Một góc nhìn Lịch sử
Một góc nhìn Lịch sử - Phần I
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà báo Hồng Thanh Quang. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Đỗ Như Cự. Biên tập: Nhà báo Hồng Thanh Quang, Ông Đỗ Như Cự, Ông Chu Văn Ngọc.
Bốn trong sáu thành viên Hội đồng Quốc phòng tối cao chụp ảnh kỷ niệm tại Chiến khu Việt Bắc (1948).
Từ trái sang các ông: Phan Anh, Võ Nguyên Giáp,
Lê Văn Hiến, Tạ Quang Bửu.
 
 
LUẬT SƯ PHAN ANH
THÂN THẾ VÀ SỰ NGHIỆP
TÓM TẮT
*
Luật sư Phan Anh sinh ngày 1 tháng 3 năm 1912 tại làng Tùng Ảnh xã Châu Phong huyện Đức Thọ tỉnh Hà Tĩnh. Gia phả dòng họ Phan Tùng Mai (Tùng Lĩnh - Mai Hồ) lại ghi Luật sư Phan Anh sinh vào ngày giỗ cụ Thái bộc Phan Dưỡng Hạo, tức là vào ngày 26 tháng 10 năm Tân Hợi (ngày 16 tháng 12 năm 1911).
Luật sư Phan Anh là cháu đời thứ 22 của cụ Phan Hách - dòng họ Phan Tùng Mai. Thủy tổ Phan Hách sinh vào thời nhà Trần (thế kỷ XIII) đời vua Trần Nhân Tông. Cụ Phan Hách lấy Văn chương xây dựng cơ nghiệp. Cụ làm Vương phó sư triều Trần. Cụ bà là Cao Thị Tân.
Luật sư Phan Anh còn thuộc chi Sửu phái. Chi Sửu phái là thế nào?
Nếu tính Thủy tổ Phan Hách - đời thứ nhất (1), thì cụ Phan Sơn Phủ thuộc đời thứ 7, vào thời Hậu Lê. Cụ Phan Sơn Phủ thi Hương đời Thái Hòa đậu Tam trường, đến đời Diên Ninh đậu Tứ trường - Quốc tử Giám trung xã. Cụ bà là Nguyễn Thị Bào (con gái cụ Nguyễn Đình - đậu Tiến sĩ thời Trần). Hai cụ sinh ra cụ Phan Dư Khánh.
Cụ Phan Dư Khánh là con thứ 2, đậu Tiến sĩ năm Tân Sửu, đời Hồng Đức (Hiện nay tên còn ghi trên bia Tiến sĩ tại Quốc tử Giám). Cụ bà là Nguyễn Thị Kính. Hai cụ sinh 4 trai, 1 gái. Đến đời thứ 8 này, con cháu khá đông; Nên dòng họ Phan Tùng Mai chia ra làm 6 phái: Tý, Sửu, Dần, Mão, ... Cụ Phan Dư Khánh là Trưởng dòng Sửu phái.
Cụ Phan Dưỡng Hạo - đời thứ 17 của dòng họ Phan Tùng Mai - Sửu phái. Con trưởng của cụ Phan Dưỡng Hạo là cụ Phan Bá Đạt đậu Tiến sĩ, làm quan đến chức Thượng thư. Do đó, cụ Phan Dưỡng Hạo được truy tặng hai lần: Thị độc Học sĩ và Thái bộc Tự khanh. Cụ bà được truy tặng Cung nhân, gia tặng tòng Tam phẩm thục nhân. Hai cụ sinh được 3 trai, 1 gái (Sau này, con gái cụ Phan Bá Đạt là thân mẫu cụ Phan Đình Phùng).
Người con thứ 3 của cụ Phan Dưỡng Hạo là cụ Phan Như Thức, đời thứ 18, sinh năm Tân Mão, triều Minh Mạng. Cụ thi Hương đậu Tú tài, năm Bính Ngọ đậu Cử nhân, Năm Canh Tuất triều Tự Đức được bổ làm Giáo thụ phủ Ứng Hòa. Cụ bà là Võ Thị Yên. Hai cụ sinh được một con trai là cụ Phan Đình Ôn. (Nhà Thờ Phan Điện - Di tích lịch sử cấp Tỉnh ở Hà Tĩnh hiện nay là do cụ Phan Như Thức khởi đầu).
Cụ Phan Đình Ôn (đời thứ 19), sinh năm Đinh Mùi, thi Hương đậu Tú tài, làm nghề Dạy học. Cụ bà là Nguyễn Thị Hân. Hai cụ sinh được một con trai là Phan Văn Điển (đời thứ 20) tự là Văn Tao. Năm Giáp Thìn thi Hương đậu đầu xứ, làm nghề Dạy học (Cụ Phan Văn Điển là nòng cốt của phong trào Cần Vương do cụ Phan Đình Phùng lãnh đạo). Cụ bà là Phan Thị Đạo (Con Tổng mục Phan Duy Trinh, cháu nội cụ Phan Đình Phùng). Hai cụ sinh được một con trai là Phan Văn Điện (thường gọi là cụ Phan Điện), thuộc đời thứ 21 dòng họ Phan Tùng Mai.
Cụ Phan Điện sinh năm Giáp Tuất (1884), mất năm Ất Dậu (1945). Cụ thi Hương năm nào cũng trượt, vì khoa nào cũng phạm trường quy. Sau Cụ chán khoa cử, sang làm nghề dạy học (cụ đồ Điện). Cụ bà là Võ Thị Cưu. Hai cụ sinh được 4 con trai, 3 con gái; Cuối cùng còn lại 3 người là Phan Anh, Phan Mỹ và Phan Thị Lập (Phan Anh là cậu Sáu, Phan Mỹ là cậu Bảy).
Tôi được nghe Luật sư Phan Anh nói rằng:
Được cụ Phan Điện dạy học chữ Hán từ nhỏ và làm cho Ông biết được Đạo Khổng: “Tu thân, Tề gia, Trị quốc, Bình thiên hạ”. Và, Cụ chọn hai câu đối gối đầu giường: “Tầm bất quý khâm, hành bất quý ảnh” và “Tư kỳ sở văn, hành kỳ sở tri”. (Nghĩa là: “Nằm không thẹn với chăn, đi không thẹn với bóng” và “Suy nghĩ những điều mình được nghe, thực hiện những điều mình đã biết”).
Ông nói: Liên hệ tình hình hiện nay, rõ ràng là: “Tuy có đường lối Đổi Mới, nhưng chúng ta luôn nhắc nhau là phải chú ý phấn đấu bản thân để sao không lúc nào phải thẹn với lương tâm; Đối với công việc xã hội, chúng ta không được chủ quan, phải biết lắng nghe mọi người, để suy nghĩ và hành động”.
Sau ngày Luật sư Phan Anh ra đi, nhiều người gặp tôi, để nhắc đến quá trình phụng sự đất nước của Ông. Vì, bất cứ lâm vào hoàn cảnh nào, ông cũng chủ động được ý chí, vượt các rào cản chính trị phức tạp ngoài xã hội để vận động mục tiêu lớn - Đó là: “Độc lập, thống nhất đất nước” và khả năng sử dụng tri thức pháp lý, nhằm “tiến tới một nhà nước pháp quyền”. Họ còn nhắc đến đức tính trung tín và nhẫn nhượng, biết việc, biết người.
Nhiều người làm tôi nhớ lại quá trình rèn luyện của Ông, như: Cụ sư Thích tự Đàm Y nhắc: Ông có hai năm ở chùa Lũng Tiên, Kiến An, Hải Phòng, để học hai năm cuối tiểu học; Cụ sư nhớ mãi cách sống khái tính trong Ông. Hoặc ông Vũ Văn Hoàn (em Luật sư Vũ Văn Huyền - bạn thời niên thiếu của Ông); Sau này dạy Sử trường Trung học Việt - Đức hồi Thủ đô mới giải phóng, khi nói chuyện lại hình dung Ông như một “Trẻ nho”: “Tuy theo Tây học, nhưng vẫn là một nhà Hán học uyên sâu, lấy nhân nghĩa, đạo đức làm đầu” ... Tất cả những mẩu chuyện to nhỏ, tôi đều đưa vào cuốn Hồi ký “Những chặng đường Anh đi”.
Tại đây, tôi xin tóm tắt một số nội dung hoạt động của Ông trong Hồi ký:
Học trường Bưởi, qua phong trào hoạt động yêu nước của học sinh, Ông đã được tiếp xúc với tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” của Nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc ... Ông còn dạy học tư để có tiền giúp Bố, nuôi em.
Sau khi Ông đỗ Tú tài, với ba bằng: Tú tài bản xứ, Tú tài Tây Triết học và Tú tài Toán học, Ông càng đẩy mạnh việc dạy học tư ở hai trường Gia Long, Thăng Long Hà Nội trong các mùa hè.
Vào học Khoa Luật của trường Đại học Đông Dương; Ông chăm chú học tập và tiếp tục việc dạy học tư. Ông còn tham gia hoạt động trong phong trào sinh viên và được bầu làm Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Đông Dương.
Những năm 1935 - 1936 - 1937 đánh dấu cao trào Mặt trận Bình dân bên Pháp và sự hình thành phong trào Dân chủ ở Đông Dương, Tổng hội Sinh Viên Đông Dương được các phong trào đó thúc đẩy, đã tổ chức những cuộc vận động quần chúng rộng lớn, nhằm gây dựng phong trào Thanh niên Việt Nam hưởng ứng phong trào Bình dân đang được dấy lên ở Pháp.
Đồng thời, với việc tăng cường hoạt động của Tổng hội Sinh viên, Ông đi Huế - qua Sài Gòn - qua Phnôm Pênh: Cuộc hành trình một mình này nhằm đề cao vai trò của Tổng hội Sinh viên Đông Dương trước mắt các nhà chức trách. Như ở Hà Nội, thể hiện vai trò của Tổng hội Sinh Viên với ông Tổng giám đốc Nha học chính Đông Dương, Thống sứ, Toàn quyền. Ở Huế, là vai trò của Tổng hội Sinh viên với Khâm sứ và giới trí thức; Ở Phnôm Pênh, là vai trò Tổng hội Sinh viên với Khâm sứ và giới công chức Campuchia.
 
Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Đông Dương
Phan Anh (ngồi hàng sau)
chụp kỷ niệm với các bạn thanh niên Campuchia.
 
Thực hiện các cuộc vận động này, Ông có hai bài diễn văn đáng lưu ý: Một là, diễn văn ở trường Đại học Hà Nội, mà Đài Truyền thanh đầu tiên ở Hà Nội (do một tư nhân người Pháp kinh doanh thành lập) đã truyền đi khắp Đông Dương. Hai là, bài nói chuyện ở Huế do Hội Công chức Huế tổ chức.
Cuối năm 1937, Ông được học bổng sang Pháp. Đi du học, Ông lại bộc lộ quyết tâm thực hiện ý chí đã được Người Cha - cụ đồ Điện nuôi dưỡng từ bé: “Muốn bắt hổ phải dám vào hang hổ. Học văn minh Phương Tây để thoát ách đô hộ của Phương Tây”.
Tới Paris, Ông bắt đầu liên lạc với Tổng hội Sinh viên Pháp. Vì Ông sang Pháp với hai mục đích: Thứ nhất, Học Luật, qua Tiến sĩ để thi Thạc sĩ Đại học Luật. Thứ hai, tìm hiểu xã hội Pháp để hoạt động chính trị phục vụ sự nghiệp ích nước, lợi dân. Cụ thể tìm được con đường giải phóng đất nước mình. Nhưng sau đó Ông đã bỏ con đường dập khuôn chính trị Pháp để chuyên tâm học tập Pháp lý.
Chiến tranh thế giới lần thứ II bùng nổ, Ông phải bỏ dở việc thi cử, Nhưng việc học và nghiên cứu Luật ở Pháp đã mang lại cho ông nhiều hiểu biết tổng hợp về pháp luật, trong đó có việc tiếp xúc với những quan điểm tiến bộ của thế giới.
Năm 1940 trong khi nước Pháp thua trận, bị phát xít Đức chiếm đóng, Ông thấy cơ hội đã đến, phải sớm trở về nước hoạt động chính trị để giải phóng Tổ quốc. Việc quyết định hành nghề Luật sư đã mở ra cho Ông một con đường mới để hoạt động xã hội, vì luật sư là một nghề tự do, có nhiều điều kiện và khả năng hoạt động chính trị.
Mới về nước, Ông còn chưa quan niệm được lực lượng to lớn của nhân dân tiến lên dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh. Do vậy, một nhóm trí thức hình thành và góp tiền, mở tờ báo Thanh Nghị và tờ báo Khoa học với mục đích làm chính trị, tranh đấu cho Độc lập dân tộc. Để tránh “kiểm duyệt”, nhóm phải dung hòa bằng nội dung khảo cứu kinh tế, văn hóa. Chính vì thế mà người ta gọi là “nhóm Thanh Nghị”. Báo Thanh Nghị và nhóm Thanh Nghị ra đời đã tạo ra một luồng sinh khí tiếp sức rất cần thiết cho nhân dân và đất nước lúc đó.
Thanh nghị nói chung, muốn hay không cũng đã góp sức với Việt Minh tiến hành thuận lợi cuộc Cách mạng tháng 8 và tiếp sau là hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Vì, tình hình khẩn trương của đất nước đã khiến Ông viết những bài báo để đón năm 1945.
Song song với việc làm báo Thanh Nghị, viết báo Thanh Nghị, Ông vẫn làm Luật sư tại Tòa Thượng thẩm và nhận làm Luật sư bào chữa ở Tòa án Quân sự. Tại tòa án Quân sự, Ông tiếp xúc với cung cách làm việc của chính quyền Pháp, Ông càng thấy rõ thêm diễn biến tình hình Đông Dương, tình hình nước Pháp và xu hướng tình hình thế giới. Cụ thể: Năm 1943, trong hàng ngũ quân nhân Pháp, phong trào thân De Gaulle cũng tăng theo chiều hướng phát triển thắng lợi của hai cuộc đại chiến thế giới; Thế kháng chiến trong hàng ngũ Pháp càng tăng thì áp lực của Nhật càng mạnh, cho nên những vụ án Việt Minh cũng bị ảnh hưởng. Tình hình đó, giúp ông thấy được xu hướng thời cuộc, càng thấy thế tiến lên của phe Đồng Minh. Từ đó, thấy được triển vọng thay đổi với chiều hướng có lợi hơn cho đất nước Việt Nam.
Tình hình Đông Dương sôi động, em trai Luật sư - Ông Phan Mỹ sau khi tốt nghiệp Cử nhân Luật, cũng hoạt động chính trị, tham gia tuyên truyền cho phong trào Việt Minh, nhằm cổ vũ người nghe có lòng yêu nước đứng lên giành lại độc lập cho Tổ quốc, được giới sinh viên, trí thức Hà Nội náo nhiệt hưởng ứng. Luật sư thấy em trai mình thoát ly gia đình, ông đoán rằng: Em mình đang hoạt động cho phong trào bí mật, đã dấn thân theo con đường cách mạng, ông không gợn một chút thắc mắc nào mà luôn thấy ở em mình lòng yêu nước sâu sắc như chính bản thân ông vậy.
*
Ngày 9 tháng 3 năm 1945, quân đội Pháp ở Đông Dương đã bị quân đội Nhật giải giáp, chủ quyền của Pháp ở Đông Dương không còn. Việt Nam, về nguyên tắc đã trở thành một nước Độc lập tự do. Vua Bảo Đại mời Luật sư Phan Anh vào Huế. Ông Dương Đức Hiền - Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam khuyên Luật sư Phan Anh “Không nên vào Huế”. Với bầu nhiệt huyết yêu nước của tuổi thanh niên, nghĩ đến cuộc đấu tranh vì nền độc lập, ông vẫn đi.
Đến Huế, Luật sư Phan Anh gặp vua Bảo Đại.
Trao đổi về thời cục, Ông cho nhà Vua biết phong trào Sinh viên Việt Nam là sôi nổi, đó là những thành phần yêu nước và đặc biệt lưu ý vua Bảo Đại tới bọn “thân Nhật”, cần phải chặn tay bọn này. Trong nước, chúng có thể gieo nhiều tai họa cho đồng bào, gây nên cảnh “nồi da, nấu thịt”. Trên trường quốc tế, chúng có thể câu kết với Nhật, đưa nước nhà đến chỗ phiêu lưu, chống lại Đồng Minh.
Ông còn lưu ý Nhà Vua chú ý tới những Người có quan điểm như nhóm Thanh Nghị, họ đi theo đường lối chống Pháp, giữ vấn đề trung lập với Nhật, để giữ thế giao hảo với Đồng Minh. Việc thành lập Chính phủ phải gồm những trí thức thông minh. Vì, đã là một trí thức thông minh thì bao giờ cũng có tính độc lập. Và, những trí thức đó phải đại diện được cho phong trào yêu nước ở ba kỳ Bắc - Trung - Nam. Nghĩa là, lập Chính phủ chủ yếu là phải chống lại bọn cơ hội thân Nhật, chống cảnh nội chiến và đặc biệt tránh mưu đồ của Nhật dùng quân ta chống quân Đồng Minh. Chính cũng vì lẽ đó, Chính phủ không nên có Bộ Quốc phòng và nên tập trung vào hoạt động của thanh niên
Vua Bảo Đại hỏi về việc Người đứng lên lập Chính phủ, Ông vẫn nhắc tránh người thân Nhật. Nếu phải chọn giữa ông Ngô Đình Diệm và ông Trần Trọng Kim, thì nên là ông Trần Trọng Kim. Ông tin ông Trần Trọng Kim, không chỉ vì ông là trí thức, ông là một Nhà Nho, mà còn vì Luật sư đã có dịp tiếp xúc, trao đổi về tình thế đất nước trong những năm qua. Ngày đó, ông Trần Trọng Kim tuy chưa thổ lộ ý đồ, nhưng hướng phấn đấu của ông cũng đã có, đó là phải tranh thủ tình thế để giành độc lập cho đất nước. Nghĩa là, Ông đã hiểu mục đích của Giáo sư Trần Trọng Kim cũng là giải phóng dân tộc. Khi thấy có thể nhất trí được với nhau, Ông đã tham gia Chính phủ, nhận làm Bộ trưởng Bộ Thanh niên.
