Tính đến nay, nhà thơ Hồng Thanh Quang đã xuất bản hơn 10 tập thơ. Nhưng khi được hỏi, anh nở nụ cười hồn nhiên “Tôi không có nghề gì ngoài nghề làm báo cả”. Nếu báo là nghề thì thơ có lẽ là nghiệp của Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết Hồng Thanh Quang. Chân thành và uyên bác là ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về anh và tất nhiên không chỉ có vậy. Nhân dịp xuân Kỷ Hợi, người con tài hoa của quê hương Hưng Yên dành cho phóng viên Báo Hưng Yên buổi trò chuyện thân mật.
Nhà thơ Hồng Thanh Quang |
Nhắc đến Hồng Thanh Quang là bạn đọc nhớ đến sự tài hoa, nổi tiếng. Đề nghị anh chia sẻ với độc giả về bản thân mình?
- Hồi nhỏ, tôi học đều các môn. Lúc ấy tôi nghĩ trẻ con, con trai theo học ngành xã hội có vẻ ít nam tính (cười), bố tôi lại là bộ đội, tôi cũng muốn trở thành bộ đội nên thi và đỗ đủ điểm đi học ở Liên Xô về vô tuyến điện. Đó là năm 1979.
Vào học đại học, tôi tự nhiên bắt đầu mê thơ, mê viết lách và ngày càng ham. Ở bên Liên Xô, mặc dù học về lĩnh vực vô tuyến điện quân sự nhưng tôi dành rất nhiều thời gian để đọc sách, làm thơ, dịch thơ. Sau 6 năm học ở Liên Xô, về nước tôi được phân công vào Quân đoàn 3 làm trợ lý kỹ thuật ở một tiểu đoàn thông tin.
Lúc 19 tuổi tôi có bài thơ dịch đầu tiên đăng ở tạp chí Văn nghệ quân đội và sau đó thì càng ngày càng đam mê. Tôi lên gặp Thiếu tướng Khuất Duy Tiến, lúc đó là Tư lệnh Quân đoàn xin đi làm phóng viên ở tờ tin của quân đoàn và hứa “Cháu sẽ làm nhà báo giỏi” dù lúc ấy chưa biết gì về nghề báo nhưng tôi đã có niềm tin ngay từ lúc ban đầu với con đường tôi chọn và được ông đồng ý. Làm đúng 6 tháng về vô tuyến điện, tôi chuyển sang tờ tin hơn một năm thì được Báo Quân đội nhân dân (QĐND) “lấy” đi.
Thời của tôi nếu làm kỹ sư vô tuyến điện giỏi thì sống rất sung túc chứ nghề viết, văn nghệ sỹ lúc đó đói kém lắm. Tôi trẻ không nghĩ đến tiền bạc, chỉ nghĩ đến chuyện được làm việc mình thích, say mê viết lách.
Giờ nhìn lại, tôi nghĩ tôi đã lựa chọn đúng. Bởi vì trong công việc cũng như trong tình yêu nếu mình làm việc mình thích thì không bao giờ thấy mệt mỏi, không bao giờ thấy thiệt thòi, ngay cả khi thiệt thòi cũng cảm thấy không buồn.
Mấy chục năm qua, rất nhiều chuyện đã xảy ra nhưng tôi đều không ân hận gì, coi tất cả những sự cố, những vấp váp, ngay cả những tình huống xấu bị rơi vào tôi cũng thấy là đó chuyện bình thường. Và thật may mắn là tất cả những chuyện đó đều đã ở sau lưng và giờ nhìn lại tôi cảm thấy thanh thản vì được trọn vẹn với tình yêu của mình.
Anh cho rằng mình ở vai trò nào nhiều hơn: Nhà thơ trữ tình, nhà báo nổi tiếng sắc sảo, nhà biên dịch, MC truyền hình và giờ là Tổng Biên tập của Báo Đại Đoàn Kết… ?
- Tôi không có nghề gì ngoài nghề làm báo cả. Tôi vẫn đùa vui với bạn bè, 6 năm được đào tạo cực kỳ chuẩn mực về vô tuyến điện mà quên được hết, quên “sạch sành sanh” may ra chỉ có mình tôi - giờ chắc chỉ còn nhớ mỗi nối cầu chì! (cười). Tôi nghĩ quên được những thứ ấy thì mới khó, thì mình mới nạp được thông tin khác. Thực ra học đại học ngoài kiến thức còn học phương pháp tư duy. Học về tự nhiên tạo cho tôi sự ngăn nắp, logic cộng với con người được sinh ra vốn đã đầy cảm xúc rồi nên đó là sự kết hợp rất may mắn để tôi làm được những việc mà tôi đã làm. Chứ nếu nghiêng về cái gì quá cũng không hẳn là tốt, có thể hỏng việc.
