Luật sư Phan Anh
PHAN ANH – ANH PHAN
Vũ Đình Hòe (trích "Phan Anh một niềm tự hào của tri thức Việt Nam" của NXBCTQG ST - 2014. Trang 351)

Phan Anh “cày” cũng khỏe: Trong học tập cũng như trong nghề tư thục. Anh biết chữ Hán, ham đọc sách triết, văn, sử Trung Hoa, hiểu Ngũ kinh, Tứ thư, thích nghiên cứu Tân thư, Tân văn Lương Khải Siêu, Khang Hữu Vi, Tôn Dật Tiên. Tất nhiên anh am tường lịch sử, văn chương Việt Nam, rất “mê” Nguyễn Du, thuộc lòng Truyện Kiều, biết lẩy Kiều, tập Kiều, làm được thơ Đường luật. Học luật, anh chuyên về công pháp, đặc biệt chú trọng môn hiến pháp. Ông cụ thân sinh là cụ đồ Phan Điện hay chữ, góa vợ sớm, “ở vậy” nuôi hai con trai Phan Anh, Phan Mỹ thành tài. Cụ mở lớp học ở nhà dạy Hoa văn, Việt văn tại thị xã Hà Đông. Tính cụ hồn nhiên hay đùa với trẻ con, thường trêu chọc bọn cẩm Tây. Có một tên nanh ác hay bắt phạt nặng những người đái đường ngay cả ở những nơi hẻo lánh từ nông thôn vào chợ. Một lần người ta thấy cụ đồ Điện chạy đến trước mặt nó - nó đang đái bậy - cụ cũng vạch quần ra...

Phan Anh dạy ở cả hai trường Thăng Long, Gia Long và còn dạy thêm ở nhà (anh có mời tôi dạy vỡ lòng Anh văn) cho bọn trò luyện thi “bachot”. Thế mà anh vẫn còn thì giờ tham gia Ban Thường vụ Phân bộ Đông Dương của Đảng Xã hội Pháp: Đảng này hoạt động công khai trên đất thuộc địa, nhờ thắng lợi của Mặt trận Bình dân Pháp. Phân bộ Đông Dương có Bí thư là Caput, trưởng Nha tiểu học Bắc Kỳ. Anh dành dụm được khoản tiền để đi du học tự túc. Em anh, Phan Mỹ, sinh viên luật, theo gương lao động của anh mình nên tài trợ thêm, với lời hứa ngầm là sau này, đến lượt mình đi du học thì anh sẽ “kéo cày” trả nợ cho mình.

Phan Anh học sau Vũ Văn Hiền một năm nên làm bằng tiến sĩ muộn hơn (1938), chưa kịp bảo vệ luận án thì Hitler đã châm ngòi Đại chiến.

Hai năm trôi qua. Vũ Văn Hiền sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ hồi đầu năm 1939 thì vội vã về nước. Tình hình châu Au đã căng thẳng cực độ. Dân chúng Pháp xôn xao dữ. Phan Anh đang chuẩn bị luận án về đề tài Hiến pháp. Anh vừa rời Paris định đi Bỉ tìm thêm tài liệu thì quân đội Quốc xã đã tràn vào Ba Lan. Thế là Phan Anh cũng sấp ngửa làm thủ tục xin hồi hương. Vừa kịp tránh được cuộc phong tỏa các cảng biển làm nghẽn đường về nước. Đó là vào giữa năm 1939.

Cả hai anh, người về trước, người về sau, cách nhau mấy tháng, đều nhớ lời hẹn với chúng tôi khi ra đi. Nhưng cả hai anh đều “xin cho thư thư” hãy họp bàn, để các anh chuẩn bị kỹ càng. Vả lại, không cần giấu giếm, hai anh đều nói muôn dành chút thời gian sắp xếp công việc riêng cho tạm ổn đã.

