Nhà báo Hồng Thanh Quang
NHÀ BÁO, NHÀ THƠ HỒNG THANH QUANG: CHỈ VÔ DANH MỚI ĐƯỢC VĨNH HẰNG!
2018/10/21 Nhà báo Vũ Quang: Nhân dịp xuân Ất Mùi, rất may mắn tôi được nhà báo, nhà thơ Hồng Thanh Quang- Tổng biên tập báo Đại Đoàn kết đồng ý trả lời những câu hỏi về nghề báo, về thơ và về bản thân ông… Xin trân trọng giới thiệu cuộc trò chuyện này với bạn đọc của daotao.vtv.vn!

– Xin cám ơn nhà thơ, nhà báo, nhà quản lý báo chí Hồng Thanh Quang đã nhận lời cho cuộc trao đổi về nghề báo! Điều gì đã “xô đẩy” ông đến vị trí Tổng biên tập tờ báo ” Đại đoàn kết”?

Hồng Thanh Quang: Cũng chỉ là một sự tình cờ. Nghe tin có cuộc thi tuyển vào chân tổng biên tập Đại Đoàn Kết, được bạn bè động viên nên tôi tham gia. Và tình cờ đã được chọn… Thực sự thì từ lâu tôi đã muốn thử sức mình trong vai trò một người cầm chịch một tờ báo. Và thật may là lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã cho tôi cơ hội đó. Bây giờ cưỡi lưng hổ rồi thì phải làm thôi… Cơ hội cuối cùng để thực hiện ước mơ cuối cùng trong nghề báo: làm một tờ báo đàng hoàng mà vẫn bán chạy…

Trường phổ thông Việt Đức ( Hà Nội) có ý nghĩa gì với ông?

Hồng Thanh Quang: Đó là ngôi trường cấp ba của tôi. Đó là nơi tôi dần dà tiếp cận với những cảm xúc mới mẻ của tình yêu và thi ca. Đó là nơi tôi đã quyết định vào bộ đội với lý do đơn giản “tôi thấy bố tôi bảo rằng, bộ đội sống với nhau tử tế hơn…”. Đó là nơi mà mỗi khi đi qua, tôi đều nhớ tới những câu thơ thời trẻ của mình: “Mỗi khi nghĩ về em, ta lại nhớ Sân trường đêm cô độc gốc si già. Gió tung lá, những dấu vàng trên lối Em hững hờ bóng lẫn vào khuya… Mỗi khi nghĩ về em, ta lại nhớ Những câu thơ đã tưởng như thừa “Mọi thứ quanh em đều thành tuyệt diệu Trong mắt ta nhìn, dưới bút ta đưa…” Mỗi khi nghĩ về em ta lại nhớ Quãng thời gian không trở lại trong đời… Gió tung lá, những giọt vàng trên lối Em ra đi, ríu rít bên người… Ta yêu em, chẳng bao giờ em biết Chẳng bao giờ ta hết yêu em. Tình chưa có là tình không thể mất Với sân trường và lá. Gió và đêm…”

– Ông viết thơ từ khi nào thế?

Hồng Thanh Quang: Thú thực là từ lớp ba lớp bốn tôi đã bắt đầu tập tọng làm thơ. Nhưng bài thơ đầu tiên mà tôi viết và vẫn lưu lại tới bây giờ là bài “Xem ảnh”. Khi đó tôi đang học lớp 10 và rất mê một bạn gái học cùng trường. Mê theo kiểu phải lòng mặt thôi. Và một lần nhặt được tấm ảnh mà bạn ấy chụp để chuẩn bị làm thẻ học sinh, tôi đã ngẫu hứng nảy ra bốn câu: “Ngang vai tóc thả mượt mà, Nhìn ai, ánh mắt thoảng qua nét cười? Dịu dàng khẽ mím bờ môi, Chắc em không biết có người hôn em!..”

Người làm ông đắm đuối vì thơ là ai vậy?