Làm Bộ trưởng Bộ Thanh niên, ông Tôn Quang Phiệt là người thường xuyên đi lại và đã đưa ông Hoàng Anh lúc đó là đại diện phong trào Việt Minh ở Huế tới gặp riêng Ông, tại nơi ở của các Bộ trưởng (Hoàng Xuân Hãn, Phan Anh và Thủ tướng Trần Trọng Kim). Các Ông sống rất tâm đắc, đó là khi làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã chọn một đoạn viết trong bài viết của Luật sư Phan Anh đăng ở báo Thanh Nghị (năm 1944) với đầu đề là “Địa vị của những nước nhỏ sau chiến tranh” để làm bài thi Chính tả cho học sinh toàn quốc, thi tốt nghiệp phổ thông.
Trong nội các này, ông Trần Trọng Kim thường xuyên bàn chuyện với Ông. Điều đó do nhiều lẽ, có lẽ do quan điểm chính trị và những bài phát biểu của Ông trong các cuộc họp Nội các đều tỏ ra sắc sảo, đáng được lắng nghe, ví dụ việc: “Thải dần công chức người Pháp, thay thế bằng người Việt Nam”. Ông Trần Trọng Kim chắc cũng phân tích tình hình như Ông phân tích: “Đồng Minh sẽ thắng, trong đó Pháp sẽ có phần. Vậy, nếu còn để nhân viên người Pháp trong bộ máy hành chính sẽ là trở ngại lớn cho phía ta”. Một chính sách nữa mà ông Trần Trọng Kim cũng nhất trí với Ông, đó là phải có tổ chức dân biểu. Do lúc đó không thể có điều kiện tổ chức bầu cử, mà phải chỉ định những nhân sĩ, trí thức vào Ban Dân biểu ở Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam Kỳ. Tuy nhiên, thực tế những tổ chức đó có tuyên bố tên, có việc thành lập, nhưng cũng chưa hoạt động được gì. Nhưng về mặt pháp lý là đạt được mục đích: “Trả lại Nam kỳ cho Việt Nam”.
Khi thành lập Chính phủ, một vấn đề lớn mà Ông nêu: “Đó là phải giữ thế trung lập giữa Nhật và Đồng Minh”. Do đó, không đặt ra Bộ Quốc phòng, vì có Bộ Quốc phòng sẽ có quân đội và khi đã có quân đội thì có đưa quân đội đó tham gia vào chiến tranh hay không. Cho nên Chính phủ quyết định không có Bộ Quốc phòng, mà thay vào đó Bộ Thanh niên.
Bộ Thanh niên có hai tổ chức: Một là - Thanh niên Xã hội là tổ chức bao trùm toàn quốc. Ở mỗi tỉnh đều có “Thủ lĩnh” Thanh niên. Người “Thủ lĩnh” này được chọn trong những thanh niên yêu nước và có thành tích hoạt động ở địa phương. Thanh niên Xã hội không có tổ chức chặt chẽ, nó bao gồm tất cả những thanh niên tự giác làm công tác xã hội, như tuyên truyền cho độc lập của Việt Nam phục vụ phát triển bình dân học vụ, ... Hai là - Ở Huế có thành lập một trường có khoảng dăm chục người, gọi là trường Thanh niên Tiền tuyến. Trường Thanh niên này có nhiệm vụ huấn luyện thao tác quân sự do một thanh niên quân nhân của Pháp là ông Phan Tử Lăng làm Hiệu trưởng. Về sau này khi Cách mạng tháng 8 thành công, thì Hiệu trưởng và hầu hết học viên của nhà trường đều phục vụ kháng chiến, có nhiều người lên đến cấp tướng, còn Thanh niên Xã hội ở khắp nơi, thì hầu hết gia nhập phong trào Việt Minh.
Ông còn kể với tôi rằng: Sau khi tham gia Chính phủ và các buổi diễn thuyết ở Huế, vua Bảo Đại đã trách Ông, đã không nói gì đến Nhà Vua, mà chỉ nói tới vấn đề độc lập dân tộc. Ông có sửa chữa. Vì lẽ đó, mấy hôm sau Khai mạc trường Thanh niên Tiền tuyến Huế, Ông đã đưa vào bài diễn văn khai mạc của mình hai câu sau: “Trường ta tuy trẻ, nhưng Thầy dạy là Người ta. Nhà ta tuy nhỏ, nhưng Nhà đó là của Vua ta”.
Từ Huế ra Hà Nội, qua địa phương nào Luật sư Phan Anh cũng tổ chức diễn thuyết tuyên truyền phong trào giành độc lập dân tộc cho đất nước và đường lối đối nội, đối ngoại của Chính phủ Trần Trọng Kim. Về đối Nội là giữ vững tinh thần độc lập dân tộc; Về đối Ngoại là giữ thế trung lập với Đồng Minh. Ông còn đề cập đến những công việc Chính phủ đang cố gắng làm, như việc thành lập Hội đồng dân biểu để tạo chỗ dựa về mặt chính trị, hành chính cho Chính phủ. Theo Ông việc đáng kể nhất là việc Chính phủ quyết định thả tù chính trị. Về kinh tế có việc xóa bỏ thuế thân, giảm tô (không còn việc thu thóc thuế của dân để nộp cho Nhật như Pháp đã làm trước đó). Về tổ chức nhà nước, cấp tỉnh - bỏ chế độ Tổng đốc, thay bằng Tỉnh trưởng và có chế độ khâm sai ở Bắc, Trung, Nam. Đồng thời, chọn những trí thức yêu nước điều hành công việc ở các địa phương, như: Bác sỹ Trần Văn Lai làm Thị trưởng thành phố Hà Nội; Giáo sư Nguyễn Lân làm Thị trưởng thành phố Huế; Giáo sư Đặng Thai Mai làm Tỉnh trưởng Thanh Hóa ...
Ông cũng hiểu được những bài diễn văn của mình trong các cuộc mít tinh đã phản ánh được một phần nguyện vọng của đa số quần chúng. Giúp nhân dân thấy rõ hơn triển vọng của cuộc chiến tranh đưa Đồng Minh đến tất thắng; Thế của ta là cần phải giữ quan hệ tốt với Đồng Minh. Đồng thời, thúc đẩy Nhật đẩy người Pháp ra khỏi các công sở.
Những ngày đó phải rất cảnh giác, vì độc lập của ta lúc đó rất mong manh như “trứng để đầu đẳng”. Ông lấy Li Băng làm ví dụ: Li Băng lúc đó đương bị thực dân Pháp trở lại chiếm đóng và không khí chống đế quốc Pháp ở Li Băng rất sôi nổi. Bác sĩ Trần Văn Lai - Thị trưởng Hà Nội lúc đó tổ chức quần chúng thanh niên đi phá các tượng đài, phá các biểu tượng cho sự đô hộ của Pháp ... Ngoài ra anh em còn cho biêt: Quảng trường là nơi tập hợp các đơn vị Thanh niên Xã hội tham gia mít tinh, trong những đơn vị này có một đơn vị mặc đồng phục kiểu Nhật (có thể do Nhật tổ chức) cũng tham gia diễu hành sau cuộc mít tinh. Nhưng đơn vị này cũng sớm phải giải tán, vì bị công chúng chế diễu.
Nhìn chung thái độ của Nhật đối với Luật sư là nửa tin nửa ngờ. Ví dụ: Khi Ông từ Hà Nội vào Huế sau buổi diễn thuyết tại cuộc mít tinh ở Quảng trường nhà hát thành phố; Xe của Ông có cắm cờ viết bằng chữ Hán “Bộ trưởng Thanh niên”. Bình thường khi có cờ hiệu như vậy, quân Nhật canh gác ở các trạm kiểm soát giao thông để xe đi qua. Nhưng lần này đến trạm kiểm soát cuối cùng gần Huế, một Trạm trưởng giao thông người Nhật bắt dừng xe lại để hỏi giấy tờ. Người thư ký đi cùng với Ông chỉ vào lá cờ hiệu đang cắm ở đầu xe, nhưng không kết quả, vẫn phải đưa giấy ra xe mới được đi qua. Việc này cũng như việc Nhật cho Hiến binh đến khám nhà Ông ở 74 phố Hàng Bạc, cũng nói lên thái độ của Nhật đối với Ông, một Bộ trưởng “thân Nhật”.
