Suy ngẫm
Tác giả Đặng Văn Việt
Đặng Văn Việt sinh ngày 22-3-1920 tại làng cổ Nho Lâm thuộc xã Diễn Thọ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Thân phụ của Đặng Văn Việt là Đặng Văn Hướng (1887 - 1954). Cụ Đặng Văn Hướng đỗ Phó bảng thời Nguyễn, làm quan Thượng thư Hình bộ thời Bảo Đại và Tổng đốc Nghệ An thời Chính phủ Trần Trọng Kim. Khi có phong trào Việt Minh, cụ Đặng Văn Hướng bí mật ủng hộ cách mạng.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 nổ ra, Tổng đốc Đặng Văn Hướng bàn giao ấn tín, vũ khí, tiền bạc cho cách mạng và tình nguyện tham gia Việt Minh (Liên khu IV). Thành lập Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1945), cụ Đặng Văn Hướng được Hồ Chủ tịch mời giữ chức Bộ trưởng phụ trách ba tỉnh: Thanh - Nghệ - Tĩnh... Sinh ra trong gia đình trí thức yêu nước, chàng trai Đặng Văn Việt, sau khi đỗ tú tài ở Huế, ra Hà Nội học Đại học Y khoa Đông Dương. Và con đường làm cách mạng của Việt bắt đầu từ đó. Anh tham gia hoạt động phong trào đấu tranh của sinh viên, rồi trở thành thành viên bí mật của Việt Minh.

Khi Nhật đảo chính Pháp, trường đóng cửa, Đặng Văn Việt trở lại Huế học trường “Thanh niên Tiền tuyến” do luật sư Phan Anh và giáo sư Tạ Quang Bửu khởi lập. Trường này hoạt động được hơn một tháng thì Cách mạng Tháng Tám 1945 bùng nổ. Ông Trần Hữu Dực, một cán bộ khởi nghĩa đã giao cho Đặng Văn Việt treo cờ đỏ sao vàng trước cửa Ngọ Môn vào sáng 21-8-1945.

Đặng Văn Việt đã là Trung đoàn trưởng trước khi về Trung đoàn 174. Tháng 10 năm 1947, ông được giao làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 28. Năm ấy Đặng Văn Việt mới 27 tuổi. Ngày 19-8-1949, Trung đoàn 174 được thành lập, bộ đội hầu hết là con em các dân tộc thuộc ba tỉnh Cao Bằng - Bắc Cạn - Lạng Sơn. Ông Đặng Văn Việt được cử làm Trung đoàn trưởng. Ông Chu Huy Mân (sau này là Đại tướng) được cử làm Chính ủy đầu tiên của Trung đoàn.

Trận mở màn của Trung đoàn 174 sau ngày thành lập do Trung đoàn trưởng Đặng Văn Việt chỉ huy là trận Bông Lau - Lũng Phầy. Đây là trận thắng lớn trên đường số 4. Hơn 100 lính Âu Phi bị bắt, ta phá hủy 96 xe vận tải và ba xe tăng, xe bọc thép, thu nhiều chiến lợi phẩm của địch.

Sau trận này, đường số 4 trở thành con đường máu, con đường chết đối với địch. Chúng đã gắn cho Đặng Văn Việt biệt danh là “Hùm xám đường số 4” . Sau trận mở màn thắng lợi giòn giã, Trung đoàn 174 do Trung đoàn trưởng Đặng Văn Việt và Chính ủy Chu Huy Mân chỉ huy đã tham gia chiến dịch Biên giới lịch sử. Tháng 5-1950, Trung đoàn 174 đánh trận Đông Khê thắng lợi,

 

Năm 1954, ông  được phân công giảng dạy ở Trường sĩ quan lục quân. Năm 1958, ông được phong quân hàm trung tá. Năm 1960, ông xuất ngũ và được điều sang làm Cục phó Cục Vật liệu xây dựng, rồi Cục phó Cục Xây dựng cơ bản thuộc ngành Thủy sản đến khi nghỉ hưu.

