Tin tức
Chạy xe máy 500 km ra Hà Nội chữa bệnh cho con
NGHỆ AN_Bán hai con dê, năm con gà, vợ chồng chị Nghĩa ôm con chạy xe máy xuống bệnh viện tỉnh. Nghe bác sĩ nói con ung thư võng mạc, họ lao luôn ra Hà Nội

Chích Thị Nghĩa, 28 tuổi, không biết đi xe máy nên anh Hắp Văn Thư, chồng chị phải đèo suốt chặng đường dài. Từ bản Xốp Pu, xã Yên Na, huyện Tương Dương đến bệnh viện tỉnh Nghệ An gần 200 km, từ đó đến Bệnh viện Mắt Trung ương (Hà Nội) dài thêm 300 km nữa.

Thư, 34 tuổi, là một xe ôm lâu năm, nhưng chỉ chạy quanh xã Yên Na. Đây là lần đầu đôi vợ chồng người Khơ Mú ra phố. Không biết đường, họ cứ theo biển chỉ dẫn và hỏi thăm mà chạy. Khác với những người hồi hương tránh dịch, chuyến đi của gia đình ba người không có ai tiếp sức dọc đường.

"Cu Tài bị kẹp giữa, ngủ gục trên cánh tay làm tôi đau nhừ. Thỉnh thoảng tôi cũng ngủ quên, chồng cứ phải vỗ vào đùi, hét thật to để tỉnh lại", chị Nghĩa kể lại chuyến đi hồi tháng 7, bằng tiếng Kinh không sõi.

Trên đường đi trời đổ mưa to, hai vợ chồng co cụm trong chiếc áo mưa hơn 70 nghìn đồng mua dọc đường, cố che cho thằng con không ướt. Khi cánh tay đã tê cứng, con run lên vì lạnh hai vợ chồng đành thuê một phòng trọ nhỏ ở Ninh Bình ngủ lại một đêm. Thành thử, chuyến ra Hà Nội kéo dài tới hơn 20 tiếng.

Trước đó vài ngày, cu Tài, cậu con út hai tuổi của vợ chồng chị Nghĩa xuất hiện tình trạng cứ bước đi là vấp ngã. Thấy con mắt không nhìn mình, đầu nổi cục lớn, cục bé, mặt lấm lem đất vì vấp ngã, hai vợ chồng lấy xe đèo Tài xuống bệnh viện tỉnh. Sau chụp chiếu, bác sĩ kết luận cậu bé bị ung thư võng mạc, viết giấy cho chuyển ra Bệnh viện Mắt Trung ương.

Xe khách không hoạt động vì Covid-19. Xe cấp cứu ra giá 3 triệu đồng cho chuyến đi, trong khi trong túi họ chỉ có hơn năm triệu đồng. Hai vợ chồng gọi điện về nhờ hàng xóm để ý hai đứa con gái ở nhà, chở cu Tài bằng xe máy ra thủ đô.

Nghe bác sĩ bệnh viện Mắt Trung ương thông báo kết quả trùng với bệnh viện tỉnh, Nghĩa sụp xuống trong im lặng. Chồng chị ôm con nước mắt ướt nhòe khuôn mặt lấm bụi.

Được một tuần, họ phải chuyển từ viện Mắt Trung ương đến bệnh viện Xanh Pôn, rồi K Tân Triều. Đường thành phố hai chiều làm Thư luống cuống. Đôi dép tổ ong chà mạnh xuống đường mỗi lần phát hiện đi sai. Nhưng lòng vòng mãi không đến nơi, vừa nói vừa ra dấu, hai vợ chồng thuê một xe ôm dẫn đường, giá 80 nghìn đồng mỗi lượt.

Đến viện K Tân Triều, anh Thư giao con và bọc tiền cho vợ, dặn theo bác sĩ đi làm thủ tục. Ở quê, họ còn hai đứa con gái lớp Ba và lớp Bốn cần chăm sóc nên Thư phải về.

"Ở bản này, 168 hộ thì có 110 hộ là hộ nghèo. Gia đình anh Tài và chị Nghĩa là số ít họ chịu khó làm ăn mới nằm trong nhóm hơn 30 hộ cận nghèo, nghĩa là có kinh tế hơn chút. Nhưng đứa con ung thư khiến họ rất chật vật", ông Cù Văn Thanh, trưởng bản Xốp Pu, nói.

Ông Thanh cho hay, vì cả bản đều hộ nghèo, nên cán bộ có kêu gọi cũng chỉ được mỗi hộ hai nghìn, năm nghìn, nên không huy động.

Một mình chơ vơ giữa đất Hà Thành, tiếng Kinh không sõi, Nghĩa chỉ biết khóc, lật đật theo nhân viên y tế đi làm thủ tục. Hai mẹ con thường ngồi góc giường, hiếm khi giao tiếp với người lạ. "Tôi không nói được nhưng nghe vẫn hiểu. Có người bảo tôi không chăm con, để bẩn nên mắt mới hỏng. Tôi chẳng biết nói sao cho họ hiểu", chị nói.

Nhưng cũng nhờ một mẹ bệnh nhi chung phòng, chị biết đến nhóm "Những chuyến xe yêu thương", chuyên hỗ trợ bệnh nhân nghèo về quê miễn phí. Không chỉ đưa đón mỗi lần đi viện, các thành viên trong nhóm động viên, hỗ trợ tinh thần lẫn vật chất gia đình chị. "Nhờ có các anh chị, tôi thấy trên đời còn nhiều người tốt. Mọi người cũng dặn tôi buồn chẳng giải quyết được gì, phải mạnh mẽ vì con", Nghĩa vỡ ra.

