Một góc nhìn Lịch sử
Một góc nhìn Lịch sử - Phần III
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà báo Hồng Thanh Quang. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Đỗ Như Cự. Biên tập: Nhà báo Hồng Thanh Quang, Ông Đỗ Như Cự, Ông Chu Văn Ngọc.
VƯỢT SÓNG RA KHƠI
(Việt Nam trong lòng bạn bè)
 
Nhà báo Trần Đình Vân:
Trong cuộc đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng đất nước, Luật sư có nhấn mạnh vai trò đấu tranh chính trị ở trong nước, như Luật sư đã nói, đó là sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, của giai cấp công nhân. Còn trên trường quốc tế thì trong cuộc đấu tranh của ta có sự kết hợp với cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới. Xin Luật sư cho một vài sự việc cụ thể trong hoạt động của Luật sư trên trường quốc tế.
Luật sư Phan Anh:
Tôi đã nói đến vai trò của nhân dân các nước ủng hộ ta trong cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp vì độc lập tự do. Từ đó, vai trò của nhân dân thế giới không ngừng phát triển, gắn bó với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.
Trong phong trào cách mạng thế giới ủng hộ và giúp đỡ cách mạng Việt nam; Hàng đầu là các Đảng Cộng sản và Công nhân làm nòng cốt phong trào rộng rãi gồm tất cả lực lượng yêu độc lập, dân chủ, hoà bình và tiến bộ xã hội. Trong các Đảng Cộng sản và Công nhân thì trước hết là Đảng Cộng sản cầm quyền tại các nước Xã hội chủ nghĩa ...
Trên đường từ Giơnevơ về nước, Thủ đô đầu tiên ghé thăm là BécLanh đã giành cho đoàn Việt Nam sự đón tiếp không sao quên được - Đó không chỉ là cuộc đón tiếp cấp cao của Nhà nước, mà còn là một cuộc gặp mặt rộng rãi trong nhân dân. Đó không chỉ là những nghi thức long trọng của lễ tân, mà còn là sự gặp gỡ cởi mở tâm tình giữa những bạn đồng cảnh, đồng tình, hiểu nhau, mến nhau, đã cùng nhau chiến đấu chống kẻ thù chung và sẽ cùng nhau sát cánh, kể vai, trên con đường chiến đấu lâu dài. Trong cuộc tiếp xúc với nhân dân, có cuộc gặp gỡ thanh thiếu niên. Đồng chí Tô duyệt Đội danh dự và dừng lại trước cờ của Đội thiếu niên, nói: “Chúc các cháu lớn lên xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội”. Lập tức, cháu cầm cờ trả lời một câu rất gọn mà cả cử toạ không nín được cười: “Cháu cũng chúc Bác như vậy” ...
Những năm 60, là thời kỳ nhiều nước mới độc lập ra đời. Tôi có nhiều cuộc gặp gỡ với các bạn đồng nghiệp Á, Phi. Vấn đề bảo vệ và củng cố nền độc lập chống lại sự lũng đoạn của bọn thực dân, đế quốc cũ và mới là vấn đề thời sự nóng hổi trên thế giới ...
Trong thời gian dài từ năm 1955 đến năm 1975, hoạt động Ngoại thương của Việt Nam vẫn được đẩy mạnh. Nước ta đã xuất khẩu được nhiều hàng hóa: Thủ công mỹ nghệ, mây tre đan, nông - lâm - thủy - hải sản ra thị trường ngoài nước; Giải quyết công ăn việc làm cho hàng triệu nông dân và người lao động thành thị; Thu về ngoại tệ cùng với nguồn viện trợ của các nước anh em đủ nhập khẩu nhiều hàng hóa lương thực, nguyên liệu, vật tư và vũ khí, quân trang quân dụng, đảm bảo mức tối thiểu nhu cầu cuộc sống của nhân dân và đáp ứng yêu cầu hậu cần cho cuộc kháng chiến chống Mỹ của cả nước.
Những luồng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu vẫn được duy trì thực hiện qua cảng Hải Phòng. Đế quốc Mỹ dùng sức mạnh ném bom, thả thủy lôi phong tỏa cảng Hải Phòng. Dùng những thế mạnh, áp lực, cấm vận kinh tế, chính trị lên các nước buôn bán với Việt Nam, các nước có tầu chuyên chở hàng hóa ra, vào cảng Hải Phòng giúp Việt Nam.
Bên cạnh những biện pháp phòng không, phá mạng lưới thủy lôi phong tỏa cảng Hải Phòng của địch, chúng ta động viên lòng yêu nước của cán bộ, thuỷ thủ, công nhân ngày đêm có mặt ở cảng bốc dỡ hàng hóa, trong cả thời gian không quân Mỹ ném bom và thả thủy lôi. Vận động tình đoàn kết ủng hộ Việt Nam của thuỷ thủ các nước đưa tầu vận chuyển hàng hóa ra, vào cảng Hải Phòng. Nhờ đó, luồng hàng xuất khẩu, nhập khẩu vẫn thông suốt trong 12 ngày đêm cuối năm 1972 không quân Mỹ dùng pháo đài bay B.52 rải thảm bom. Trong cuộc chiến đấu quyết liệt và vinh quang đó, có nhiều tấm gương hy sinh cao cả của những thuỷ thủ của đất nước Lê Nin và các nước anh em.
Hoạt động Ngoại thương trong mấy chục năm đã để lại trong tôi những kỷ niệm sâu sắc và đẹp đẽ không thể nào quên. Tôi đã ghi những kỷ niệm đó trong một bài thơ gửi tặng anh chị em hoạt động trong ngành Ngoại thương Việt Nam:
 
Ngày xuân con én đưa thoi,
Mấy mươi năm ấy một hồi sử xanh.
Ngoại thương một gốc bao cành,
Nắng mưa sương gió nặng tình non sông.
Non sông thu một mối,
Uy tín vượt năm châu,
Việt Nam tung đôi cánh,
Vươn lên đẩy phong trào.
Chính trị đã nổi tiếng,
Kinh tế cần lên cao,
Xuân qua rồi xuân lại,
Ngoại thương ta tính sao?
Bao năm trong khói lửa,
Từ núi hiểm rừng sâu,
Phá vòng vây đế quốc,
Bắt tay với năm châu.
Bắt tay tiếp sức mạnh
Cho tiền tuyến hậu phương,
Nhập khẩu luôn đảm bảo,
Nhiệm vụ nặng phi thường.
Bắt tay tăng sức mạnh,
Đẩy hoạt động công nông,
Xuất khẩu luôn vững bước,
Bom đạn vẫn không ngừng.
Bắt tay với bè bạn,
Tình nghĩa giữ vẹn tròn,
Trong trao đổi hàng hóa,
Luôn giữ tấm lòng son.
Nhìn lại bước đường đi,
Lòng ta tràn phấn khởi,
Mục tiêu ngày càng cao,
Nhất định ta tiến tới.
Tiến tới sản xuất lớn,
Hàng hóa ngày dồi dào,
Chất lượng ngày thêm tốt,
Xuất khẩu ngày càng cao.
Cao trào xuất khẩu mạnh,
Rầm rộ khắp nơi nơi,
Ruộng đồng cùng xí nghiệp
Tốc độ một lên mười.
Xuất khẩu đảm bảo nhập,
Xuất mở rộng thị trường,
Đẩy đà sản xuất lớn,
Cho kinh tế hùng cường.
Hùng cường làm kinh tế,
Cờ Việt Nam phất cao.
Cho chủ nghĩa xã hội,
Cả thế giới trông vào.
Trông con đường ta tiến,
Trong đôi cánh ta bay,
Chính trị và kinh tế,
Có mặt khắp Đông - Tây.
Đông - Tây dào dạt phong trào,
Ba dòng thác lớn ào ào tấn công.
Tiến lên dưới ngọn cờ hồng,
Ngoại thương ta lại lập công phen này.
Thơ đưa nhớ bữa hôm nay,
Thơ mừng xin hẹn ngày này xuân sau.
Yêu nhau xin nhớ lời nhau,
Mấy mươi năm ấy biết bao nhiêu tình.
 
