Luật sư Phan Anh
LUẬT SƯ PHAN ANH
Phạm Quốc Anh - Nguyên Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam (trích "Phan Anh một niềm tự hào của tri thức Việt Nam" của NXBCTQG ST - 2014. Trang 9)

Ông sinh ra ở một miền quê Nghệ Tĩnh “địa linh, nhân kiệt, một mảnh đất linh thiêng đã sản sinh ra những con người hào kiệt để lại tiếng thơm muôn đời trong lịch sử dân tộc và trong một gia đình nhà Nho giàu truyền thống yêu nước. Người cha, một đồ Nho yêu nước đầy chí khí và người mẹ tảo tần đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến tính cách, tài năng và đặc biệt lòng yêu quê hương, dân tộc của ông. Với tư chất thông minh, ham học, vượt qua những khó khăn chồng chất đời thường, năm 1925, ông tốt nghiệp tiểu học. Trong số 43 học sinh trường ông dự thi, chỉ có ba người đỗ, trong đó có ông. Năm 1926, ông vào học Trường Trung học Bảo hộ (Trường Bưởi), trường trung học duy nhất ở Bắc Bộ dành cho học sinh Việt Nam. Năm 1933, ông thi đỗ Tú tài bản xứ, Tú tài Pháp về toán và triết học. Với tư tưởng hành nghề tự do sau khi ra trường, ông đã quyết định học ngành Luật.

Sau khi tốt nghiệp cử nhân Luật tại Trường Đại học Đông Dương, ông sang Pháp để bảo vệ luận án tiến sĩ, nhưng Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ (1939) nên không kịp bảo vệ. Năm 1940, ông trở về nước. Trong thời gian ở Pháp, ông tập trung nghiên cứu pháp luật, đồng thời tìm hiểu tư tưởng, chính sách của chính giới Pháp, thái độ của nhân dân Pháp đối với Đông Dương để hoạt động chính trị, phục vụ sự nghiệp ích nước lợi nhà và cụ thể là tìm con đường giải phóng đất nước. Ông nhận xét: ở Đông Dương thì chính sách thực dân rất nặng nề và thô bạo. Còn ở Pháp, ngay cả ở những cấp cao tính thực dân tuy kém phần lộ liễu nhưng vẫn là thực dân. Mặt khác, thái độ của người dân Pháp nói chung là thái độ hồn nhiên, cởi mở, không phân biệt chủng tộc và mang sắc thái nhân tính. Thái độ đó được thể hiện cụ thể ở những nhân vật trí thức Pháp. Về nước, Phan Anh vào làm việc tại văn phòng của Luật sư Bùi Tường Chiểu để bào chữa trong các vụ án hình sự. Phan Anh giỏi về công pháp lại có tài hùng biện. Ông hết lòng bênh vực các can phạm chính trị là những người cộng sản. Ông nói họ thật là kiên cường. "Đúng, cộng sản là yêu nước chân thành, dũng cảm, dám hy sinh, thái độ hiên ngang rất đáng mến phục”

Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông tham gia hoạt động cách mạng với tấm lòng của một người cộng sản. Trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, với trí tuệ uyên bác và tầm nhìn xa trông rộng, với tấm lòng yêu nước nồng nàn, một niềm tin vững chắc vào tương lai của dân tộc, luật sư Phan Anh đã đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Từ một luật sư ông trở thành một chính khách của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với hơn 30 năm giữ cương vị Bộ trưởng của các Bộ Quốc phòng (3-1946); Bộ Kinh tế (1947), Bộ Công thương (từ tháng 5-1951); Bộ Thương nghiệp (từ tháng 9-1955), Bộ Ngoại thương (từ tháng 4-1958 đến năm 1976). Luật sư Phan Anh là đại biểu Quốc hội từ khóa II đên khóa VIII; là Phó Chủ tịch Quốc hội khóa VII. Đối với luật sư Phan Anh, vấn đề đoàn kết được đặt lên hàng đầu. Ngay trong những ngày đầu thành lập nước, trong cuộc gặp mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh với các nhân sĩ, trí thức tại Bắc Bộ phủ, ông đã nói: Cách mạng nhờ đoàn kết mà thành công, giành được chính quyền. Xây dựng độc lập, chống âm mưu của những thế lực ngoại bang, thì điều chủ yếu là giữ vững đoàn kết và tăng cường đoàn kết. Chính vì vậy, ông tham gia Ban vận động thành lập Hội Liên Viêt và được cử làm Ủy viên thường trực khi Hội được thành lập. ông liên tục được bầu làm Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ khi thành lập cho đến khi ông qua đời và đặc biệt tại Đại hội III Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (tháng 11-1988), ông được bầu làm Phó Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ông là một trong những người sáng lập Hội Luật gia Việt Nam và là Chủ tịch đầu tiên của Hội.

Không những hoạt động trong nước, luật sư Phan Anh còn tích cực hoạt động quốc tế. Trên diễn đàn của Hội Luật gia Dân chủ quốc tế, tổ chức Liên minh Quốc hội và Hội Đồng Hòa bình thế giới, ông đã tích cực đấu tranh nói lên tiếng nói chính nghĩa của nhân dân ta, tích cực tuyên truyền đường lối quốc tế đúng đắn của Đảng và Nhà nước, góp phần vào sự nghiệp chống chiến tranh xâm lược, bảo vệ hòa bình. Ông là Ủy viên thường vụ Hội luật gia Dân chủ quốc tế và chủ tịch Ủy ban Bảo vệ hòa bình của Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Hòa bình thế giới.

Hội Luật gia Việt Nam vinh dự và tự hào được luật sư Phan Anh gắn bó và giành trọn cả cuộc đời mình cho công tác xây dựng và phát triển của Hội, góp phần đấu tranh không mệt mỏi cho khẩu hiệu “Sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật”. Cuốn sách Phan Anh - Một niềm tự hào của tri thức Việt Nam có ý nghĩa lớn trong giới thiệu chân dung một luật sư , một trí thức lớn của đất nước, góp phần giáo dục cho các thế hệ luật sư cũng như các thế hệ trẻ của đất nước sống và làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật. Măc dù đã có nhiều cố gắng, nhưng cuốn sách khó tránh khỏi thiếu sót, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến đóng góp của độc giả để lần tái bản sau được hoàn thiện hơn.

Bài viết liên quan
06/09/2020
LUẬT SƯ PHAN ANH

Của NXBCTQG ST - 2014. ( trích "Phan Anh một niềm tự hào của tri thức Việt Nam". Trang 5)

06/08/2020
PHAN ANH - Nhân nhượng hưng quốc gia

Trích "gương mặt những người cùng thế hệ", tác giả Vũ Đình Hòe

06/08/2020
PHAN ANH – ANH PHAN

Vũ Đình Hòe (trích "Phan Anh một niềm tự hào của tri thức Việt Nam" của NXBCTQG ST - 2014. Trang 351)

06/04/2020
TƯỞNG NHỚ PHAN ANH

Hoàng Xuân Hãn (trích "Phan Anh một niềm tự hào của tri thức Việt Nam" của NXBCTQG ST - 2014. Trang 357)

05/21/2020
BỘ TRƯỞNG QUỐC PHÒNG - PHAN ANH

Luật sư Phan Anh sinh năm 1911, tại Tùng Ảnh (Đức Thọ, Hà Tĩnh), một địa danh nổi tiếng, giàu truyền thống yêu nước, sản sinh ra nhiều nhân vật lỗi lạc để lại dấu ấn không phai mờ trong lịch sử vinh quang của dân tộc.