Luật Sư Việt Nam
Chuyện chưa kể về chú tôi, cụ Vũ Đình Hòe
“Sẩy cha còn chú”, dân ta nói vậy. Cha tôi bị bệnh mất sớm, mẹ kẹt lại trong Huế khi cuộc Kháng chiến chống Pháp bùng nổ. Tôi cùng em Vân tôi được chú Hòe nuôi, chăm lo cho chúng tôi như con đẻ. Lúc ấy tôi đã 15 tuổi nên hiểu biết khá nhiều về chú.
15 năm bị đối xử bất công
 
Tốt nghiệp Cử nhân Luật khoa Đại học Đông Dương thời Pháp thuộc, con đường làm quan rộng mở thênh thang, nhưng chú tôi không ra làm quan với chính quyền của “mẫu quốc”. Ông chọn con đường dạy học tư tại các trường Thăng Long và Gia Long ở Hà Nội.

Nhờ truyền thống sư phạm của Tổ tiên, ông dạy giỏi nên có cuộc sống dư dật, đủ nuôi cha mẹ già và vợ con. Ngoài việc dạy học, ông dành hết thời gian còn lại để thể hiện cái chí nam nhi: tích cực tham gia những hoạt động xã hội tự do như làm Chủ nhiệm các báo Thanh Nghị và Thanh Nghị Trẻ em, làm Phó chủ tịch Hội truyền bá Quốc ngữ, làm Đồng chủ tịch hội “Ánh sáng” với ông Nguyễn Tường Tam, chuyên vận động dựng nhà tranh tre sáng sủa, hợp vệ sinh cho dân nghèo, tham gia Tổng hội sinh viên, cùng họ đi về các vùng quê tuyên truyền vệ sinh, phổ biến kiến thức kỹ thuật nông nghiệp thường thức...
Chắc hẳn những hoạt động yêu nước tiến bộ của chú đã được Bác Hồ biết đến nên mới tin tưởng trao cho chú những trọng trách trong Chính phủ cách mạng tháng 8 - 1945. Về quãng đời tham chính này của ông, từ sau đại hội Đổi mới 1986 của Đảng CSVN, báo đài đã viết nhiều, nói nhiều nên tôi không kể nữa.
Chỉ xin nói thêm rằng, là đứa con gái lớn đã biết nghĩ và phải quán xuyến việc nhà, chứ không còn vô tư hồn nhiên như bầy em, tôi đã để ý thấy không ít buổi từ cơ quan Bộ Tư pháp trở về, chú tôi ngồi tư lự, ăn không ngon miệng, đêm trằn trọc trở mình.
Và về sau còn chịu nhiều đối xử bất công nữa: suốt mười lăm năm từ 1960 đến 1975 “đứng” ở bậc lương chuyên viên 5, nhưng ông vẫn âm thầm làm việc với tinh thần cống hiến, tích cực nghiên cứu và biên soạn nhiều công trình có giá trị về luật kinh tế và luật dân sự, được giải thưởng của ngành, được bầu là Chiến sĩ thi đua của Viện Khoa học xã hội.
Năm 1975 chú về hưu không một huân huy chương, mặc dù tham gia trọn vẹn hai cuộc Kháng chiến. Đúng như GS Triết Đức đã viết trong bài thơ mừng Cụ thượng thọ 80:
Chân thành kính lão trượng niên cao,
Trải từng vinh - ngọt - đắng - gian lao,
Thủy chung như nhất: tâm Thanh Nghị,
Dân chủ, Dân quyền: Bắc đẩu sao.
Tính cách và tác phong của chú đã ảnh hưởng lớn đến chúng tôi. Đối với con cháu, ông hầu như không thuyết giáo, chỉ làm gương và tin cậy giao việc. Gần đây, đọc Hồi ký Vũ Đình Hòe, tôi mới biết đó là quan điểm của chú tôi về giáo dục gia đình: ông viết từ năm 1941 trên báo Thanh Nghị của mình rằng trong gia đình không thể dùng cách thuyết giáo, chỉ có thể giáo dục bằng gương mẫu của chính người lớn.
Chú tôi không chỉ viết như vậy mà chính ông đã làm như vậy. Ở văn phòng Bộ về, ông xoay trần, quần đùi, vác cuốc ra vườn tăng gia và gọi các con ra cùng làm, đứa lớn cuốc đất, đứa bé nhổ cỏ, tưới cây, bắt sâu. Tôi là chị lớn được giao trách nhiệm hướng dẫn các em gái hái chè, tập làm nội trợ.
