Một góc nhìn Lịch sử
Một góc nhìn Lịch sử - Phần II
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà báo Hồng Thanh Quang. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Đỗ Như Cự. Biên tập: Nhà báo Hồng Thanh Quang, Ông Đỗ Như Cự, Ông Chu Văn Ngọc.
NHỮNG MẢNG TÂM TÌNH
 
Tâm tình của Luật sư Phan Anh
được gửi gắm thông qua
Bài trả lời phỏng vấn báo Đại Đoàn Kết
của nhà báo Trần đình Vân.
 
ƯỚC MƠ ẤP Ủ
(Việt Minh là ai?)
NẮNG XUÂN CHẬP CHỜN
(Việt Minh trong lòng trí thức)
TRẬN MƯA QUÉT BỤI
(Việt Minh với Công nông)
CHÂN TRỜI MỞ RỘNG
(Việt Nam trên bàn cờ quốc tế)
VƯỢT SÓNG RA KHƠI
(Việt Nam trong lòng bạn bè)
CÁNH BUỒM RỘNG MỞ
(Vững lái tiến lên)
GƯƠNG BÁC
 
NHỮNG MẢNG TÂM TỈNH
 
Nhà báo Trần Đình Vân phỏng vấn,
Luật sư Phan Anh trả lời.
Tôi quen Luật sư Phan Anh do làm nghề báo, với mối thân tình đó, tôi đến nhà gặp Luật sư lần này để đề nghị với Luật sư viết một vài trang Hồi ký.
Trong lúc đợi, ngồi uống nước tại phòng khách gia đình. Chị Đỗ Hồng Chỉnh nói: “Nhà tôi rất quan tâm đến các vấn đề chính trị, thời sự. Còn việc viết hồi ký, hình như chưa thật quan tâm lắm. Tôi đã nhắc nhở nhiều lần, nhưng đến bây giờ Nhà tôi vẫn chưa viết được một trang nào”.
Vừa lúc đó, Luật sư Phan Anh trên gác đi xuống. Chị Đỗ Hồng Chỉnh nói với Luật sư: “Nhà báo Trần Đình Vân - Phóng viên báo Đại Đoàn Kết đến với đề nghị Anh viết Hồi ký”. Em nói: “Anh chưa viết được trang nào, có đúng không?”.
Với vẻ mặt đầm ấm quen thuộc, Luật sư Phan Anh nói: “Đúng là Anh chưa viết Hồi ký. Nhưng có bao giờ không có bài theo yêu cầu của Tòa soạn báo Đại Đoàn Kết đâu”.
Tôi bắt luôn lấy câu chuyện: “Luật sư nói rất phải. Đối với báo Đại Đoàn Kết và báo Cứu Quốc trước kia, Luật sư chưa bao giờ từ chối viết bài. Hôm nay đến chưa phải đề nghị Luật sư viết Hồi ký, nhưng lần này đề nghị Luật sư kể cho chúng tôi nghe một vài câu chuyện đã qua, để đăng trên số báo Xuân Canh Thân (1980) - năm kỷ niệm nhiều ngày lịch sử lớn”.
Luật sư Phan Anh mời tôi uống nước trà và thong thả trả lời: “Anh hỏi giống hệt ông bạn người Mỹ La tinh, tôi mới gặp trong dịp đi họp Liên minh Quốc hội vừa qua !”.
Tôi vội tiếp lời: “Ông bạn người Mỹ La tinh đã hỏi gì? và Luật sư đã trả lời như thế nào?”.
Luật sư Phan Anh ngồi trên ghế xa lông, đôi mắt như hướng về một hình ảnh xa xăm và câu chuyện bắt đầu.
Nhà báo Trần Đình Vân
Luật sư Phan Anh:
Ông bạn này là Giáo sư Y khoa trường Đại học Caracas; Ông lại còn là nhà Thơ, Họa sỹ nữa. Ông bạn đã đưa chúng tôi đi thăm thành phố, bắt đầu là quảng trường Bolivar lịch sử và nhà ở xưa kia của một vị Anh hùng dân tộc giải phóng đất nước Vênêduela và 5 nước láng giềng khỏi ách thực dân Tây Ban Nha.
Dạo chơi trên phố về. Ông đưa chúng tôi đến nhà riêng - một căn nhà xinh xắn, có vườn hoa nhỏ, trong một khu phố tĩnh mịch, giữa một đô thị có hơn 3 triệu dân đêm ngày huyên náo. Ông giới thiệu các gian phòng và đặc biệt là phòng làm việc của ông. Thoạt vào đã thấy hiện lên giữa phòng hai bức tranh Sơn dầu: Bức chân dung vị Anh hùng dân tộc Bolivar và Bức tranh núi rừng Pắc Bó có hình ảnh Bác Hồ.
Trước sự ngạc nhiên của chúng tôi, Ông giải thích: “Bức tranh này do chính tay tôi vẽ khi đi thăm Việt Nam trở về. Hồi năm 1964 - 1965 tôi sang Việt Nam đã được gặp Chủ Tịch Hồ Chí Minh; Tôi đã đến Pắc Bó, tới thăm Điện Biên Phủ. Từ ngày đó, tôi chưa bao giờ quên được vị Lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam và của chúng tôi ở đây. Từ đó, tôi làm việc luôn luôn dưới sự chỉ đạo của Chủ Tịch Hồ Chí Minh” ...
Ông hỏi tôi: Chuyện Việt Nam chống đế quốc, Việt Nam chống bành chướng bá quyền Bắc Kinh và yêu cầu tôi kể một vài kỷ niệm khi làm việc bên cạnh Bác Hồ và sống trong lòng nhân dân Việt Nam, trong lòng Đảng Cộng sản Việt Nam. Hôm nay Nhà báo lại đặt yêu cầu đó. Tôi sẽ kể, được đến đâu hay đến đó, một vài mẩu chuyện cụ thể, hay nói cho đúng hơn "Những mảng tâm tình” của tôi.
*
ƯỚC MƠ ẤP Ủ
(Việt Minh là ai?)
 
Luật Phan Anh:
Hôm đó, một ngày thu trên bờ biển huyện Quỳnh Lưu, tôi bị giam lỏng trong ngôi nhà nhỏ của một thầy đồ nho ở xã Thanh Sơn.
Ngày 18 tháng 8 năm 1945, một đám biểu tình ở cầu Giát đã giữ tôi trên đường đi từ Huế ra Hà Nội cùng với anh Tạ Quang Bửu. Là khách không mời mà đến, tôi khuây lãng thời gian, ngồi đàm đạo văn, thơ với thầy đồ nho - chủ nhà.
Tâm trạng của tôi lúc đó nửa mừng, nửa lo. Mừng vì thời cuộc đã chuyển, nước Việt Nam có điều kiện vượt qua, sẽ khác xa xưa. Lo vì rồi đây tình hình đất nước mình sẽ ra sao?
Vài ngày sau khi bị giữ, khoảng 22 tháng 8; Hôm đó, một ngày thu bầu trời trong vắt, Tôi đương nhìn hai chiếc máy bay từ hướng Bắc bay về phương Nam, thì ông chủ nhà báo cho tôi một tin, làm tôi mở cờ trong bụng và xúc cảm viết mấy câu thơ chữ Hán, tặng ông đồ:
 
Thanh sơn cư ngũ nhật,
Đan sách ký thiên thâu,
Quốc vận như kim đạt,
Khởi thuỷ tự ngô châu.
Dịch nghĩa:
Thanh sơn năm ngày trú,
Nghìn thu khắc lòng ta,
Vận nước nay như đạt,
Khởi thuỷ tự quê nhà.
 