Sau khi về hưu, cuộc sống ông vất vả. Tuy nhiên, với tính lạc quan và cộng với nền tảng giáo dục của gia đình, ông có tinh thần học tập và phát triển kiến thức tốt. Ông nói thành thạo tiếng Pháp, tiếng Anh và đọc được cả hai cổ ngữ là chữ Latin và chữ Hy Lạp cổ. Thời gian công tác trong ngành Xây dựng, ông còn học thêm bằng kỹ sư.

Từ năm 1985, ông bắt đầu bước vào sự nghiệp văn chương. Do từng là một trong những sĩ quan cao cấp thời kỳ đầu và từng có thời gian gắn bó với chiến trường đường số 4, ông đã viết và dịch nhiều hồi ký liên quan đến con đường lịch sử này. Đặc biệt, với hồi ký "Đường số 4 rực lửa", ông đã được tặng giải thưởng cao nhất của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam vào năm 1999. Hồi ký được chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp đích thân viết lời tựa, và Đại tướng Hoàng Văn Thái viết lời giới thiệu. Một số tác phẩm của mình được ông dịch ngược qua tiếng Pháp hoặc tiếng Anh để giới thiệu ra quốc tế.

Một số tác phẩm của ông:

  1. Một phác thảo lịch sử quân sự. Chủ biên: Đặng Văn Việt. chưa xuất bản
  2. Tóm tắt và đối chiếu lịch sử quân sự Việt Nam với lịch sử quân sự thế giới: Từ cổ đại tới hiện đại. Nhà xuất bản Thanh Niên, Hà Nội, 1998.
  3. Con đường tử địa (La Route Morte). Tác giả: Charles Henry de Pirey, dịch giả: Đặng Văn Việt.
  4. Sự mù quáng của tướng de Gaulle đối với cuộc chiến ở Đông Dương (L’Aveuglement, De Gaulle face à l’Indochine). Tác giả: Pierre Quatreponit, dịch giả: Đặng Văn Việt.
  5. Người lính già Đặng Văn Việt - chiến sĩ đường số 4 anh hùng (Hồi ức) (tác giả: Đặng Văn Việt). Nhà xuất bản Trẻ. 2003
  6. Đường số 4, con đường lửa (tác giả: Đặng Văn Việt), 1985.
  7. Les mémoires du vieux soldat.
  8. Souvenirs d'un colonel Vietminh, Indo Éditions, Paris, 2006 - ISBN 2-914086-22-9.
  9. De la RC 4 à la N 4: la campagne des frontières, Editions Le Capucin, 2000.

 

Nguồn:   https://www.nhandan.com.vn/baothoinay/baothoinay-xahoi/item/41110502-trung-doan-truong-dau-tien-cua-chung-toi.html%20v%C3%A0%20https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BA%B7ng_V%C4%83n_Vi%E1%BB%87t

Bài viết liên quan
Chương mục: Suy Ngẫm

Chương mục Suy ngẫm là diễn đàn để các thế hệ hiện nay và mai sau muốn tìm hiểu về lịch sử, về từng con người trong lịch sử có thêm tư liệu chân thực về các sự kiện và con người trong lịch sử để tạo dựng một bức tranh chân thực nhất về những khoảnh khắc lịch sử của đất nước.

Quỹ Phan Anh tri ân Người lính già Đặng Văn Việt

Quỹ Phan Anh tri ân Người lính già Đặng Văn Việt, tặng thiết bị trợ thính giúp cụ nghe rõ hơn ở tuổi 100.

VIỆT NAM - BẢN HÙNG CA GIỮ NƯỚC

Ban Biên soạn đã nêu ra các phương án đặt tên cho cuốn sách: * Lịch sử Quân sự 4000 năm của Việt Nam; * Lịch sử Quân sự Việt Nam 4000 năm; * Việt Nam – Một phác thảo Lịch sử Quân sự. Ngày 02 tháng 2 năm 2015, Ban Biên soạn giao cho Trung tâm Văn hóa Tràng An công việc hoàn thiện tác phẩm. Trung tâm Văn hóa Tràng An đã đề nghị đổi tên cuốn Lịch sử Quân sự thành VIỆT NAM - BẢN HÙNG CA GIỮ NƯỚC.