Vũ Văn Hiền, trước đây được Cousin, giám đốc Nhà Tài chính Đông Dương, cùng cánh với toàn quyền Robin và Catroux, thu nhận làm trợ tá, vì biết Hiền am hiểu tình hình kinh tế xứ này, song Cousin vừa bị toàn quyền mới Decoux thân Nhật thải hồi. Cho nên anh Hiền phải tìm việc khác. Luật sư Trần Văn Chương, nổi tiếng trong các vụ cãi về dân sự, nhận anh vào văn phòng của ông ta làm luật sư tập sự. Đã có vợ và hai con, nay anh Hiền làm việc với Trần Văn Chương, giúp ông khá đắc lực, nên được ông ta mến tài, chia cho một phần thu nhập đáng kể. Thế là ổn rồi.

Còn Phan Anh lúc đầu mới về có phần lúng túng. Khi ở Paris, anh đã hứa hôn với chị Đỗ Thị Thao1, cũng sang Pháp thi lấy bằng dược sĩ hạng nhất và cùng về nước với anh. Chị xoay được vốn, thuê nhà mở phòng dược ở phố" Hàng Bạc. Hai anh chị làm lễ cưới, rồi đón cụ Phan Điện ở Hà Đông ra để tiện săn sóc. Mấy năm sau, bà con dân phố" còn nhớ hình ảnh một ông cụ, râu bạc phơ, đầu cạo trọc, cởi trần, quần nâu buông “lá tọa”, cõng cháu nhỏ, nhong nhong, chạy vòng vèo trên hè phố!

Anh Phan đã được luật sư Bùi Tường Chiểu vui vẻ nhận làm tập sự để giúp ông cãi trong các vụ án hình sự. Phan Anh vốn giỏi về công pháp lại có tài hùng biện. Thiên hạ ca tụng anh hết lòng bênh vực các can phạm chính trị là đảng viên cộng sản trước tòa án binh. Anh Phan kể lại với tôi: “Họ thật quả kiên cường. Đúng, cộng sản là người yêu nước chân thành, dũng cảm, dám hy sinh, thái độ hiên ngang đáng mến phục!”.

Hai anh ở Pháp về lấy làm thích thú về lời kể của chúng tôi. Tình hình chung trong nước, các anh có thể đoán được. Nhưng chi tiết cụ thể về một số nhân vật và nhóm yêu nước thì quả là mới mẻ đối với các anh. Còn về tình hình địch khủng bố, thì các anh cho đó chỉ là cái đuôi của cuộc khủng bố trắng mà chính phủ phản động Pháp đã và đang tiến hành ngay trên đất nước họ.

"Khi mới sang bên ấy - lời anh Phan - chúng tôi đã thấy rõ thế thất vọng của lực lượng tả trong Mặt trận Bình dân trước kia. Thì nay, năm 1939-1940, càng bi đát: Các đảng phái dân chủ bị giải tán; báo chí, dư luận bị bóp nghẹt. Chính phủ từ lâu đã chuyển sang hữu, cực hữu; lấy nê nguy cơ xâm lăng của Đức quốc xã, càng thủ tiêu mọi tự do dân chủ của quần chúng, càng vùi dập các phe đối lập trong Quốc hội, “lăm le giải tán cả Quốc hội ấy nữa chứ”. Chính phủ kiểu độc tài đó tận huy động nhân lực, tài lực của đất nước ném vào việc xây dựng gấp lũy thép Maginot, chuyển toàn bộ công nghiệp sang quốc phòng, trưng thu lương thực, thực phẩm, dồn tất cả thanh niên ra biên giới, luyện tập binh bị và lao động khổ sai. Chậm quá rồi! Nhân dân ta thán dữ lắm, nhưng cúi đầu chịu đựng. Tinh thần người lính giảm sút. Từ khi Chính phủ Bình dân bị bại thì dân chúng mất lòng tin. Vận mệnh nước Pháp thật đáng lo, vô cùng nghiêm trọng”. Phan Anh nói tiếp: “Chúng ta phải đề phòng chính sách đàn áp dân thuộc địa sẽ còn man rợ hơn nữa”.