Biết điểm yếu của mình là giao tiếp, chị chăm nói chuyện, nhắn tin cho những người quen biết. Nghĩa muốn học tiếng Kinh trôi chảy để bớt bỡ ngỡ mỗi lần đưa con ra Hà Nội và quan trọng là có thể mời mọi người mua măng tươi, măng khô.

Cứ xong một đợt điều trị của cu Tài, vợ chồng chị lại về quê, gửi con trai cho hàng xóm, huy động hai con lớn lên núi đào măng. Những ngày này miền Tây xứ Nghệ lạnh sâu, cả nhà dậy từ năm giờ sáng. Họ dắt nhau leo núi vài giờ đồng hồ mới đến điểm đào măng. Để được mỗi người gùi măng, cả nhà phải hì hục đến 7 giờ tối. Nghĩa thường thức đến quá nửa đêm, luộc măng kịp sáng ngày đem bán.

Chị Ngô Thanh Thủy, thành viên nhóm Những chuyến xe yêu thương, cho biết, rất mến vợ chồng Nghĩa vì thật thà, chịu khó lăn lộn để kiếm tiền chữa bệnh cho con. "Tôi hay nói Nghĩa mang măng ra Hà Nội chị bán giúp để có giá hơn. Nhưng nhiều lúc được giúp đỡ, em ấy cứ sợ mắc nợ ân tình", chị Thủy nói.

Tháng này, cậu bé Hắp Văn Tài sẽ làm phẫu thuật bỏ một mắt, chi phí khoảng 60 triệu đồng. Nhưng hôm 5/1, Chích Thị Nghĩa về thủ đô với chỉ 500 nghìn đồng trong túi.

"Đã đến lịch điều trị cho con nên tôi phải xuống. Tôi đang đợi chồng vay được tiền thì gửi ra sau", Nghĩa nói. Lần này, măng khô, măng tươi vài bao tải, chị mang theo xe về Hà Nội. Không chắc được bao nhiêu từ chuyến hàng này, nhưng Nghĩa vẫn kỳ vọng đủ cho hai mẹ con lo tiền cơm những ngày ở viện.

 Nguồn: Sưu tầm.

Bài viết liên quan
Chúc mừng ngày nhà giáo việt nam 20/11

Hình ảnh thay lời muốn nói

04/19/2024
Công ty CP Vietnam Blockchain hợp tác cùng Quỹ Phan Anh “Hỗ trợ theo dõi quá trình Quyên góp trên nền tảng Blockchain”

Với định hướng nâng cấp về cơ sở hạ tầng về công nghệ IT, không gian mạng và nhận biết được những lợi ích mà công nghệ Blockchain mang lại phù hợp với tiêu chí đề ra, Quỹ Phan Anh đã có cơ hội hợp tác cùng Công ty CP Vietnam Blockchain (VBC) nhằm hỗ trợ cộng đồng xã hội xây dựng và thực hiện những dự án gây quỹ trên diện rộng, góp phần thúc đẩy hiệu quả của việc tiếp cận đến các tổ chức, mạnh thường quân lớn và nâng cao giá trị uy tín của Quỹ Phan Anh đối với người tham gia nhằm hướng tới tiêu chí: Trung thực, chính xác và minh bạch.

CUỘC THI HÀNH TRÌNH CHẮP CÁNH

“Ta sống bằng thứ ta gom góp được, nhưng ta tạo ra cuộc đời bằng thứ ta cho đi”. Mỗi câu chuyện, mỗi hành động của bạn chính là thông điệp để xã hội ngày một tươi đẹp. Hãy cùng nhau chia sẻ câu chuyện của bản thân để lan tỏa niềm yêu thương đến với mọi người trên mọi miền tổ quốc. Vậy thì còn chần chờ gì nữa, hãy nhanh tay đăng ký cuộc thi thôi nào ✨CHỦ ĐỂ CỦA CUỘC THI: Một câu chuyện của bản thân về trải nghiệm, hành trình thiện nguyện, hoạt động ngoại khóa nhằm gửi gắm những thông điệp, những giá trị đến với người đọc.

Vĩnh biệt Cô giáo Đỗ Hồng Chỉnh đã dạy tôi nên Người !

Xin vĩnh biệt và kính mong cô thanh thản nơi vĩnh hằng ! Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 28/9/2022 - Doãn Mạnh Dũng.

Quỹ Xã hội Phan Anh với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và Hội Khuyến học, Đoàn TNCS HCM của huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh trao 12 xuất học bổng của đợt 3&4 mỗi em 2 triệu/tháng (trao gộp 2 đợt x2 tháng = 4 triệu/em ), trong Dự án “HỖ TRỢ HỌC SINH NGHÈO VƯỢT KHÓ”

12 học sinh gặp hoàn cảnh khó khăn, có thành tích học tập tốt trên địa bàn huyện được Quỹ xã hội Phan Anh tặng học bổng trị giá 2 triệu đồng/em (trao gộp 2 đợt x2 tháng = 4 triệu/em ). Đây là đợt trao thứ 3 & 4 của Dự án “HỖ TRỢ HỌC SINH NGHÈO VƯỢT KHÓ” trong tổng 12 đợt trao học bổng của năm học 2021-2022.

Kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm trường Thanh niên LĐXHCN Hòa Bình (1962 - 2022)

Nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm trường TNLĐXHCN Hòa Bình, sáng 14/8/2022 nhiều thế hệ thầy, trò trường Thanh niên đã trở về khu Di tích lịch sử văn hóa Bác Hồ về thăm Thanh niên