Nhà báo Trần Đình Vân:
Trong tình hình hiện nay có dòng nước ngược của Trung Quốc; Vậy ba dòng thác cách mạng có còn chảy đều không?
Luật sư Phan Anh:
Hình ảnh “Dòng nước ngược” của Anh rất hay. Quả là có một dòng nước ngược. Nó ngấm ngầm lâu năm, lập lờ trộn lẫn với ba dòng thác cách mạng trong sáng, nhưng gần đây nó đã bung ra với bản chất đục ngầu. Cục diện này thể hiện khá rõ rệt trong phong trào bảo vệ hoà bình thế giới.
Phong trào bảo vệ hoà bình xuất phát từ ý chí của nhân dân yêu chuộng hoà bình thế giới chống lại âm mưu gây chiến tranh của đế quốc Mỹ đã trải qua hơn 30 năm chiến đấu. Nó gồm đông đảo các tổ chức và cá nhân ở khắp các nước trên thế giới, các khuynh hướng chính trị, tôn giáo, các giới khác nhau cùng đấu tranh cho một mục đích chung chống chiến tranh, chống chủ nghĩa thực dân đế quốc.
Lúc đầu Trung Quốc là một thành viên tích cực nhưng bắt đầu từ những năm 60 đại biểu Trung Quốc vắng mặt, tuy vậy hoạt động của phong trào vẫn tiến lên, càng ngày càng sôi nổi. Đặc biệt trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của đế quốc Mỹ, phong trào bảo vệ hoà bình huy động những lực lượng càng ngày càng rộng rãi khắp 5 châu chống đế quốc thực dân, chống mọi lực lượng phản động: Phân biệt chủng tộc, Apathai, chủ nghĩa bành trướng Sion. Phong trào bảo vệ hoà bình thế giới đã đưa phong trào giải phóng dân tộc thành cao trào lật đổ hàng loạt chế độ tay sai của đế quốc, ở: Apganixtan, Nam Yemen, Anggola, Etiopia, Modambích, Nicaragoa, ...
Có một tình hình đặc biệt trong phong trào là thái độ các nước trong những vấn đề có liên quan đến hành động của Trung Quốc trên thế giới. Trước khi Trung Quốc công khai chống Việt Nam, Trung Quốc đã có nhiều hành động đi ngược lại phong trào hoà bình và ngả theo các lực lượng phản động và đế quốc, ví dụ thái độ với: Chile, Anggola, khối Bắc Đại Tây Dương ... Mặc dầu vậy ở các Hội nghị của phong trào bảo vệ hoà bình, rất nhiều nước vẫn im hơi lặng tiếng, chưa có một nghị quyết nào lên án hành động của Trung Quốc.
Đến khi Trung Quốc công khai chống Việt Nam, tình hình đặc biệt đó đã chấm dứt. Hội nghị quốc tế “Khẩn cấp ủng hộ Việt Nam” họp ngày 5 tháng 8 năm 1979 ở Henxinki, đánh dấu một bước ngoặt lịch sử trong phong trào bảo vệ hoà bình thế giới.
Nhà báo Trần Đình Vân:
Đề nghị Luật sư cho biết những đặc điểm của Hội nghị Hòa bình Henxinki và tầm quan trọng của nó đối với Việt Nam và phong trào bảo vệ hoà bình thế giới.
Luật sư Phan Anh:
Hội nghị Hòa bình Henxinki (Phần Lan) được triệu tập trong một thời gian kỷ lục. Chỉ có hơn một tuần từ khi có chủ trương đến khi khai mạc Hội nghị, thật quá “khẩn cấp”. Thú thật với nhà báo, tôi rất lo, không biết khẩn trương như vậy, hội nghị có thành công không? Nhưng kết quả là đại biểu đến dự rất đông, gấp đôi con số dự kiến, hơn 500 đại biểu của hơn 100 nước và 30 tổ chức quốc tế, đủ các châu lục, đủ các xu hướng chính trị và thành phần, gồm có: Đại diện các Đảng đến cấp Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng bí thư; Đại diện chính quyền đến cấp Phó Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội; Các nhân sĩ tôn giáo, nhà khoa học, văn học nghệ thuật có tiếng tăm trên thế giới. Chưa kể nội dung, chỉ sự hưởng ứng nhiệt liệt đến tham dự như vậy cũng là một đặc điểm nói lên tình cảm của phong trào bảo vệ hòa bình thế giới đối với Việt Nam và thái độ của thế giới đối với bọn bành trướng bá quyền Bắc Kinh.
Khi vào Hội nghị, tình cảm và thái độ các đại biểu càng rõ rệt. Không khí trong suốt mấy ngày họp luôn luôn sôi nổi, mỗi bài phát biểu là một trận giông tố gây nên những làn sóng dạt dào tình cảm đối với dân tộc Việt Nam và giận dữ căm hờn đối với bọn bành trướng bá quyền Bắc Kinh. Cái yêu, cái ghét đã tràn ngập Hội nghị. Ít khi sự phân biệt trắng đen được rõ ràng như vậy.
Lần đầu tiên trong phong trào bảo vệ hoà bình thế giới, Bắc Kinh bị lên án không chỉ bằng những nghị quyết đồng thanh nhất trí, mà còn bằng những loạt pháo tay như sấm kéo dài, những nắm tay xiết chặt, những cái hôn nóng bỏng của các đại biểu đối với Việt Nam, của đoàn đại biểu này đối với các đoàn đại biểu khác, làm cho ta thấy những con người đại biểu cho lực lượng bảo vệ hoà bình của khắp bốn bể năm châu không phải chỉ giơ tay biểu quyết, mà còn chan hoà gắn bó thắm thiết với nhau trong một tình cảm chung cao cả.
Hội nghị kết thúc vào ngày 8 tháng 3 - ngày Quốc tế Phụ nữ. Đoàn ta đã nêu bật vai trò của Phụ nữ Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ độc lập dân tộc, chống ách ngoại xâm từ thời Hai Bà Trưng, Bà Triệu. Tôi đã diễn tả tình cảm của anh em trong Đoàn ta ở Hội nghị, hướng về gia đình bằng mấy câu thơ.
 
Hôm nay mồng tám tháng ba,
Nhớ Em, Anh có chút quà tặng Em.
Tặng Em nghìn vạn cái hôn,
Hôn từ bốn bể đương dồn về ta.
Hôn cho nước, hôn cho nhà,
Hôn cho chiến sỹ xông pha chiến trường,
Hôn khâm phục, hôn yêu thương,
Hôn tình, hôn nghĩa muôn đường thắm tươi.
Hôn này lấp bể vá trời,
Hôn cho đất Việt đời đời quang vinh,
Hôn này mất vía Bắc Kinh,
Hôn này mang lại Hoà bình năm châu.
Helsinky, 8 tháng 3 năm 1979.
 