Nhà báo Trần Đình Vân:
Tin đó là tin gì?; Sao nó có tác động đến Anh như vậy?
Luật sư Phan Anh:
Tôi biết phong trào Việt Minh đã nhiều năm, nhất là những năm thực dân Pháp đàn áp đẫm máu đồng bào ta. Là một Luật sư mới vào nghề, tôi nhận hết những vụ án mà giới luật sư lúc đó đa số là người Pháp không muốn nhận bào chữa.
Qua những năm làm nghề bào chữa cho thân chủ là phạm nhân của toà đại hình quân sự (Cour martiale), tôi biết được đôi phần về phong trào Việt Minh.
Nhà báo Trần Đình Vân:
Những vụ án ở tòa đại hình quân sự có nhiều không?
Luật sư Phan Anh:
Nhiều lắm, mỗi tuần một phiên toà, có khi một tuần hai phiên.
Nhưng vụ án nào cũng vậy, không khí căng thẳng giữa bị cáo và quan toà; Nhiều khi quan toà lại ở vào thế bị cáo. Một hôm, viên Chánh án Toà đại hình quân sự (ông ấy là thầy học dạy tôi ở trường Luật) đã nghiêm nghị tuyên bố khi xét xử: “Toà phải trừng phạt thích đáng bọn phiến loạn. Toà sẽ xử không chút nhân nhượng”. Câu nói đó chứng tỏ Chánh tòa đang lo sợ.
Không khí Toà xử án thường rất căng thẳng, thái độ bị cáo rất hiên ngang nhận mọi hoạt động chống lại chế độ thực dân áp bức, nhưng kiên quyết không chịu nhận tội “phản quốc" như cáo trạng lên án. “Những hoat động của chúng tôi là hành động yêu nước. Chính các ông mới là bọn theo Pétain bán nước Pháp cho bọn Đức quốc xã” - Lời của bị cáo thét lên trước lũ thực dân “mặt sắt, đen sì” khiến quan tòa phải lúng túng.
Qua những phiên toà như vậy, tôi đã thuộc lòng tên các Anh đang hoạt động trong phong trào Việt Minh, Hạ Bá Cang, Đặng Xuân Khu ở hồ sơ nào cũng có. Nhiều lần bọn mật thám muốn vây bắt các Anh, nhưng không bắt được.
Chính qua phiên toà mà tôi biết anh Võ Nguyên Giáp đang hoạt động ở vùng biên giới. Một vụ án làm tôi đau lòng khi nghe Chánh án tuyên bố bản kết án chị Nguyễn Quang Thái (vợ anh Võ Nguyên Giáp) 12 năm khổ sai, một bản án nặng không ngờ, không phải vì hoạt động của bản thân chị, mà vì chị là vợ một chiến sỹ cách mạng lợi hại đối với chế độ thực dân.
Qua nhiều vụ án, tôi chứng kiến khí phách anh hùng của những chiến sĩ cách mạng trước khi bị xử bắn ở khu Tương Mai; Họ hiên ngang hô vang: “Việt Minh muôn năm”. Những tiếng hô mãnh liệt trước mũi súng quân thù, làm cho bọn quan chức thực dân phải cúi mặt. Những tiếng hô dũng cảm thiêng liêng xua tan màn đêm đen tối trước buổi sáng bình minh. Tôi bắt đầu hướng về Mặt trận Việt Minh từ đó.
Nhà báo Trần Đình Vân:
Luật sư tham gia chính phủ Trần Trọng Kim trong hoàn cảnh thế nào?
Mà lúc đó Luật sư đã có quan hệ gì với Việt Minh chưa?
Luật sư Phan Anh:
Tôi hướng về Việt Minh vì cùng chung lý tưởng độc lập dân tộc, nhưng tôi chưa tin vào khả năng của Việt Minh có thể đánh Nhật, đuổi Pháp, lúc phát xít Nhật đang chiếm đóng Đông Dương và thực dân Pháp vẫn còn nắm bộ máy hành chính.
Chúng tôi chủ trương loại bỏ toàn bộ người Pháp ra khỏi bộ máy quản lý hành chính ở Việt Nam. Chính phủ Trần Trọng Kim lợi dụng “Nhật đảo chính Pháp” đẩy toàn bộ người Pháp ra khỏi bộ máy chính quyền các cấp.
Tôi và các Giáo sư Trần Trọng Kim, Hoàng Xuân Hãn, Tạ Quang Bửu và một số thành viên Chính phủ theo dõi tình hình Việt Nam và thế giới theo cách riêng của từng người, nhưng đều thống nhất nhận định hoàn cảnh đặc biệt tại Việt Nam và trên thế giới lúc đó, giữa Nhật Bản thuộc phe Trục và Pháp theo phe Đồng Minh: Trên mặt trận Thái Bình Dương, phát xít Nhật đang liên tiếp thua trận và sẽ không tránh khỏi sự thất bại hoàn toàn như phát xít Đức. Nhưng tại Đông Dương, phát xít Nhật lại đang ở thế thương phong đối với lực lượng thực dân Pháp. Phát xít Nhật rất tàn bạo; Nhưng ở Đông Dương chúng chỉ quan tâm đến việc bổ xung hậu cần phục vụ cuộc chiến tranh với quân Đồng Minh và tuyên truyền “Thuyết Đại Đông Á”. Ngược lại lực lượng thực dân Pháp tại Đông Dương lại nép mình (đầu hàng) tạm thời chấp nhận chịu lép vế, cúi đầu trước sức mạnh của phát xít Nhật; Chúng vẫn rắp tâm đợi quân Đồng Minh quay về phương Đông đánh bại quân đội Nhật, thì chúng trở lại ngay lập tức tiếp tục cai trị Đông Dương và thẳng tay đàn áp phong trào yêu nước ở Việt Nam.
Do vậy Chính phủ Trần Trọng Kim ngay từ đầu tránh đã quyết không lập Bộ Quốc phòng mà thành lập Bộ Thanh niên và cử tôi làm Bộ trưởng, nhằm động viên toàn bộ lực lượngng thanh niên vào hoạt động trong phong trào yêu nước, chuẩn bị đứng lên giành độc lập cho đất nước, khi thời cơ đến.
Còn quan hệ giữa tôi với Việt Minh. Lúc đó, tôi mới quan hệ với anh Tôn Quang Phiệt ở Huế, chúng tôi có trao đổi những nhận định, đánh giá tình hình. Có lần anh Tôn Quang Phiệt đưa anh Hoàng Anh - một cán bộ lãnh đạo Việt Minh đến gặp tôi cùng luận bàn về thời cuộc. Anh Hoàng Anh hỏi thái độ của tôi đối với Việt Minh, tôi trả lời: “Việt Minh là một phong trào yêu nước” ...
Nhà báo Trần Đình Vân: Luật sư có thấy sức mạnh của phong trào Việt Minh lúc đó ở Huế và ở Hà Nội không?
Luật sư Phan Anh: Việt Minh có mặt ở nhiều nơi. Ví dụ: Trong cuộc mít tinh tháng 5 năm 1945 ở quảng trường Nhà hát thành phố Hà Nội, khi tôi nói chuyện động viên thanh niên chống ảnh hưởng của thực dân Pháp, tôi có cảm giác nhiều anh chị em Việt Minh đang nghe tôi nói, theo dõi thái độ của tôi.
Khi trên đường từ Hà Nội vào Huế qua đò Cấm (gần Vinh) tôi gặp anh Nguyễn Tạo, tôi biết Anh là một cán bộ Việt Minh mới vượt ngục Hoả Lò, mà tôi đã có lần gặp. Tôi hiểu anh Nguyễn Tạo đang trở lại quê hương tiếp tục hoạt động.
Khi ở Huế, phong trào thanh niên hoạt động khá sôi nổi; Trong trường Thanh niên Tiền tuyến mà tôi thành lập, cũng như trong các cuộc mít tinh của Thanh niên xã hội các địa phương, tôi tin là có nhiều anh em Việt Minh, hoặc cảm tình với Việt Minh tham gia.
Nhà báo Trần Đình Vân:
Lúc đó Luật sư đã tin vào lực lượng Việt Minh chưa?
Luật sư Phan Anh:
Việt Minh hoạt động yêu nước, có chính nghĩa; Còn về lực lượng để đảm bảo thực hiện dân tộc độc lập, đối phó với Đồng Minh, chống thực dân Pháp trở lại, thì lúc đó tôi chưa tin Việt Minh đã có đủ khả năng.
Nhà báo Trần Đình Vân:
Khi Nhật đầu hàng Đồng Minh, Luật sư nghĩ như thế nào?
Luật sư Phan Anh:
Đợi Đồng Minh đến và tranh thủ Đồng Minh trả lại độc lập cho đất nước.
Do đó, chúng tôi đã khuyên Giáo sư Trần Trọng Kim từ chức Thủ tướng, để nhường cho những nhân vật khác thành lập Chính phủ mới có thể đàm phán với Đồng Minh. Tư tưởng “Trường phái ngoại giao” trong đầu tôi còn rất nặng.
Nhà báo Trần Đình Vân:
Sau khi Chính phủ Trần Trọng Kim từ chức, tình hình cụ thể như thế nào?
Luật sư Phan Anh:
Sau khi Chính phủ Trần Trọng Kim từ chức (vài ngày sau trận ném bom xuống Hiroshima), tôi lên đường ra Bắc vào khoảng 15 tháng 8 năm 1945 vì được tin ở Hà Nội không khí rất sôi nổi. Đang chuẩn bị đi, thì được điện từ Hà Tĩnh cho biết: Việt Minh ở tỉnh nhà đã giành được chính quyền. Tôi cấp tốc lên đường.
Nhà báo Trần Đình Vân:
Đi đường, Luật sư có gặp khó khăn gì không?
Luật sư Phan Anh:
Tôi khởi hành trong một buổi chiều tà, lòng hồi hộp, có anh em khuyên tôi đợi tình hình ổn định đã, “Anh đi lúc này có thể bị bắt trên đường”. Nhưng tôi nghĩ, qua quê nhà mà bị giữ còn hơn bị giữ ở chỗ khác. Tôi tin vào thiện chí của tôi và tôi cũng đã phần nào hiểu được phong trào Việt Minh, nên tôi cứ ra đi cùng với Giáo sư Tạ Quang Bửu và một anh thư ký.
Qua một đêm trường đi từ Huế đến Quảng Bình, vượt Đèo Ngang trời vừa sáng. Đứng trên đỉnh đèo nhìn về phía Bắc trên cánh đồng quê phấp phới mấy lá cờ đỏ sao vàng nối liền biển cả trong xanh gió thu gợn sóng, tôi hồi hộp và nghĩ rồi đây sẽ gặp ai?
Khi ở Huế đi, có đánh điện cho Anh phụ trách Thanh niên xã hội tỉnh Hà Tĩnh vì biết Anh ấy có cảm tình với Việt Minh. Chưa biết rồi đây Việt Minh Hà Tĩnh có tiếp xúc với mình hay không?
Tôi còn ghi lại mấy câu thơ làm lúc đó.
 