Khi làm MC, tôi luôn là sự lựa chọn cuối cùng (cười). Tôi vốn gốc Hưng Yên, nói ngọng lại nói nhanh, nói lắp nhiều, chưa hết câu này đã nhảy ra câu khác. Lần đầu tiên làm MC là ở chương trình Câu lạc bộ người yêu thơ của Đài Truyền hình Việt Nam, khi đó tôi viết kịch bản, đạo diễn không tìm được người dẫn phù hợp nên nhờ tôi làm luôn.
Lúc đầu tôi cũng bị la ó vì cái giọng, nhưng người xem ủng hộ, yêu thích nhiều hơn. Sau này dẫn chương trình Giai điệu tự hào cũng thế, chọn đi, lựa lại MC, sau chốt lại chọn tôi… Còn tôi cứ làm hồn nhiên thôi. Nhiều người bảo, ông Quang mà được cái giọng nữa thì quá “đỉnh”. Nhưng tôi nghĩ, đôi khi sự khiếm khuyết của mình mới tạo dấu ấn.
Tôi không quan tâm lắm đến chuyện nổi tiếng hay được cái gì, ngay cả trong lúc rất nghèo tôi cũng không quan tâm lắm đến tiền. Hạnh phúc của tôi là trong lúc làm việc. Nghĩ lại ở chỗ này chỗ kia mình hơi bị thiệt thòi nhưng bù lại mình được làm việc mình thích.
Từ hồi trẻ tôi viết nhiều lắm, không nhuận bút cũng viết vì mình thấy nhiều ý tưởng để viết. Chính hồi ấy rèn luyện như thế nên sau này những con chữ còn ở lại. Và thế này, ở trên đời người may mắn là người được làm việc theo đúng tình yêu của mình, nhìn góc độ ấy tôi nghĩ tôi là người rất may mắn. Tất nhiên để làm được việc mình thích là mình cũng phải có quyết tâm, phải lỳ đòn, lỳ lợm, kiên định (cười)… Tôi nghĩ rằng nhìn lại đời mình, nếu có thành công là nhờ sự say mê, xả thân.
Với anh, cảm xúc của nhà thơ ảnh hưởng thế nào đến tâm thế của nhà báo?
- Với tôi, thơ là định mệnh, là sự may mắn, cũng là sự đọa đày. Người làm thơ là giời chọn chứ không phải mình chọn thơ. Khi có chuyện gì, có cảm xúc gì mà mình không viết ra mình không thể chịu nổi. Tôi bị hiểu lầm rất nhiều vì thơ. Truyện Kiều nói là “Một lời là một vận vào”. Thực sự là có những chuyện chưa xảy ra nhưng có khi thơ xuất hiện trước. Lúc mình viết ra không hiểu tại sao có những câu như thế…
Tôi làm việc gì cũng với tình cảm, kể cả viết bình luận quốc tế cũng với cảm xúc của một nhà thơ. Hồi đầu những năm 90, khi còn ở Báo QĐND, tôi mới ngoài 30 tuổi, được phân công phụ trách mục những vấn đề quốc tế, có những bài bình luận đến bây giờ vẫn rất nhiều người nhắc. Bình luận quốc tế đâu phải chuyện nhà mình mà mình muốn nói thế nào cũng được, phải trên cơ sở quyền lợi của dân tộc và nhận thức của mình là làm thế nào tốt cho xã hội.
Hơn thế, cái gì cũng phải có góc nhìn riêng và hấp dẫn bằng sự chân thành. Ngay cả khi làm theo định hướng cũng có sự chân thành cá nhân… Cũng có những việc, mình duy lý hơn một tí, mình không cảm tính như vậy thì mình đỡ cực. Nhưng thực ra, giờ nhìn lại cũng chả sao cả, vì ngay cả những khó khăn ấy xảy ra cũng là một sự đào luyện đối với mình và mình cũng dễ thông cảm hơn.
