại Đoàn Kết.

Luật sư Phan Anh - nguyên Phó Chủ tịch Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, là một trí thức lớn, được Bác Hồ đặc biệt trọng đãi từ những ngày đầu thành lập nước, trong vai trò là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đầu tiên của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Tháng 3/2022, kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Luật sư, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với cụ bà Đỗ Hồng Chỉnh - phu nhân của Luật sư Phan Anh.

Đại diện gia đình Nhà giáo Đỗ Hồng Chỉnh trao lại Quỹ XH Phan Anh số tiền phúng viếng từ lễ tang theo di nguyện của Bà

Đại diện gia đình Nhà giáo Đỗ Hồng Chỉnh trao lại Quỹ XH Phan Anh số tiền phúng viếng từ lễ tang theo di nguyện của Bà

LỜI CẢM TẠ

Nhà giáo Đỗ Hồng Chỉnh - Phu nhân cố Luật sư Phan Anh - Chủ tịch Hội Đồng Quản lý Quỹ Xã hội Phan Anh, đã qua đời hồi 11h45 phút ngày 28/9/2022 (tức ngày Giáp Thân, tháng Canh Tuất, năm Nhâm Dần), thọ 90 tuổi. Được an táng tại nghĩa trang Bãi Cầu - Dục Tú (Đông Anh, Hà Nội).

Một số hình ảnh về Lễ tang Nhà giáo Đỗ Hồng Chỉnh - Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Xã hội Phan Anh

Một số hình ảnh về Lễ tang Nhà giáo Đỗ Hồng Chỉnh - Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ XH Phan Anh.

Đôi vợ chồng “trai anh hùng gái đảm đang” là học trò của tôi - Nhà giáo Đỗ Như Cự

Năm 1962 tham gia đội Thanh niên xung phong tình nguyện tháng 8 Thủ đô, tôi lên trường Thanh niên LĐXHCN Hòa Bình dạy văn hóa ở Phân hiệu 4.