Ông đi các tỉnh tuyên truyền phong trào giành độc lập và đường lối chính trị của Chính phủ Trần Trọng Kim. Về đối ngoại: Giữ thế trung lập với Đồng Minh. Về đối nội: Tuyên truyền độc lập dân tộc. Ở Hà Nội, có tổ chức diễn thuyết ở Quảng trường nhà Hát lớn, lôi cuốn hàng vạn công chức, trí thức, thanh niên và các tầng lớp nhân dân Hà Nội đến nghe và hô khẩu hiệu: “Đuổi người Pháp ra khỏi các bộ máy chính quyền”. Do áp lực của Chính phủ và quần chúng nhân dân, bọn Nhật phải thải dần công chức người Pháp và thay bằng người Việt Nam, nhưng chỉ thay ở những công sở thuộc đất “bảo hộ”. Nghĩa là, những công sở thuộc phủ Thống sứ Bắc kỳ và Trung kỳ. Còn những công sở của đất thuộc địa (Nam kỳ, Sài Gòn, Đà Nẵng) thì chúng dùng thủ đoạn khất lần và thay người Pháp bằng người Nhật. Với các tỉnh thành từ Huế ra Hà Nội, như: Hà Nội, Thừa Thiên, Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa ..., ở các tỉnh đó Ông đều có dịp tổ chức diễn thuyết.
Điểm thắng lợi đầu tiên trong cuộc đấu tranh đòi lại đất thuộc địa, mà Chính phủ Trần Trọng Kim giành được là Hà Nội. Bác sĩ Trần Văn Lai, lúc đó là Đốc lý Hà Nội, tổ chức một buổi lễ long trọng để Nhật bàn giao Hà Nội lại cho Chính phủ Việt Nam. Cuộc đấu tranh đòi đất Đà Nẵng cũng tương đối dễ dàng. Nhưng, cuộc đấu tranh đòi đất Nam bộ thì quả là gay gắt. Cho đến ngày cuối cùng, chỉ còn 15 hôm trước ngày Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng, bọn Nhật ở Đông Dương mới đồng ý. Lúc đó Chính phủ mới chính thức bổ nhiệm Nguyễn Văn Sâm làm Khâm sai Nam Bộ. Giá trị cuộc đấu tranh này về hoạt động thực tế tuy chưa có gì, nhưng về mặt pháp lý đã đạt được mục đích “Trả lại Nam Kỳ cho Việt Nam”.
Ông cho biết: Nhận lãnh đạo Bộ Thanh niên, Ông phải tìm Người cộng sự. Hồi đó, Ông ít quen biết giới trí thức ở Kinh đô, ngoài ông Lê Huy Vân - bạn học trường Bưởi, đang làm công chức ở Huế và hai ông Tôn Quang Phiệt, Đào Duy Anh đã cùng Ông thành lập Hội Tân Việt Nam ủng hộ phong trào độc lập. Trong giới lão thành, Ông có đến thăm cụ Huỳnh Thúc Kháng và được gặp ông Tạ Quang Bửu ở đó. Qua những cuộc tiếp xúc, Ông thấy ông Tạ Quang Bửu là một người trẻ, có thể cộng sự với mình và đã mời ông Tạ Quang Bửu làm cố vấn cho mình trong Bộ Thanh niên. Tuy mới biết nhau, nhưng hai Ông đã tâm đầu ý hợp trong mọi công việc trên đường lối chống thực dân Pháp quay trở lại và giữ thế trung lập giữa Nhật và Đồng Minh. Trường Thanh niên Tiền tuyến chọn ông Phan Tử Lăng làm Hiệu trưởng là sáng kiến của ông Tạ Quang Bửu. Trường Thanh niên Tiền tuyến trong quá trình học tập và huấn luyện quân sự có quan hệ với thanh niên Việt Minh, điều đó Ông cũng biết. Thanh niên Tiền tuyến đã đóng góp một vai trò rất tích cực trong Cách mạng tháng 8 ở Huế, sau khi Chính phủ Trần Trọng Kim từ chức.
Còn tổ chức Thanh niên ở các thành thị và nông thôn trong toàn quốc gọi là Thanh niên Xã hội, làm công tác xã hội, chủ yếu là làm công tác vận động những thanh niên yêu nước theo đường lối độc lập với Nhật là sáng kiến của Ông. Sáng kiến này được ông Tạ Quang Bửu tích cực ủng hộ, qua việc tổ chức một Hội nghị ở Huế có đại diện các tỉnh. Mỗi tỉnh có một đại diện lấy tên là Thủ lĩnh Thanh niên, mà một phần lớn thanh niên là của tổ chức Hướng đạo sinh. Tất nhiên có nhiều lực lượng thanh niên khác cũng tham gia ủng hộ, trong đó có thể có những lực lượng thanh niên có cảm tình với Việt Minh. Ví dụ như: Thủ lĩnh thanh niên tỉnh Hà Tĩnh là ông Phan Đăng Tài, hoặc Chánh văn phòng Bộ Thanh niên là ông Lê Duy Thước, người vừa là Hướng đạo sinh, vừa là Việt Minh. (Sau này ông Lê Duy Thước là Hiệu trưởng trường Đại học Nông nghiệp)
Một đặc điểm của phong trào Thanh niên Xã hội là không có tổ chức. Nghĩa là, nó chưa có điều lệ, mà chỉ có mục tiêu là vận động độc lập cho đất nước. Chính vì vậy mà nó bao gồm mọi tầng lớp nhân dân, nhưng chủ yếu là thanh niên học sinh, thanh niên yêu nước. Nó cũng chưa có một cái tên. Về sau, có người gọi là “Thanh niên Phan Anh”, vì Phan Anh là người thủ xướng ra nó.
Hoạt động chính trị ở Bộ Thanh niên, Ông đi nhiều nơi trực tiếp kêu gọi quần chúng thanh niên quan tâm tới vận mệnh đất nước và biểu lộ mối quan tâm ấy bằng hành động. Hình thức phong trào rộng rãi như vậy cũng không phải ngẫu nhiên, nó thể hiện đường lối của Bộ Thanh niên, của Chính phủ Trần Trọng Kim, của xu hướng phong trào yêu nước, tập hợp rộng rãi mọi lực lượng, mọi nguyện vọng yêu nước, có thể nói rằng: Nó chỉ là Mặt trận.
Ông nói: “Trong việc thành lập phong trào và dấy động phong trào, ông Tạ Quang Bửu có vai trò quan trọng. Đã góp ý với Ông ở hậu trường, nhưng hoạt động của ông Tạ Quang Bửu rất kín đáo. Ông Tạ Quang Bửu thường cho Ông biết nhiều việc cụ thể mà Luật sư không biết. Bộ trưởng Bộ Thanh niên hoàn toàn tin tưởng vào ông Tạ Quang Bửu và để cho Ông có toàn quyền, chủ động chỉ đạo mọi hoạt động”. Như vậy, tình bạn giữa hai người được xây dựng từ sự đồng tâm nhất trí sâu sắc, tin tưởng tuyệt đối từ việc đề ra chủ trương đến việc tổ chức hoạt động.
Khi Nhật Hoàng đầu hàng phe Đồng Minh vô điều kiện. Được tin đó, Chính phủ Trần Trọng Kim liền đệ đơn từ chức ngay trong ngày hôm sau. Vua Bảo Đại yêu cầu các Thành viên Chính phủ nán lại để tiếp tục giải quyết một số công việc. Do vậy, Nội các Trần Trọng Kim đã làm thêm được hai việc đáng kể: Một là, đã khuyên vua Bảo Đại không nên cố giữ ngai vàng mà đi ngược lại trào lưu lịch sử. Nên trung thành với ý chí của nhân dân, tránh dựa vào lực lượng bên ngoài, gây cảnh “tương tàn cốt nhục”. Hai là, kèm theo lời tuyên bố từ chức trao trả chính quyền lại cho nhân dân, Chính phủ Trần Trọng Kim đã có được một danh sách những nhân sĩ, trí thức yêu nước có tiếng tăm phục vụ việc thành lập chính phủ mới. Như ở phía Bắc có ông Đặng Thai Mai, ... và phía Nam có ông Bùi Công Trừng, ông Lê Văn Hiến, ...