Có lẽ mấy nét anh Phan nhắc qua như thế về xã hội Pháp lúc này đã đủ cho chúng tôi liên hệ đến tình hình nước mình, dân mình. Không nên mất thì giờ bàn tình hình “nước mẹ” làm gì? Chúng tôi bảo nhau thế. Rồi chuyển nhanh sang thảo luận về công việc của mình...

Nhóm sinh viên yêu nước muốn lao hẳn vào phong trào cách mạng, chiến đấu dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng Cộng sản, trong khi nhiều nhóm sinh viên khác lại muốn đi theo đảng của ông Cường Để, Đảng Đại Việt quốc gia liên minh của cụ Nguyễn Hải Thần hoặc những phe đảng thân Nhật, thân De Gaulle; phần lớn sinh viên còn lại muốn kiên trì đến cùng thái độ độc lập. Dương Đức Hiền yêu cầu anh Phan vừa lấy tư cách là nguyên Hội trưởng Tổng hội sinh viên, vừa lấy tình bạn thân giúp đỡ ý kiến. Đồng thời Dương Đức Hiền hỏi Phan Anh tại sao nhóm ta không tỏ xu hướng chính trị gì rõ rệt: Lúc này không hành động mà lại định ngồi viết báo ?

Phan Anh trả lời: “Rất hoan nghênh nhiệt tình yêu nước sôi nổi của nhóm sinh viên trẻ tuổi dám chọn con đường chiến đấu ngay từ giờ. Còn mấy cựu sinh viên đứng tuổi đã vào đời rồi, thì sao?”. Anh Phan kể lại cho Dương Đức Hiền nghe cuộc thảo luận giữa các bạn nối khố" hai tháng trước. Cuối cùng nhấn thêm ý này coi như suy nghĩ của riêng anh: “Có lẽ trong hoàn cảnh Việt Nam hiện nay, có nhiều nhóm khác nhau về chính kiến, về phương thức hoạt động là một hiện tượng tốt. Miễn là tất cả đều chân thành và hướng vào cùng một mục tiêu: Phụng sự Tổ quốc. Tất cả các con sông, to hay nhỏ, dài hay ngắn đều đổ ra bể, chỉ làm cho sóng biển càng mạnh...”.

Thế Dương Đức Hiền phản ứng thế nào? - Tôi hỏi.

Cậu ta gật gù, có lẽ không phản đối ý định của bọn ta. Còn tôi thì đã tiếp anh Đỗ Đức Dục đến để bí mật đi Huế dạy học, cả chị Dục và các cháu cùng đi...

Bài viết liên quan
06/09/2020
LUẬT SƯ PHAN ANH

Của NXBCTQG ST - 2014. ( trích "Phan Anh một niềm tự hào của tri thức Việt Nam". Trang 5)

06/08/2020
PHAN ANH - Nhân nhượng hưng quốc gia

Trích "gương mặt những người cùng thế hệ", tác giả Vũ Đình Hòe

06/08/2020
LUẬT SƯ PHAN ANH

Phạm Quốc Anh - Nguyên Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam (trích "Phan Anh một niềm tự hào của tri thức Việt Nam" của NXBCTQG ST - 2014. Trang 9)

06/04/2020
TƯỞNG NHỚ PHAN ANH

Hoàng Xuân Hãn (trích "Phan Anh một niềm tự hào của tri thức Việt Nam" của NXBCTQG ST - 2014. Trang 357)

05/21/2020
BỘ TRƯỞNG QUỐC PHÒNG - PHAN ANH

Luật sư Phan Anh sinh năm 1911, tại Tùng Ảnh (Đức Thọ, Hà Tĩnh), một địa danh nổi tiếng, giàu truyền thống yêu nước, sản sinh ra nhiều nhân vật lỗi lạc để lại dấu ấn không phai mờ trong lịch sử vinh quang của dân tộc.