Bắc Kinh không những bị lên án về tội xâm lược; Bắc Kinh còn bị vạch trần bộ mặt giả danh cách mạng. Trắng đen hết lẫn lộn, thật giả được rõ ràng. Phong trào bảo vệ hoà bình trước đây còn bị dòng nước ngược làm vẩn đục, nay đã trong sáng thêm và có một sức mạnh lớn hơn bao giờ hết, đẩy những rác rưởi giả danh cách mạng vào chung một hố với bọn thực dân đế quốc, phản động khác trên thế giới.
Trong chiến tranh chống Mỹ, trong các Hội nghị quốc tế, vấn đề Việt Nam lại trở lại thành một vấn đề nóng bỏng. Một là vì bản chất của vấn đề Việt Nam chống bành trướng bá quyền Bắc Kinh ngày nay, cũng như Việt Nam chống đế quốc Mỹ trước kia là bộ phận không thể tách rời với phong trào độc lập dân tộc, dân chủ và hoà bình trên thế giới. Đó không chỉ là việc của riêng Việt Nam, mà là sự nghiệp chung của xu hướng tiến bộ của nhân loại toàn thế giới.
Vấn đề với Campuchia, bọn đế quốc và bành chướng bá quyền Bắc Kinh đã tốn nhiều công sức. Trước hết, khi quân đội Trung Quốc xâm lược lãnh thổ Việt Nam, chúng gắn hai vấn đề hoàn toàn khác nhau: Một bên là sự có mặt của quân đội ta ở Campuchia để giúp đỡ nhân dân và chính phủ Campuchia tiêu diệt bọn diệt chủng Pôn Pốt tay sai của bá quyền Bắc Kinh và một bên là sự xâm lược trắng trợn của bọn bành trướng Bắc Kinh với đất nước Việt Nam; Luận điệu đó đã bị phá sản hoàn toàn. Hội nghị Hòa bình Helsinki đã lên án bọn phản động Bắc Kinh. Một đại biểu Châu Phi xúc động nói với tôi: “Đây là một dịp tốt để chúng tôi bày tỏ thái độ và nay cục diện đã rõ ràng, cuộc chiến đấu sẽ thuận lợi hơn”. Đúng vậy, hội nghị Hòa bình Helsinki, không chỉ là thắng lợi của nhân dân Việt Nam mà còn là thắng lợi chung của các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới.
Nhà báo Trần Đình Vân: Năm 1979 có nhiều Hội nghị Quốc tế, Anh đã tham gia, dư luận thế giới đối với ta đã diễn biến như thế nào?
Luật sư Phan Anh:
Năm 1979 là một năm mà dư luận thế giới trở lại tập trung vào Việt Nam không khác gì trong những năm Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược và yêu cầu quân Mỹ rút về nước vô điều kiện, ngay tức khắc.
Chiến dịch nói xấu Việt Nam “xâm lược” Campuchia dai dẳng để duy trì thây ma bọn diệt chủng Pôn Pốt và trốn tránh việc công nhận Chính phủ nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Campuchia. Nhưng dư luận thế giới ngày nay đã hiểu rõ bản chất vấn đề. Đây chỉ có một kẻ xâm lược - đó là bọn bành trướng bá quyền Bắc Kinh đã dùng bọn tay sai Pôn Pốt diệt chủng tàn sát nhân dân Campuchia và xâm lược trắng trợn Việt Nam, hòng khuất phục và thôn tính Việt Nam, khống chế toàn bộ Đông Nam Châu Á. Toà án xử tội bọn diệt chủng Pôn Pốt - Yêngxary họp ở Phnôm Pênh tháng 8 năm 1979 với sự tham gia của hơn 60 luật gia, đại diện các tổ chức quốc tế, các nhà báo nước ngoài đã xác định điều đó.
Luật gia Mỹ Hope R. Steven là luật sư của bị cáo đã tuyên bố: “Như vậy mọi sự việc để kết án đã rõ ràng. Nhưng các ngài (chỉ Toà án) có nhiệm vụ và có quyền quyết định về pháp lý ai là kẻ có tội? Đối với tất cả mọi người, thì bọn diệt chủng Pôn Pốt - Yêngxary là những con quái vật điên rồ đã thực hiện một chương trình tàn sát, diệt chủng được vạch ra từ một nơi nào đó. Cho nên xin cho phép tôi và cùng một số luật gia có mặt ở đây nói với các ngài rằng: Các ngài (chỉ Toà án) không phải chỉ kết án bọn diệt chủng Pôn Pốt - Yêngxary mà thôi. Theo đúng công lý các ngài còn phải đòi ra trước Toà án này, những kẻ đồng phạm, những tên giật dây của chủ nghĩa đế quốc, thực dân mới, những bọn phát xít, bành chướng bá quyền đỡ đầu bọn Sion, bọn phân biệt chủng tộc, bọn Apathai, bọn phản động trên thế giới. Tất cả bọn ấy phải đến đây cùng với bọn cầm đầu cái chế độ giả danh xã hội chủ nghĩa ở Trung Quốc để nghe bản án của các ngài”.
Giáo sư John Quigley trường đại học Ohio (Mỹ) chuyên gia về Công pháp quốc tế tuyên bố trong phiên toà đó: “Khi những tư liệu của vụ án đã được công bố thì tất cả những kẻ còn công nhận bọn tội phạm diệt chủng, chống nhân loại, sẽ phải bị coi như là đồng phạm của chúng”.
Về sự giúp đỡ của Việt Nam đối với nhân dân Campuchia thì một đoàn điều tra quốc tế do Hội Luật gia Dân chủ Quốc tế cử sang Việt Nam và Campuchia hồi tháng 5 năm 1979, gồm các luật sư Hoa Kỳ, Pháp, Ý, Nhật Bản, Ba Lan đã làm một bản báo cáo chi tiết và kết luận: “Việt Nam mặc dầu còn có nhiều khó khăn, mà đã giúp đỡ Campuchia như vậy, thì hành động của Việt Nam không những là chính nghĩa, mà còn đáng khen ngợi”. Cho nên tôi thấy chiến dịch phản tuyên truyền của bọn đế quốc và bành trướng bá quyền không đánh lừa được ai. Sự thực như cái kim, dẫu bọc trong bị bông dầy đến đâu, cuối cùng cũng sẽ lòi ra và đâm vào tay kẻ bọc bị bông.
Nhà báo Trần Đình Vân: Gần đây Liên hợp Quốc đề ra những Nghị quyết về vấn đề Campuchia. Ý nghĩa những Nghị quyết đó như thế nào?
Luật sư Phan Anh:
Hội nghị quốc tế bất thường của phong trào bảo vệ hoà bình họp tháng 12 năm 1979 ở Helsinki bàn về vấn để ủng hộ nước Cộng hoà Nhân dân Campuchia, đã lên án Bắc Kinh và Oasinhtơn lợi dụng cơ chế Liên hợp Quốc để duy trì chế độ diệt chủng Pôn Pốt.
Nhiều đại biểu đã nói: “những kẻ đã bỏ phiếu với phe Mỹ, thực sự cũng bị lương tâm cắn dứt cho nên phải núp dưới bình phong Kỹ thuật pháp lý. Đúng vậy, họ bỏ phiếu giữ ghế cho Pôn Pốt nhưng vẫn tuyên bố lên án tội ác diệt chủng của Pôn Pốt, họ bỏ phiếu chống Việt Nam có mặt ở Campuchia nhưng không dám ghi tên nước Việt Nam trong lời văn nghị quyết”.
Chính nghĩa cũng như mặt trời, có thể chốc lát bị mây đen che phủ, nhưng cuối cùng chính nghĩa từ đáy lương tâm của con người sẽ toả chiếu khắp mọi nơi.
Trong năm nay tôi có đi công tác nhiều nước, dự nhiều hội nghị ở mọi nơi, nhiều người nói với tôi: “Hoà bình thế giới không thể chia cắt. Việt Nam chiến đấu và đương đầu với những kẻ thù chung của nhân loại. Ai ủng hộ Việt Nam thì cũng là chiến đấu cho sự nghiệp của dân tộc mình”. Đó là tiếng nói nồng nhiệt của những người yêu nước Ấn Độ đã vang lên tại Hội nghị quốc tế New Delhi họp tháng 9 năm 1978, lên án bọn bành trướng bá quyền Bắc Kinh. Đó là tiếng nói thân tình của những người cách mạng Vênêduêla (tháng 9 năm 1979) tố cáo nhóm theo chủ nghĩa Mao, cấu kết với bọn phản động, phá hoại phong trào và hiện nay đã bị vạch mặt và đang co vòi. Đó là tiếng nói của sự thật, của công lý khắp nơi nơi, từ Đông sang Tây khắp bốn bể năm châu lên án sự cấu kết giữa bọn đế quốc và bọn bành trướng bá quyền Bắc Kinh âm mưu đe doạ độc lập của các dân tộc và phong trào bảo vệ hoà bình thế giới.
Nhớ lại câu nói của Bác Hồ: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có một con đường nào khác ngoài con đường cách mạng” ...
Con đường đó đưa ta đến đỉnh cao …
Con đường đó đã đưa ta ra biển rộng ...
Thật là:
Trải qua một cuộc bể dâu,
Ngẫm nghiền lời Bác càng sâu lẽ đời.
Thuyền ta vượt sóng ra khơi,
Tầm xa mở rộng chân trời bốn phương.
Sao vàng cờ đỏ soi đường,
Con đường dựng nước vinh quang đời đời.
Còn non còn nước còn người,
Giữ sao gương Bác sáng ngời ngàn thu.
 