Đến đỉnh đèo ngang hé sáng trời,
Gió thu gợn sóng biển xa khơi,
Đồng thu nhác hiện cờ phấp phới,
Nền đỏ vàng sao ánh sáng ngời.
Sáng ngời đất tổ cảnh ban mai,
Hồi hộp rồi ra sẽ gặp ai?
Nghìn dặm non sông bay thẳng cánh,
Đất lành chim đậu, phải tìm nơi.
Hà Tĩnh 16 - 8 - 1945.
 
Nhà báo Trần Đình Vân:
“Tìm nơi”, ý Luật sư định nói gì?
Luật sư Phan Anh:
Tìm nơi - nơi đây là Việt Minh. Nhưng Việt Minh là ai? Đó là câu hỏi vẫn đặt ra trong đầu tôi trên con đường ra Hà Nội.
Đến thị xã Hà Tĩnh tôi gặp Uỷ ban khởi nghĩa, trao đổi tin tức. Tôi nói với anh em: “Chính phủ Trần Trọng Kim đã từ chức và chuyển giao cho Chính quyền mới do nhân dân quyết định”. Anh em cho tôi biết đang chuẩn bị đón đoàn đại biểu từ Hà Nội vào.
Tôi tiếp tục lên đường ra Vinh, trên đường gặp nhiều đoàn biểu tình mang cờ đỏ sao vàng, không khí dào dạt mừng vui.
Ra đến Vinh, tôi tổ chức một buổi gặp mặt ở “Dinh Tỉnh trưởng”. Anh em Thanh niên Xã hội cho biết ngày hôm sau sẽ có cuộc mít tinh lớn tại thị xã, muốn lưu tôi lại để dự cuộc mít tinh. Tình hình khẩn trương tôi lại tiếp tục lên đường. Đi qua huyện nào, tới thị trấn nào, cũng gặp đoàn biểu tình mang cờ đỏ sao vàng rợp trời dậy đất.
Đến cầu Giát gặp một đoàn biểu tình rất đông. Mấy người trong đoàn ngăn xe lại và hỏi: “Có vũ khí không?”. Chúng tôi không có vũ khí. Nhưng anh thư ký cùng đi lại trả lời: “có” và đưa ra một cái kéo. Trước sự đùa bỡn vô ý thức và nói năng tùy tiện của anh thư ký, đám người biểu tình giữ cả nhóm chúng tôi lại và đưa về giam lỏng trong nhà ông đồ nho ở xã Thanh Sơn.
Câu hỏi Việt Minh là ai?
Hôm đó là ngày 22 tháng 8 trong bầu trời thu trong sáng, ông đồ nho - chủ nhà tôi trọ, hớn hở thông báo cho biết: “Đã tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội. Đứng đầu Ủy ban khởi nghĩa là cụ Nguyễn Ái Quốc”.
Ngay lúc đó, Tôi làm một bài thơ tặng ông đồ nho - chủ nhà, ở xã Thanh Sơn.
Tôi viết:
Quốc vận như kim đạt
Có nghĩa là “Vận nước như nay đạt”.
Khởi thuỷ tự ngô châu
Có nghĩa là “Khởi thuỷ tự quê nhà”.
 
Câu thơ đó nói lên niềm tin, niềm tự hào của tôi trong những ngày lịch sử ấy.
Niềm tin từ đâu mà có?. Từ cuộc sống thời thơ ấu ở đất Nghệ Tĩnh - Đất khởi nghĩa hưởng ứng phong trào Cần vương của cụ Phan Đình Phùng, đất Đông Du của cụ Phan Bội Châu, mà tôi đã từng ca những bài ca của cụ Phan Điện - thân sinh ra tôi, trong đó có bài ca Hai Bà Trưng, Bà Triệu và mơ tưởng ở cụ Phan Bội Châu xây dựng lại cơ đồ Tổ quốc Việt Nam:
 
Thủa trời đất nổi cơn mưa gió,
Khách má hồng mới rõ lòng son.
Còn trời còn nước còn non,
Hãy còn Hồng Lạc hãy còn anh thư.
Nhớ thuở xưa mở cờ đựng hiệu,
Hai Bà Trưng với họ Triệu ta,
Nào là Mã Viện Phục ba,
Nào là Bác tướng, nào là Ngô quân.
Thân son phấn dám gắn tên đạn,
Dẫu quân Tầu mấy vạn kể chi,
Dọc ngang một cõi Nam thùy,
Xưa nay cũng sánh nam nhi những người.
Khăn yếm ấy hơn mười đai mũ,
Để tiếng thơm cũng đủ ngàn thu,
Gió đông nếu gặp chàng Chu,
Giang sơn như cũ cơ đồ lại xây !.
 
Những năm cuối thập kỷ 20, lúc tôi đang học ở Hà Nội, được chứng kiến cụ Phan Bội Châu bị giặc Pháp bắt đưa ra xét xử ở toà án, thế là mộng Đông du tiêu tan. Rồi mộng Tây du cũng vậy, những cuộc bãi khoá giỗ cụ Phan Chu Trinh chấm dứt trong đàn áp. Rồi dồn dập đi theo là vụ khởi nghĩa Yên Bái đắm chìm trong biển máu !. Chính những năm đó, dưới mái trường Bưởi (trường Chu Văn An) xuất hiện một quyển sách bí mật mà người nọ chuyền tay cho người kia chép - đó là quyển “Bản án chế độ thực dân Pháp”. Chữ “Nguyễn Ái Quốc” từ đó đã thành một ngôi sao, tuy còn ở rất xa xăm nơi chân trời, nhưng là ánh sáng cuốn hút lòng tin của tôi và biết bao thanh niên.
Chính vì thế mà khi được tin Cụ Nguyễn Ái Quốc đứng đầu phong trào Việt Minh đã tổng khởi nghĩa thành công ở Hà Nội tôi mừng rỡ vô cùng đã viết mấy câu thơ chữ Hán:
 
Quốc vận như kim đạt,
Khởi thuỷ tự ngô châu.
 
Niềm tin của tôi có từ đó, tin ở Việt Minh vì Việt Minh có vị lãnh tụ là một nhà yêu nước mà tên tuổi đã được ấp ủ trong lòng của cả một thế hệ thanh niên gắn liền với phong trào đấu tranh cho độc lập tự do với niềm tin ở tương lai đất nước.
 
