Tin Công nghệ
Thủ tướng dự lễ kết nối nền tảng khám chữa bệnh từ xa Telehealth
Chiều 8.8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự lễ công bố kết nối nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth) tới 100% cơ sở y tế tuyến huyện, và ra mắt Trung tâm công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia.
Thủ tướng dự lễ kết nối nền tảng Telehealth do Viettel phát triển và ra mắt Trung tâm công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia
ẢNH ĐỨC HUY
Tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu đã chứng kiến các bác sỹ Bệnh viện Đại học Chợ Rẫy (TP.HCM) kết nối hệ thống Telehealth với Bệnh viện Cần Giờ (TP.HCM), Bệnh viên đa khoa Hậu Nghĩa (Long An), Bệnh viện Thuận An (Bình Dương) và nhiều Trung tâm y tế tại các huyện, thị trong toàn quốc để hội chẩn, tư vấn điều trị cho các trường hợp mắc Covid-19 đang chuyển biến nặng.
Thủ tướng cũng lắng nghe ý kiến của các y, bác sỹ tại nhiều điểm cầu ở các địa phương trong cả nước như Đồng Tháp, Tiền Giang, Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng, Gia Lai, Đắk Lắk, Bà Rịa-Vũng Tàu, Khánh Hòa, Phú Yên, Nghệ An, Lạng Sơn… kết nối, trao đổi với Bệnh viện Chợ Rẫy về công tác điều trị bệnh nhân.
Trao đổi với Thủ tướng, các y, bác sỹ tại các điểm cầu cho rằng hệ thống Telehealth là một trong những giải pháp hiệu quả trong việc hỗ trợ chẩn đoán, điều trị kịp thời, hạn chế quá tải ở các bệnh viện tuyến trên và giảm bớt tiếp xúc giữa bệnh nhân với bác sỹ. Đồng thời, giúp các y bác sỹ tại các vùng sâu, vùng xa yên tâm, tự tin hơn trong điều trị bệnh nhân.
Thủ tướng cùng các đại biểu trải nghiệm kết nối giữa bệnh viện tuyến T.Ư và các tuyến huyện
ẢNH ĐỨC HUY
Dành nhiều sự quan tâm đến tuyến đầu chống dịch Covid-19, Thủ tướng cũng gửi lời thăm hỏi, động viên đến các y, bác sỹ tại các điểm cầu và trên cả nước. Nhắc lại cách đây 1 tháng ông đã đề nghị Bộ TT-TT xem xét thành lập Trung tâm công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia, đặc biệt là việc kết nối khám chữa bệnh từ xa với tuyến huyện, theo Thủ tướng, qua thử nghiệm hôm nay có thể yên tâm vì hệ thống đã vận hành, song cần tiếp tục hoàn thiện quy trình.
"Về lâu dài đây là hệ thống khám chữa bệnh từ xa quan trọng không chỉ đối với dịch bệnh Covid-19 mà nhiều bệnh khác. Từng bước hoàn thiện quy trình phòng, chống dịch COVID-19 từ “5K” ở thời kỳ đầu thành “5K + vaccine + thuốc điều trị + công nghệ và các biện pháp khác”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng biểu dương và gửi lời hỏi thăm lực lượng y tế tuyến đầu trong cuộc chiến chống Covid-19
ẢNH ĐỨC HUY
Theo Thủ tướng, vấn đề áp dụng công nghệ để chữa bệnh ở đây không chỉ là khoa học mà còn là niềm tin, tâm lý, nhân văn. Do đó, ông đề nghị Bộ Y tế có hướng dẫn thống nhất trong phân lớp, phân tầng bệnh nhân để điều trị phù hợp. Các Bộ KH-CN, TT-TT... hoàn chỉnh công nghệ, nhất là cần phát hiện những hạn chế khi áp dụng công nghệ này để việc hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa được thông suốt, trơn tru, hiệu quả.
Thủ tướng cũng hoan nghênh, biểu dương Bộ TT-TT, Bộ Y tế, các đơn vị công nghệ, sự cố gắng của các y bác sỹ tại các cơ sở khám chữa bệnh đã “thần tốc” vận hành hệ thống công nghệ này phục vụ khám, chữa bệnh thông suốt. Đồng thời yêu cầu Bộ Y tế tổ chức thêm các buổi tập huấn, bảo đảm vận hành hệ thống được nhuần nhuyễn, tiến tới có trung tâm hồi sức cấp cứu ở tuyến huyện để các ca bệnh nặng không phải chuyển lên tuyến trên.
 