 
CÁNH BUỒM MỞ RỘNG
(Vững lái tiến lên)
 
Nhà báo Trần Đình Vân: Con thuyền của ta đã ra khơi, hướng đi cũng đã rõ, nhưng biển cả thì sóng cao, triển vọng làm sao?
Luật sư Phan Anh:
Câu hỏi của Anh làm tôi nhớ lại bài thơ mà tôi đã gửi lên Bác Hồ để họa lại bài thơ của Bác gửi cho tôi khi giặc Pháp tấn công lên Việt Bắc năm 1947.
Bài thơ của Bác gửi cho tôi:
Tiếng suối trong như tiếng hát xa,
Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa,
Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ.
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.
Nước nhà đương găp lúc gay go,
Trăm việc nghìn công đều phải lo.
Giúp đỡ nhờ anh em góp sức,
Sức nhiều thắng lợi lại càng to”.
Tôi đã họa lại:
“Quanh co rừng núi cảnh đường xa,
Trời có trăng và núi có hoa.
Trăng sáng bao la trời đất nước,
Hoa thơm phảng phất vị hương nhà.
Nước nhà tuy gặp lúc gay go,
Lái vững chèo dai ta chẳng lo.
Vượt sóng dựng buồm ta lựa gió,
Thuận chiều sẽ mở cánh buồm to”.
 
Đây là niềm tin của tôi được Bác khích lệ và củng cố. Niềm tin vào Bác Hồ, vào truyền thống dân tộc, vào đường lối đại đoàn kết dân tộc kháng chiến cứu nước của Việt Minh. Niềm tin đó đã được thử thách qua hơn 30 năm theo Bác, làm nhiệm vụ cách mạng, từng chặng đường bước theo Đảng ngày một được củng cố thêm, vững hơn, rộng ra, niềm tin của tôi lớn dần lên trong công tác.
Càng lao vào công tác, càng phấn khởi, càng tự tin. Từ chỗ tin vào lãnh tụ dân tộc, tin vào sự lãnh đạo của Đảng mà Bác Hồ đã gieo hạt giống trên đất nước ta.
 
Trên Việt Bắc, từ phải sang: Bác Hồ nói chuyện với
các ông Bùi Công Trừng, Dương Bạch Mai, …,
Ls. Phan Anh.
 
Cách đây hơn 30 năm thuyền ta nhờ có lái vững, chèo dai mà đã lên thác xuống ghềnh thắng lợi và vượt sóng ra khơi. Nay ra biển cả đã có buồm to, mà cánh buồm không ngừng được mở rộng. Mở rộng để đón gió trong nước, đón sức mạnh của toàn dân lao động từ Bắc đến Nam vươn lên làm chủ. Đó là gió dân chủ, một sức mạnh vô song, lại thêm tay lái của Đảng càng ngày càng thêm điêu luyện. Mở rộng cánh buồm để đón gió bốn bể năm châu, sức mạnh của chính nghĩa hòa bình, của cả loài người tiến bộ.
Tay lái vững buồm lại to, sức dân ngày càng mạnh, thuyền ta nhất định tới bến: Tổ quốc độc lập, dân giầu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Nhà báo Trần Đình Vân:
Trong quá trình theo Đảng, có khi nào xảy ra những bất đồng giữa Luật sư và đảng viên không?
Luật sư Phan Anh:
Tôi còn nhớ hồi năm 1949 - 1950, trong cuộc họp anh em trí thức có Anh Tô (Thủ tướng Phạm Văn Đồng) chủ trì, vấn đề đó đã được nêu ra. Một số anh em ngoài Đảng phàn nàn về sự hẹp hòi của một số anh em Đảng viên đồng sự.
Tôi có phát biểu ý kiến; Nội dung đại để: “Tôi vừa xem quyển “Bão táp” của nhà văn Ilya Êrenbua, trong đó tác giả tả sự phẫn uất của anh em viết bài bị Chủ bút của một tờ báo gạch lia lịa bằng bút chì đỏ. Tôi cũng đã đọc quyển “Xa Matxcơva” của nhà văn Ajaiev, trong đó thấy vai trò của Kỹ sư trưởng Bêridzê làm việc với giám đốc, với anh chị em với tinh thần Bônsevich. Chị Natasa - một đảng viên, người yêu của Kỹ sư trưởng Bêridzê. Một hôm đến họp hội nghị Đảng bộ, tìm Anh nhưng mãi không thấy, lúc đó chị Natasa mới biết anh Bêridzê là người ngoài Đảng” ... Tôi kết luận: Tin vào đường lối của Đảng, nhưng phải biết phân biệt tổ chức Đảng với cá nhân Đảng viên. Muốn đoàn kết thực sự phải biết đấu tranh, mà đấu tranh để xây dựng, làm cho đoàn kết thêm vững chắc. Đó là quy luật tất yếu của con đường tiến lên, ở Liên Xô đã vậy, ở Việt Nam cũng vậy.
Bây giờ nhìn lại qua hơn 30 năm hoạt động phục vụ cách mạng, tôi có thể nói rằng: Những sự bất đồng giữa chúng ta dẫu là Đảng viên hay người ngoài Đảng, phải chăng tất cả do quan điểm khác nhau?; Nếu thật sự là quan điểm, thì với thực tiễn khách quan và thiện chí của mỗi người, sự bất đồng trước sau cũng sẽ được giải quyết. Nhưng nhiều khi quan điểm chỉ là “cái vỏ che đậy một động cơ” xuất phát từ chủ nghĩa cá nhân, nếu gạt được cái trở ngại đó, thì đoàn kết càng thêm đoàn kết. Con đường đại đoàn kết mà Bác Hồ đã vạch ra không ngừng xây đắp dựa trên lòng yêu nước là con đường sáng ngời lẽ phải và tình thương; Nó có sức hấp dẫn lôi cuốn bất cứ ai, miễn là có lương tâm và thiện chí.
Nhà báo Trần Đình Vân:
Trong cuộc nói chuyện này Luật sư đã có một số bài thơ. Vậy Luật sư có thể ứng khẩu một vài câu thơ nữa để kết thúc buổi phỏng vấn?
Luật sư Phan Anh:
Tôi không có thơ ở ngoài miệng, nhưng tôi có thơ ở trong đáy lòng. Tôi nhớ một bài thơ mà tôi đã làm khi nghiên cứu di chúc của Bác Hồ ở một hội nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cuối năm 1969. Bài thơ đó tôi lại tiếp tục bổ sung và đọc trong ngày Lễ kỷ niệm sinh nhật Bác năm 1978 tại thành phố Hồ Chí Minh, ở Mặt trận Tổ quốc thành phố. Tôi nghĩ, có thể kết thúc buổi nói chuyện “Những mảng tâm tình” giữa Nhà báo và tôi hôm nay bằng bài thơ noi Gương Bác.
*
GƯƠNG BÁC
Còn non, còn nước, còn người,
Giữ sao gương Bác sáng ngời nghìn thu.
Gương Bác, gương mấy nghìn năm lịch sử,
Rạng cha ông, rực rỡ cả trời Nam,
Chí anh hùng, khiếp vía ngoại xâm,
Lấy độc lập, tự do làm quý nhất.
Gương Bác, gương Bắc - Nam là một,
Từ Lạng Sơn đến mỏm Cà Mau,
Máu Việt Nam nhuộm cờ đỏ thắm màu,
Người trước ngã, người sau liền tiến bước.
Gương Bác, gương thương yêu giai cấp,
Tình Công, Nông, Trí thức keo sơn,
Trên đường dài gánh nặng nước non,
Càng vững bước, đắp xây nền hạnh phúc.
Gương Bác, soi bên kia địa cầu còn sáng rực,
Từ Á Phi đến Mỹ La tinh,
Khắp nơi nơi vang khẩu hiệu Hồ Chí Minh,
Là lẽ phải, là nhiệt tình, là chính nghĩa.
Gương Bác, tỏa năm châu, bốn bể,
Gương anh hùng của dân tộc anh hùng,
Gương Việt Nam cả nhân loại soi chung,
Vinh quang ấy nấu nung thêm trách nhiệm.
Trách nhiệm lớn hoàn thành kháng chiến,
Cả nước vươn mình trong một mùa xuân,
Quét sạch sành sanh hết bóng ngoại xâm,
Bắc - Nam lại nối liền khúc ruột.
Trách nhiệm lớn trên đường thống nhất,
Ta cùng nhau làm chủ khắp nơi nơi,
Sức nhân dân từ một tăng mười,
Mỗi kế hoạch cuộc đời thêm đổi mới.
Trách nhiệm lớn trong phong trào thế giới,
Khắp năm châu “ba dòng thác” tiến công,
Dân Việt Nam đã nổi tiếng anh hùng,
Cùng bè bạn ta góp phần xứng đáng.
Bác đã vạch cho ta con đường ngời sáng,
Chí công, vô tư, liêm, chính, kiệm, cần,
Trong ngoài, trên dưới khắp nhân dân,
Đã đoàn kết lại càng thêm đoàn kết.
Di chúc Bác như một lời truyền hịch,
Thấm thía tấm lòng, thôi thúc chí gan,
Ta đã thề, đã thực hiện từng phần,
Đã chiến thắng, nhất định giành toàn phần chiến thắng.
Bây giờ đây, khắp trong nhà máy, cơ quan, đồng áng,
Bút đều tay, với búa, với liềm,
Đường vinh quang xã hội chủ nghĩa vững bước tiến lên,
Xiết chặt hàng ngũ như ngày còn kháng chiến.
Lòng người cũng là chiến trường ác liệt,
Địch trong ta xảo quyệt gian ngoan,
Bác chỉ tên đó là chủ nghĩa cá nhân,
Khi lẩn khuất, lúc hoành hành ghê gớm.
Để chiến thắng, ta phải tăng cường nghị đảm,
Gương Bác Hồ, luôn để bên ta,
Gương để soi, để chiếu, như một ngọn đèn pha,
Như ánh ngoại hồng, như tia phóng xạ.
Diệt chủ nghĩa cá nhân, tâm hồn ta rộng mở,
Lòng thêm vui, óc thêm sáng, sức thêm mạnh, để xây dựng cơ đồ,
Đường thênh thang, nẩy nở muôn hoa,
Nắng mùa xuân muôn hương, muôn sắc.
Chỉ núi sông với một niềm son sắt,
Soi gương trong, chẳng thẹn với gương trong,
Đó đây đúc một chữ Đồng,
Sao cho xứng đáng ước mong Bác Hồ.
 
