Luật sư Phan Anh
BỘ TRƯỞNG QUỐC PHÒNG - PHAN ANH
Luật sư Phan Anh sinh năm 1911, tại Tùng Ảnh (Đức Thọ, Hà Tĩnh), một địa danh nổi tiếng, giàu truyền thống yêu nước, sản sinh ra nhiều nhân vật lỗi lạc để lại dấu ấn không phai mờ trong lịch sử vinh quang của dân tộc.

Luật sư Phan Anh sinh năm 1911, tại Tùng Ảnh (Đức Thọ, Hà Tĩnh), một địa danh nổi tiếng, giàu truyền thống yêu nước, sản sinh ra nhiều nhân vật lỗi lạc để lại dấu ấn không phai mờ trong lịch sử vinh quang của dân tộc.

Với truyền thống từ một gia đình nho học yêu nước, vượt qua cuộc sống thời niên thiếu gian nan, vất vả, ông sớm tiếp cận đến một nền tri thức hiện đại tạo nên phẩm chất của một nhà hoạt động xã hội, một chính khách. Năm 22 tuổi, ông thi đỗ 3 bằng tú tài (Tú tài bản xứ, Tú tài chính quốc Pháp về toán và triết học - một thành tích hiếm có lúc đó). Lên đại học, ông phải chọn giữa hai ngành luật và y dược (vì lúc đó ở Đông Dương chỉ có một trường Đại học Đông Dương với 2 ngành đào tạo là Luật và Y dược). Với tư tưởng hành nghề tự do sau khi ra trường, ông đã quyết định học Luật. Cuối năm 1937, ông sang Pháp để tiếp tục học luật, với ý định trở thành giáo sư trường Đại học Luật. Tuy nhiên, cuối năm 1939, khi Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, ông phải bỏ dở việc học để trở về Tổ quốc. Trong thời gian ở Pháp, ông đã tập trung nghiên cứu pháp luật và tích lũy được những kiến thức sâu rộng về nhiều ngành pháp luật, tiếp cận những quan điểm tiến bộ của giới luật gia các nước phương Tây. Vì thế, khi về nước, ông quyết định hành nghề luật sư. Bằng những lập luận chặt chẽ, có cơ sở pháp luật, khai thác một cách khôn khéo những tình tiết giảm tội, sử dụng những kỹ năng bào chữa, trong nhiều trường hợp phức tạp, ông đã thuyết phục Tòa án Pháp, Quan tòa Pháp đưa ra những phán quyết có lợi cho những chiến sĩ cách mạng là thân chủ của ông.

Luật sư Phan Anh sớm ý thức được trách nhiệm của người tri thức đối với đồng bào và Tổ quốc khi chọn diễn đàn "Thanh Nghị" của giới trí thức cấp tiến đương thời để lập ngôn. Là người am hiểu pháp luật, ông đã góp sức mình trong việc xây dựng chế độ Cộng hòa Dân chủ đầu tiên trong lịch sử dân tộc và dùng lý lẽ để bảo vệ lợi ích quốc gia trên trường quốc tế. Từ một Luật sư, ông đã trở thành chính khách của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, với 30 năm giữ cương vị Bộ trưởng, 30 năm là Đại biểu Quốc hội, thành viên ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội khóa VII.

Bằng học vấn uyên bác, tư duy logic, sự nhạy cảm về chính trị, tài năng, tâm hồn của một Luật gia trong sáng là những yếu tố đã giúp ông trong hoạt động chính trị trong nước và quan hệ với chính khách nước ngoài. Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, ông về nước làm Luật sư ở Tòa thượng thẩm Hà Nội và tham gia Chính phủ Trần Trọng Kim (Giai đoạn sau khi Nhật đảo chính Pháp) với chức vụ Bộ trưởng Bộ Thanh niên, cùng Gs. Tạ Quang Bửu thành lập trường Thanh niên Tiền tuyến tại Huế (năm 1945). Từ năm 1945 cho đến khi thống nhất Tổ quốc năm 1975, ông là thành viên Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau năm 1975 cho đến cuối đời, ông tham gia các hoạt động của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam và Hội đồng Hòa bình Thế giới.

