Ông Đỗ Như Cự
Đôi vợ chồng “trai anh hùng gái đảm đang” là học trò của tôi - Nhà giáo Đỗ Như Cự
Năm 1962 tham gia đội Thanh niên xung phong tình nguyện tháng 8 Thủ đô, tôi lên trường Thanh niên LĐXHCN Hòa Bình dạy văn hóa ở Phân hiệu 4.
Gần ba năm 1965,1966,1967 làm giáo viên chủ nhiệm, dạy văn hóa một lớp khá đông học sinh, tôi quan tâm nhiều đến hai em còn ít tuổi: Bùi Văn Bình học lực khá, tác phong nhanh nhẹn, tháo vát, gan góc, hiếu động, nghịch ngợm, một chút ương ngạnh và Dương Thị Sinh học giỏi, chăm chỉ, tính tình hơi nhút nhát, chân thật, kính thầy, thương bạn. Năm 1968 tốt nghiệp cấp 2, các em chia tay Phân hiệu, cậu Bình nhập ngũ xung phong ra chiến trường, cô Sinh tiếp tục học lên rồi ra công tác. Kinh qua cuộc kháng chiến khốc liệt các em đều trưởng thành, lập được nhiều chiến công. Sau này nên duyên vợ chồng “trai anh hùng gái đảm đang”, thỉnh thoảng có năm nhớ các thầy, cô giáo cũ đã về Hà Nội thăm nom.
     Tự hào về những người học trò giỏi giang tín nghĩa, mình đã dạy từ thủa thanh thiếu niên. Nhân kỷ niệm ngày Phụ nữ 20/10 và ngày Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12, xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc: Bài báo “Người lính Binh chủng đặc biệt” của Nhà báo Duy Phảng đăng trên báo Quân đội nhân dân, số 13291, ra ngày thứ năm 14 /5/1998, cách nay đã 24 năm trời ./.
Thật đặc biệt khi chị vẫn thường nói: “Nếu không phải là ảnh thì dù có là thần núi cũng không lấy được chị”. Người chị gái khuyên em: “Dân tộc Dao hết người rồi hay sao mà em phải lấy nó”. Một đồng chí nguyên là Bí thư Huyện ủy Đà Bắc lại nói: “Anh Bình và chị Sinh đều là những người đặc biệt tốt, sống có tâm, có đức, có phúc, nên có phần”.
Đ/c Dương Thị Sinh Phó bí thư Huyện ủy Đà Bắc – Hòa Bình tham dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII
Đ/c Dương Thị Sinh Phó bí thư Huyện ủy Đà Bắc – Hòa Bình
tham dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII
Biết bao lời xa ý lạ nói về vợ chồng anh thương binh nặng Bùi Văn Bình dân tộc Mường và chị Dương Thị Sinh - Phó bí thư Huyện ủy Đà Bắc, dân tộc Dao. Quả vậy, mối tình của anh lính đặc công này cũng sừng sững như núi ông Đùng và hoàng tráng như đập thủy điện Sông Đà. Tình yêu của họ là nhịp cầu bắc nối hai dân tộc vùng cao và như một lời thách thức với tập quán thâm căn cố đế không lấy chồng, lấy vợ dân tộc khác. Anh chị vốn là học sinh trường Thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa Hòa Bình. Mới đầu quen nhau chỉ là lòng tốt xui bảo, vô tư tình cảm học trò: bạn trai cày đồi, đào mương, vác đá; bạn gái khâu khăn vá áo hộ bạn trai. Hồi ấy, anh mơ trở thành lính đặc công, chị mơ trở thành người thân của người lính ấy. Ôi! Nghe anh, nghe chị kể về chiến sĩ đặc công như một thần thoại: Nào nhảy vào lửa, lao xuống nước, nào ẩn dáng tàng hình, xuất quỷ nhập thần. Tình yêu đã nhen lên, cũng rạo rực hình ảnh người lính đặc công trong lòng họ.
Giữa lúc anh háo hức với ước mơ của mình thì không may anh bị ốm nặng, anh đòi được đưa về quê. Trong lòng chị trào dâng một nỗi nhớ, duyên mới bén nhưng nghĩa đã nặng. Anh bị ốm và xa cách, chị không có dịp săn sóc anh, chị héo như cây chuối chớm nạn đốt rừng. Chị hoảng hốt với ý nghĩ thiếu anh trong cuộc đời. May thay, hừng đông còn có ban mai, sau một thời gian, được gia đình chăm sóc thuốc thang, anh đã khỏe, hồng hào trở lại. Anh nhận được giấy gọi lên đường nhập ngũ, biên chế vào binh chủng đặc công cũng là lúc chị có giấy báo vào đại học. Tình yêu của họ lại đứng trước một thử thách mới. Chiến tranh đã lan rộng ra cả hai miền, chị theo trường đi sơ tán, anh đi vào mặt trận. Bao nhiêu