Chính phủ Trần Trọng Kim từ chức được mấy hôm, một số anh em trong Nội các vừa từ chức đề nghị với Ông tìm cách liên lạc với Hà Nội. Ông đồng ý, cùng đi có ông Tạ Quang Bửu. Cuộc hành trình từ Huế ra Hà Nội, Ông đã chứng kiến kết quả của đường lối đối ngoại của Chính phủ Trần Trọng Kim. Ông và ông Trần Đình Nam đều chủ trương tránh gây xung đột giữa người Việt Nam với quân đội Nhật. Việt Nam tỏ thái độ trung lập với Đồng Minh và bảo vệ nền độc lập của mình sau cuộc chiến tranh, thì thái độ của Nhật là không can thiệp. Nhớ có lần, Ông nói chuyện với Tổng lãnh sự Nhật ở Huế, viên quan chức Nhật nói: “Hiện giờ chúng tôi ở thế bất động”. Quả vậy, những cuộc mít tinh rầm rộ của quần chúng nhân dân ở ngay những nơi có quân đội Nhật đóng, thì cũng không có sự can thiệp của lính Nhật.
Ngày 17 tháng 8 năm 1945 là ngày Tổng hội viên chức của Chính phủ Trần Trọng Kim tổ chức mít tinh tại Quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội. Người diễn thuyết hôm ấy theo kế hoạch là Bộ trưởng Thanh niên Phan Anh. Nhưng Ông và ông Tạ Quang Bửu bị giữ lại ở giữa đường từ Huế ra Hà Nội. Và, cuộc mít tinh của Tổng hội viên chức Hà Nội biến thành cuộc biểu dương lực lượng của Việt Minh, vì trong Thanh niên Xã hội có Thanh niên Việt Minh, mà Thanh niên Xã hội và Thanh niên Việt Minh đều chung một mục đích “yêu nước”. Như Ông nói: “Phong trào đấu tranh viên chức đã phát triển sẵn sàng, rồi phong trào này nhẹ nhàng tiếp thu đường lối của Việt Minh, vì phong trào Việt Minh cũng là phong trào yêu nước, làm việc nước”.
Ông còn khẳng định: “Phong trào Việt Minh là một vấn đề rất lớn, không chỉ đối với ta, mà cả với quốc tế. Nó thành công vì nó đi đường lối quần chúng. “Dân là gốc” - Bác Hồ hiểu dân. Bác hiểu nông dân; Bác là Nhà Nho nên Bác hiểu trí thức. Còn công nhân, Bác nắm được tinh hoa của phong trào công nhân thế giới. Bác lãnh đạo Đảng, từ đường lối quần chúng, dựa vào quần chúng để làm cách mạng”.
Ông kể rằng: Ông về Hà Nội vào những ngày cuối tháng 8, nhân dân Hà Nội đang nhộn nhịp chuẩn bị đón ngày tuyên bố Độc lập. ông Tạ Quang Bửu ở lại nhà với Ông tại 74 phố Hàng Bạc. Các Ông theo dõi diễn biến tình hình ở Hà Nội và được tin: “Ngày 2 tháng 9 năm 1945 sẽ có cuộc mít tinh lớn: Chủ tịch Hồ Chí Minh ra mắt nhân dân”. Vì, ngày 28 tháng 8, Bác Hồ thành lập Chính phủ Lâm thời, trong đó có ba, bốn bạn Ông trong nhóm Thanh Nghị. Tư tưởng các Ông lúc đó nửa mừng nửa lo. Mừng vì thành công lớn của cách mạng, lo khó khăn về quân đội Tưởng Giới Thạch lúc đó chưa đến, không hiểu Tầu Tưởng sẽ có thái độ như thế nào. Tuy vậy, các Ông vẫn vững tâm chia sẻ với nhau niềm tin vào tương lai của đất nước dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Ái Quốc, của Hồ Chủ tịch.
Mấy ngày sau, Luật sư Vũ Trọng Khánh - Bộ trưởng Bộ Tư pháp Chính phủ Lâm thời tới gặp Ông, cho biết: “Chủ tịch Hồ Chí Minh  tổ chức cuộc gặp mặt nhân sĩ các giới trí thức”. Đến hôm, Luật sư Vũ Trọng Khánh cùng một số luật sư trong đó có Ông đến Bắc Bộ phủ gặp Bác Hồ. Ông nghĩ, có lẽ cũng như mọi người nghĩ: “Chắc đến là để nghe những lời chỉ bảo của Bác”. Nhưng khi mọi người đã ổn định chỗ ngồi, Hồ Chủ tịch nói: “Tôi xin được nghe ý kiến của các vị”.
Đến nay, Luật sư không còn nhớ rõ các anh em khác nói gì, những vẫn nhớ mấy ý của mình đã phát biểu. Đại ý: “Đất nước ta đứng trước thế giới, cần đoàn kết lại. Cách mạng nhờ đoàn kết mà thành công. Nay bảo vệ chính quyền, xây dựng nước nhà độc lập, chống âm mưu của những thế lực ngoi bangthì điều chủ yếu là phải giữ vững và tăng cường đoàn kết”.
Sau khi đã nghe mọi người phát biểu, Bác Hồ nói lời tin tưởng vào lòng yêu nước của giới trí thức và động viên mọi nhân sĩ tham gia vào sự nghiệp cách mạng của đất nước. Sau đó ít lâu, Bác giao cho Ông nhiệm vụ thành lập và làm Chủ tịch Hội đồng kiến thiết quốc gia, mà thành viên gồm hầu hết là trí thức Hà Nội. Ông Bùi Công Trừng được cử làm Phó chủ tịch Hội đồng.
Tháng 11 năm 1946, khi Chính phủ Liên hiệp được thành lập lại, Bác dự kiến giao cho Ông Bộ Tư pháp, nhưng Ông không nhận. Ông Hoàng Xuân Hãn tỏ ý hài lòng, mừng cho Ông “được thanh thản hơn”. Ông không nhận Bộ Tư pháp vì thành phần Chính phủ Liên hiệp quá phức tạp, khó có thể làm nên được một việc gì. Ông đã trình bày với Bác: “Xin Bác cứ để tôi làm nhiệm vụ hiện thời - Đàm phán với phía Pháp và không làm Bộ trưởng một bộ nào”. Bác hỏi: “Vì sao?”. Ông trả lời: “Vì tình hình phức tạp trong Chính phủ Liên hiệp, có những người khó có thể cộng tác”. Bác hỏi: “Ví dụ”. Ông trả lời: “Đó là đại diện của phía Việt Nam Quốc dân Đảng”. Bác không nói gì. Nhưng khi bắt tay cáo từ, Bác cười và nói: “Mồm chú là mồm thầy cãi”.
Vài hôm sau, các ông Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp đến gặp Ông tại nhà riêng ở 74 phố Hàng Bạc và đề nghị Ông nhận Bộ Kinh tế. Việc mới đến đột ngột và Ông còn đang lúng túng từ chối Bộ Tư pháp với một bức thư đang viết để gửi lên Hồ Chủ Tịch, nên Ông trả lời: “Vấn đề không phải Bộ này hay Bộ khác, mà là thành phần Chính phủ Liên hiệp, cho nên cảm ơn Bác, cảm ơn các Anh, cứ để tôi ở ngoài Chính phủ”.
Thành lập Chính phủ Liên hiệp, ông Phạm Văn Đồng đã giữ chức Bộ trưởng Bộ Kinh tế. Chuẩn bị toàn quốc kháng chiến, ông Phạm Văn Đồng được đặc phái vào miền Nam Trung Bộ.
Ông quyết định đi kháng chiến và bàn với vợ đưa các con đi cùng, vì Ông tin vào tổ chức của cuộc kháng chiến, Ông tin vào sự lãnh đạo của Bác Hồ. Ngày 19 tháng 12 năm 1946 toàn quốc kháng chiến bùng nổ. Ông ra kháng chiến với tư cách là một cán bộ, chứ không phải với tư cách một Bộ trưởng.
Một hôm, Ông nhận được thư triệu tập tham dự họp Hội đồng Chính phủ Kháng chiến do ông Hoàng Hữu Nam ký và có liên lạc đưa đường. Chính tại phiên họp Chính phủ lúc Giáp Tết Đinh Hợi (1947), Bác đã đưa lại ý kiến cử Ông làm Bộ trưởng Bộ Kinh tế trong Chính phủ Kháng chiến. Ông vui vẻ nhận.
 
