Tin tức
Những học trò '3 không'
Đã vào năm học mới nhưng cả Thúy Ngân và Mỹ Kiều đều chưa có sách tập, quần áo còn thiết bị học lại càng không.

Men theo con đường mòn bị sạt lở khoét sâu, các thầy cô giáo trường tiểu học Long Thuận 4 dẫn chúng tôi đến nhà em Thúy Ngân, xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự. Tuyến đường huyết mạch ngày nào, giờ chẳng ai có thể nhận ra. Đất sụp đến đâu, đường xá, nhà cửa mất dần, xóm làng giờ hiu quạnh. Nhà có điều kiện thì bỏ xứ còn những người bám trụ đa phần không còn nơi nào để đi.

Gia đình em Võ Thị Thuý Ngân, học sinh lớp 5, trường tiểu học Long Thuận 4, cũng vật vờ theo từng con sóng vỗ vào bờ. Nhà không cục đất cắm dùi, phần nền nhà cũng là đất ở đậu. Cả nhà quanh quẩn làm thuê, làm mướn sống qua ngày.

Từ nhỏ Thuý Ngân và em trai đã sống cùng ông bà còn cha mẹ đi làm thuê ở TP. Hồ Chí Minh. Ba tháng trước vì mất việc nên mẹ em, bà Võ Thị Thuý Nhi cùng chồng đùm túm về quê. Không có thu nhập lại phải nuôi hai con nhỏ và cha mẹ già, bà Nhi chỉ còn biết xin gạo từ thiện, còn chồng giăng lưới, cắm câu kiếm dăm con cá cho bữa ăn hàng ngày.

Những học trò '3 không'

Thuý Ngân được anh chị khoá trước tặng sách cũ. Em rất vui và thường lấy sách ra đọc rồi tập viết vào vở

"Cuộc sống cái ăn còn thiếu trước hụt sau nói chi mua điện thoại cho con học trực tuyến. Con bé cứ theo hỏi tôi: Mẹ ơi, không có điện thoại sao mà học. Tui chỉ biết im lặng. Tôi cũng thử đi mượn tiền người quen nhưng 5.000 đến 10.000 đồng người ta còn cho, chứ dăm ba triệu họ biết mình không thể trả nổi thì ai dám cho mượn", nói rồi bà Nhi chỉ cái điện thoại "cùi bắp" mà cả nhà đang dùng.

Thuý Ngân là cô bé có đôi mắt sáng và lanh lợi. Em học rất giỏi và được thầy cô khen chăm, ngoan. Ngân khoe với chúng tôi vừa được thầy chủ nhiệm xin cho bốn quyển sách cũ của anh chị khoá trước. Mấy hôm nay cứ hễ rảnh Ngân lại mang sách ra đọc. Ngân rất sợ vì nghèo mà phải bỏ học.

Bà Nhi nhìn ra sông Tiền nước chảy cuồn cuộn rồi trông vào căn nhà sát bờ nước lở, không biết chừng chỉ một thời gian nữa phải xin đi ở đậu nơi khác. Thấy con ham học bà chỉ dám lấp lửng: "Tới đâu hay tới đó chứ biết sao giờ".

Những học trò '3 không'

Gia cảnh khó khăn Mỹ Kiều hay phụ mẹ việc nhà. Hiện tại dù năm học mới sắp bắt đầu nhưng Mỹ Kiều chưa có sách vở, quần áo nhất là thiết bị để học trực tuyến. 

Cách nhà Ngân không xa là cô bạn học cùng trường, cùng khối 5 - Lê Thị Mỹ Kiều. Hay tin sắp học trực tuyến Kiều cũng thường hỏi mẹ khi nào mua điện thoại. Bà Trần Thanh Thao - mẹ Kiều, cứ hẹn hết lần này đến lần khác.

Chồng mất khi con mới chập chững biết đi, bà Thao ở vậy nuôi con và người cha già. Ngoài số tiền anh chị gửi để săn sóc ông cụ, bà Thao làm thêm nghề cạo hạt điều, mỗi tháng kiếm đủ tiền sinh hoạt trong nhà. Vài tháng nay do dịch công việc duy nhất cũng mất.

Trong căn nhà tôn xập xệ, Kiều không có một chỗ học đàng hoàng. Em thường ngồi dựa vách nhà để học hoặc nằm võng lắc lẻo. Việc học của mình, Kiều cũng tự sắp xếp, chứ bà Thao không phải nặng lo nhiều. Mà có muốn lo cũng khó vì bà Thao chỉ biết mặt chữ, học chưa hết lớp 3 đã bỏ dở. "Thấy con bé nằm, ngồi khắp nhà học bài mà không có nổi cái bàn. Cũng muốn mua cho con lắm nhưng không có khả năng thì biết làm sao. Tới giờ sách tập, quần áo cũng chưa mua được. Cái điện thoại lại càng xa vời", bà Thao nói.

Những học trò '3 không'

Sách cũ do thầy cô huy động để tặng em Võ Thị Thuý Ngân, Trường Tiểu học Long Thuận 4, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp.

Thầy Nguyễn Văn Thảo, giáo viên chủ nhiệm lớp của Kiều khen em còn nhỏ đã hiểu chuyện, thường hay giúp mẹ công việc trong nhà. Năm ngoái học xong em liền mang bộ sách cũ để tặng cho đứa em trong xóm cũng thiếu thốn như mình. Thầy Thảo động viên cả nhà cố gắng vượt qua khó khăn và hứa sẽ huy động sách cũ của các em khoá trên để Kiều có sách học.