Sau này, khi đã gả chồng cho tôi và em Vân tôi, thì trách nhiệm dẫn dắt các em chú trao cho người con cả, chính nhờ vậy trong gia đình 8 người con mà anh em hòa thuận, thương yêu, nhường nhịn nhau. Tất cả đều đã thành đạt: 2 giáo sư - tiến sĩ, 1 thạc sĩ, 5 người còn lại đều tốt nghiệp đại học.
Trong 4 người nối nghiệp sư phạm của chú có 2 được phong là Nhà giáo ưu tú. Em thứ ba GS.TS Tấn Khiêm được báo chí gọi là “Vua cần trục”, em út Băng Tâm có 2 bằng thạc sĩ biểu diễn và sư phạm piano, 1 bằng tiến sĩ kinh tế lượng, hiện đang giảng dạy tại Đại học Hawai (Hoa Kỳ).
Nếp sống giản dị
Chú tôi có nếp sống hết sức giản dị, tiết kiệm ngay cả những năm được Bác Hồ tín nhiệm trao cho các chức vụ lớn. Có một kỷ niệm tôi không bao giờ quên. Lần ấy đến nhà ăn giỗ cha tôi, khi ra về, chú tôi bảo: “Cháu xuống cầu thang, tìm cho chú đôi dép, đôi nào rách, cũ kỹ là dép của chú”.
Trời ơi! Dép đã mòn vẹt đế, quai đã sờn hết, tôi liền chạy đi mua đôi Bitis biếu thì cụ bảo: “Đôi cũ còn đi được mà, cháu mua đôi này trông trẻ trung và “xịn” quá, của thanh niên, chú không đi được”. Thực ra kiểu dép tôi mua người già ngày nay đều dùng, tôi phải gói giấy báo, đưa cho em tôi cầm về, mãi về sau, có lẽ đôi cũ đã rách nát quá, mới thấy cụ đem ra dùng.
Năm 2008, từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội có việc, cụ đến gia đình thắp hương cho cha chúng tôi. Ban thờ tôi để tận trên gác 4, cầu thang nhỏ và dốc, chân Cụ thì đã yếu rồi, đi lại chậm chạp, khó khăn, tôi thương quá nên cố sức can rằng: thôi, chú cứ để cháu với em Khôi lên thắp hương thay mặt chú là được rồi.
Cụ đáp: “Không, 4 chứ 5 - 7 tầng tôi cũng phải trèo lên tận nơi. Ông ấy không chỉ là anh tôi, ông ấy còn như bố tôi nữa: mới 17 tuổi, học rất giỏi ở trường Bưởi mà rẽ ngang đi học nghề để nuôi tôi ăn học”. Tất cả chúng tôi đều rưng rưng...
Cuộc sống vợ chồng của chú thím tôi luôn là tấm gương sáng cho chúng tôi và cho cả con cháu chúng tôi nữa noi theo. Chú thím đính hôn ba năm mới cưới. Thím tôi là một tiểu thư khuê các, con gái út cưng chiều của một ông quan Tuần phủ, vậy mà trong Kháng chiến chống Pháp gian khổ, đặc biệt 3 năm đầu chú tôi làm việc Chính phủ không lương, một mình thím đảm đang giang sơn nhà chồng, cũng lội ruộng cấy lúa, đứng lò sao chè, nuôi dê vắt sữa, cuốc vườn tăng gia rau đậu... không từ việc gì để nuôi gia đình 14 miệng ăn, kể cả 3 cha con chúng tôi, cho chồng yên tâm lo việc nước.
Tôi nghĩ: nếu như bài thơ của GS Triết Đức tổng kết cả cuộc đời phấn đấu gian truân vì dân vì nước của chú tôi, thì câu đối em Khôi sáng tác và cho thêu thành bức trướng gửi vào Thủ Đức để thay mặt con cháu mừng Lễ cưới kim cương của hai cụ, đã thể hiện đầy đủ một mối lương duyên trọn nghĩa vẹn tình:
Gái sắc, trai tài - vàng đá sắt son tình một thủa,
Chồng đương, vợ đảm - kim cương chói lọi nghĩa trăm năm.
Vũ Thị Tuyết (Cựu học sinh trường Đồng Khánh – Huế)
Nguồn: https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/chuyen-chua-ke-ve-chu-toi-cu-vu-dinh-hoe-8464.html
 
Bài viết liên quan
NGÀY PHÁP LUẬT VÀ TƯ TƯỞNG PHÁP QUYỀN NHÂN NGHĨA HỒ CHÍ MINH

Nguồn: https://sotuphap.daklak.gov.vn/ngay-phap-luat-va-tu-tuong-phap-quyen-nhan-nghia-ho-chi-minh-2410.html Ngày đăng: 08/11/2013 16:04 Năm nay là năm đầu tiên Nhà nước ta lấy ngày 09 tháng 11 để tổ chức kỷ niệm Ngày Pháp pháp luật Việt Nam.