Hồng Thanh Quang: Có thể nói thế này, những câu thơ cụ thể, những bài thơ cụ thể xuất hiện từ những con người cụ thể nhưng người làm tôi đắm đuối vì thơ lại chính là … thơ. Tôi nghĩ, nhà thơ sinh ra đã mang trong mình những câu thơ rồi và những gì diễn ra trong cuộc sống của nhà thơ chỉ là những tín hiệu làm bật ra những câu thơ ấy thành những bài thơ… Tôi luôn kính trọng những người đã tạo cảm hứng cho tôi xuất thần ra những bài thơ, nhưng có một sự thật là: cũng những người ấy, đôi khi với tình yêu còn lớn hơn của tôi, lại không làm cho những người khác mà họ yêu trở thành nhà thơ được… Tôi biết ơn thi ca vì thi ca đã giúp tôi gặp được những người mà tôi yêu quý…

Bài thơ ông thích nhất là bài nào?

Hồng Thanh Quang: Nếu nói về thơ của chính tôi thì rất khó nói ai là đứa con mà ta yêu nhất. Con nào cũng là con. Mỗi bài thơ là một cảnh ngộ, một cảm xúc… Còn thơ của những người khác mà tôi thích thì nhiều lắm. Nói không phải khoe, tôi thuộc lòng cả nghìn bài thơ của những nhà thơ khác, cả bằng tiếng Việt lẫn tiếng Nga…

– Ai “đẩy” ông đến nghề báo?

Hồng Thanh Quang: Tôi tự chọn. Trong lúc theo học về vô tuyến điện quân sự ở Liên Xô, tôi càng ngày càng đam mê nghiệp viết. Rồi như một lẽ tự nhiên, tôi tham gia làm báo và trở thành một nhà báo chuyên nghiệp. Tôi có thể nói rằng, người đầu tiên đã chọn tôi về làm phóng viên là một nhà báo đàn anh ở Quân đoàn 3, anh Đắc Sinh, khi đó đang là đại úy, phó tổng biên tập tờ tin Binh đoàn Tây Nguyên. Sau này, anh Đắc Sinh đã làm TBT báo Phú Thọ… Tôi luôn biết ơn anh Đắc Sinh vì anh đã tạo cơ hội cho tôi mau chóng chuyển thành phóng viên. Sau này, trong nghề làm báo, tôi cũng đã may mắt được gặp nhiều con mắt xanh của các bậc đàn anh và tranh thủ được sự ủng hộ của họ. Tôi thực sự không bao giờ quên được những ân tình ấy…

– Đâu là sự khác nhau giữa nhà thơ và nhà báo Hồng Thanh Quang?

Hồng Thanh Quang: Đó là hai mặt biện chứng một con người thống nhất. Tôi luôn nhất quán trong những công việc khác nhau, những chức phận khác nhau, thậm chí cả trong những tình yêu khác nhau…

-Quân hàm đại tá giữ vị trí như thế nào trong cuộc đời ông?

Hồng Thanh Quang: Quân hàm đại tá là một minh chứng cho sự phục vụ tận tụy của tôi đối với lực lượng của mình. Tôi nghĩ, tôi đã làm tròn sứ mệnh của một sĩ quan. Và khi rời khỏi lực lượng vũ trang, tôi có cảm giác mãn nguyện vì mình đã sống và làm việc xứng đáng với chức phận của mình và sự tin cậy của tổ chức.

Người mà ông muốn phỏng vấn nhất mà chưa thực hiện được là ai?

Hồng Thanh Quang: Thực sự, tôi mơ ước một khi nào đó tôi sẽ có thể thực hiện bài phỏng vấn một người câm. Tôi nghĩ, đó sẽ là một bài phỏng vấn cực hay…

– Ông sẽ đưa tờ báo ” Đại đoàn kết” đi như thế nào?

Hồng Thanh Quang: Tôi sẽ cố gắng cùng tập thể phóng viên, nhân viên của tòa soạn xây dựng tờ báo Đại Đoàn kết ngày một xứng đáng hơn với cơ quan chủ quản là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và những truyền thống tốt đẹp của nó. Tôi mong đó sẽ là một tờ báo đứng đắn theo đúng tôn chỉ mục đích đã định và ngày càng có đông độc giả.

Ông bị ảnh hưởng của ai khi dẫn chương trình truyền hình?