Trong lớp thầy Thảo chủ nhiệm có 20 em thì 5 em hiện tại chưa có thiết bị để học trực tuyến. Học sinh lớp 5 toàn huyện sẽ học trực tuyến từ ngày 27/9 các khối lớp nhỏ sẽ học sau. Cả tuần nay thầy cô trong trường chạy ngược chạy xuôi để vận động nhiều nguồn không chỉ thiết bị mà còn sách vở, dụng cụ học tập. Giáo viên cũng khảo sát các nhà xung quanh nếu nhà nào có đường truyền Internet sẽ vận động san sẻ với những nhà hàng xóm có học trò học trực tuyến.

"Hai em học cùng lớp nhà gần nhau mà một em có điện thoại một em không có thì vận động học cùng nhau. Nhà trường, thầy cô cũng cố gắng hết sức có thể để không em nào bị bỏ lại phía sau", thầy Thảo chia sẻ.

Thầy Nguyễn Hữu Tiến, Trưởng Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Hồng Ngự, cho biết cấp tiểu học đặc biệt thiếu trang thiết bị học trực tuyến. Chỉ riêng khối lớp 5 còn gần 800 em chưa có thiết bị trong tổng số hơn 2.200 em, chiếm gần 35%. Tương tự, cấp THCS còn gần 700 em chưa có thiết bị. "Sắp tới ngoài nguồn vận động của các doanh nghiệp mạnh thường quân, giáo viên cũng trích ngày lương để mua sắm thiết bị tặng các em", thầy Tiến cho biết.

Nguồn: VnExpress.

QUỸ XÃ HỘI PHAN ANH

- Địa chỉ: Tầng 9, tòa nhà ICON4, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam

- Website: https://pafoundation.org.vn

- Fanpage: https://www.facebook.com/quyxahoiphananh.

- E-mail: [email protected]

- Hotline: 02462758531

Trao tặng mọi yêu thương - Lan tỏa mọi hạnh phúc

Bài viết liên quan
Chúc mừng ngày nhà giáo việt nam 20/11

Hình ảnh thay lời muốn nói

04/19/2024
Công ty CP Vietnam Blockchain hợp tác cùng Quỹ Phan Anh “Hỗ trợ theo dõi quá trình Quyên góp trên nền tảng Blockchain”

Với định hướng nâng cấp về cơ sở hạ tầng về công nghệ IT, không gian mạng và nhận biết được những lợi ích mà công nghệ Blockchain mang lại phù hợp với tiêu chí đề ra, Quỹ Phan Anh đã có cơ hội hợp tác cùng Công ty CP Vietnam Blockchain (VBC) nhằm hỗ trợ cộng đồng xã hội xây dựng và thực hiện những dự án gây quỹ trên diện rộng, góp phần thúc đẩy hiệu quả của việc tiếp cận đến các tổ chức, mạnh thường quân lớn và nâng cao giá trị uy tín của Quỹ Phan Anh đối với người tham gia nhằm hướng tới tiêu chí: Trung thực, chính xác và minh bạch.

CUỘC THI HÀNH TRÌNH CHẮP CÁNH

“Ta sống bằng thứ ta gom góp được, nhưng ta tạo ra cuộc đời bằng thứ ta cho đi”. Mỗi câu chuyện, mỗi hành động của bạn chính là thông điệp để xã hội ngày một tươi đẹp. Hãy cùng nhau chia sẻ câu chuyện của bản thân để lan tỏa niềm yêu thương đến với mọi người trên mọi miền tổ quốc. Vậy thì còn chần chờ gì nữa, hãy nhanh tay đăng ký cuộc thi thôi nào ✨CHỦ ĐỂ CỦA CUỘC THI: Một câu chuyện của bản thân về trải nghiệm, hành trình thiện nguyện, hoạt động ngoại khóa nhằm gửi gắm những thông điệp, những giá trị đến với người đọc.

Vĩnh biệt Cô giáo Đỗ Hồng Chỉnh đã dạy tôi nên Người !

Xin vĩnh biệt và kính mong cô thanh thản nơi vĩnh hằng ! Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 28/9/2022 - Doãn Mạnh Dũng.

Quỹ Xã hội Phan Anh với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và Hội Khuyến học, Đoàn TNCS HCM của huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh trao 12 xuất học bổng của đợt 3&4 mỗi em 2 triệu/tháng (trao gộp 2 đợt x2 tháng = 4 triệu/em ), trong Dự án “HỖ TRỢ HỌC SINH NGHÈO VƯỢT KHÓ”

12 học sinh gặp hoàn cảnh khó khăn, có thành tích học tập tốt trên địa bàn huyện được Quỹ xã hội Phan Anh tặng học bổng trị giá 2 triệu đồng/em (trao gộp 2 đợt x2 tháng = 4 triệu/em ). Đây là đợt trao thứ 3 & 4 của Dự án “HỖ TRỢ HỌC SINH NGHÈO VƯỢT KHÓ” trong tổng 12 đợt trao học bổng của năm học 2021-2022.

Kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm trường Thanh niên LĐXHCN Hòa Bình (1962 - 2022)

Nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm trường TNLĐXHCN Hòa Bình, sáng 14/8/2022 nhiều thế hệ thầy, trò trường Thanh niên đã trở về khu Di tích lịch sử văn hóa Bác Hồ về thăm Thanh niên