Nhà báo Hồng Thanh Quang
Nhà thơ Hồng Thanh Quang: Thức dậy sau 'bão'
21/02/2021 | 06:29 TP - Khi năm Tân Sửu vừa sang, mở một ấn phẩm tết chuyên dòng làm đẹp, bỗng gặp bài thơ “Năm mới” của Hồng Thanh Quang được in trang trọng: “Đúng thông lệ nhưng rất không thường nhật/Năm mới sang như chuyện tất nhiên rồi/Khi đã lịm trời hoa rạng rỡ/Ta nhìn nhau, muốn nói, lại yên lời…”. Vẫn là một Hồng Thanh Quang đa tình, đa cảm như thuở “Người đàn bà giấu đêm vào trong tóc”. Nếu chỉ đọc thơ nào ai hay, Hồng Thanh Quang vừa trải qua biến cố dữ dội trong đời.
Cách đây khá lâu, làng văn nghệ xôn xao Hồng Thanh Quang mắc bạo bệnh, phải sang Singapore chạy chữa. Quả là từ khi nghe tin dữ, tôi không còn thấy bóng dáng anh trong những cuộc vui thường lệ. Bẵng đi một thời gian, lại thấy anh xuất hiện rào rào trên facebook, lúc thì đăng thơ, lúc đăng hình tự sướng trong ngôi nhà đẹp như mơ. Sau nhiều hồi hò hẹn, cuối cùng, anh cũng để tôi được đến thăm anh, vào một ngày tàn tết. Hồng Thanh Quang của hiện tại đã hồi phục sức khỏe tương đối, phong độ gần như xưa, tóc đã mọc dày, gợn sóng, điểm tô cho gương mặt anh nét hào hoa tự nhiên.
Hồng Thanh Quang kể: “Hôm đó, buổi tối mồng 1 tháng 1 năm 2019, cả đoàn nhà báo ở Sa Pa, khi ca sỹ Ngọc Anh hát “Khúc mùa thu”, tôi lên tặng hoa, tự nhiên tay run cầm cập, người đau. Tôi thấy quá lạ, vì chưa uống gì, tại sao tay run? Đêm ấy, tôi đau đến độ phải xả nước ấm vào bốn tắm khách sạn, rồi nằm trong đó. Hôm sau, trở về Hà Nội, vào ngay viện 108”. Bấy nay, thi sĩ vẫn tự tin về sức khỏe của mình, cả đời chưa bao giờ ốm đến mức phải nhập viện. Vì thế, nên anh chủ quan: “Trước đó khoảng 1 năm, thỉnh thoảng tôi có đau xương, nhưng không để ý”. Rồi theo lời khuyên của bạn bè, anh sang Singapore xem thực hư sức khỏe mình thế nào thì nhận được tin trời giáng: Bác sỹ kết luận, anh bị đau tủy xương, một dạng ung thư máu, làm hồng cầu xuống thấp. Một người luôn nghĩ mình khỏe mạnh, nhận kết luận ấy, không khỏi “sốc”. Bây giờ, khi sóng gió qua đi, vợ anh mới nói: Khi đưa kết quả cho người nhà, bác sỹ bảo Hồng Thanh Quang cùng lắm chỉ sống được 2 tháng, nếu không chạy chữa.
Vợ Hồng Thanh Quang là một phụ nữ gốc Tày. Phụ nữ Tày trong thơ Tày xốc vác, sẵn sàng làm điểm tựa cho chồng: “Thừa sức vác ông chồng/Chạy phăm phăm lên núi” (Mùa hoa- Y Phương). Ngay khi nhận kết luận của bác sỹ, chị quyết tâm bằng mọi giá phải chữa bệnh cho chồng. Bác sỹ nói: Bệnh của Hồng Thanh Quang có thể chữa. Song cần rất nhiều tiền: “Ông ấy bảo, tôi phải uống 10 liều hóa trị. Thuốc mới, được đưa vào sử dụng cuối năm 2018. Cách đây vài năm, bệnh của tôi coi như… xong. Khi sang Singapore, tôi nghĩ tôi bị thận, chắc sẽ tiêu tốn vài trăm triệu đồng, mà tôi cũng chưa bao giờ sử dụng chừng ấy tiền để làm việc gì. Nhưng theo đúng lộ trình điều trị bệnh này, tôi phải uống 10 liều hóa trị, mỗi liều 10 ngàn đô. Nhẩm tính hơn 2 tỷ đồng tiền thuốc. Lúc đó, nhìn sang mặt vợ tôi, đã thấy tái rồi. Nhà tôi không dự trữ sẵn sàng một số tiền lớn như thế. Vợ tôi đã nghĩ đến bán cơ ngơi để chữa cho chồng. Không phải vợ nào cũng sẵn sàng làm như thế đâu”. Hành trình chữa bệnh của Hồng Thanh Quang cũng là một trải nghiệm không thể quên trong cuộc đời anh: “Uống liều thuốc thứ nhất, trong 3 ngày đầu tiên, tôi đau từng tế bào, cảm giác như có lưỡi dao găm