NẮNG XUÂN CHẬP CHỜN
(Việt Minh trong lòng người trí thức)
 
Nhà báo Trần Đình Vân:
Luật sư có thể cho biết những suy nghĩ của Luật sư trong những ngày đầu trên con đường theo Bác Hồ sau khi Cách mạng tháng Tám thành công?
Luật sư Phan Anh:
Tôi theo cách mạng chủ yếu là vì tin vào lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Còn tổ chức Việt Minh tôi chưa biết rõ. Tôi chỉ biết Việt Minh qua một số người. Trong các đồng chí Việt Minh có những đồng chí tôi đã biết khi còn là bạn học; Có những đồng chí tôi biết tiếng qua những vụ án Việt Minh tại tòa án của thực dân. Ngoài ra quần chúng trong phong trào Việt Minh trong những ngày khởi nghĩa đã để lại trong tôi những ấn tượng sâu sắc ở những nơi giành chính quyền: ở huyện như Cầu Giát, ở tỉnh như Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hoá, Ninh Bình - những nơi tôi đã đi qua, rồi đến thủ đô Hà Nội. Tôi khâm phục ý thức tổ chức kỷ luật và tinh thần trách nhiệm của cán bộ Việt Minh.
Cuộc Cách mạng tháng Tám diễn ra với tôi như một giấc mơ đẹp, vui và hào hùng vượt qua mọi sự tưởng tượng của tôi. Điều làm tôi cảm kích nhất là lòng ưu ái của Bác Hồ đối với giới trí thức.
Bác Hồ đã thể hiện lòng tin vào đội ngũ trí thức ngay từ những ngày đầu cách mạng, chính lòng tin của Bác đã cảm hoá và đưa cả một thế hệ trí thức Việt Nam đã sống và học hành dưới ách thực dân dám bước theo con đường cách mạng. Bác động viên và cảm hóa chúng tôi, Bác Hồ đã dẫn dắt chúng tôi.
Bác giao cho tôi lập Hội đồng kiến thiết quốc gia, tập trung nhiều trí thức đủ chuyên môn các ngành cùng lo việc nước ngay từ ngày đầu.
Tôi không bao giờ quên được lúc Bác Hồ gọi tôi lên gặp Bác ở Bắc Bộ Phủ và giao nhiệm vụ cho tôi làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong Chính phủ Liên hiệp thành lập sau Tổng tuyển cử mùng 06 tháng 01 năm 1946. Tôi mạnh dạn giới thiệu một người mà tôi thấy là có khả năng hơn về chuyên môn. Bác đã động viên tôi và giải thích cho tôi hiểu đây không chỉ là vấn đề chuyên môn. Tôi rất thấm thía và thấy đây không phải là vấn đề cá nhân tôi.
Tôi không bao giờ quên được buổi họp trước khi lên đường sang Pháp tham gia hội nghị Fontainebleau.
 
Ngày 26-5-1946 Hồ Chủ tịch, Bộ trưởng Quốc phòng
Phan Anh, Chủ tịch Quân uỷ Võ Nguyên Giáp
và nhiều cán bộ quân sự 
dự Lễ khai giảng trường Võ Bị Trần Quốc Tuấn.
 
Sau lời chúc mừng của Bô trưởng Phan Anh và Giám đốc Hoàng Đạo Thuý, Hồ Chủ tịch nói chuyện với nhà trường: “Anh em phải đoàn kết thực thà, phải có kỷ luật về tinh thần lẫn vật chất. Phải noi gương anh dũng của anh em binh sĩ hồi khởi nghĩa”… Sau khi trao tặng lá cờ “Trung với nước, hiếu với dân”, Bác Hồ căn dặn: “Trung với nước, hiếu với dân là bổn phận thiêng liêng, là mục đích của anh em, một trách nhiệm nặng nề nhưng rất vinh dự của người chiến sĩ quân đội đầu tiên của nước ta”...
Có lần thấy tôi mặc quần áo nửa quân sự nửa dân sự Bác rất ngạc nhiên và hỏi sao không mặc dân sự như mọi ngày. Tôi hơi ngượng và trả lời: “Vì tôi bây giờ là con nhà lính”. Bác nói luôn: “Nhưng đừng có tính nhà quan”; Câu nói đó của Bác đã bảo vệ tôi trên những chặng đường khó khăn theo Cách mạng sau này.
Nhà báo Trần Đình Vân:
Luật sư kể cho biết một vài ví dụ?
Luật sư Phan Anh:
Kể sao cho xiết nỗi khó khăn khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời !.
Tôi chỉ xin kể hai trường hợp: Một là quan hệ với bọn Tầu Tưởng. Hai là quan hệ với thực dân Pháp.
Bọn Tưởng được Đồng Minh cho vào miền Bắc nước ta đã mang theo một bộ sậu tay sai hòng lật đổ chế độ ta trong trứng nước. Chúng sử dụng chủ yếu lực lượng Quốc dân Đảng, dùng mọi thủ đoạn trong đó có có việc lôi kéo trí thức.
Nhiều lần Nguyễn Tường Tam đến gặp tôi khi Quốc hội đã bầu Chính phủ Liên hiệp (tháng 3 năm 1946) trong đó có đại diện Quốc dân Đảng, bọn này dựa vào lực lượng Tưởng Giới Thạch, tìm mọi cách phá hoại ta, phá hoại sự đoàn kết trong chính phủ Liên hiệp. Tôi nhớ ngày 19 tháng 5 năm 1946 khi tiến hành kỷ niệm ngày sinh nhật Bác Hồ, tôi làm mấy câu lẩy Kiều đọc trong buổi lễ:
 
Từ phen đã biết tuổi vàng,
Lòng càng thấm thía dạ cùng ngẩn ngơ,
Sao cho muôn dặm một nhà,
Tương tri nhường ấy mới là tương tri.
 
Nguyễn Tường Tam lúc đó là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đã nói kháy tôi và để nghị tôi sửa lại 2 câu cuối:
Biết bây giờ là bao giờ,
Rõ ràng Liên hiệp còn ngờ Việt Minh !
Tư tưởng phủ nhận vai trò lãnh đạo của Việt Minh trong cách mạng, trong kháng chiến; Xu hướng “chia quyến lãnh đạo” trong Chính phủ Liên hiệp có tác hại không nhỏ đối với một số người trí thức lúc đó.
Gieo rắc tư tưởng đó, Quốc dân Đảng kịch liệt phá hoại chủ trương đàm phán với Pháp đòi độc lập. Trước ngày lên đường một hôm, Nguyễn Trường Tam - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao được cử làm Trưởng đoàn đã trốn mặt. Một số thành viên - bạn tôi trong nhóm Thanh Nghị cũng không lên đường sau một bữa tiệc do phái đoàn Tưởng tổ chức tiễn chân.
Nhận thức về vai trò lãnh đạo cách mạng của giai cấp công nhân là một quá trình đấu tranh và xây dựng trên thực tế hoạt động của từng con người Việt Nam trong mấy chục năm nay. Cái “tính nhà quan” của người trí thức tiểu tư sản rất khó chấp nhận vai trò khiêm tốn nhưng vinh quang của “con nhà lính”. Cũng vì vậy sau khi thoát khỏi sự cám giỗ của bọn Tàu Tưởng người trí thức lại bị một hiểm họa khác đe dọa: Bọn thực dân Pháp.
 
Bác Hồ, và cố vấn Bảo Đại chụp ảnh với
một số thành viên Chính phủ Liên hiệp
 
Thành phần đoàn đại biểu Chính phủ nước ta tham dự hội nghị Fontainebleau phần lớn là trí thức. Mối hy vọng của tôi khi lên đường sang Pháp dự Hội nghị là lực lượng cánh tả của nước Pháp. Trong Chính phủ Pháp có cả đảng viên đảng Cộng sản và đảng Xã hội. Đảng Xã hội Pháp lúc đó nắm Bộ Hải ngoại phụ trách việc đàm phán. Trong đoàn đại biểu Chính phủ Pháp đàm phán cũng có đảng viên đảng Cộng sản.
Ngót 3 tháng đàm phán phía ta kiên trì thiện chí thực hiện Hiệp định sơ bộ mùng 06 tháng 3 năm 1946 công nhận nước Việt Nam là một nước tự do, còn phía Pháp tìm mọi cách phá cuộc đàm phán bằng những hành động quân sự và chính trị. Chúng gây hấn nhiều nơi trên đất nước ta; Chúng thành lập Chính phủ bù nhìn “Nam kỳ quốc" ngay trong khi Đoàn ta đang đàm phán ở Pháp; Chúng tuyên truyền nói xấu chế độ Cộng sản của Liên Xô. Nhiều anh em trí thức trong đoàn Đại biểu Chính phủ ta được họ biếu những tài liệu chống Cộng, ví dụ quyển “Từ số không đến vô tận” (de zéro à l'infini) - tiểu thuyết khét tiếng phản động bài cộng một cách tinh vi. Tôi còn nhớ khi Trưởng phái đoàn Pháp Max André gặp tôi thấy trong tay có quyển “De zéro à l'infini” ông ta bắt tay niềm nở và nói “Ngài đang đọc một tác phẩm tuyệt vời !”.
Hội nghị Fontainebleau đã kết thúc không mang lại kết quả. Hy vọng của người trí thức vào Đồng Minh, thì Anh, Mỹ, Trung Quốc đã hiến Việt Nam cho Pháp.
 
Bác Hồ và đoàn Đại biểu Chính phủ Việt Nam
tiếp kiều bào ta ở Pháp năm 1946.
 
Hy vọng vào lực lượng cánh tả của Pháp thì lực lượng Cộng sản và Xã hội trong Chính phủ Pháp chưa đủ sức ngăn cản sự phá hoại của bọn thực dân.
Tôi xuống tàu Pasteur về nước cùng nhiều anh em với tâm trạng bi quan thất vọng, diễn tả bằng mấy câu lẩy Kiều đọc cho anh em nghe:
 
Bốn phương mây trắng một màu,
Trông vời cố quốc biết đâu là nhà ,
Lần lần tháng trọn ngày qua,
Nội gần còn biết đường xa thế nào !.
 