lá thư gửi về cho chị là bấy nhiêu trận đánh. Hào hùng thay, kỳ vĩ thay các trận đánh: Có trận ba anh lính đặc công diệt hàng trăm tên giặc; có trận năm anh lính đặc công làm mù mắt hàng trăm con chó béc-giê và phá hủy hàng rào điện  làm cả sân bay náo loạn; một trận đánh khác bảy anh lính đặc công làm nổ tung cả khu nhà cao ngất của địch. Nhận được những tin vui thắng trận từ anh gửi về, chị như nhìn thấy anh bay trên muôn hồng ngàn tía, hào hùng như một thiên thần của chị. Thế nhưng lần chiến đấu tại đèo Ông Nguyệt, bản Bà Thìn, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi đã là trận chiến đấu cuối cùng của anh. Trận ấy, đồng đội hy sinh hết, còn lại mình anh quần nhau với máy bay, xe tăng. Với lựu đạn trong tay, dao găm trong túi anh sẵn sàng “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”. Anh đã chuẩn bị một sự hy sinh mà anh cho là rất đặc biệt lúc đó: Địch sẽ phải trả giá bằng chiếc xe tăng hoặc một máy bay bị cháy. Giặc đông hàng trăm tên nhưng khi nghe tới hai chứ “đặc công” là chúng hết vía. Xung quanh, bom rơi đạn nổ, anh bị ba vết đạn: làm bị thương ở mặt (về sau ảnh hưởng đến thẩm mỹ), làm xương sườn bị gẫy, một chân bị cụt. Anh nằm thiếp đi trong bụi lau rậm, máu chảy đầm đìa. Khi hé mắt nhìn thấy ánh sáng qua kẽ lá anh mới biết mình còn sống, một cái sống ở gần sát cái chết. Trong thâm tâm anh thầm nghĩ: “Anh quyết sống để trở về với quê hương, với Sinh và cũng chính lúc ấy, anh ý thức được rằng anh đã chết vì Tổ quốc, một phần đời còn lại, anh sẽ dành tất cả cho chị”. Nghĩ được như thế anh cố gắng gượng để vượt qua, một mình nằm trong rừng, tự băng bó cho mình để chờ đồng đội tìm đến, một tuần anh vật lộn với tử thần, nhịn đói, nhịn khát. Khi đồng đội tìm thấy anh, vết thương đã thối rữa, tai anh nghe thấy tiếng nói thân quen của đồng đội mà miệng không nói thành tiếng. Anh tin là đồng đội sẽ cứu anh, sẽ đưa anh về với chị.
Đ/c Bùi Văn Bình thương binh nặng
          Đ/c Bùi Văn Bình thương binh nặng
Đơn vị bố trí anh ra Bắc điều trị. Anh từ chối lên xe ô tô và đã tự chống nạng từ trạm cuối cùng của đường dây B1 trạm 5 trên đất Lào.
Anh vừa đi, vừa nghỉ 9 tháng trong rừng để tránh máy bay địch. Ra tới miền Bắc, anh được đưa vào an dưỡng tại đoàn 582 Nam Hà. Năm 1972 anh được chuyển về đoàn an dưỡng 541 trên đất Hòa Bình quê anh. Lòng anh rạo rực nhớ đến người yêu. Nhưng có nên đến với Sinh, với bộ mặt thiếu thẩm mỹ và chiếc chân cụt đến đùi hay không ?. Liệu anh có còn là người để chị mong đợi nữa hay không ?. Đang mông lung suy nghĩ thì cơn gió lành đã đưa chị đến thăm anh. Hai người gặp lại trong sự mong chờ đến nao lòng bấy lâu nay. Đám cưới của anh chị làm mọi người rưng rưng nước mắt trong sự mừng vui và cảm động.
Anh chị sống với nhau trong chiến tranh và trong cơ chế bao cấp vô cùng khó khăn. Nhà tranh vách nứa, núi đứng, đồi dốc. Với nghị lực của người lính đặc công năm xưa, anh đã tìm ra lối thoát “đặc biệt”. Anh tạo ra một cơ sở buôn bán nông, lâm sản, bán muối, dầu hỏa, những thứ cần thiết cho đồng bào địa phương. Việc làm của anh lúc đó như một thách thức động trời. Dư luận rằng: “Chị là cán bộ huyện, anh là thương binh lại đi buôn bán, mà buôn bán lúc đó đồng nghĩa với lừa lọc, bóc lột; có người bảo phải thu lại hai cái thẻ đỏ, cắt tiêu chuẩn gạobốn hàocủa anh, xem lại tư cách cán bộ của chị ...”.
Song, anh chị đã vượt qua tất cả. Anh tự động viên mình, cho dù còn một chân vẫn phải đứng vững trước dư luận. Lúc này trong anh đặt ra một câu hỏi: “Một bên là dị nghị, dư luận, một bên là cuộc sống gia đình, phải chọn lấy một hướng đi. Nếu sợ những lời dị nghị thì chấp nhận sự đói nghèo. Muốn vượt lên sự đói nghèo phải chống nạng lên rừng trồng cây, làm kinh tế”. Thế là anh đã tìm ra hướng đi.