vào thân mình, mà không thể rút ra được. Đau đến kiệt sức, mới đỡ. Nhưng uống thêm một giọt nước lại đau. Muốn hết đau chỉ có cách biến mất”, anh kể. Dù đau kiệt sức suốt 3 ngày song thi sĩ vẫn kiên quyết không dùng thuốc giảm đau. 17 tuổi, Hồng Thanh Quang đã đi bộ đội: “Những gì trải qua trong hoàn cảnh sống của mình, đã giúp tôi chịu đựng được tất cả”, anh thấm thía. Song trong chuỗi ngày đen tối ấy, có lúc Hồng Thanh Quang cũng hoang mang, đã từng nghĩ không thể trở về Hà Nội… Nhưng có lẽ, cuộc đời chỉ thử thách Hồng Thanh Quang. Tin vui cho những ai từng say đắm thơ của người đàn ông hào hoa này: Mọi chỉ số của Hồng Thanh Quang đã trở về bình thường. Để lấy lại phong độ như xưa vẫn cần thời gian. Về căn bản, bệnh đã lùi tới 90%. Tất nhiên, diễn biến cuộc đời ai mà biết được? Dù sao, còn được sống là còn vui, còn cơ hội, với Hồng Thanh Quang là thế!
Gặp Hồng Thanh Quang không thể không nói chuyện thi ca. Gia tài thi ca của anh đến nay có khoảng ngàn bài, phần lớn đã đăng rải rác trên báo suốt những năm qua. Lúc nào Hồng Thanh Quang cũng sáng tác, ngay cả khi mang bệnh. Anh nói, anh mê làm báo, làm thơ. Mê chứ không phải vì danh vọng hay mưu sinh. Nếu chỉ để mưu sinh thì một người được đào tạo bài bản như Hồng Thanh Quang lại là… chuyện nhỏ. Anh kể, ngày trước nghề vô tuyến điện của anh hái ra tiền: “Từ hồi trẻ chưa bao giờ tôi quan tâm đến tiền bạc nhưng lúc nào cũng vui. Bởi tôi không có nhu cầu gì lớn, không cờ bạc, không ham mê đồ xa xỉ. Bây giờ, có điều kiện đến đâu thì sống đến đó. Không đua với ai cả”. Thuở trẻ, khi chỉ là trung úy, anh đã gõ cửa vị thiếu tướng tư lệnh để xin chuyển sang làm báo. Vị chỉ huy đã mở cho Hồng Thanh Quang cơ hội. Bây giờ họ gặp lại nhau, thân gần, vui vẻ, người tạo cơ hội cho anh bước vào nghề báo tự hào vì từng là chỉ huy của thi sĩ, nhà báo Hồng Thanh Quang. Đời làm báo của Hồng Thanh Quang có lúc thăng, lúc trầm song anh tổng kết: “Nghề đã cho tôi những khoảnh khắc rất vui trong cuộc sống. Nếu làm việc khác, tôi không có nhiều khoảnh khắc vui thế”.
Quảng Cáo
Trở lại chuyện thi ca, bài thơ “Năm mới” vừa điềm đạm, vừa trữ tình, được anh sáng tác trước khi phát hiện mình vướng trọng bệnh: “Tay đang mát mầm xanh vừa hé nụ/Trái tim yêu lại nóng ấm tê người/Không cần nhớ những gì đã mất/Ta chỉ tin quy luật sống luân hồi…”. Mấy năm qua, Hồng Thanh Quang không in cuốn sách nào. Nhiều bài thơ xuất hiện trên báo hay được anh khoe trên facebook gần đây có khi là những sáng tác xưa của anh. Nhiều người hay nghĩ, thơ Hồng Thanh Quang, nhất là dòng thơ tình, được anh “rút ruột” từ đời sống cá nhân. Nhưng thi sĩ lắc đầu: “Có hai dạng nhà thơ. Có nhà thơ viết bằng trải nghiệm của họ. Có nhà thơ viết bằng sự không trải nghiệm của họ. Thơ tôi không có trải nghiệm. Mọi bình luận đều không đúng. Tất cả những thứ người ta kể về cuộc đời tôi, toàn do người ta tưởng tượng. Tôi chẳng thanh minh”. Như bài “Khúc mùa thu”, chính Hồng Thanh Quang cũng không biết tại sao mình viết những câu thơ như thế. Và rồi “Khúc mùa thu” đi vào nhạc, nổi tiếng từ đó đến nay. Hồng Thanh Quang chia sẻ:  “Hồi đó, tôi còn ở Thái Hà. Một buổi tối, một người bạn từng học ở Liên Xô với tôi về Hà Nội. Tôi và một nhóm bạn kéo nhau ra quán phở ở Đê La Thành, uống bia Hà Nội.  Họ là những độc giả đầu tiên của “Khúc mùa thu”. Rồi bài thơ được đăng trên báo Hà Nội mới cuối tuần. Dạo ấy, ông Phú Quang ra Hà Nội chắc nhặt được tờ báo này, ông đọc thích thì phổ nhạc. Rồi một hôm Phú Quang gặp tôi ở giữa đường, ông ấy đi xe máy, tôi đi bộ. Phú Quang bảo: Quang ơi, anh vừa phổ bài này của em, hay lắm. Nhưng anh vứt trong ngăn kéo, một tháng sau vẫn thấy hay sẽ phổ biến”.