 
MẶT TRẬN VIỆT MINH 
 MẶT TRẬN TỔ QUỐC
 
Ngày 19 tháng 5 năm 2014 - kỷ niệm ngày thành lập mặt trận Việt Minh. Nhớ Bác Hồ kính yêu và nhớ một câu nói của Luật sư Phan Anh: “Phong trào Việt Minh thành công do có đường lối các mạng giải phóng dân tộc đúng đắn. Phải khẳng định phong trào Việt Minh là một phong trào của toàn dân - một phong trào quần chúng cách mạng đoàn kết vô cùng to lớn. Dân là gốc. Bác hiểu sức mạnh của nhân dân. Không chỉ Ta tự đánh giá, mà dư luận quốc tế cũng đánh giá như vậy”.
Từ năm 1933 đến năm 1937, ông Phan Anh - Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Việt Nam đã tham gia hoạt động ủng hộ phong trào vận động yêu nước của Mặt trận Phản đế Đông Dương (hai năm 1936, 1937). Mặt trận Phản đế Đông Dương hoan nghênh thanh niên học sinh, sinh viên Việt Nam tham gia các hoạt động yêu nước do Mặt trận vận động.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam công nhận: “Luật sư Phan Anh tham gia hoạt động cách mạng giải phóng dân tộc trước ngày 1 tháng 1 năm 1945”. Ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định công nhận: “Luật sư Phan Anh là Lão thành Cách mạng”.
Sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ hai của Đảng Lao động Việt Nam, trên chiến khu Việt Bắc Bác Hồ và Đảng ta đã lãnh đạo hợp nhất hai tổ chức quần chúng nhân dân: Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội và Hội Liên Hiệp quốc dân Việt Nam thành Mặt trận Liên - Việt. Mặt trận Liên - Việt bao gồm một số đảng phái, đại diện các giới, nhân sĩ, trí thức yêu nước đoàn kết phấn đấu với mục đích: Kháng chiến đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược, đập tan âm mưu can thiệp Mỹ, đưa sự nghiệp Độc lập, thống nhất tổ quốc đến thắng lợi hoàn toàn.
Luật sư Phan Anh được bầu làm Ủy viên Đoàn Chủ tịch mặt trận Liên - Việt. Đến tháng 5 năm 1955, thành lập Mặt trận Tổ quốc, Luật sư tiếp tục được bầu làm Phó Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Trong thực tiễn đấu tranh giải phóng dân tộc, Luật sư Phan Anh đã theo con đường Cách mạng giải phóng Dân tộc của Bác Hồ, quyết giành lấy độc lập, xây dựng nước Việt Nam thực sự được độc lập. Luật sư Phan Anh hăng hái đấu tranh bảo vệ nền độc lập nước nhà.
Trong trách nhiệm Bộ trưởng các Bộ Kinh tế, Công thương và Ngoại thương, Luật sư Phan Anh thấy được vị trí Việt Nam trong lòng các nước trên thế giới. Luật sư nói: “Chưa bao giờ Việt Nam lại có được vị trí như ngày nay. Đó là sức mạnh của toàn dân tộc đoàn kết chung quanh Đảng và Bác Hồ, cộng với sức mạnh của nhân loại tiến bộ đang ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam”.
Trên đà thắng lợi của đất nước, Luật sư Phan Anh đã nói: “Đất nước ta đang tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ta cần tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng và của Bác Hồ; Chúng ta cần biết mối quan hệ giữa tổ chức và cá nhân. Chiến tranh đang diễn ra vô cùng khốc liệt, nhưng trên từng chặng đường kháng chiến, Việt Nam đã thu được thắng lợi và đang đà phát triển” ...
Nhạy cảm với những biến động chính trị trên thế giới và từng bước nhận thức sự phát triển theo quy luật, Việt Nam quyết định chủ trương Đổi mới và thực thi sự nghiệp xây dựng đất nước với “cánh buồm mở rộng”. Dân tộc ta càng phải nỗ lực phấn đấu, vững vàng tiến lên, với cẩm nang luôn mang bên mình: Mãi mãi đi theo con đường của Bác Hồ “không có gì quý hơn độc lập tự do” và học tập tấm gương đạo đức của Bác Hồ “suốt đời phấn đấu vì hạnh phúc của nhân dân”.
Niềm tin của người dân Việt Nam từng bước lớn lên. “Việt Nam vượt sóng ra khơi” vẫn chiếm được sự ưu ái trong lòng bè bạn quốc tế. Ôn lại sức mạnh của phong trào Việt Minh và quá trình hoạt động của Luật sư Phan Anh trong nửa cuối thế kỷ XX, tôi đã viết cuốn hồi ký kể chuyện “Một Bộ trưởng ngoài Đảng, được Bác Hồ lựa chọn”.
Thực hiện lời hứa với Luật sư Phan Anh, tôi đã biên tập cuốn Hồi ký dài 2000 trang, gồm hai Phần: Phần I - Tham gia cuộc chiến đấu hào hùng chống đế quốc bảo vệ nền độc lập dân tộc. Phần II - Góp sức vào cuộc vận động hòa bình, dân chủ trên thế giới. Phần I có hai chủ đề: Xây dựng hòa bình ở miền Bắc. Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Phần II có ba chủ đề: Mở rộng phong trào hòa bình dân chủ. Bước phát triển mới của hòa bình thế giới: đối thoại và hợp tác. Vận động hòa bình trong thời đại hạt nhân: Hòa bình, sự tồn tại của nhân loại, công lý, pháp lý, phát triển.
Chúng tôi (Luật sư Phan Anh và tôi - một cô giáo) đồng lòng chung sức cùng nhau hoạt động trong phong trào Việt Minh, cùng xây dựng đất nước phát triển.
 