Khi nhà nước có chủ trưởng xây dựng công trình thủy điện trên sông Đà, anh lại cùng gia đình rời đi nơi khác cho công trình được khởi công, cuộc sơ tán mới bắt đầu, có điều sơ tán lần này không phải vì bom đạn máy bay Mỹ mà vì “nước đuổi”. Chồng chống nạng, vợ tay dắt con lớn, lưng địu con nhỏ đi về nơi quê hương thứ ba.
Đến với núi xa, rừng lạ này lại bắt đầu khai sơn phá thạch, anh hoạch định cho tương lai: Nơi khóm sim cằn sẽ là nhà; nơi lùm gai um tùm sẽ là bếp, phía thung sâu sẽ là ao, phía lưng bằng phẳng sẽ là chuồng lợn, chuồng gà … Ngày ngày, chị bế con đi gửi trẻ để đến cơ quan làm việc, anh chống nạng bên tay trái, làm tay phải với chiếc xà beng trong tay, đào đồi đục núi như con xuyên sơn tạo dựng cơ đồ. Thật kỳ lạ, với nội năng đặc biệt, với thuộc tính tham công, tiếc việc như một bản năng sẵn có anh nêu một tấm gương lao động. Nhiều người thấy anh vất vả thì ái ngại, nhưng anh đã quyết thì làm, sự ham mê công việc của anh như để bù lại những năm tháng xa nhà, bù lại sự thiếu hụt trong cuộc sống gia đình. Đã có người nói vui: “Ông Bình ham công việc như con gấu lầm lũi leo lên cây cao lấy tổ ong, mặc cho ong đốt”. Những người hiểu anh thì bảo: “Với tình yêu người lính đặc công, anh đã làm nên nhà dài, nhà vuông, bếp cao cửa rộng, làm nên ao cá, giếng nước”. Anh biến những đồi sim thành rừng bạch đàn, rừng bương, anh biến khóm hoa mua thành trạm xay xát phục vụ bà con lối xóm. Nhờ vậy, mà trong chuồng lợn nhà anh lúc nào cũng có 9 - 10 con … Chị thấy anh vất vả, có lần đã cõng anh về, giặt quần áo, tắm rửa cho anh. Anh em thân tình trong cơ quan chị thấy anh lao động thì mang bia ra đãi anh, uống xong mọi người lăn ra ngủ, còn anh thì leo lên đồi. Đúng như lời đồng chí nguyên Bí thư Huyện ủy Đà Bắc nói: “Anh Bình, chị Sinh đều là người có tâm, có đức, có phúc nên cũng có phần”. Cơ ngơi của anh lính đặc công bây giờ đã trở nên khang trang. Hàng năm nuôi lợn xuất chuồng 5 - 6 tạ; anh chị chăm chút cho các con ăn học nên người: Hai con vào đại học; một con trai đi thiếu sinh quân. Bà con xóm giềng khen các con anh chị hiếu thảo, chăm học chăm làm. Cháu gái đầu lòng vừa nấu cơm, vừa học bài mải mê để cháy nồi cơm, bố mẹ thấy thế không mắng còn cười. Cháu thứ hai đi học xa, được cấp học bổng vài chục ngàn đồng còn tiết kiệm chi tiêu, thỉnh thoảng về thăm gia đình còn có quà cho bố mẹ.
Chị Dương Thị Sinh, một phụ nữ dân tộc Dao, từ một cán bộ bình thường, phấn đấu tốt được Đảng bộ bầu làm Phó Bí thư Huyện ủy. Đối với tình yêu người lính năm xưa chị thủy chung chờ đợi. Chị là chỗ dựa, là niềm an ủi để anh Bùi Văn Bình có một cuộc sống hạnh phúc hôm nay. Tại hội nghị đại biểu vợ thương binh nặng do tỉnh Hà Sơn Bình tổ chức các đây 7 năm, cả hội nghị lặng đi khi nghe chị Dương Thị Sinh phát biểu: “Chồng tôi trông xấu nhất Đông Dương, nhưng tôi lại yêu anh nhất quả đất”. Cả hội trường vừa xúc động vừa cười vang và tự hào vì nhưng lời chân thành mộc mạc của người phụ nữ vùng cao có chồng là thương binh nặng. Khi tiếp xúc với Bùi Văn Bình, anh nói: “Tôi đã đi qua cái chết đặc biệt và nhờ có tình yêu của người vợ thủy chung, son sắc cũng rất đặc biệt ấy, tôi sẽ sống xứng đáng với tình yêu ấy cùng với sự đùm bọc của cộng đồng”. Đúng là tình yêu đặc biệt của anh lính binh chủng đặc biệt.
Đ/C Dương Thị Sinh (đứng giữa) trong đoàn đại biểu Hòa Bình  chụp ảnh kỷ niệm với đoàn Chủ tịch Đại hội VIII ĐCSVN.
Đ/C Dương Thị Sinh (đứng giữa)
trong đoàn đại biểu Hòa Bình
 chụp ảnh kỷ niệm với đoàn Chủ tịch Đại hội VIII ĐCSVN.
 