Hồng Thanh Quang: Tôi có một đặc tính là chẳng bao giờ chịu ảnh hưởng của ai cả, vì tôi làm theo cách mà tôi có thể làm chứ không nhìn vào một khuôn mẫu nào khác.

Ai là MC người Việt mà ông thích xem?

Hồng Thanh Quang: Tôi thích xem nhiều MC lắm, mỗi người mỗi lúc, mỗi người mỗi cái hay … Nếu anh hỏi tôi thích phụ nữ nào nhất thì tôi cũng sẽ đưa ra câu trả lời tương tự vì tôi không muốn ai cảm thấy tủi thân…

– Cha Larry King theo ông giỏi gì nhỉ ?

Hồng Thanh Quang: Tôi nghĩ, Larry King đã nắm rất chắc nguyên tắc, một khi đã nói A thì tất phải nói B và ông ấy rất diệu nghệ trong việc dụ người đối diện bật ra A (là điều tưởng như vô hại) để rồi phải nốt cả B (là điều mà có thể chính họ không hề muốn nói nhưng lại là điều mà công chúng đang tò mò nhất).

Hồng Thanh Quang thích mọi người nhớ nhất mình ở vị trí nào?

Hồng Thanh Quang: Nói không hề khách sáo, tôi muốn được mọi người quên những việc tôi đã làm mà chỉ cần nhớ một vài câu thơ nào đó có thể giúp ích cho họ trong cuộc sống. Có lần tôi đã viết: “Nếu đời ta chỉ của ta thôi nhỉ, Hẳn đêm ta sẽ sao băng, Chói khoảnh khắc rồi chìm vào quên lãng, Chỉ vô danh mới được vĩnh hằng…”.

 Xin cảm ơn ông!

Hồng Thanh Quang, tên thật là Đặng Hồng Quang, sinh ngày 7 tháng 9 năm 1962 tại Hà Nội, quê quán tại xã Nguyên Hòa, huyện Phủ Cừ tỉnh Hưng Yên. Ông là kỹ sư vô tuyến điện, cử nhân báo chí, nhà thơ, nhà báo Việt Nam. Hiện nay là Tổng Biên tập Báo Đại đoàn kết, Đại tá An ninh Nhân dân, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Công an nhân dân – chuyên đề An ninh thế giới, chịu trách nhiệm nội dung các chuyên đề An ninh Thế giới Tuần, Giữa tháng và An ninh Thế giới Cuối tháng. Tổng biên tập Báo Đại đoàn kết.

Sau khi tốt nghiệp phổ thông năm 1979, Hồng Thanh Quang thi đỗ vào khoá 14, hệ đào tạo kỹ sư tại Học viện kỹ thuật quân sự. Do đạt kết quả thi xuất sắc, ông được tuyển chọn đi du học tại Liên Xô từ tháng 8/1980.

Năm 1986, ông tốt nghiệp kỹ sư vô tuyến điện tại thành phố Ulianovsk Liên xô. Về nước, được phong quân hàm trung úy tháng 9/1986, ông trở thành trợ lý kỹ thuật tiểu đoàn thông tin 29 thuộc Binh đoàn Tây Nguyên.

Tháng 5/1987, Hồng Thanh Quang chính thức bước vào nghề báo, là phóng viên tờ tin Binh đoàn Tây Nguyên (1987-1988) và báo Quân đội Nhân dân (1988-2002). Ông là cử nhân lớp báo chí K3 đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội Ông đã có 24 năm phục vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam và từng nhiều năm viết kịch bản và dẫn chương trình Câu lạc Bộ Người yêu thơ trên sóng của đài truyền hình Việt Nam.

Từ năm 2000, Hồng Thanh Quang bắt đầu cộng tác với báo An ninh Thế giới. Từ tháng 12/2003, ông chính thức là phóng viên báo An ninh Thế giới và báo Công an nhân dân. Năm 2007, Hồng Thanh Quang được phong quân hàm Đại tá An ninh Nhân dân, Phó Tổng Biên tập Báo Công an nhân dân – Chuyên đề An ninh thế giới, chịu trách nhiệm nội dung các chuyên đề An ninh Thế giới Tuần, An ninh Thế giới Giữa tháng và An ninh Thế giới Cuối tháng…