Về đến nhà không khí chiến tranh từng ngày tăng lên. Bác Hổ giao cho tôi chủ trì Uỷ ban đàm phán với phía Pháp về việc thi hành Tạm ước ngày 14 tháng 9 năm 1946. Hôm tiếp viên Trưởng phái đoàn Pháp đến chào, Hồ Chủ Tịch đã nói với hắn: “Không thể đàm phán trong khi quân đội Pháp chiếm sở Hải quan Hải Phòng. Các ông là những người kháng chiến của nước Pháp tự do, các ông có thể công nhận cho quân đội Đức quốc xã chiếm sở Hải quan Marseille không?”.
Hy vọng về biện pháp ngoại giao đã hoàn toàn tiêu tan. Người trí thức đứng trước ngã ba đường: Đi kháng chiến lên Việt Bắc, hay ở lại Hà Nội? Mấy ngày trước toàn quốc kháng chiến bùng nổ, Bác Hồ gọi tôi đến Bắc Bộ Phủ, lúc đó Bác đang bị sốt cảm, nằm trên giường hỏi tôi: “Chú có đi không?". Trước khuôn mặt xanh xao gầy yếu, nhưng với đôi mắt sáng quắc tia sáng chiếu sáng suốt đáy lòng tôi; Tôi trả lời: “Xin đi theo Bác”.
Tôi đi theo Bác, theo kháng chiến vì Bác tiêu biểu cho tinh thần dân tộc Việt Nam quật cường bất khuất quyết hy sinh tất cả để bảo vệ độc lập tự do. Còn đi đâu? đi như thế nào? đi đến bao giờ? tôi không băn khoăn nhiều lắm. Căn cứ duy nhất để quyết tâm đi theo Bác là niềm tin vào đất nước Việt Nam. Niềm tin đó trong tôi đã thể hiện trong đôi câu đối Tết năm 1947 - Xuân đầu tiên của cuộc trường kỳ kháng chiến đã đăng trên báo Cứu Quốc lúc bấy giờ.
Cha ông hương khói lạnh, con cháu cỗ bàn suông. Khắp ba kỳ cùng nếm nỗi gian truân, buổi tết nhất càng căm quân cướp nước.
Tổ quốc cõi bờ yên, non sông Nam Bắc một. Mấy mươi triệu đồng bào thề quyết thắng, bước vinh quang sẽ hẹn lúc về nhà.
*
TRẬN MƯA QUÉT BỤI
(Việt Minh với công nông)
 
Nhà báo Trần Đình Vân:
Bước vào kháng chiến, Luật sư đã chuẩn bị như thế nào?.
Luật sư Phan Anh:
Tôi không hề chuẩn bị một chút nào về vật chất.
Cách mạng tháng Tám là một giấc mơ xuân, thì bây giờ đến cuộc kháng chiến toàn quốc lại là một cơn mưa hè đột ngột. Có thể nói đó là một trận mưa quét bụi. Bụi đây là bụi thực dân, nó bao phủ lên non sông gấm vóc làm cho bao nhiêu người trí thức Việt Nam không thấy được cái đẹp của đất nước, sức mạnh của đồng bào. Làn bụi thực dân khiến cho một số người trí thức ngậm đắng nuốt cay ở lại thành thị sống dưới gót đội quân viễn chinh Pháp. Làn bụi thực dân cũng làm những người trí thức đã quyết tâm đi kháng chiến mà vẫn lo lắng về cảnh ma thiêng nước độc.
Xuân 1947 sau Tết tôi cùng với gia đình lên chiến khu, vừa tới Sơn Dương thì nhận được thơ của Bác Hồ:
Ở rừng thú vị thật là hay,
Vượn hót chim kêu suốt cả ngày.
Khách đến thì mời ngô nếp nướng,
Săn về thường chén lợn rừng quay.
Non xanh nước biếc tha hồ dạo,
Rượu ngọt chè xanh mặc sức say.
Kháng chiến thành công ta trở lại,
Trăng xưa hạc cũ với xuân này.
Xuân 1947
 
Những câu thơ đó không phải chỉ là những lời động viên mà là một bức tranh hiện thực của cuộc sống mới đối với người trí thức trước kia chỉ quen cảnh phồn hoa thành thị. Hơn nữa nó cất lọc cho người đi kháng chiến một niềm tin lạc quan cách mạng, một phong thái ung dung trong cuộc sống vất vả gian nan.
 
 
Chính trong cuộc sống đó tôi đã học được rất nhiều. Sống với đồng bào mới thấm thía tâm tình cao cả của đồng bào đối với cán bộ, bộ đội; Mới thấy tinh thần quật cường yêu nước, sự thông minh, lòng dũng cảm của đồng bào trong những cuộc tấn công của giặc. Niềm tin sắt đá của đồng bào các dân tộc Việt Bắc thể hiện trong một câu nói giản dị: “Giặc đến, giặc khắc đi; Đất ta, ta vẫn ở”.
Chiến dịch Thu - Đông năm 1947 đập tan cuộc tiến công bao vây Việt Bắc của giặc Pháp, thật là một trận mưa quét bụi. Hùng hổ khoác lác, inh ỏi trống kèn, nhưng cuối cùng mấy vạn quân viễn chinh thực dân Pháp đã húc đầu vào núi rừng Việt Bắc kháng chiến mà vỡ trán. Làn bụi thực dân tung ra đã bị mưa rào quét sạch, thanh thế quân đội viễn chinh Pháp từ đó xuống dốc không ngừng.
Những người trí thức đã bị nhồi sọ về kỹ thuật cao trong công nghệ quân sự của đế quốc phương Tây bắt đầu hiểu sức mạnh của chiến tranh nhân dân. Về quân sự giặc đã bị đánh bại, lực lượng nhân dân mạnh lên mọi mặt; Phong trào thi đua yêu nước đầu năm 1948 đã dấy lên ở mọi nơi.
Vùng kháng chiến nhờ vào phong trào tăng gia sản xuất đã tự túc được lương thực. Địch phong toả kinh tế gay gắt làm cho đời sống (ăn, ở, chữa bệnh, học hành) của nhân dân thiếu thốn rất nhiều thứ. “Biết dựa vào dân thì cái gì khó cũng giải quyết được”. Làm công tác kinh tế trong thời kỳ kháng chiến tôi rất thấm thía lời dạy này của Bác Hồ.
 
Bộ trưởng Phan Anh (thứ 4 từ trái sang)
Thứ trưởng Bùi Công Trừng (thứ 6 từ trái sang)
Và các cán bộ lãnh đạo Bộ Kinh tế
tại Chiến khu Việt Bắc.
 