Trong những năm 1976 - 1990, bằng tài năng và nhiệt huyết, ông đã đóng góp xứng đáng vào phong trào hòa bình của nhân loại tiến bộ, ngăn chặn chiến tranh hạtnhân. Tấm Huy chương vàng Giôliô Quyri do Hội đồng Hòa bình Thế giới trao tặng cho ông đã nói lên điều đó. Những hoạt động đóng góp của Luật sư Phan Anh đã được ghi nhận. Điển hình là ngày 2/3/1946, lúc 10h sáng, tại lễ công bố thành viên Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến, khi giới thiệu thành phần Chính phủ, Bộ trưởng Quốc phòng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Một thanh niên trí thức và hoạt động mà quốc dân đã từng nghe tiếng - ông Phan Anh".

Trước khi diễn ra kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá I, tại Thủ đô Hà Nội, Bác Hồ cho gọi Luật sư Phan Anh đến Bắc Bộ phủ. Bác nói: Chúng ta cần phải thành lập Chính phủ Liên hiệp nhằm đoàn kết nhân dân, thống nhất hành động. Để thành lập Chính phủ Liên hiệp, Bộ Nội vụ và Bộ Quốc phòng cần giao cho những người ở vị trí trung lập. Tôi đề cử chú nhận nhiệm vụ quan trọng đó”.

Lúc đầu Luật sư Phan Anh thấy ái ngại, vì mình không được đào tạo chính quy về quân sự, vì thế, ông đã đề xuất với Bác cử Gs. Hoàng Xuân Hãn, một trí thức có cảm tình với cách mạng và đã từng học qua Trường quân sự cao cấp Polytechnique ở Paris làm nhiệm vụ này.

Bác không nhất trí, cố gắng thuyết phục và an ủi: Chú đừng ngại, tuy chú đảm nhận trọng trách Bộ trưởng Quốc phòng, nhưng không phải tập trung công việc vào chuyên môn quân sự vì đã có chú Võ Nguyên Giáp. Nhiệm vụ của chú là tập trung vào vấn đề chính trị, nhằm đoàn kết trong ngoài”. Cuối cùng, Luật sư Phan Anh đã nhận lời làm Bộ trưởng Quốc phòng trong Chính phủ Liên hiệp (tháng 3/1946).

Đến tháng 7 năm 1946, Phan Anh được Chính phủ giao chức Tổng thư ký phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Trưởng đoàn là ông Phạm Văn Đồng) đi dự hội nghị Fontainebleau đàm phán với chính phủ Pháp. Sau này, trong lời nhận xét của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn đánh giá: "... Anh Phan Anh, người trí thức yêu nước đã một lòng đi theo con đường của Bác Hồ và của Đảng Cộng sản Việt Nam". Thậm chí, Chủ tịch Hội đồng Hòa bình Thế giới Romesh Chandra, cũng phải thốt lên: "Đồng chí Phan Anh là một người chỉ dẫn, người thầy giáo (là) một biểu tượng của nhân dân Việt Nam anh hùng...". Ngày 13 tháng 10 năm 1954, tại Sơn Tây, trong một cuộc họp Chính phủ trước khi về tiếp quản Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng thưởng Huân chương Độc lập cho linh mục Phạm Bá Trực, đồng thời tặng phần thưởng cho một số cán bộ trong Chính phủ có thành tích xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Riêng Tiến sỹ Phan Anh được Bác tặng chiếc đồng hồ Thụy Sỹ, hiệu Movado có hình Bác Hồ.

Bác nói: “Với những đóng góp của chú trong cuộc kháng chiến chống Pháp, nhất là trong thời gian giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, chú đã thực hiện tinh thần đoàn kết trong nước và quốc tế “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Nêu cao chính nghĩa vì độc lập, tự do của Tổ quốc... Chú xứng đáng được tặng phần thưởng này”.