Bộ trưởng Phan Anh (cưỡi ngựa) đi công tác.
 
Ông làm Bộ trưởng Bộ Kinh tế, rồi Trưởng Ban Kinh tế Chính phủ trong kháng chiến. Công việc đáng nhắc đến là chủ trương bỏ đấu tranh kinh tế với địch. Đồng thời, còn chọn những địa điểm thuận tiện về giao thông giữa vùng địch và vùng ta để xây dựng những khu buôn bán xầm uất, thu hút hàng ở vùng địch, trao đổi lấy lâm thổ sản ở vùng ta. Vấn đề đặt ra là làm sao cho hàng rào của địch cũng không cản được những nguồn hàng từ vùng tự do vào. Bộ Kinh tế còn thành lập Cục Ngoại thương.
Bên cạnh việc xây dựng những chủ trương công tác, Ông còn quan tâm đến việc đào tạo cán bộ về quản lý kinh tế, mở hai lớp về quản lý kinh tế ở Việt Bắc. Đồng thời, hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước của Bác (1948). Bộ Kinh tế lúc này, không chỉ phục vụ nhân dân, mà còn trực tiếp đẩy mạnh việc phục vụ quân đội, từ ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/1946 đến chiến thắng Việt Bắc thu đông (1947-1948), mở chiến dịch Đông Khê (1949-1950), Chiến thắng Biên giới (1950). Sau chiến thắng Biên giới, ta còn đẩy lùi cuộc càn quét của địch lên vùng Hòa Bình, lập hành lang Đông - Tây (1952), giải phóng Tây Bắc (1953), tạo tiền đề cho chiến thắng Điện Biên Phủ - một chiến thắng vĩ đại, đánh dấu một giai đoạn của Lịch sử của Việt Nam.
Sau chiến thắng vùng Biên giới, khai thông với các nước xã hội chủ nghĩa; Vấn đề ý thức hệ xã hội chủ nghĩa được đặt ra tại các cuộc cải tạo tư tưởng năm 1951, chỉnh huấn năm 1953 ở các vùng chiến khu và đẩy mạnh cuộc vận động chính trị quốc tế.
 