Cả đời gắn bó, cống hiến cho thơ, cho nghề báo, giờ nhìn lại nếu có một điều đáng tự hào, hài lòng về mình thì anh tự hào, hài lòng về điều gì?
- Tôi chưa bao giờ tự hào về mình. Tôi luôn cảm thấy lẽ ra mình có thể làm việc tốt hơn, thấy những cái mình bỏ lỡ nhiều hơn những cái mình làm được.
Tôi hài lòng nhất là luôn sống đúng là mình, ở bất cứ môi trường nào. Dù tính cách hồn nhiên, tự do, ngang ngạnh cũng tạo cho tôi rất nhiều khó khăn, có khi bầm dập. Thực ra có đôi lúc thì tôi thấy xót cho một số người thân của mình vì phải chịu chìm nổi cùng. Nhưng ở đời muốn yêu hoa hồng thì phải chịu được gai (cười). Chứ rất khó muốn “cừu no mà cỏ vẫn còn nguyên”.
Tôi làm việc trong quân đội 24 năm, 11 năm trong công an và năm thứ 5 trong Mặt trận, trải qua rất nhiều thứ, rất may mắn là ở các môi trường ấy thì đại đa số đồng nghiệp và lãnh đạo họ đều chấp nhận tính cách của mình, họ nhìn thấy ở đấy có sự tích cực nhiều hơn tiêu cực nên mới tồn tại và phát triển đến hôm nay. Tôi là người may mắn luôn được sống trong những tập thể mà dù thế nào tôi cũng được bao dung và tha thứ rất nhiều.
Anh chủ yếu công bố các sáng tác thơ tình, nhưng có lần chọn một câu thơ về phụ nữ hay nhất của mình anh chọn một câu thơ về mẹ “Mẹ ơi đã cuối con đường/ Làm gì để mẹ bớt buồn vì con…” Bà có ảnh hưởng thế nào với anh? Tài năng của anh được thừa hưởng từ ai trong gia đình?
- Mẹ tôi không phải là người có nhiều chữ nhưng mà làm tất cả để cho con học hành. Chồng ở Trường Sơn, một mình nuôi 3 đứa con. Tôi là con trai đầu, được tạo mọi điều kiện tối đa trong gia đình. Ngày xưa tôi mê sách lắm, khi mà xin sách, mẹ luôn cố gắng tối đa để tôi mua sách. Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng từ bé tôi đã có tủ sách riêng…
Sau này mọi cái tôi toàn làm trái khoáy, ít làm theo kỳ vọng của bố mẹ. Năm 1986 học ở Liên Xô về, người ta còn mang các vật dụng quý cho gia đình, thì mình chả có gì ngoài hòm sách. Lúc tôi bỏ cái nghề kỹ sư vô tuyến điện sang trọng, sáng giá có thể kiếm được nhiều tiền, lúc tôi kiên quyết lấy người mình yêu, ngược lại với những tiêu chí phổ thông của xã hội, mẹ tôi đau đớn lắm nhưng cũng vẫn chấp nhận theo ý con. Tôi là đứa con trai ngỗ ngược, khi lớn toàn làm ngược lại những lời khuyên của bố mẹ một cách bản năng, hành động của mình đều trái quy luật hết. Và bà tha thứ hết cho tôi…
Gia đình nội ngoại không có ai theo nghiệp viết lách. Tôi về quê La Tiến nghe các cụ ở làng nói là hồi trẻ bà nội tôi hay nói vần vè ca dao, chắc từ đấy ra chăng?
- Còn thơ tự nhiên nó đến. Mình tôi một đường một lối. Rất may, những người thân của tôi dù khó khăn nhưng cuối cùng đều chiều theo ý tôi. Tôi tồn tại được đến giờ là nhờ sự thông cảm của những người xung quanh. Họ thương mình nhiều hơn là đòi hỏi từ mình.
Là tác giả của những vần thơ đầy mê hoặc “Yêu như lao xuống dòng nước xoáy/Giữa trời rơi không chịu mở dù”, anh có lời khuyên gì cho các bạn trẻ về tình yêu?