Nhờ sức mạnh của nhân dân mà những cửa khẩu buôn bán đặt ra ở vành đai tiếp giáp với vùng địch tạm chiếm đã trở thành những thị trường giao dịch sôi động trao đổi hàng hoá giữa miền ngược và miền xuôi. Hàng rào của địch không ngăn cản được nguồn hàng từ các miền trao đổi qua lại. Ta phá vòng vây của địch, vừa đẩy lùi quân lính địch, vừa quan hệ giao thương với các nhà buôn trong vùng địch. Nhờ sức của nhân dân mà những khu thủ công nghiệp mới được dựng lên, nhiều nghề cũ được phục hồi, một số nghề mới được mở ra ở Việt Bắc, khu Bốn, khu Năm, tạo nên một cục diện hoàn toàn mới ở vùng chiến khu.
Đầu năm 1952 tôi đi kiểm tra cửa khẩu Bắc - Bắc (Bắc Ninh - Bắc Giang). Bên này sông Cầu là vùng kháng chiến, bên kia sông Cầu là vùng địch tạm chiếm. Tôi sang bên kia sông Cầu tiếp xúc với đồng bào. Trong lúc đó có một đám lính địch đang đi “càn quét” chỉ cách nơi tôi vài trăm mét. Một đồng chí cán bộ địa phương bình tĩnh nói: “Việc ta, ta cứ làm, nó càn quét “lấy lệ” đó thôi”.
Quả vậy bọn lính Âu Phi kèm theo một số lính nguỵ chạy lăng xăng một lúc rồi chuồn khi nghe tiếng súng nổ bên kia sông. “Làm lấy lệ” đó là một câu nói rất đúng. Nó làm “lấy lệ” = Lính làm “lấy lệ”, quan làm “lấy lệ”, tướng làm “lấy lệ”, làm việc một cách hình thức - gọi là chấp hành mệnh lệnh cấp trên.
Bắt đầu từ thất bại trong cuộc tấn công lên Việt Bắc, chiến tranh thực dân kéo dài miễn cưỡng, hết kế hoạch nọ đến kế hoạch kia, thực dân sa lầy mỗi ngày một sâu thêm cho tới tận cổ, bao nhiêu thất bại liên tiếp kéo theo. Quân đội viễn chinh Pháp mất tinh thần, nhân dân Pháp càng ngày càng phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa, bẩn thỉu. Trận Điện Biên Phủ không chỉ là một cơn mưa rào cuối cùng quét sạch bụi thực dân, mà còn làm tróc lở toàn bộ chế độ thực dân “kiểu cũ” của Pháp trên các thuộc địa.
Trong đời người ta, có nhiều lúc con người mình gắn liền với đất nước, với dân tộc mà lớn lên. Đó là những ngày quân ta lập những chiến công oanh liệt, những ngày sống trong Hội nghị Giơnevơ 1954.
Mở bất cứ đài nào, cũng nghe nhắc đi nhắc lại nhiều lần tiếng “Điện Biên Phủ”.
Giở bất cứ tờ báo nào cũng thấy những dòng tít lớn có hai chữ “Việt Nam”.
Đặc biệt, sớm ngày 8 tháng 5 năm 1954 khi hội nghị Giơnevơ khai mạc, hàng trăm nhà báo quốc tế xúm xít quanh đoàn Việt Nam đòi phỏng vấn và dồn dập chúc mừng Việt Nam chiến thắng Điện Biên Phủ. Trong nhiều câu phỏng vấn, có câu hỏi: “Có phải các ông đã có kế hoạch đánh thắng Điện Biên Phủ đúng một ngày trước khi khai mạc Hội nghị Giơnevơ không?”. Ta trả lời: “không”; Họ càng tin là “” !. Kể ra Họ tin rằng “” cũng không sai. Chiến dịch Điện Biên Phủ với Hội nghị Giơnevơ, chiến sĩ ta trên chiến trường ai mà không biết. Chính tinh thần gắn Điện Biên Phủ với Giơnevơ đã thúc đẩy chiến sĩ Điện Biên trong các trận chiến đấu ác liệt và vinh quang đã chiếm hết cứ điểm này đến cứ điểm kia trên trận địa phức tạp của chiến trường. Mặt khác, chính bọn địch bị bao vây và tổn thất nhiều ở Điện Biên Phủ đã buộc chúng phải sớm mở Hội nghị Giơnevơ mà lúc đầu trần trừ muốn thoái thác. Kết quả chiến thắng quân sự đã gắn liền rất kịp thời, đúng lúc với cuộc đấu tranh ngoại giao.
Một nhà báo nói: “Các ông đã “định giờ” (chronometrer) cho chiến thắng Điện Biên Phủ”.
Tại Giơnevơ, chúng tôi có gặp lại một số bạn bè cũ, người Việt Nam và người Pháp, chúng tôi nhắc lại những chuyện ở Paris, ở Fontainebleau năm 1946, chúng tôi nhắc lại câu hỏi “đánh? hay đàm?”.
Hội nghị Fontainebleau không thành công, một số người trong “trường phái ngoại giao” sợ “đánh” đã bỏ hàng ngũ kháng chiến. Bây giờ câu chuyện “đánh hay đàm” đã được trả lời: “Ngoại giao phải đi đôi với quân sự”.
 
Từ trái sang: Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu, Ngoại trưởng Phạm Văn Đồng -
trưởng phái đoàn Chính phủ ta, … ,
Bộ trưởng Bộ Kinh tế Phan Anh
chụp ảnh với các thành viên trong đoàn tại Giơnevơ.
 
Dịp đó, tôi đã ghi tặng anh em Việt kiểu mấy câu lẩy kiểu mà tôi đã ứng khẩu trong buổi liên hoan của Phái đoàn ta vào ngày 7 tháng 5 năm 1954 khi được tin chiến thắng Điện Biên Phủ:
 
Ngày xuân con én đưa thoi,
Quân ta đã chiếm hết đồi Điện Biên.
Ta thì mừng, giặc thì điên,
Đấu tranh quân sự gắn liền ngoại giao.
Trời xuân một trận mưa rào,
Để cho thiên hạ trông vào Việt Nam.
Genevơ, Xuân 1954.
 
Trận mưa quét bụi thực dân trên đất nước, trên thế giới, còn rửa cả bụi thực dân trong vỏ não người trí thức, để họ thấy rõ sức mạnh của nhân dân. Giấc mơ đã thành sự thật, niềm tin vào kháng chiến, vào nhân dân, vào Việt Minh, qua khói lửa đạn bom, qua nắng mưa sương gió càng thêm sáng tỏ để soi đường, bắt rễ thêm từ hoạt động của bản thân mình, đồng cam cộng khổ với đồng bào, cống hiến sức lực, trái tim khối óc vào sự nghiệp chung, niềm tin càng sâu sắc càng mãnh liệt.
Giấc mơ đã thành hiện thực, một sự thực sống động, một sức mạnh sẵn sàng đón lấy nhiệm vụ mới, đạp bằng trở ngại trên con đường chiến đấu vinh quang. Kết thúc hội nghị Giơnevơ, Trưởng phái đoàn Pháp ông Mendes France - Thủ tướng Pháp đã đến thăm Phái đoàn Việt Nam ở trụ sở của ta. Kể lại thiện chí của ông, đã thanh minh: “Phái đoàn của Bảo Đại (lúc đó đã trở thành phái đoàn của Ngô Đình Diệm) không chịu nghe ý kiến của chúng tôi. Họ ương ngạnh. Điều đó chứng tỏ họ không phải là bù nhìn của chúng tôi như các ông thường nói”. Đồng chí Phạm Văn Đồng đã đáp lời: “Họ không phải là bù nhìn của các ông, cái đó đúng; Nhưng họ là bù nhìn của kẻ khác”.
Ngay sau chiến thắng Điện Biên Phủ và Hội nghị Giơnevơ, những khó khăn mới lại bắt đầu hiện ra - đó là sự Can thiệp của đế quốc Mỹ. Nhưng cuộc kháng chiến của quân dân ta đã cho thấy đâu là sức mạnh. Niềm tin được củng cố, niềm tin càng được củng cố không ngừng. Sang giai đoạn mới, được võ trang bằng niềm tin mới, người trí thức đã được thử thách qua cuộc kháng chiến chống thực dân; Sẵn sàng tiếp tục tiến lên theo ngọn cờ Cánh mạng của Đảng Lao động Việt Nam đã công khai ra mắt quốc dân - Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, Đảng đã lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân thành công, Đảng là nòng cốt của khối đại đoàn kết toàn dân trong Mặt trận Dân tộc thống nhất.
 
CHÂN TRỜI RỘNG MỞ
(Việt Nam trên bàn cờ quốc tế)
 