Luật gia - luật sư Phan Anh không chỉ là một chính khách mà còn là một nhà hoạt động xã hội, xây dựng và có nhiều cống hiến trong lĩnh vực pháp luật. Nổi bật là sáng kiến của ông sau Đại hội khóa III thành lập ủy ban Dân chủ - Pháp luật, một tổ chức tư vấn về pháp luật tập hợp các Luật gia nhằm tư vấn cho ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về dân chủ và pháp luật.
Trong những năm cuối đời (1987 - 1990), cùng với Ban Dân chủ - Pháp luật mà ông là Trưởng ban, ông đã đóng góp ý kiến nhiều văn bản pháp luật quan trọng như: Bộ luật Tố tụng Hình sự (1987), Pháp lệnh Tổ chức Luật sư (1987). Nhắc đến ông, người ta còn biết đến là một trong những người đầu tiên tham gia vào quá trình xây dựng Hiến pháp nước ta năm 1946.

Luật gia - luật sư Phan Anh đặc biệt quan tâm đến việc tập hợp đội ngũ Luật gia Việt Nam phục vụ công cuộc xây dựng Nhà nước, trụ cột của hệ thống chính trị, công cụ chủ yếu của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quán triệt sâu sắc quan điểm của quần chúng, trong 35 năm lãnh đạo Hội Luật gia Việt Nam (1955 - 1990) trên cương vị chủ tịch Hội, ông đã góp phần quan trọng đưa Hội, một tổ chức nghề nghiệp mang tính chính trị, xã hội sâu sắc của trí thức hoạt động trong lĩnh vực pháp luật từng bước trưởng thành, lớn mạnh, vị thế ngày càng được nâng cao ở trong nước về trên trường quốc tế. Có một điều còn ít người đề cập đến, luật sư Phan Anh còn là một nhà thơ ngoài Hội Nhà văn. Đề tài và nội dung thơ ông khá đa dạng, thể hiện lòng yêu nước thiết tha, mong đất nước độc lập, kháng chiến thành công. Kiến thức của ông khá rộng, cổ học kết hợp với tân học, vốn cổ học giúp ông hiểu được cái thâm thúy của thơ Đường. ông rất thú vị với câu kết của một bài thơ Bác Hồ tặng: "Trăng xưa, hạc cũ với xuân này". Trăng xưa nguyên chữ Hán là chữ "nguyệt" với chữ "cổ" ghép lại thành chữ Hồ, còn "hạc cũ" là đất nước Việt Nam độc lập và thống nhất. Ngoài ra, ông còn làm một số bài thơ và câu đối chữ Hán tặng Bác và tự dịch ra tiếng Việt. Có thể nói, thời gian du học ở Pháp không làm mờ được cái cốt cách nho học Việt Nam của ông. Thơ ông, nhiều bài viết về đề tài chính thời sự, lại mang chất trữ tình nên đọc không khô khan, nhàm chán, rất dễ đi vào lòng người.

Luật sư Phan Anh đã được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương vàng Vận động hoà bình thế giới.

Bài viết liên quan
06/09/2020
LUẬT SƯ PHAN ANH

Của NXBCTQG ST - 2014. ( trích "Phan Anh một niềm tự hào của tri thức Việt Nam". Trang 5)

06/08/2020
PHAN ANH - Nhân nhượng hưng quốc gia

Trích "gương mặt những người cùng thế hệ", tác giả Vũ Đình Hòe

06/08/2020
LUẬT SƯ PHAN ANH

Phạm Quốc Anh - Nguyên Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam (trích "Phan Anh một niềm tự hào của tri thức Việt Nam" của NXBCTQG ST - 2014. Trang 9)

06/08/2020
PHAN ANH – ANH PHAN

Vũ Đình Hòe (trích "Phan Anh một niềm tự hào của tri thức Việt Nam" của NXBCTQG ST - 2014. Trang 351)

06/04/2020
TƯỞNG NHỚ PHAN ANH

Hoàng Xuân Hãn (trích "Phan Anh một niềm tự hào của tri thức Việt Nam" của NXBCTQG ST - 2014. Trang 357)