Theo Hồng Thanh Quang, thơ mà phải làm đề cương mới viết, là thơ hạng 2: “Những câu thơ đi vào lòng người thì “cha đẻ” của chúng cũng không biết tại sao chúng được sinh ra. Mà lại không bí hiểm nhé! Hiện nay, có một số người viết những lời vô nghĩa, bí hiểm, bảo đó là thơ. Thơ đích thực đọc phải hiểu được chứ?”. Trong ngàn bài thơ của mình, Hồng Thanh Quang không so bì, bài này hơn bài kia. Anh thuộc thơ mình nhưng thú nhận, những bài thơ ngày xưa dễ thuộc hơn. Nhà thơ cho rằng, mỗi người sáng tác chỉ có một thời kỳ đỉnh. Và đỉnh của Hồng Thanh Quang đã qua từ lâu. Công việc hiện tại của anh là lao động để làm móng cho chắc.
Phụ nữ phi thường mới chọn tôi
Đời sống tình cảm của Hồng Thanh Quang là một khía cạnh gây tò mò với độc giả mến mộ. Anh hỏi tôi: “Thử nhìn khắp thế giới, khắp thời đại, có nhà thơ nào không giăng hoa? Nhưng không nhiều nhà thơ biết kết hợp hài hòa, biết kìm nén để giữ ít ra là một cái gì đó khả dĩ trong điều kiện sống của mình”. Anh khẳng định: “Tôi là một nhà thơ may mắn. Tôi có rất nhiều tật xấu nhưng những người yêu quí tôi không chấp tật xấu. Họ đánh giá, trân trọng những gì tốt ở tôi. Tôi không tranh luận bao giờ. Những chuyện khen/chê của đời sống chẳng có ý nghĩa gì với tôi. Càng dây vào thứ đó, càng sa vào đầm lầy”.
Ngôi nhà đẹp như mơ mà Hồng Thanh Quang đang sống do vợ anh một tay chỉ đạo công trình, gấp rút hoàn thành trong vòng một năm rưỡi. Anh được tĩnh dưỡng trong một không gian đẹp, cũng là một ân huệ cuộc đời mang lại: “Người phụ nữ nào lựa chọn tôi, ấy là người phụ nữ phi thường. Tôi nghĩ vợ tôi rất được ở khía cạnh ấy. Người bình thường khó ai đến gần tôi. Có nhiều dạng nhà thơ, tôi là dạng nhà thơ khó chịu nhất. Đa phần bọn nhà thơ ích kỷ, tôi lại đặc biệt ích kỷ. Thí dụ sự ích kỷ trong công việc chẳng hạn. Đáng ra tôi phải dành nhiều thời gian cho con cái hơn. Đó là điều tôi day dứt và cảm thấy có lỗi. Nhưng may thay đến thời điểm này, tôi vẫn có gia đình tương đối ổn. Không có gia đình nào không có vấn đề cả, chỉ có bản lĩnh và sự may mắn giúp ta tìm được cách sắp xếp ổn thỏa nhất”, Hồng Thanh Quang cởi lòng.
Sau biến cố lớn, Hồng Thanh Quang suy ngẫm gì? “Biến cố xảy ra lúc tôi lúng túng trong cuộc sống của mình, trong nhận thức của bản thân mình. Tôi vừa lười biếng, vừa nhát gan không dám thay đổi. Bệnh này giúp tôi kết thúc một giai đoạn, để bắt đầu một giai đoạn sống mới”. Sợ tôi hiểu lầm vấn đề, anh nhắc: “Cái này không liên quan công việc nhé. Công việc với tôi chỉ là trò chơi thôi. Tôi làm việc gì cũng chỉ là để thỏa mãn chính bản thân mình, đam mê của mình. Bây giờ tôi trở về gần như lúc tôi bắt đầu”. Thì đây, bài thơ mới tinh của anh: “Chấp nhận thời gian/Thuận theo số phận/Đôi khi thực buông/Mới không vướng bận/Không dưng đừng nhận/Sẽ thôi nợ đời/Sân si thù hận/Nhấn vào sông trôi/Chẳng có mới có/Chân tình hữu duyên/Cười trong khốn khó/Nhớ nhờ biết quên/Càng lắm sóng gió/Càng hiền tứ thơ/Yêu là định mệnh/Đến từ trong mơ…”.
 