Nhà báo Trần Đình Vân:
Luật sư vừa nói về Hội nghị Giơnevơ; Luật sư có thể cho biết những suy nghĩ của Luật sư về Hội nghị lịch sử đó và kể một vài sự việc cụ thể mà Luật sư đã chứng kiến?
Luật sư Phan Anh:
Lên đường đi dự Hội nghị Giơnevơ, tôi liên tưởng đến cuộc hành trình đi dự Hội nghị Fontainebleau 8 năm về trước.
Đi Hội nghị Fontainebleau, tôi đi máy bay Pháp, có một tướng Pháp đi theo.
Đi Hội nghị Giơnevơ, cũng để đàm phán với Pháp, nhưng đi dưới làn bom đạn pháo của Pháp. Lúc đó là tháng 4 năm 1954, chiến tranh bước vào thời kỳ quyết liệt nhất. Máy bay Pháp hàng ngày oanh tạc, dội bom xuống các ngả đường giao thông. Tôi xuất phát từ Sơn Dương trên chiếc ô tô Comăngca đi ra quốc lộ số 1. Muốn vậy phải đi qua một đoạn đường đất, độc đạo từ đèo Cà ra Mẹt, mà ngày đêm đạn đại bác của Pháp liên tục nã vào, cứ 3 phút có một đợt pháo kích. Tôi đến đó vừa lúc chập tối và chứng kiến một quang cảnh không ngờ: Hai hàng nam nữ thanh niên dân công reo mừng bên cạnh những hố bom và hố đạn đại bác trên con đường còn nóng hổi. Hỏi ra mới biết các em thanh niên dân công vừa mới lấp xong những hố trên đường và nóng lòng đợi xe đi qua, để bõ công vừa lấp hố dưới làn đạn pháo. Các em nam nữ thanh niên xung phong hò hát reo mừng đón, tiễn đoàn cán bộ làm chúng tôi vô cùng cảm động. Phải tranh thủ vượt qua quãng đường trong vòng 3 phút giữa hai lần địch pháo kích. Chúng tôi đã vượt qua quãng đường độc đạo từ đèo Cà ra Mẹt giữa tràng vỗ tay reo mừng của Đoàn thanh niên xung phong và dân công sửa đường:
Địch phá, ta cứ đi, quyết tiến lên giành thắng lợi.
Trong Hội nghị đàm phán đình chiến, địch tiếp tục phá; Nhưng bọn chúng không cản nổi bánh xe lịch sử. Hội nghị đàm phán chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương đã thành công.
Nhà báo Trần Đình Vân:
Thành công của Hội nghị, trong hoàn cảnh lúc đó nên đánh giá như thế nào? Điểm đáng chú ý nhất trong thành công của Hội nghị Giơnevơ là gì?
Luật sư Phan Anh:
Câu hỏi của đồng chí giống như một câu hỏi của Ngoại trưởng Molotov - Trưởng đoàn đại biểu Liên Xô - đồng Chủ tịch Hội nghị đặt ra cho chúng tôi trong buổi gặp mặt liên hoan giữa ta và bạn sau khi Hội nghị kết thúc. Đồng chí Molotov đã hỏi tôi: “Đồng chí có thoả mãn về kết quả của Hội nghị không?”. Tôi đã trả lời: “Thoả mãn, nếu Hiệp nghị được thực hiện tốt”.
Điểm mấu chốt tồn tại là vấn để thống nhất. Ai cũng thấy thế, vấn đề đó đã được ghi trong Hiệp nghị: “Năm 1956 sẽ tiến hành tổng tuyển cử, đường vĩ tuyến 17 chỉ là giới tuyến quân sự tạm thời”. Hơn nữa nguyên tắc thống nhất đất nước đã được nhắc lại nhiều lần. Các nước dự Hội nghị đều công nhận “các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam, Lào, Campuchia độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ”.
Đó là một nội dung phải đấu tranh rất quyết liệt với phía địch và mất nhiều công phu trong cả phe ta. Cuối cùng ta cũng tranh thủ được, nhờ tinh thần độc lập tự chủ, nhờ sự kiên trì đấu tranh của phái đoàn Việt Nam, trên cơ sở biết địch, biết ta và biết bạn.
Đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai đã bội ước không chịu thi hành Hiệp nghị Giơnevơ, không chịu tiến hành tổng tuyển cử thống nhất nước nhà vào năm 1956. Nhưng các nước dự Hội nghị Giơnevơ đều công nhận quyền thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Đó là cơ sở chính trị và pháp lý để chúng ta tiến hành cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Nhà báo Trần Đình Vân:
Trong hội nghị, quan hệ của ta với các nước dự Hội nghị như thế nào?
 
Đoàn Đại biểu Chỉnh phủ ta tại Hội nghị Giơnevơ.
Hàng đầu, Ngoại trưởng Phạm Văn Đồng (ngồi giữa),
Ls. Phan Anh (bên phải), Gs. Tạ Quang Bửu (bên trái).
 