ĐIỀU MẤU CHỐT LÀ
CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
TIN TRÍ THỨC
 
Trả lời Phỏng vấn nhà Sử học Na Uy Stein Tonnesson.
(Trích "Phan Anh một niềm tự hào của trí thức
Việt Nam" của NXBCTQG ST - 2014. Trang 318)
S. Tonnesson (nhà Sử học Na uy): Ông có thể cho biết mấy nét về con người Trần Trọng Kim?
LS. Phan Anh: Tôi quen ông Trần Trọng Kim từ ngày ông còn dạy học và viết sử. Trong những tác phẩm của mình, ông động viên lòng yêu nước, ý chí quật cường cho thanh niên. Lúc đó tôi đang theo học ngành luật tại Trường Đại học Đông Dương. Tôi rất có cảm tình đốì với ông ấy. Trần Kim Trọng là một người yêu nước nhưng không phải là một nhà chính trị. Ông ta cần được sự giúp đỡ ý kiến.
S. Tonnesson: Trước khi cộng tác với ông Kim, ông đã có theo dõi hoạt động của Việt Minh
LS. Phan Anh: Lúc ấy, ai chả biết tiếng Việt Minh. Tôi đã có cái may được cử làm nhiệm vụ luật sư, có lẽ là người luật sư duy nhất cãi cho các chiến sĩ Việt Minh bị bắt đem ra tòa xử từ những năm 1940 đến năm 1945. Làm nhiệm vụ này, tôi biết lắm chuyện. Mà cũng vì thế tôi quý Việt Minh. Ông đã rõ tôi không phải là cộng sản, đến nay vẫn không phải đảng viên, nhưng tôi cộng tác với Đảng. Nhật đảo chính Pháp ngày 9-3-1945, thay chế độ Pháp bằng chế độ Nhật.
Chúng tôi không có ảo tưởng gì đối với sự thay đổi ấy. Lúc ấy có người tưởng rằng Nhật sẽ cho Việt Nam độc lập. Nhưng trên đời này, chẳng có ai cho không ai cái gì! Tôi đã từng làm Bộ trưởng Bộ Ngoại thương nên thấy rõ tình thế. “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” như Hồ Chí Minh đã nói. Một thứ quý như vậy lại được người ta cho à?
Đúng là sau ngày 9-3-1945 có một cuộc vận động thân Nhật lăng xăng, lung tung. Nào là chính khách bọn thả câu nước đục, nào là bọn con buôn, bọn lưu manh, một cuộc vận động không những lung tung mà còn nhơ bẩn, lộn mửa bị trí thức lên án. Ông biết rõ: Nhật cũng thất vọng, vì người lương thiện không ai theo bọn kia, tôi cùng một số bạn đã sáng lập ra một tờ tạp chí, nội dung là văn hóa, thực chất là chính trị.
S. Tonnesson: Vậy các ông nghĩ thế nào mà lại nhận lời mời của Bảo Đại?
LS. Phan Anh: Lúc ấy, những công chức người Pháp vẫn tiếp tục làm việc. Nhưng họ có mưu mô. Ngoan ngoãn cúi đầu trước Nhật. Thâm ý là chờ đợi xem thế nào? Chờ đợi một cách tích cực. Cụ thể là: Chịu sự sai bảo của ông chủ mới để được ngồi lỳ trong bộ máy hành chính. Trong Phủ Toàn quyền trong Phủ Thông sứ toàn là người Pháp. Họ đã mất con bài chính trị, thì phải giữ con bài hành chính. Để làm gì? Thế đấy! Hai khả năng: Hoặc Nhật sẽ bại trận, thì người Pháp cần giữ bộ máy hành chính để rồi đặt lại nền thống trị, hoặc trái lại người Nhật còn ở lại, thì ổn rồi người Pháp cứ tiếp tục, với sự giúp đỡ của chính quốc, tiếp tục nắm một mảnh nhỏ quyền hành. Trong hai khả năng ấy thì khả năng thứ nhất là hiện thực hơn. Chắc chắn Nhật chóng hay chầy sẽ đầu hàng. Giữ chặt các chức vụ hành chính để còn có vai trò trong tương lai. Bên cạnh trận địa hành chính, lại còn trận địa kín nữa chứ.
Tôi với tư cách là người yêu nước đã quan sát tình hình ấy. Chúng tôi không muốn bị cả người Pháp lẫn người Nhật đánh lừa mình. Nhóm trí thức chúng tôi không phải là một đảng mà là một nhóm, chúng tôi nghĩ rằng nhiệm vụ cấp bách là phải đuổi bọn Pháp ra khỏi bộ máy hành chính. Chúng tôi huy động sinh viên, công chức làm việc đó, đòi Nhật làm việc đó.
Khẩu hiệu thứ hai của chúng tôi là tạm thời ngồi làm việc với người Nhật, nhưng không phải là “đồng tác giả”, không phải là “kẻ hợp tác” với họ; phải giữ thế trung lập.
 
Các thành viên Ban chấp hành Tổng hội
Sinh viên Việt Nam.
 