LUẬT GIA VŨ ĐÌNH HÒE VÀ QUÁ TRÌNH HIỆN THỰC HÓA TƯ TƯỞNG PHÁP QUYỀN

Trần Thị Mỹ Linh K19502 & Nguyễn Thủy Tiên K195022C, Sinh viên Đại học Kinh tế – Luật, ĐHQG Tp HCM Cách mạng tháng Tám thành công, bên cạnh niềm vui và sự phấn khởi, nước ta phải đối mặt với nhiều vấn đề nan giải, trong đó có việc xây dựng một hiến pháp dân chủ. Bước ngoặt để hoàn thành mục tiêu trên chính là sự ra đời của Hiến pháp năm 1946 cùng với việc vận dụng tư tưởng Nhà nước Pháp quyền nhân nghĩa – nhà nước dân chủ; vận hành, quản lý theo pháp luật kết hợp với giáo dục đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặc biệt vào giai đoạn 1946-1960, dưới sự dẫn đường của Hồ Chủ tịch, luật gia Vũ Đình Hòe được xem là trợ thủ đắc lực giúp Người thúc đẩy hiện thực hóa tư tưởng pháp quyền.

Bí Mật Thú Vị Về Vị Bộ Trưởng Bộ Tư Pháp Đầu Tiên Của Việt Nam VŨ TRỌNG KHÁNH

Quý vị và các bạn thân mến, luật sư Vũ Trọng Khánh là Bộ trưởng Bộ Tư pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng viết về ông: “Anh là một trí thức yêu nước, có tâm huyết đối với vận mệnh của Tổ quốc, đã từng có đóng góp xứng đáng trong Chính phủ lâm thời đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong suốt những thập kỷ kháng chiến và những năm tiếp theo, anh đã hết lòng phục vụ nhân dân, có cống hiến xứng đáng đối với sự nghiệp đoàn kết toàn dân và xây dựng nền luật học của nước ta”. Vậy những cống hiến to lớn của ông cho sự nghiệp cách mạng như thế nào? Mời quý vị cùng tìm hiểu rõ hơn trong video ngay sau đây của Qũy Xã hội Phan Anh

Hồi ức nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Đình Hòe: Đạo lý và pháp lý trong tư tưởng pháp quyền Hồ Chí Minh

Điều khác biệt căn bản của tư tưởng pháp quyền Hồ Chí Minh là Nhân, là tình người, “thương người như thể thương thân”. Người đây là dân, trước hết là dân nghèo, lam lũ chạy ăn từng bữa, nên có thể còn ít học, còn lạc hậu, nên dân chưa hiểu ra cái mới, cái đúng thì “phải biết kiên nhẫn chờ đợi và càng kiên trì giải thích, thuyết phục”, chứ không thể bức bách, dùng vũ lực đàn áp.

TƯ PHÁP VÀ CÔNG AN - TRÍCH “VŨ ĐÌNH HÒE – PHÁP QUYỀN NHÂN NGHĨA HỒ CHÍ MINH”

Vũ Đình Hoè "Cái quan định luận" (Đóng nắp quan tài rồi mới phán xét được) - câu nói của người xưa hoàn toàn đúng với cụ Vũ Đình Hòe, cố Bộ trưởng Tư pháp (1946 - 1960 )nước VNDCCH. Có thể coi những lới sau đây của Trưởng ban tang lễ, Ủy viên Trung ương ĐCSVN,, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân là một lời phán xét như vậy:

Pháp quyền nhân nghĩa Hồ Chí Minh

Tôi đã dự định giới thiệu với bạn đọc cuốn "Pháp quyền Nhân nghĩa Hồ Chí Minh" dày gần 800 trang - cuốn sách mà GS Vũ Đình Hòe sau nhiều lần lưỡng lự đã quyết tâm viết lúc đã về hưu (bắt đầu từ năm 1991 và hoàn thành tháng 7 năm 2004).