Tin tức
Những đứa trẻ mất tổ ấm trong đại dịch
Đại dịch Covid-19 bùng nổ không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn gây thiệt hại nặng nề về con người. Có những đứa con mất cha, người chồng mất vợ, người cháu mất ông bà.

Năm tháng qua, bà Nguyễn Thị Hường, 61 tuổi, kiêm thêm vai mẹ cho hai đứa cháu ngoại, hàng đêm ru chúng ngủ và sẵn sàng có mặt mỗi khi chúng giật mình, sợ hãi.

Covid-19 đã dội liên tiếp ba cái tang vào gia đình nhỏ của hai đứa trẻ. Bố của hai bé mất trong bệnh viện hồi cuối tháng 7. Sáu tiếng sau, mẹ qua đời ở một bệnh viện khác tại TP HCM. Năm ngày sau, ông nội cũng qua đời tại khu cách ly. Thế giới của Trần Khánh Như, 13 tuổi và Trần Đăng Huy, 6 tuổi, thay đổi từ đó.

Là những người thân duy nhất còn lại của Như và Huy, vợ chồng bà Hường phải đón các cháu từ quận 8, TP HCM về quê ở ấp Trung Tâm, xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Dù đã bỏ nghề đánh cá vài năm, nhưng từ khi nuôi thêm cháu ngoại, giờ chồng bà lại dậy sớm chuẩn bị đồ nghề dong thuyền ra sông Đồng Nai, ngày kiếm trăm nghìn duy trì cuộc sống.

Những đứa trẻ mất tổ ấm trong đại dịch

Bé Trần Đăng Huy đang ngồi học tại nhà bà ngoại ở huyện Trảng Bom, Đồng Nai. Ảnh: Gia đình cung cấp.

Như và Huy không phải trường hợp cá biệt khi rời tổ ấm để đến sống ở nơi xa lạ, do Covid-19. Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021, Viện Khoa học Lao động và Xã hội đưa ra số liệu, tính đến 5/12, đại dịch đã làm hơn 2.500 trẻ rơi vào cảnh mồ côi trong đó có gần 100 trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ. Không chỉ mất người thân, nhiều trẻ còn mất cả ngôi nhà thân thuộc, chuyển đến sống cùng họ hàng ở một nơi hoàn toàn xa lạ.

"Làn sóng Covid-19 lần thứ tư khiến không ít trẻ em rơi vào vòng xoáy nghiệt ngã, không còn chỗ dựa", tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thị Thu Huyền - Giám đốc chương trình, tổ chức giáo dục Teach For Vietnam, nói.

Không còn chỗ dựa nên cả tháng nay, bé Trần Thị Tuyết Ngân, 11 tuổi, phải tập sống một mình trong căn nhà lợp tôn ở xóm Tăng Thạnh A, phường 2, thị xã ngã 5, Sóc Trăng. Mẹ em mất bởi Covid-19 còn bố đã qua đời vì điện giật 6 năm trước.

Ngay cả trước khi mẹ qua đời, gia đình Ngân luôn thuộc hộ nghèo nhất xã. Sau cái chết của cha, anh trai em, Trịnh Văn Nhân, khi đó mới học hết lớp 8 phải bỏ học lên TP HCM bán hoa quả thuê ở chợ đầu mối Thủ Đức. Một năm sau, mẹ cũng dẫn Ngân lên thành phố, làm bốc vác. Cả ba mẹ con sống tại căn nhà trọ 15 m2 gần nơi làm.

Tháng 8/2021, mẹ Ngân nhiễm bệnh rồi mất tại bệnh viện dã chiến sau bảy ngày điều trị. Nhận được tro cốt mẹ, hai anh em dẫn nhau về quê. Xây xong mộ cho mẹ, anh trai Ngân nhận được điện thoại của chủ cửa hàng, yêu cầu lên làm lại. Vì thời gian làm việc từ 18h hôm trước đến 6h sáng hôm sau, không thể đưa đón và chăm sóc em nên Trịnh Văn Nhân gửi Ngân cho người cậu kế nhà nhờ "để ý giùm".

Ngày ra đi, thanh niên 21 tuổi phải trốn lúc nửa đêm bởi sợ em tỉnh dậy, níu chân không đi nổi. Trong tin nhắn gửi lại, Nhân viết: "Bé ở nhà gắng học giỏi. Anh đi kiếm tiền, một tháng nữa giỗ ba anh về".