Nguồn: https://tienphong.vn/nha-tho-hong-thanh-quang-thuc-day-sau-bao-post1314488.tpo
 
Bài viết liên quan
NHÀ GIÁO ĐỖ HỒNG CHỈNH

Nhà giáo Đỗ Hồng Chỉnh - Phu nhân cố Luật sư Phan Anh. Bà còn là Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Xã hội Phan Anh đã qua đời ngày 28/9/2022 (ngày Giáp Thân, tháng Canh Tuất, năm Nhâm Dần) thọ 90 tuổi; được An táng tại nghĩa trang Bãi Cầu (Dục Tú, Đông Anh, Hà Nội).

TRƯỜNG THANH NIÊN LAO ĐỘNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA HÒA BÌNH MỘT THỜI ĐÁNG NHỚ - QUYỂN 1 TẬP 1

Ngày 1/4/1958 trường Lao động XHCN Hòa Bình khai giảng khóa học đầu tiên. Báo Nhân dân số ra ngày 27/6/1962 đăng bài phóng sự “Đến thăm trường học dũng cảm” chính thức phong tặng trường Thanh niên LĐXHCN Hòa Bình danh hiệu “trường học dũng cảm” ra thông tin đại chúng. Ngày 17/8/1962, vinh dự lớn cho nhà trường, Bác Hồ về thăm và nói chuyện với toàn thể cán bộ, giáo viên, học sinh trường Thanh niên LXHCN Hòa Bình.

Bà Đỗ Hồng Chỉnh - Phu nhân Luật sư Phan Anh: Cho vẹn trăm năm một chữ Đồng - Nguồn từ Báo Đại Đoàn Kết.

Luật sư Phan Anh - nguyên Phó Chủ tịch Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, là một trí thức lớn, được Bác Hồ đặc biệt trọng đãi từ những ngày đầu thành lập nước, trong vai trò là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đầu tiên của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Tháng 3/2022, kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Luật sư, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với cụ bà Đỗ Hồng Chỉnh - phu nhân của Luật sư Phan Anh.

Đại diện gia đình Nhà giáo Đỗ Hồng Chỉnh trao lại Quỹ XH Phan Anh số tiền phúng viếng từ lễ tang theo di nguyện của Bà

Đại diện gia đình Nhà giáo Đỗ Hồng Chỉnh trao lại Quỹ XH Phan Anh số tiền phúng viếng từ lễ tang theo di nguyện của Bà

LỜI CẢM TẠ

Nhà giáo Đỗ Hồng Chỉnh - Phu nhân cố Luật sư Phan Anh - Chủ tịch Hội Đồng Quản lý Quỹ Xã hội Phan Anh, đã qua đời hồi 11h45 phút ngày 28/9/2022 (tức ngày Giáp Thân, tháng Canh Tuất, năm Nhâm Dần), thọ 90 tuổi. Được an táng tại nghĩa trang Bãi Cầu - Dục Tú (Đông Anh, Hà Nội).

Một số hình ảnh về Lễ tang Nhà giáo Đỗ Hồng Chỉnh - Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Xã hội Phan Anh

Một số hình ảnh về Lễ tang Nhà giáo Đỗ Hồng Chỉnh - Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ XH Phan Anh.