S. Tonnesson: Thế Chính phủ Trần Trọng Kim có phải là chính phủ bù nhìn không?
LS. Phan Anh: Lấy tư cách là thành viên của Chính phủ Trần Trọng Kim, tôi nói với ông rằng chúng tôi tuyệt đối không có ảo vọng gì về người Nhật. Tình thế đã dứt khoát rồi. Phải là kẻ điên mới đi hợp tác với Nhật. Có những người điên nhưng chúng tôi là trí thức, chúng tôi tham gia Chính phủ là để phụng sự. Chính với chính sách ấy mà chúng tôi đã thành lập Chính phủ với khẩu hiệu như vừa nói là: Đuổi cổ bọn Pháp và nắm lấy độc lập. Trong Chính phủ Trần Trọng Kim có một bộ mà chúng tôi đã phải suy nghĩ nhiều: Bộ “Quốc phòng” hoặc Bộ “Quân lực” hoặc Bộ “Chiến tranh". Chính vì muốn giữ thế trung lập mà chúng tôi đã quyết định không có Bộ Quốc phòng. Người Nhật muốn có bộ ấy để lôi kéo chúng tôi đi với họ. Thay bộ ấy, chúng tôi lập Bộ Thanh niên. Phong trào Việt Minh đã nổi tiếng và gây được hiệu quả là vì được thanh niên ủng hộ. Chúng tôi vận động một phong trào thanh niên là nhằm mục đích quốc gia và mục đích xã hội. Phong trào thanh niên của chúng tôi không hề xung đột gì với Việt Minh: Cùng theo đuổi một mục tiêu như nhau mà!
S. Tonnesson: Thế nhưng các ông hồi ấy có liên hệ gì với Việt Minh đâu?
LS. Phan Anh: Khi tôi ở Huế, trong Bộ Thanh niên thì hiến binh Nhật đến khám xét nhà riêng tôi, một phòng dược, vợ tôi là dược sĩ. Phan Mỹ, em ruột tôi đã là người có cảm tình với Việt Minh, bọn Nhật biết điều đó. Tôi nghĩ đó là lý do để họ đến khám nhà tôi, muốn tịch thu tài liệu, nhưng chẳng thấy gi, vì có gì mà thấy.
Để tóm lại chuyện vừa kể về vai trò của Chính phủ Trần Trọng Kim, đó là sự góp phần để thực hiện mục tiêu mà toàn dân vươn tới: Độc lập của đất nước. Tôi phác lại đường lối mà chúng tôi đã theo. Nhưng cần có chứng cớ. Thì đây, vài việc cụ thể, chính xác. Một việc có ý nghĩa chính trị là đòi lại cho Việt Nam những mảnh đất mà chế độ thuộc địa Pháp đã tách ra khỏi Việt Nam: Nam Kỳ, Đà Nẵng (Tourane), Hà Nội. Đó là những nhượng địa. Dân cư sống trên đó - những thuộc dân (sujets) của Pháp, không phải là công dân Pháp mà là những thuộc dân được bảo hộ (sujets protégés). Chính phủ Trần Trọng Kim đòi lại những mảnh đất ấy trước đây được gọi là thuộc địa. Chúng tôi đã đòi được những văn bản chính thức (của Nhật) trả lại Hà Nội cho Chính phủ Việt Nam. Một buổi lễ long trọng được tổ chức để thừa nhận Hà Nội thuộc lãnh thổ Việt Nam. Trong buổi lễ ấy thanh niên sẽ nhớ mãi, một ông bạn tôi là bác sĩ Trần Văn Lai được cử làm Thị trưởng. Ông ta đã kêu gọi quần chúng lên phá bỏ mọi di tích thực dân Pháp tại Hà Nội: Tượng đài, tên phố, ...
Người Nhật muốn bảo tồn Nam Kỳ. Họ do dự trước yêu sách của chúng tôi. Họ tuyên bố ủng hộ quyền độc lập của Việt Nam, nhưng họ vẫn chập chờn. Chỉ đến phút cuối cùng họ mới nhận việc cử Khâm sứ đại diện cho nhà vua tại Nam phần, ông Nguyễn Văn Sâm.
S. Tonnesson: Xin hỏi trong Chính phủ Trần Trọng Kim có sự thống nhất quan điểm này không?
LS. Phan Anh: Ông hiểu rõ từ thống nhất có nhiều nghĩa. Lúc nãy, trong giờ nghỉ ông có nói về một Chính phủ Na Uy. Thế có sự thống nhất quan điểm trong các đảng cầm quyền hay không? Tôi tưởng về vấn đề thống nhất, cần nắm chắc cái cốt lõi, mục tiêu chủ yếu. Chẳng bao giờ thống nhất được nhiều người trong một người. Điều ấy vừa không thực tế vừa không đáng cầu mong. Thống nhất trong sự khác biệt, đó là dân chủ.
Trong nội các chúng tôi, dĩ nhiên có sự nhất trí về mục tiêu: Tổ quốc độc lập. Người ta đã biết rõ chế độ thực dân Pháp. Người ta không điên rồ để muốn rơi vào một chế độ thực dân khác. Các thành viên Chính phủ đều là trí thức, họ nhất trí về mục tiêu độc lập. Đó là thống nhất. xu hướng tất nhiên là khác nhau. Họ là luật sư, bác sĩ, giáo sư, một người theo đạo Giatô; họ là dân của cả ba xứ Trung, Nam, Bắc. Tất cả đều sẵn sàng hy sinh cho lý tưởng độc lập. Tôi cần phải nghĩ khách quan. Tôi không thể nói ai theo xu hướng nào. Tôi chỉ nói với ông những sự kiện chứ không xét đoán về ai.
 
 
S. Tonnesson: Đồng ý. Bây giờ, tôi muốn hỏi ông về công việc đã làm trong Bộ ông phụ trách. Bằng cách nào thì ông cũng đã thừa kế phong trào của Ducouroy. Ông ta, người dưới quyền Đô đốc Decoux thuộc chế độ Pétain, đã dựng lên một tổ chức thể thao và thanh niên. Tổ chức ấy đã có vai trò gì đối với công việc của ông?
LS. Phan Anh: Ducouroy làm bậy bạ. Nhưng phong trào Ducouroy không phải là nguyên nhân gây sức lực cho phong trào thanh niên nước tôi. Nguyên nhân sâu xa là hoài bão độc lập của thanh niên. Bọn trẻ đòi sự thay đổi và nhà sử học phải tìm cho được nguyên nhân sâu xa. Có một phong trào yêu nước mà người khởi xướng là Nguyễn Ái Quốc. Nguyễn Ái Quốc ngay trước năm 1930 đã phất cờ độc lập dân tộc chống thực dân. Bản án chế độ thực dân Pháp chứng minh như vậy. Toàn thể thanh niên Việt Nam in vào đầu tinh thần ấy.
Ducouroy chỉ là một cái nắp an toàn (soupape de sureté) chế ngự áp suất thanh niên. Thực dân Pháp cần đến những soupape. Việt Minh là kết quả của chính phong trào lớn lao ấy, và phong trào thanh niên tôi chỉ huy mới được ba tháng, không phải do tôi tạo ra được. Tôi từ chối danh hiệu người ta đặt cho phong trào ấy: “Thanh niên Phan Anh”. Đó là thanh niên yêu nước của toàn dân tộc. Tôi không thừa kế cái gì của Ducouroy. Tuyệt đối không. Nhưng tôi cũng như Việt Minh: Là một động cơ. Việt Minh là động cơ lớn! Bộ Thanh niên là một động cơ nhỏ.
Khi chúng tôi lập ra Bộ Thanh niên, chúng tôi đã hiểu được sức mạnh và hoài bão sâu sắc của thanh niên, về mặt tổ chức ở trên có bộ do tôi phụ trách. Bên cạnh bộ và ở địa phương, chúng tôi đã chọn đặc biệt là những nhân vật về chính trị tán thành quan điểm chống Pháp của chúng tôi, tán thành quan điểm trung lập đối với Nhật và đối với đồng minh. Nói chính xác hơn, đó là những thành viên của phong trào Hướng đạo.
 