Bài viết liên quan
NHÀ GIÁO ĐỖ HỒNG CHỈNH

Nhà giáo Đỗ Hồng Chỉnh - Phu nhân cố Luật sư Phan Anh. Bà còn là Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Xã hội Phan Anh đã qua đời ngày 28/9/2022 (ngày Giáp Thân, tháng Canh Tuất, năm Nhâm Dần) thọ 90 tuổi; được An táng tại nghĩa trang Bãi Cầu (Dục Tú, Đông Anh, Hà Nội).

TRƯỜNG THANH NIÊN LAO ĐỘNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA HÒA BÌNH MỘT THỜI ĐÁNG NHỚ - QUYỂN 1 TẬP 1

Ngày 1/4/1958 trường Lao động XHCN Hòa Bình khai giảng khóa học đầu tiên. Báo Nhân dân số ra ngày 27/6/1962 đăng bài phóng sự “Đến thăm trường học dũng cảm” chính thức phong tặng trường Thanh niên LĐXHCN Hòa Bình danh hiệu “trường học dũng cảm” ra thông tin đại chúng. Ngày 17/8/1962, vinh dự lớn cho nhà trường, Bác Hồ về thăm và nói chuyện với toàn thể cán bộ, giáo viên, học sinh trường Thanh niên LXHCN Hòa Bình.

Bà Đỗ Hồng Chỉnh - Phu nhân Luật sư Phan Anh: Cho vẹn trăm năm một chữ Đồng - Nguồn từ Báo Đại Đoàn Kết.

Luật sư Phan Anh - nguyên Phó Chủ tịch Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, là một trí thức lớn, được Bác Hồ đặc biệt trọng đãi từ những ngày đầu thành lập nước, trong vai trò là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đầu tiên của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Tháng 3/2022, kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Luật sư, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với cụ bà Đỗ Hồng Chỉnh - phu nhân của Luật sư Phan Anh.

Đại diện gia đình Nhà giáo Đỗ Hồng Chỉnh trao lại Quỹ XH Phan Anh số tiền phúng viếng từ lễ tang theo di nguyện của Bà

Đại diện gia đình Nhà giáo Đỗ Hồng Chỉnh trao lại Quỹ XH Phan Anh số tiền phúng viếng từ lễ tang theo di nguyện của Bà

LỜI CẢM TẠ

Nhà giáo Đỗ Hồng Chỉnh - Phu nhân cố Luật sư Phan Anh - Chủ tịch Hội Đồng Quản lý Quỹ Xã hội Phan Anh, đã qua đời hồi 11h45 phút ngày 28/9/2022 (tức ngày Giáp Thân, tháng Canh Tuất, năm Nhâm Dần), thọ 90 tuổi. Được an táng tại nghĩa trang Bãi Cầu - Dục Tú (Đông Anh, Hà Nội).

Một số hình ảnh về Lễ tang Nhà giáo Đỗ Hồng Chỉnh - Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Xã hội Phan Anh

Một số hình ảnh về Lễ tang Nhà giáo Đỗ Hồng Chỉnh - Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ XH Phan Anh.