- Hãy đi theo tiếng gọi của trái tim, một trái tim đã được rọi sáng bởi tất cả những bài học luân lý, đạo đức, pháp luật. Trái tim phải có học, không phải trái tim hoang dã. Khi trái tim cất tiếng hát thì lý trí phải làm nhạc trưởng…
Tôi luôn nghĩ, tình yêu là khi mình không thể sống thiếu được người ấy. Còn những cái khác đều là na ná của tình yêu. Tôi nghĩ đừng lấy người mình có thể chung sống, hãy lấy người mình không thể sống nếu thiếu họ. Dù nhiều người phải đang chấp nhận sống với cái mà mình có hơn là cái mà mình yêu vì nhiều lý do, nhưng điều đó không có nghĩa là mình coi cái đó là lý tưởng…
Anh từng viết những câu thơ “Phút lâm chung tôi muốn về La Tiến/ Dẫu cây nhãn xưa đã bị chặt rồi/ Dẫu ai đã mua đứt vườn ông nội/ Và họ hàng lạ lẫm mặt nhau…, quê hương ảnh hưởng như thế nào đến anh?
- Tôi sinh ra ở Hàng Đào nhưng gốc người Hưng Yên. Tôi vẫn giải thích cho người ta thế này, làng tôi La Tiến, xã Nguyên Hòa, huyện Phù Cừ. Một phần tính cách của tôi, cả cái tốt lẫn cái xấu có gen của quê tôi, kiên định này, sức chịu đựng rất lớn này, ngang ngạnh, lỳ đòn, thích tự do và cái sự đào hoa... (cười). Thỉnh thoảng tôi mới về quê. Tôi có thiệt thòi rất lớn là ông bà nội mất vì nạn đói năm 1945 ở La Tiến nên không được gặp bao giờ. Ở quê giờ chỉ còn họ hàng. Quê tôi đất rộng nhưng là vùng chiêm trũng nên còn nghèo. Phụ nữ quê tôi rất đảm đang tần tảo... Năm mới, rất mong Phố Hiến sớm phát triển xứng danh với tiềm năng vốn có, thành một trung tâm du lịch, một vệ tinh của Hà Nội khi người ta cần một địa chỉ du lịch để nghỉ ngơi, lắng đọng, với những di sản văn hóa, con người thân thiện, đường sá rộng rãi, đi lại thuận lợi…
Trân trọng cảm ơn anh!
Minh Huệ (thực hiện)
Nhà giáo Đỗ Hồng Chỉnh - Phu nhân cố Luật sư Phan Anh. Bà còn là Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Xã hội Phan Anh đã qua đời ngày 28/9/2022 (ngày Giáp Thân, tháng Canh Tuất, năm Nhâm Dần) thọ 90 tuổi; được An táng tại nghĩa trang Bãi Cầu (Dục Tú, Đông Anh, Hà Nội).
Ngày 1/4/1958 trường Lao động XHCN Hòa Bình khai giảng khóa học đầu tiên. Báo Nhân dân số ra ngày 27/6/1962 đăng bài phóng sự “Đến thăm trường học dũng cảm” chính thức phong tặng trường Thanh niên LĐXHCN Hòa Bình danh hiệu “trường học dũng cảm” ra thông tin đại chúng. Ngày 17/8/1962, vinh dự lớn cho nhà trường, Bác Hồ về thăm và nói chuyện với toàn thể cán bộ, giáo viên, học sinh trường Thanh niên LXHCN Hòa Bình.
Luật sư Phan Anh - nguyên Phó Chủ tịch Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, là một trí thức lớn, được Bác Hồ đặc biệt trọng đãi từ những ngày đầu thành lập nước, trong vai trò là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đầu tiên của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Tháng 3/2022, kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Luật sư, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với cụ bà Đỗ Hồng Chỉnh - phu nhân của Luật sư Phan Anh.
Đại diện gia đình Nhà giáo Đỗ Hồng Chỉnh trao lại Quỹ XH Phan Anh số tiền phúng viếng từ lễ tang theo di nguyện của Bà
Nhà giáo Đỗ Hồng Chỉnh - Phu nhân cố Luật sư Phan Anh - Chủ tịch Hội Đồng Quản lý Quỹ Xã hội Phan Anh, đã qua đời hồi 11h45 phút ngày 28/9/2022 (tức ngày Giáp Thân, tháng Canh Tuất, năm Nhâm Dần), thọ 90 tuổi. Được an táng tại nghĩa trang Bãi Cầu - Dục Tú (Đông Anh, Hà Nội).
Một số hình ảnh về Lễ tang Nhà giáo Đỗ Hồng Chỉnh - Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ XH Phan Anh.