Bộ trưởng Phan Anh đang diễn thuyết
tại Quảng trường Nhà hát thành phố Hà Nội
 
Phong trào này bao gồm những người trẻ tuổi tha thiết với vấn đề độc lập. Họ giữ một vai trò quan trọng. Nhiều thanh niên đã tìm kiếm một tổ chức mà chế độ thực dân dung nạp được và họ đã tìm ra tổ chức Hướng đạo. Người Pháp đã định dùng nó làm một soupape. Và chúng tôi đã chọn đúng cái soupape ấy để biến nó thành động cơ. Thanh niên thuộc mọi tầng lớp xã hội đều có ý thức về thực chất ấy. Chúng tôi đã sử dụng cái soupape an toàn của chủ nghĩa thực dân.
Trong số bạn của tôi có Tạ Quang Bửu - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng sau tôi, rồi Bộ trưởng Bộ Đại học. Tôi đã chọn anh, tháng 4 -1945 làm Thứ trưởng. Một cộng sự khác làm đại diện ở miền Bắc là một huynh trưởng hướng đạo có tiếng tăm lớn, một nhà giáo, sau này trở thành Cục trưởng Cục Thông tin Bộ Quốc phòng và Hiệu trưởng đầu tiên Học viện Quân sự: Ông Hoàng Đạo Thúy. Hiện nay còn sống, tuổi đã hơn 90. Và ông biết đấy, trong chính phủ đầu tiên của nước Cộng hòa chúng tôi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử tôi làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và để cho tôi chủ động tìm lấy những cục trưởng của bảy, tám cục đều là anh em trí thức, trong đó, năm 1946 chỉ có một người là đảng viên.
S. Tonnesson: Nhưng nhiệm vụ chỉ huy Quân đội nhân dân Việt Nam không phải thuộc Bộ ông, mà thuộc Quân sự Ủy viên Hội, đứng đầu là Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
LS. Phan Anh: Vâng. Lúc ấy, có sự phân công như vậy. Nhưng điều mấu chốt là Chủ tịch Hồ Chí Minh áp dụng chính sách tín nhiệm đối với trí thức.
S. Tonnesson: Ông nói đúng và tôi nghĩ đây là nhân tố chính yếu đem lại sự thành công cho Cách mạng Tháng Tám ... Ông giải thích thế nào về việc Chính phủ Trần Trọng Kim gồm toàn trí thức yêu nước, suốt ba tháng bị Việt Minh tố cáo là một chính phủ phản bội Tổ quốc, thế mà sau đó đã từ chức trong cuộc khởi nghĩa do chính phe Việt Minh dấy lên, nghĩa là chịu cúi đầu trước cuộc cách mạng do những người cộng sản lãnh đạo? Phải chăng lúc nào cũng có sự thống nhất quan điểm trong nội các Trần Trọng Kim?
LS. Phan Anh: Lúc nãy tôi đã nói với ông về cái nguyên tắc lớn này của lịch sử: Sự liên tục. Vậy thì Chính phủ Trần Trọng Kim với tất cả Bộ trưởng cùng theo đuổi một mục đích như tôi, đã tự vạch ra đường lối chung cho mình mà tôi vừa phác lại để ông rõ. Chính phủ ấy ngay khi ra đời đã tự coi như một mắt xích lâm thời, tôi có thể nói rõ hơn là, theo tôi nhận định, như một công cụ phục vụ cho sự nghiệp giành độc lập. Chúng tôi đã tự coi không phải là những người lãnh đạo phong trào, lãnh đạo đất nước, mà là những công cụ, những tay chân của công cuộc đấu tranh dân tộc. Và do đó sự chuyển tiếp từ Chính phủ Trần Trọng Kim đến nền Cộng hòa trong Cách mạng Tháng Tám diễn ra một cách tự nhiên, suôn sẻ nữa cơ. Tôi có thể nói với ông rằng với tư cách Bộ trưởng, chúng tôi trăm phần trăm ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tất cả, kể cả Thủ tướng Trần Trọng Kim. Đã có sự nhất trí toàn vẹn, sâu sắc về sự chuyển tiếp ấy. Đấy, tôi khẳng định như vậy đấy. Nhưng cũng phải có chứng cớ. Đây chứng cớ: Ngay ngày hôm sau mà Chính phủ Nhật tuyên bố đầu hàng, thì Chính phủ Trần Trọng Kim đệ đơn từ chức lên nhà vua và thông báo tin ấy cho tất cả các tỉnh, đồng thời bày tỏ ý định của mình sẵn sàng giao quyền cho quốc dân. Cụ thể hơn nữa, Chính phủ gửi thông điệp cho các nhân vật đại diện tất cả các giới và các địa phương mời tới Huế để nghiên cứu vấn đề thành lập một chính phủ mới. Trong số các nhân vật ghi trong thông điệp, tôi nhớ có hai vị mà ai cũng biết là thuộc tổ chức Việt Minh. Đó là hai bạn tôi, anh Bùi Công Trừng - một nhà cách mạng và cộng sản trứ danh và anh Lê Văn Hiến, sau này trở thành Bộ trưởng Bộ Tài chính. Hai nhân vật đó thuộc miền Nam. Thuộc miền Bắc, tôi còn nhớ là anh Đặng Thai Mai một bạn thân của tôi, không phải cộng sản mà là một giáo sư yêu nước có xu hướng tả. Lẽ dĩ nhiên thông điệp trên đã không thể chấp hành được, bởi vì Việt Minh chủ trương khác. Phong trào do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đã khởi động.
Nhưng còn lại một vấn đề pháp lý. Chính phủ nước Việt Nam là một chính phủ cách mạng, hẳn là thế, nhưng ngay đối với một chính phủ cách mạng, nếu kẻ đương quyền tuyên bố từ chức và bằng cách nào đó thừa nhận chính phủ cách mạng thì cũng có thể coi là điều có lợi. Tôi đã mang thông điệp từ chức đến các tỉnh mà tôi đi qua, từ Huế ra Hà Nội. Tôi đã báo tin như vậy cho quốc dân, và việc làm ấy tiến hành song song với các hoạt động của chính phủ cách mạng. Tới tỉnh Hà Tĩnh, quê hương tôi, ở đấy Việt Minh đã giành được chính quyền trước Hà Nội, tôi với danh nghĩa là Bộ trưởng từ chức, đã được nhiều bạn bè trong Ủy ban cách mạng tiếp đón. Tôi đưa tin Chính phủ Trần Trọng Kim từ chức cho ủy ban cách mạng thì mọi người tỏ ra vui mừng. Tôi, thành viên của chính phủ đương quyền từ chức được các nhà cách mạng của tỉnh quê hương mình đón tiếp. Vậy thì không có một sự thống nhất sâu sắc hay sao?
Nhưng hãy còn một vấn đề. Sau chính phủ, còn cái ngai vàng ở trước mắt, biểu tượng của chủ quyền quốc gia. Đó là một vấn đề pháp lý và nhất là chính trị. Nhà vua sẽ chọn thái độ thế nào đối với cách mạng? Nhiều trí thức Hà Nội có ý kiến phải yêu cầu nhà vua thoái vị. Chính phủ vừa từ chức ở Huế nhận được một điện tín mang chữ ký của ba nhà trí thức: Giáo sư Nguyễn Xiển, Ngụy Như Kon Tum và Hồ Hữu Tường yêu cầu nhà vua thoái vị chính thức. Không phải bức điện ấy định đoạt tình thế, nhưng nó là dấu hiệu của một phong trào toàn dân. Tất cả đại diện của các chính đảng, trong đó có giới trí thức, thấy cần có sự thoái vị ấy. Và chúng tôi, những thành viên của chính phủ vừa từ chức, chúng tôi cũng tán thành đòi sự thoái vị ấy. Dĩ nhiên, mức độ hăng hái trong yêu cầu đó không phải mạnh như nhau trong mỗi người chúng tôi. Nhưng những bộ trưởng quan trọng nhất đều tin chắc rằng việc nhà vua tuyên bố chính thức thoái vị sẽ là một việc có ích lợi lớn cho đất nước (...).
 

Qúy độc giả xem Phần I tại đây

 

Qúy độc giả xem Phần II tại đây

 

Qúy độc giả xem Phần III tại đây

 

Qúy độc giả xem Phần IV tại đây

 
 
Bài viết liên quan
09/22/2021
Một góc nhìn Lịch sử - Phần IV

Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà báo Hồng Thanh Quang. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Đỗ Như Cự. Biên tập: Nhà báo Hồng Thanh Quang, Ông Đỗ Như Cự, Ông Chu Văn Ngọc.

09/22/2021
Một góc nhìn Lịch sử - Phần II

Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà báo Hồng Thanh Quang. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Đỗ Như Cự. Biên tập: Nhà báo Hồng Thanh Quang, Ông Đỗ Như Cự, Ông Chu Văn Ngọc.

07/23/2021
Một góc nhìn Lịch sử - Phần I

Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà báo Hồng Thanh Quang. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Đỗ Như Cự. Biên tập: Nhà báo Hồng Thanh Quang, Ông Đỗ Như Cự, Ông Chu Văn Ngọc.