Luật sư Phan Anh
LUẬT SƯ PHAN ANH
Của NXBCTQG ST - 2014. ( trích "Phan Anh một niềm tự hào của tri thức Việt Nam". Trang 5)

Luật sư  Phan Anh

 

Luật sư Phan Anh là một trí thức tiêu biểu của thời đại Hồ Chí Minh

Ông sinh ngày 16-12-1911(tức 26-10 năm Tân Hợi) tại xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, một địa danh nổi tiếng, giàu truyền thống yêu nước, sản sinh ra nhiều nhân vật lỗi lạc để lại dấu ấn không phai mờ trong lịch sử vinh quang của dân tộc. Với truyền thống một gia đình Nho học yêu nước, vượt qua cuộc sống thời niên thiếu gian nan, vất vả, ông sớm tiếp cận đến một nền tri thức hiện đại, tạo nên phẩm chất của một nhà hoạt động xã hội, một chính khách.

Năm 1926, nhờ học giỏi ông nhận được học bổng của Trường Trung học Bảo hộ (Trường Bưởi). Sau khi tốt nghiệp Tú tài, ông vào học ngành Luật. Trong thời gian học luật ở Trường Đại học Đông Dương, ông tham gia hoạt động xã hội, là Chủ tịch Tổng hội sinh viên và vào Đảng Xã hội Pháp. Ông vừa học, vừa tham gia dạy học ở Trường Gia Long và Trường Thăng Long, Hà Nội. Năm 1937, Phan Anh tốt nghiệp cử nhân Luật tại Trường Đại học Đông Dương. Năm 1938, ông sang Pháp để trình luận án tiến sĩ Luật, nhưng Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ nên ông không kịp bảo vệ luận án và phải về nước, hành nghề luật sư tại văn phòng luật sư Bùi Tường Chiểu. Ông đã bào chữa cho nhiều chiến sĩ cộng sản bị thực dân Pháp bắt và kết án.

Năm 1940, ông cùng Vũ Đình Hòe, Vũ Văn Hiền thành lập báo Thanh Nghị (1941-1945) mong muốn đóng góp ý kiến của mình trước nhân dân. Ông là một trong những cây bút trụ cột của tờ báo này, phụ trách nhiều chuyên mục của báo.

Sau khi Nhật đảo chính Pháp tại Đông Dương (9-3-1945), ông cùng một số trí thức trẻ khác được Bảo Đại mời vào Huế tham khảo ý kiến về việc Nhật “trao trả độc lập” cho Việt Nam và để thành lập nội các mới. Sau đó ông được mời giữ chức Bộ trưởng Bộ Thanh niên trong Chính phủ Trần Trọng Kim. Trong thời gian này, ông cùng với Giáo sư Tạ Quang Bửu thành lập Trường Thanh niên Tiền Tuyến (Huế) để nắm lấy lực lượng thanh niên Huế, không để Nhật lợi dụng và đưa họ vào một tổ chức có lợi cho đất nước.

Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, ông từ chức cùng Nội các Trần Trọng Kim. Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp mặt các nhân sĩ, trí thức tại Bắc Bộ phủ ít lâu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao cho luật sư Phan Anh nhiệm vụ thành lập và làm Chủ tịch Hội đồng Kiến thiết quốc gia. Sau khi Quốc hội khóa I được bầu cử ngày 6-1-1946 và Chính phủ liên hiệp thành lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu (2-3-1946), ông được cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Tháng 7-1946, ông được Chính phu giao chức Tổng thuyết trình viên phái đoàn Chính phủ Việt Nam đi dự Hội nghị Fontainebleau đàm phán với Chính phủ Pháp.

Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, ông từng đảm nhiệm các chức vụ: Bộ trưởng Bộ Kinh tế (1947), thành viên Hội đồng Quốc phòng tối cao (1949). Tháng 7-1954, ông là thành viên Phái đoàn Chính phủ Việt Nam tham dự Hội nghị Genève.

Năm 1954, Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao cho ông liên tục giữ các chức vụ: Bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ trưởng Bộ Thương nghiệp (từ tháng 9-1955 đến tháng 4-1958); Bộ trưởng Bộ Ngoại thương (từ tháng 4-1958 đến năm 1976).

Luật sư Phan Anh là đại biểu Quốc hội từ khóa II đến khóa VIII; là Phó Chủ tịch Quôc hội khóa VII. Ông là một trong những người sáng lập Hội Luật gia Việt Nam và là Chủ tịch đầu tiên của Hội. Ông là ủy viên thường vụ Hội Luật gia Dân chủ quốc tế và Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Hòa bình của Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Hòa bình thế giới.

Luật sư Phan Anh là thành viên Ban vận động thành lập Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam và khi Hội được thành lập (29-5-1946), ông được bầu làm Ủy viên thường trực. Ngày 10-9-1955, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ra đời, ông liên tục được bầu làm Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tại Đại hội III Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (tháng 11-1988), ông được bầu làm Phó Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Để tri ân những đóng góp lớn lao của một trí thức tiêu biểu, tài năng và đức độ, trọn đời phấn đấu hết mình cho sự nghiệp độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, vì hòa bình và công lý của luật sư Phan Anh, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật xin giới thiệu cuốn sách Phan Anh - Một niềm tự hào của trí thức Việt Nam với bạn đọc gần xa.

 

Bài viết liên quan
06/08/2020
PHAN ANH - Nhân nhượng hưng quốc gia

Trích "gương mặt những người cùng thế hệ", tác giả Vũ Đình Hòe

06/08/2020
LUẬT SƯ PHAN ANH

Phạm Quốc Anh - Nguyên Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam (trích "Phan Anh một niềm tự hào của tri thức Việt Nam" của NXBCTQG ST - 2014. Trang 9)

06/08/2020
PHAN ANH – ANH PHAN

Vũ Đình Hòe (trích "Phan Anh một niềm tự hào của tri thức Việt Nam" của NXBCTQG ST - 2014. Trang 351)

06/04/2020
TƯỞNG NHỚ PHAN ANH

Hoàng Xuân Hãn (trích "Phan Anh một niềm tự hào của tri thức Việt Nam" của NXBCTQG ST - 2014. Trang 357)

05/21/2020
BỘ TRƯỞNG QUỐC PHÒNG - PHAN ANH

Luật sư Phan Anh sinh năm 1911, tại Tùng Ảnh (Đức Thọ, Hà Tĩnh), một địa danh nổi tiếng, giàu truyền thống yêu nước, sản sinh ra nhiều nhân vật lỗi lạc để lại dấu ấn không phai mờ trong lịch sử vinh quang của dân tộc.