Bác Hồ và bác Tôn Đức Thắng chụp ảnh với
các thành viên Chính phủ Kháng chiến (Võ Nguyên Giáp thứ 4, Phan Anh thứ 5 – hàng sau) tại Việt Bắc
 
Tiếp thu khí thế cách mạng mới sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 2 của Đảng Lao động Việt Nam (1951), Ông góp sức vào Đại hội hợp nhất hai tổ chức Việt Minh - Liên Việt (1952); Đại hội chiến sĩ thi đua (1952); Hội nghị toàn quốc kháng chiến hành chính (1952); Hưởng ứng Luật cải cách ruộng đất, Đón phái đoàn Nam bộ ra chiến khu Việt Bắc.
 
Từ trái sang: Phan Anh, Lê Văn Hiến, Võ Nguyên Giáp,
Phan Kế Toại, Trần Duy Hưng.
 
Năm 1952 Dược sĩ cao cấp Đỗ Thị Thao vợ trước của Ông do mắc bệnh hiểm nghèo đã tạ thế nơi núi rừng Việt Bắc.
Có một sự kiện được khắc sâu; Ông được cùng Ngoại trưởng Phạm Văn Đồng đi dự Hội nghị Genève. Trong Hội nghị, Ông đã hỗ trợ Ngoại trưởng thẳng thắn đập tan luận điệu lỗi thời của Thủ tướng Pháp Bidault coi thường Đại diện lực lượng kháng chiến Lào và Campuchia, coi thường các nước nhỏ. Trước thực tế đó, Thủ tướng mới của Pháp là Mendès France buộc phải ký Hiệp định chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Từ đó, ai cũng thấy Hiệp định Genève là cơ sở để phát triển hiệp định Paris, buộc đế quốc Mỹ phải rút khỏi lãnh thổ Việt Nam. Việt Nam không những giải quyết được vấn đề độc lập, mà còn khẳng định được sự thống nhất đất nước từ Bắc chí Nam.
Hòa bình được lập lại ở miền Bắc, Luật sư Phan Anh xây dựng gia đình mới, với tôi. Tôi nhận lời đề nghị của Ông về hôn nhân, vì niềm tin. Luật sư đã khoác lên vai tôi - chức năng “cô giáo mới”. Tôi cảm nhận sự may mắn đã gặp được “Ông Thầy” trong đời dạy học của mình.
Cuối đời dạy học, tôi đã viết cuốn Hồi ức “Dạy học” để lưu lại việc mình đã dạy học, đã thực nghiệm nghiên cứu nhiệm vụ khoa học sư phạm mới ở trường Cao đẳng Sư phạm Hải Hưng về cách làm “Quán triệt mục tiêu, nguyên lý giáo dục vừa học vừa hành trong quá trình dạy học phổ thông cơ sở”. Từ đó tôi được hiểu “Nghệ thuật tối thượng của người thầy là đánh thức niềm vui trong sự diễn đạt và tri thức sáng tạo” với tầm cao của khoa học giáo dục hiện đại là “Giáo dục là những thứ gì còn lại sau khi anh đã quên đi những gì anh học ở trường”.
Về hưu, tôi - Đỗ Hồng Chỉnh sẽ yên lòng nếu ngành Giáo dục nước nhà thực hiện được “Điều 40 về giáo dục, trong Hiến pháp năm 1980” - Nền giáo dục đào tạo của Việt Nam sẽ thực hiện đúng như lời Bác Hồ đã dạy: Giáo dục đào tạo thế hệ trẻ Việt Nam thành lớp thanh niên yêu nước, có trí tuệ, với thói quen lao động, biết làm điều hay lẽ phải, tôn trọng người và tự tôn trọng mình, tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc ở vào thời kỳ đất nước “ra ngõ gặp anh hùng” rất đáng tự hào.
Nghỉ công tác giáo dục, Tôi đã thực hiện lời Luật sư Phan Anh căn dặn ghi Hồi ký: “Sưu tập lại những bài ghi trong nhật ký, trong đó có những sự việc, có cả hơi thở của trái tim của Ông” ... Thực hiện lời căn dăn: Cuốn Hồi Ký “Những Chặng đường Anh đi”, đã xuất bản. Tiếp sau, là cuốn Hồi Ký “Những Chặng đường Anh đi - Sự tiếp nối” đã biên tập, nhưng chưa xuất bản. Nó gồm hai Phần:
Phần I - Tham gia cuộc chiến đấu chống đế quốc xâm lược bảo vệ nền độc lập dân tộc, với hai chủ đề: (1) Xây dựng hòa bình ở miền Bắc. (2) Giải phóng Miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
 