Bé Trần Đăng Huy đang ngồi học tại nhà bà ngoại ở huyện Trảng Bom, Đồng Nai

Trần Thị Tuyết Ngân tự học trong khu cách ly trước khi được trở về quê nhà Sóc Trăng. Ảnh:Nhân vật cung cấp.

Hồi tháng 7, Tạp chí Y khoa The Lancet đã công bố nghiên cứu về những tác động thứ phát của đại dịch. "Covid-19 vượt ngoài tầm kiểm soát đã thay đổi đột ngột và vĩnh viễn cuộc sống của những đứa trẻ mồ côi", nghiên cứu ghi rõ. Đồng thời chúng "sẽ trưởng thành với sự mất mát sâu sắc bởi những điều đã trải qua".

Bà Lã Linh Nga, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học tâm lý giáo dục (PPRAC), cho rằng trẻ đột ngột mất người thân sẽ gặp những vấn đề tâm lý tiêu cực như buồn bã, tuyệt vọng, khó chịu hay tê liệt, kéo dài vài tuần, một số khác có thể chịu tác động lâu dài hơn.

Khi Huy nửa đêm bật dậy khóc thất thanh, bà Hường thường vỗ về cháu: "Ngủ đi mai bố mẹ về". Đến bây giờ bà vẫn chưa dám nói sự thật cho đứa cháu 6 tuổi. Cách đây nửa tháng khi dịch tạm lắng, bà Hường bắt xe lên TP HCM thu dọn đồ đạc của hai con trong căn phòng thuê. Xe về tới nhà, nhìn thấy đồ của ba mẹ, Huy ôm lấy khóc nức nở, trách: "Bà mang hết quần áo về thì bố mẹ lấy gì để mặc". Còn với Như, ở tuổi 13 con bé đã biết giấu mọi cảm xúc với ông bà. Tối nào nó cũng ngồi một mình trong phòng, ôm ảnh ba mẹ, khóc ướt gối mới đi ngủ.

Từ ngày anh đi, Ngân sống và học online trong căn nhà của cha mẹ. Đến bữa ăn và ngủ tối, cô bé mới sang nhà cậu. Vốn ít nói, phải sống một mình trong căn nhà rộng 30 m2, em càng trở nên lầm lì.

Anh ở một nơi, em ở một ngả, cứ rảnh Nhân lại gọi điện về quê. Hồi đầu, em hay khóc, trách anh không đưa lên Sài Gòn bởi nó nhớ nhà trọ, nhớ bữa cơm đông đủ các thành viên. "Đợi công việc ổn anh sẽ đón lên", Nhân hứa với em. Hiện tại, cậu mới xin làm thêm giờ ở cửa hàng, mong tăng thu nhập. "Vì em gái, tôi phải cố gắng," Nhân nói.

Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền, việc mất người thân rồi đột ngột chuyển đến nơi ở mới sẽ khiến trẻ sốc nặng trước sự mất mát. Bởi vậy việc hạn chế thay đổi thói quen hàng ngày có thể phần nào giúp ích cho trẻ.

"Người thân có thể trò chuyện với trẻ để biết những thói quen hằng ngày của gia đình trước đây". Theo bà Huyền, người đỡ đầu nên thảo luận cùng trẻ để sắp xếp lại một số hoạt động, thói quen, những gì không cần thay đổi thì có thể giữ như cũ.

Các sự kiện họp mặt toàn gia đình như ngày lễ, tết có thể khiến trẻ cảm thấy tủi thân, cô độc và nhớ về cha mẹ đã khuất. Trong hai năm đầu tiên, những người thân cần ở bên trẻ trong những dịp này nhiều hơn và khiến trẻ bận rộn với những việc tương tự thường ngày.

Cũng theo bà Huyền, việc trò chuyện thẳng thắn về cái chết của cha mẹ trong trạng thái bình tĩnh giúp ích cho trẻ hơn là né tránh hoặc nói dối trẻ. Người lớn xung quanh có thể nhắc những điều tốt đẹp về cha mẹ của các em và khuyến khích các em cùng cầu nguyện điều tốt lành sẽ luôn đến với cha mẹ ở thế giới khác.