Thần tốc triển khai trong 2 ngày
 
Theo Bộ TT-TT, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 gắn với thông điệp “5K + vaccine + công nghệ,” chỉ trong hơn 2 ngày, các doanh nghiệp công nghệ gồm Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã ra quân thần tốc hoàn thành triển khai lắp đặt hệ thống khám chữa bệnh từ xa cho 328 cơ sở y tế tuyến huyện tại 47 tỉnh, thành phố.
Đến nay 100% cơ sở y tế tuyến huyện đã được kết nối, góp phần xóa nhòa giới hạn giữa các tuyến, các ca bệnh khó, trong đó có điều trị bệnh nhân Covid-19 sẽ được hội chẩn bởi các chuyên gia hàng đầu mà không cần chuyển lên tuyến trên.
“Thủ tướng hỏi tôi cách đây 5 ngày, còn bao nhiêu bao nhiêu trung tâm y tế tuyến huyện chưa kết nối truyền hình, tôi trả lời còn trên 300 huyện, tức là khoảng 45%. Thủ tướng cũng hỏi, có thể làm nhanh được không? Đây là tình huống rất khẩn cấp, tôi cũng không ngờ Viettel và VNPT đều hứa quyết tâm làm xong trong 2 ngày”, Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng nhắc lại.
Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, việc kết nối Telehealt tới 100% tuyến y tế cấp huyện có ý nghĩa quan trọng khi đợt dịch thứ 4 số lượng bệnh nhân rất lớn, đang được điều trị tại nhiều tuyến huyện trên cả nước
ẢNH ĐỨC HUY
Theo ông, điều này có ý nghĩa rất quan trọng, bởi đợt dịch thứ nhất chỉ có vài chục ca nhiễm F0 thì tất cả có thể đưa về T.Ư chữa trị. Nhưng đợt dịch thứ 4 có hàng trăm ngàn ca nhiễm, lớn hơn hàng ngàn lần, thì không thể đưa về T.Ư được nữa. Các ca F0 hiện nay đang được điều trị tại các trung tâm y tế tuyến huyện, và việc tư vấn chữa trị từ xa qua cầu truyền hình từ T.Ư tới các huyện là vô cùng quan trọng, nhiều khi là quyết định thành công.
Cũng trong khuôn khổ buổi lễ, Bộ TT-TT và Bộ Y tế đồng tổ chức ra mắt Trung tâm công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia. Với tinh thần mang công nghệ hỗ trợ ngành y, Trung tâm công nghệ đã phát triển và cung cấp các nền tảng công nghệ dùng chung, áp dụng thống nhất trên toàn quốc, đáp ứng các yêu cầu nghiệp vụ y tế trong phòng, chống dịch, bao gồm: khai báo y tế, kiểm soát vào ra các địa điểm công cộng, truy vết, xét nghiệm, tiêm chủng, giám sát cách ly, đo lường mức độ giãn cách xã hội và các nghiệp vụ khác theo yêu cầu thực tiễn phát sinh. Đây là các nền tảng dùng chung nên có thể triển khai nhanh trên toàn quốc, giúp lực lượng y tế phản ứng nhanh, chính xác với các diễn biến của dịch.
Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa Telehealth do Viettel phát triển được đưa vào vận hành từ tháng 4.2020, kết nối hơn 30 bệnh viện trung ương với hơn 1.400 cơ sở y tế tuyến dưới bao gồm cả vùng núi và hải đảo. Đây là một trong những bước tiến đột phá trong quá trình chuyển đổi số của ngành Y tế, hướng đến mục tiêu “vì một Việt Nam khỏe mạnh hơn”. Tính đến nay, có gần 1.600 hồ sơ bệnh án được gửi lên Telehealth, gần 500 buổi hội chẩn và hơn 200 buổi đào tạo được tổ chức thông qua hệ thống.
Nguồn: https://thanhnien.vn/thoi-su/thu-tuong-du-le-ket-noi-nen-tang-kham-chua-benh-tu-xa-telehealth-1427975.html

 
Bài viết liên quan
01/16/2024
Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi): Tạo hành lang thông thoáng cho giao dịch số

Luật Giao dịch điện tử (GDĐT) năm 2023 đã được Quốc hội khóa XV thông qua với tỷ lệ 94,74% tán thành, có nhiều chính sách mới nổi bật giúp công nhận giao dịch điện tử sẽ có giá trị tương đương và có thể sử dụng thay thế giao dịch truyền thống. Có thể coi Luật này là Luật cơ bản về chuyển đổi số.

01/03/2024
6 kết quả nổi bật trong triển khai chuyển đổi số quốc gia 6 tháng đầu năm 2023

Bộ Thông tin và Truyền thông đã báo cáo 6 kết quả nổi bật trong triển khai chuyển đổi số quốc gia 6 tháng đầu năm 2023. Đây là cơ sở đánh giá hoạt động chuyển đổi số nửa đầu năm 2023 và đề ra phương hướng đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia trong 6 tháng cuối năm 2023.

Lý do xóa nội dung khỏi Internet gần như bất khả thi

Nhiều người cho rằng tin nhắn, bài đăng có thể biến mất vĩnh viễn trên Internet sau khi nhấn nút xóa, nhưng đó là suy nghĩ sai lầm.

Công nghệ mới của Google sẽ cách mạng hóa nhiếp ảnh kỹ thuật số

Trí tuệ nhân tạo (AI) có tên là RawNeRF do Google Research phát triển có thể giúp người dùng chụp ảnh vào ban đêm mà không bị giảm chất lượng hình ảnh.

AI 'làm mới' khung cảnh cho tranh

Dall-E 2, phần mềm do OpenAI phát triển, tích hợp tính năng "outpainting", có thể tạo khung cảnh bên ngoài cho bất cứ tác phẩm nghệ thuật nào.

Ác mộng vì bị phát tán số điện thoại trên mạng

Giữa đêm, Lương Quyết bỗng nhận hàng chục cuộc gọi đe dọa, sau khi số điện thoại của anh bị một người công khai trên nhóm Facebook.