Tổng Bí thư Lê Duẩn (thứ 3) tiếp
Ngài Romesh Chandra (thứ 2) - Chủ Tịch HB Thế giới.
 
Phần II - Góp sức vào cuộc vận động Hòa bình, Dân chủ trên thế giới; Với ba chủ đề: (1) Xây dựng phong trào Hòa bình, Dân chủ. (2) Hòa bình thế giới trong bước phát triển mới: đối thoại và hợp tác. (3) Vận động Hòa bình trong thời đại hạt nhân: Hòa bình, tồn tại của nhân loại, công lý, pháp lý, phát triển.
Qua cuốn Hồi ký đã ghi lại một số công tác của Luật sư Phan Anh: Bộ trưởng Bộ Ngoại thương; Chủ tịch Ủy ban bảo vệ Hòa bình của Việt Nam - Phó Chủ tịch Hội đồng Hòa bình thế giới; Đại biểu Quốc hội từ khóa 2 đến khóa 8 - Phó chủ tịch Quốc hội khóa 7 - Ủy viên Ban Chấp hành nhóm Liên minh Quốc hội thế giới.
 
Đoàn Chủ tịch lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập
Hội Luật gia Việt Nam (1955 - 1985)
Từ trái sang: Ls. Phan Anh (thứ 3).
 
Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam - Ủy viên Thường vụ Hội Luật gia Dân chủ Quốc tế và hoạt động trong Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Trên đây là một số điều sơ lược về Thân thế và Sự nghiệp của Luật sư Phan Anh - một Người con yêu quý của dân tộc Việt Nam.
Về Luật sư Phan Anh, xin được nhắc lại hai điểm lớn, để những ai quan tâm, cùng nhớ:
Một là, Ông được sinh ra trong một Tộc Họ lớn và có được phẩm chất con Nhà Nho Việt Nam chân chính. Ông luôn biết phấn đấu tu dưỡng mình ngay từ nhỏ cho đến cuối đời để làm một Người biết làm những công việc có ích cho nước, có lợi cho dân. Quá trình rèn luyện bản thân: Một mặt, Ông quan tâm giúp bố, nuôi em; Ông đã dám sống vì đất nước, biết chia sẻ “đồng cam cộng khổ” với gia đình. Cuộc sống riêng có nhiều khó khăn, nhưng Ông biết vượt lên, luôn muốn sống và hành động vì người khác. Ông biết dành thời gian tìm hiểu và giải quyết những công việc cần làm. Mọi trở ngại không làm Ông ngại ngùng, Ông luôn mở lòng đón nhận những việc gì phải đến, sẽ đến trong xã hội nhiều khó khăn.
Hai là, Luật sư Phan Anh là một trí thức thông minh, luôn nỗ lực suy nghĩ để đáp ứng và giải quyết nhiều vấn đề nan giải bằng những cách đơn giản. Ông đã đi vào con đường pháp lý tiến bộ trên thế giới, với mục đích “Giành cho được độc lập và thống nhất đất nước” và “Phát huy tri thức và kiến thức pháp lý để xây dựng một Nhà nước pháp quyền, dân chủ”.
Cuộc đời 79 năm của Luật sư Phan Anh: Ông đã triển khai được quan điểm sống vì hòa bình, hòa hợp dân tộc, đã phát triển mục đích sống triệt để chống thực dân, đế quốc xâm lược. Ông luôn luôn chủ động trong mọi tình huống, mọi việc để phụng sự cho Tổ quốc và dân tộc. Vào lúc cần, Ông suy nghĩ thấu đáo khả năng làm công cụ của đất nước, để rồi lại tạo thế phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân ở một tầm cao hơn, phát triển mạnh hơn.
Ông - Con người phụng sự, ai cũng thấy. Về tâm tình, Ông có ghi lại lúc cuối cuộc đời mình “Những mảng tâm tình”.
Cuộc đời của Luật sư Phan Anh với “cẩm nang dân tộc” bên mình (Chú thích: Đọc Tuyển tập Hồ Chí Minh, Ông đã viết “Cẩm nang dân tộc”): “Mãi mãi đi theo con đường của Chủ tịch Hồ Chí Minh “không có gì quý hơn độc lập tự do” và học tập tấm gương đạo đức của Bác Hồ “suốt đời phấn đấu vì hạnh phúc của nhân dân”. Bất kỳ trong hoàn cảnh nào, Luật sư Phan Anh cũng giữ vững ý chí, kiên cường vượt qua những vất vả nguy hiểm trong hoạt động yêu nước và những rào cản chính trị phức tạp trong đời sống xã hội, để hành động cho đúng mực và có hiệu quả, nhằm đạt cho được mục tiêu phấn đấu của đời mình: “Tích cực hoạt động góp phần giành độc lập và thống nhất Tổ quốcvà Phát huy tri thức và kiến thức pháp lý để góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền, dân chủ mang lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân”.
Đỗ Hồng Chỉnh.

Qúy độc giả xem Phần I tại đây

 

Qúy độc giả xem Phần II tại đây

 

Qúy độc giả xem Phần III tại đây

 

Qúy độc giả xem Phần IV tại đây

Bài viết liên quan
09/22/2021
Một góc nhìn Lịch sử - Phần IV

Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà báo Hồng Thanh Quang. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Đỗ Như Cự. Biên tập: Nhà báo Hồng Thanh Quang, Ông Đỗ Như Cự, Ông Chu Văn Ngọc.

09/22/2021
Một góc nhìn Lịch sử - Phần III

Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà báo Hồng Thanh Quang. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Đỗ Như Cự. Biên tập: Nhà báo Hồng Thanh Quang, Ông Đỗ Như Cự, Ông Chu Văn Ngọc.

09/22/2021
Một góc nhìn Lịch sử - Phần II

Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà báo Hồng Thanh Quang. Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Đỗ Như Cự. Biên tập: Nhà báo Hồng Thanh Quang, Ông Đỗ Như Cự, Ông Chu Văn Ngọc.