Từ ngày 24-10-2014, Hồng Thanh Quang đã chính thức nhậm chức Tổng biên tập báo Đại Đoàn kết, cơ quan ngôn luận của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Thơ sáng tác

  • “Trữ tình. Thơ” (1993)
  • “Không thể nào nguôi” (1996)
  • “Mùa dịu dàng” (1999)
  • “Chỉ là mơ thấy” (2003)
  • “Sống như không thể chết” (2005)
  • “101 bài thơ tình” (2009)

Thơ dịch

  • “Linh cảm người đang yêu” (1995)
  • “Gửi người con gái xa xôi” (Konstantin Simonov) (1996)
  • “Một góc thơ Nga” (2000)

Các tác phẩm khác

  • “Thời luận” (tuyển tập báo chí, 2000)
  • “V.Putin, sự lựa chọn của nước Nga” (bình luận chính trị, 2001)
  • “Những lát cắt số phận” (chân dung nhân vật, 2007)

Nguồn: http://daotaotruyenhinh.vn/nha-bao-nha-tho-hong-thanh-quang-chi-vo-danh-moi-duoc-vinh-hang/

Bài viết liên quan
NHÀ GIÁO ĐỖ HỒNG CHỈNH

Nhà giáo Đỗ Hồng Chỉnh - Phu nhân cố Luật sư Phan Anh. Bà còn là Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Xã hội Phan Anh đã qua đời ngày 28/9/2022 (ngày Giáp Thân, tháng Canh Tuất, năm Nhâm Dần) thọ 90 tuổi; được An táng tại nghĩa trang Bãi Cầu (Dục Tú, Đông Anh, Hà Nội).

TRƯỜNG THANH NIÊN LAO ĐỘNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA HÒA BÌNH MỘT THỜI ĐÁNG NHỚ - QUYỂN 1 TẬP 1

Ngày 1/4/1958 trường Lao động XHCN Hòa Bình khai giảng khóa học đầu tiên. Báo Nhân dân số ra ngày 27/6/1962 đăng bài phóng sự “Đến thăm trường học dũng cảm” chính thức phong tặng trường Thanh niên LĐXHCN Hòa Bình danh hiệu “trường học dũng cảm” ra thông tin đại chúng. Ngày 17/8/1962, vinh dự lớn cho nhà trường, Bác Hồ về thăm và nói chuyện với toàn thể cán bộ, giáo viên, học sinh trường Thanh niên LXHCN Hòa Bình.

Bà Đỗ Hồng Chỉnh - Phu nhân Luật sư Phan Anh: Cho vẹn trăm năm một chữ Đồng - Nguồn từ Báo Đại Đoàn Kết.

Luật sư Phan Anh - nguyên Phó Chủ tịch Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, là một trí thức lớn, được Bác Hồ đặc biệt trọng đãi từ những ngày đầu thành lập nước, trong vai trò là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đầu tiên của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Tháng 3/2022, kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Luật sư, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với cụ bà Đỗ Hồng Chỉnh - phu nhân của Luật sư Phan Anh.

Đại diện gia đình Nhà giáo Đỗ Hồng Chỉnh trao lại Quỹ XH Phan Anh số tiền phúng viếng từ lễ tang theo di nguyện của Bà

Đại diện gia đình Nhà giáo Đỗ Hồng Chỉnh trao lại Quỹ XH Phan Anh số tiền phúng viếng từ lễ tang theo di nguyện của Bà

LỜI CẢM TẠ

Nhà giáo Đỗ Hồng Chỉnh - Phu nhân cố Luật sư Phan Anh - Chủ tịch Hội Đồng Quản lý Quỹ Xã hội Phan Anh, đã qua đời hồi 11h45 phút ngày 28/9/2022 (tức ngày Giáp Thân, tháng Canh Tuất, năm Nhâm Dần), thọ 90 tuổi. Được an táng tại nghĩa trang Bãi Cầu - Dục Tú (Đông Anh, Hà Nội).

Một số hình ảnh về Lễ tang Nhà giáo Đỗ Hồng Chỉnh - Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Xã hội Phan Anh

Một số hình ảnh về Lễ tang Nhà giáo Đỗ Hồng Chỉnh - Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ XH Phan Anh.