Luật sư Phan Anh:
Trước hết đối với hai nước bạn Lào và Campuchia. Phái đoàn ta, ngay khi vào Hội nghị đã đấu tranh đòi phải có Đại diện Lực lượng kháng chiến Lào và Campuchia tham dự Hội nghị.
Trưởng đoàn Pháp G.Bidault phản đối và gọi Lực lượng kháng chiến của hai nước bạn Lào và Campuchia là “ma”.
Đồng chí Phạm Văn Đồng - Trưởng phái đoàn Việt Nam đáp lại: “Trước đây các ông cũng gọi Việt Minh là “ma”. Thì hiện nay “ma” đã đánh bại các ông và đã đến đây. Lực lượng kháng chiến Campuchia và Lào cũng như vậy - Đó là lực lượng thật sự đại diện của nhân dân hai nước đó. Cứ mời họ đến đây sẽ biết. Còn “ma” thì chỉ là những người tuy còn sống, nhưng đương bị lịch sử lên án và chôn vùi - Đó là “bọn thực dân”, mà có kẻ ngồi đây là đại diện”.
Vấn để đại diện lực lượng kháng chiến của hai nước bạn, tuy cuối cùng chưa được giải quyết, nhưng đã gây một ấn tượng sâu sắc trong Hội nghị và đã có tiếng vang lớn trên báo chí quốc tế, với những dòng tít nổi bật: “Ông Phạm Văn Đồng và ông G.Bildault nói chuyện “ma” ở hội nghị Giơnevơ”, nhiều tờ báo ở Giơnevơ và Paris đã thuật lại cuộc đối thoại giữa phái đoàn Việt Nam và phái đoàn Pháp.
Nhà báo Trần Đình Vân:
Thái độ của các nước lớn như thế nào?
Luật sư Phan Anh:
Liên Xô, nước đã có sáng kiến triệu tập Hội nghị Giơnevơ để bàn vấn để Đông Dương đã ủng hộ các nước Đông Dương mạnh mẽ và có hiệu lực ở Hội nghị. Chính trong một phiên họp toàn thể, long trọng, Trưởng phái đoàn Liên Xô đã đọc một bài diễn văn rất quan trọng, phân tích tình hình chính trị trên thế giới một cách toàn diện và lên án kịch liệt đế quốc Mỹ sử dụng những lực lượng phản động ở Pháp để hòng kéo dài chiến tranh phi nghĩa, bẩn thỉu ở Đông Dương. Bài diễn văn đó đã được các giới bình luận quốc tế gọi là bản cáo trạng đanh thép luận tội Trưởng phái đoàn Pháp Bidault. Chính Bidault đã mất tinh thần. Khi các nhà báo đến phỏng vấn sau buổi họp, Y đã thú nhận: “Cuộc họp này có thể là cuộc họp cuối cùng của tôi”.
Quả vậy, ngày hôm sau Chính phủ Bidault bị Quốc hội Pháp chất vấn về cuộc đàm phán ở Giơnevơ, Chính phủ Bidault bị lật đổ. Việc này mở đường cho Chính phủ mới do ông Mendès France làm Thủ tướng - Người thay mặt Chính phủ Pháp tiếp tục đàm phán đình chiến ở Đông Dương tại Hội nghị Giơnevơ.
Nhà báo Trần Đình Vân:
Còn Trung Quốc?
Luật sư Phan Anh:
Ở những cuộc họp công khai, đoàn đại biểu Chính phủ Trung Quốc thường ủng hộ Việt Nam. Nhưng ngay cả trong những cuộc họp công khai, cũng có rất nhiều điều mà tôi thấy lấy làm lạ. Ví dụ cuộc chiêu đãi ăn mừng thành công Hội nghị Giơnevơ do phái đoàn Trung Quốc đứng ra tổ chức và mời. Trước khi đến dự, tôi cứ tưởng đó là cuộc liên hoan giữa 3 phái đoàn Việt Nam - Liên Xô - Trung Quốc. Nhưng không phải vậy, buổi chiêu đãi không có mặt đại biểu phái đoàn Liên Xô mà lại có mặt đại biểu phái đoàn của Bảo Đại, phái đoàn Vương quốc Campuchia và phái đoàn Vương quốc Lào. Hơn nữa, khi nâng cốc chúc rượu, thì chủ nhà lại chúc sức khoẻ vua chúa trước tiên.
Nhà báo Trần Đình Vân:
Còn những vấn đề thống nhất đất nước; Vị trí tập kết của quân đội đôi bên; Vị trí chiến lược của lực lượng kháng chiến Lào, Cam Pu Chia; Thái độ của phái đoàn Trung Quốc như thế nào?
Luật sư Phan Anh:
Đó là những vấn đề đấu tranh gay gắt nhất. Hội nghị Giơnevơ gồm 2 bước: Bước thứ nhất từ ngày 8 tháng 5 đến 23 tháng 6 và bước thứ hai từ ngày 23 tháng 6 đến 20 tháng 7 năm 1954.
Bước thứ nhất: Trưởng phái đoàn Pháp Bidault chỉ tiếp xúc riêng với Trưởng phái đoàn Trung Quốc. Sách trắng của Việt Nam đã nói rõ: Trung Quốc đã nhượng bộ Pháp nhiều điều cơ bản trong những vấn đề trên.
Bước thứ hai: Phái đoàn Pháp đàm phán trực tiếp với phái đoàn ta; Một đặc điểm trong bước này là Mendes France, khi được Quốc hội Pháp bầu làm Thủ tướng, tiếp tục đàm phán ở Hội nghị Giơnevơ, đã tuyên bố sẽ từ chức nếu ngày 20 tháng 7 không ký được Hiệp định. Rõ ràng đó là một thủ đoạn để gây áp lực đối với phía ta. Mặt khác, ta cũng bị phái đoàn Trung Quốc gây sức ép, lấy cớ là điều kiện đã chín muồi, Việt Nam nên chấp nhận để tranh thủ hoà bình. Hai sự thúc ép đó phải chăng là sự trùng hợp ngẫu nhiên?
Nhà báo Trần Đình Vân:
Còn phía Pháp, Anh, Mỹ?
Luật sư Phan Anh:
Pháp là đối thủ chính của Việt Nam, nên cuộc đấu tranh ngoại giao ở Hội nghị, gắn chặt với cuộc đấu tranh quân sự trên chiến trường giữa bộ đội ta với quân đội Pháp và cuộc đấu tranh chính trị của nhân dân Pháp chống lại chính sách chiến tranh phi nghĩa của Chính phủ Pháp. Về quân sự thì chiến thắng Điện Biên Phủ đã có tác động quyết định. Trên cơ sở đó cuộc đấu tranh ngoại giao càng có đà tiến lên. Hội nghị họp ở Giơnevơ, ngay bên cạnh nước Pháp là một trung tâm phát ra những tin tức sốt dẻo, những tài liệu phong phú. Có thể nói đó là những vũ khí sắc bén, những tia lửa màu nhiệm đẩy dư luận tiến bộ Pháp chiếm thêm những vị trí chiến lược quan trọng trong chính trường Pháp. Nhờ vậy mà Chính phủ Laniel Bidault đã bị Quốc hội Pháp lật đổ giữa lúc Hội nghị Giơnevơ đương họp, vì Bidault là đại diện cho thế lực phản động Pháp làm tay sai thực hiện chính sách tiếp tục xâm lược của Hoa Kỳ. Có thể nói rằng cuộc đấu tranh chính trị đã góp một phần quan trọng trong thành công của Hội nghị, tuy rằng thành công đó đã bị hạn chế bởi những điều kiện cụ thể tôi đã nói ở trên.
Nhà báo Trần Đình Vân:
Nếu không bị hạn chế như vậy, thì theo Luật sự kết quả của Hội nghị đối với ta có tốt hơn không?
Luật sư Phan Anh:
Để trả lời câu hỏi đó của anh, tôi kể lại đây một số sự việc cụ thể đã diễn ra sau khi đồng chí Phạm Văn Đồng phát biểu về lập trường của ta trong 8 điều nổi tiếng lúc đó, đòi độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ cho ba nước Việt Nam - Lào - Cam Pu Chia và đặt quan hệ hợp tác với Pháp trong phiên họp công khai thứ hai của Hội nghị vào ngày 10 tháng 5 năm 1954.
Bài phát biểu của Trưởng đoàn Việt Nam gây xúc động trong Hội nghị, làm cho dư luận báo chí quốc tế xôn xao, lên án mạnh mẽ thực dân Pháp và can thiệp Mỹ một cách sâu sắc và đưa ra lập trường của ta trên cơ sở hợp lý hợp tình, có sức thuyết phục bất cứ ai có thiện chí và yêu chuộng hòa bình, tự do.
Ngoại trưởng E Den - Trưởng phái đoàn Anh, đồng Chủ tịch Hội nghị đã tuyên bố: “Tôi chăm chú nghe bài phát biểu của vị Đại biểu nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Tôi đồng tình với Ngài về nguyện vọng độc lập dân tộc”. Nhưng đến phần lên án Pháp và Mỹ thì ông ta lẩn tránh và nói: “Chúng ta không cần bàn xem ai có trách nhiệm trong cuộc chiến tranh này, mà chỉ nên bàn cách giải quyết”. Riêng đối với Mỹ, ông ta nói với lời nói rất độc đáo của người Anh - Lời nói “cù mà không cười”: “Hoa Kỳ đúng là một nước mạnh, nhưng Họ không dùng sức mạnh để áp bức các nước khác”. Ông ta kết luận với một nhận định lạc quan: “Đã có đủ yếu tố để đi tới một kế hoạch làm việc nhanh chóng trong tuần lễ tới”.
Còn đại biểu phái đoàn Mỹ Bedeel Smith thì tuyên bố: “Nhiệt liệt hoan nghênh những kiến nghị của phái đoàn Việt Nam về vấn đề thương binh ở Điện Biên Phủ”. Nhưng về lời tố cáo, thì ông ta nói: “Tôi không trả lời vì đã quen nghe và đã thành chai”.
Ngoài Hội nghị Giơnevơ, trên thế giới bài phát biểu của Trưởng phái đoàn Việt Nam đã làm chấn động dư luận. Đoàn Pháp trong Hội nghị không nói gì, nhưng ra hành lang gặp báo chí, tìm cách giảm ảnh hưởng bài phát biểu của ta, cho rằng Việt Nam khéo léo đưa ra những điều phải chăng để tranh thủ dư luận, còn tuyên bố của Việt Nam sẵn sàng gia nhập Liên hiệp Pháp có khác gì Liên Xô gia nhập khối Bắc Đại Tây Dương (OTAN).
Một nghị sỹ Pháp trước kia đứng về phía bên kia, khi gặp tôi đã xiết chặt tay và nói “Hoà bình đã đến trong tầm tay”. Báo chí Pháp hôm sau đăng những phản ứng ở khắp các Thủ đô các nước châu Âu. Các báo đều hoan nghênh lập trường của Việt Nam là phải chăng, hợp tình hợp lý, dĩ nhiên với mức độ khác nhau. Những tờ báo chống lại ta trước đây cũng nói cách đặt vấn đề của ta rất “khéo
Ở Thủ đô Paris, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pháp đã chính thức cải chính một lời tuyên bố hôm trước của phái đoàn Pháp, ông ta nói: “Đoàn Pháp không bác bỏ những đề nghị của Việt Minh và coi đó là những điều có thể thảo luận".
Ở Wasington, Ngoại trưởng Mỹ Dulles tuyên bố: “Nếu Đông Dương mất, Mỹ vẫn tiếp tục bảo vệ Đông Nam Á. Còn Lào, Campuchia ít dân không quan trọng lắm”. Lời tuyên bố của Dulles đã gây một làn sóng phản đối thái độ phái đoàn Bidault ở Quốc hội Pháp, vì vậy Bộ Ngoại giao Pháp đã phải cải chính lời tuyên bố của phái đoàn Pháp.
Ở Londres, dư luận chống chiến tranh cũng sục sôi. Giới ngoại giao Anh khi nghe lời tuyên bố của Dulles - một lời tuyên bố quá trớn (theo cách thức ngoại giao) khuyên dư luận không nên để ý đến “những lời nói vội vàng”.
Những sự việc đó đều nói lên một điều: Chiều hướng dư luận thế giới ủng hộ độc lập tự do của các dân tộc càng ngày càng mạnh lên, cụ thể là đối với Việt Nam và gây sức ép càng ngày càng tăng đối với các Chính phủ thực dân. Bọn hiếu chiến Pháp càng bị cô lập và sau đó một tháng thì bị lật đổ. Bọn can thiệp Mỹ không dám đơn phương nhảy vào cuộc chiến tranh vì dư luận Mỹ không cho phép.
Còn ở Việt Nam, khí thế quân dân ta ở khắp cả nước đương lên mạnh mẽ, tinh thần quân đội viễn chinh Pháp ngày càng sa sút và nhiều nguy cơ bị tiêu diệt. Một vài sự việc cụ thể tôi vừa kể lại cũng đủ trả lời câu hỏi của Anh: “Kết quả Hội nghị có thể tốt hơn không?”. Tất cả tài liệu lịch sử và những sự kiện trong 25 năm qua đã chứng tỏ Nhà cầm quyền Trung Quốc đã có những nhân nhượng đối với Pháp. Trái với quyền lợi của ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia; Trái với quyền lợi của nhân dân Trung Quốc, làm tổn thương đến tình hữu nghị vốn có giữa những người bạn đã cùng nhau chiến đấu chống bọn đế quốc thực dân !.
 

Qúy độc giả xem Phần I tại đây

 

Qúy độc giả xem Phần II tại đây

 

Qúy độc giả xem Phần III tại đây

 

Qúy độc giả xem Phần IV tại đây

 
Bài viết liên quan
09/22/2021
Một góc nhìn Lịch sử - Phần IV

Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà báo Hồng Thanh Quang. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Đỗ Như Cự. Biên tập: Nhà báo Hồng Thanh Quang, Ông Đỗ Như Cự, Ông Chu Văn Ngọc.

09/22/2021
Một góc nhìn Lịch sử - Phần III

Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà báo Hồng Thanh Quang. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Đỗ Như Cự. Biên tập: Nhà báo Hồng Thanh Quang, Ông Đỗ Như Cự, Ông Chu Văn Ngọc.

07/23/2021
Một góc nhìn Lịch sử - Phần I

Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà báo Hồng Thanh Quang. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Đỗ Như Cự. Biên tập: Nhà báo Hồng Thanh Quang, Ông Đỗ Như Cự, Ông Chu Văn Ngọc.