Giờ nếu thấy em khóc, cô bé Khánh Như không còn quay mặt đi mà chạy đến vỗ về an ủi. Như thường chỉ tay lên trời, nói với Huy bố mẹ giống như vì sao, đang dõi theo hai chị em ở trên đó. "Lớn rồi không khóc nhè. Học giỏi, phụ giúp ông bà việc nhà, bố mẹ mới vui".

"Nghe con bé nói mà mắt tôi cay xè", bà Hường kể. Bà hiểu, dù tương lai còn nhiều khó khăn, nhưng chỉ cần các cháu khỏe mạnh, gia đình vẫn có nhau là đủ. "Giờ tôi cần trân quý những thứ hiện hữu quanh mình", bà nói.

Nguồn: Sưu tầm.

Theo dõi:

Để cập nhật những thông tin về hoạt động của chúng tôi một cách nhanh chóng và chính xác nhất.

Bài viết liên quan
Chúc mừng ngày nhà giáo việt nam 20/11

Hình ảnh thay lời muốn nói

04/19/2024
Công ty CP Vietnam Blockchain hợp tác cùng Quỹ Phan Anh “Hỗ trợ theo dõi quá trình Quyên góp trên nền tảng Blockchain”

Với định hướng nâng cấp về cơ sở hạ tầng về công nghệ IT, không gian mạng và nhận biết được những lợi ích mà công nghệ Blockchain mang lại phù hợp với tiêu chí đề ra, Quỹ Phan Anh đã có cơ hội hợp tác cùng Công ty CP Vietnam Blockchain (VBC) nhằm hỗ trợ cộng đồng xã hội xây dựng và thực hiện những dự án gây quỹ trên diện rộng, góp phần thúc đẩy hiệu quả của việc tiếp cận đến các tổ chức, mạnh thường quân lớn và nâng cao giá trị uy tín của Quỹ Phan Anh đối với người tham gia nhằm hướng tới tiêu chí: Trung thực, chính xác và minh bạch.

CUỘC THI HÀNH TRÌNH CHẮP CÁNH

“Ta sống bằng thứ ta gom góp được, nhưng ta tạo ra cuộc đời bằng thứ ta cho đi”. Mỗi câu chuyện, mỗi hành động của bạn chính là thông điệp để xã hội ngày một tươi đẹp. Hãy cùng nhau chia sẻ câu chuyện của bản thân để lan tỏa niềm yêu thương đến với mọi người trên mọi miền tổ quốc. Vậy thì còn chần chờ gì nữa, hãy nhanh tay đăng ký cuộc thi thôi nào ✨CHỦ ĐỂ CỦA CUỘC THI: Một câu chuyện của bản thân về trải nghiệm, hành trình thiện nguyện, hoạt động ngoại khóa nhằm gửi gắm những thông điệp, những giá trị đến với người đọc.

Vĩnh biệt Cô giáo Đỗ Hồng Chỉnh đã dạy tôi nên Người !

Xin vĩnh biệt và kính mong cô thanh thản nơi vĩnh hằng ! Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 28/9/2022 - Doãn Mạnh Dũng.

Quỹ Xã hội Phan Anh với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và Hội Khuyến học, Đoàn TNCS HCM của huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh trao 12 xuất học bổng của đợt 3&4 mỗi em 2 triệu/tháng (trao gộp 2 đợt x2 tháng = 4 triệu/em ), trong Dự án “HỖ TRỢ HỌC SINH NGHÈO VƯỢT KHÓ”

12 học sinh gặp hoàn cảnh khó khăn, có thành tích học tập tốt trên địa bàn huyện được Quỹ xã hội Phan Anh tặng học bổng trị giá 2 triệu đồng/em (trao gộp 2 đợt x2 tháng = 4 triệu/em ). Đây là đợt trao thứ 3 & 4 của Dự án “HỖ TRỢ HỌC SINH NGHÈO VƯỢT KHÓ” trong tổng 12 đợt trao học bổng của năm học 2021-2022.

Kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm trường Thanh niên LĐXHCN Hòa Bình (1962 - 2022)

Nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm trường TNLĐXHCN Hòa Bình, sáng 14/8/2022 nhiều thế hệ thầy, trò trường Thanh niên đã trở về khu Di tích lịch sử văn hóa Bác Hồ về thăm Thanh niên