Tin Công nghệ
Lý do xóa nội dung khỏi Internet gần như bất khả thi
Nhiều người cho rằng tin nhắn, bài đăng có thể biến mất vĩnh viễn trên Internet sau khi nhấn nút xóa, nhưng đó là suy nghĩ sai lầm.
Theo CNN, cuộc điều trần công nghệ tuần qua với Peiter Zatko, cựu giám đốc an ninh của Twitter, đã phơi bày phần nào sự thật trong thế giới Internet: Một khi người dùng đăng bài, gửi tin nhắn hoặc tải lên dữ liệu cá nhân, chúng vĩnh viễn không thể xóa bỏ hoàn toàn.
Trước phiên điều trần tại Thượng viện Mỹ ngày 13/9, Zatko cho biết Twitter không hề xóa dữ liệu của những người đã hủy tài khoản của họ "một cách đáng tin cậy". Theo ông, mạng xã hội không thực sự loại bỏ dữ liệu người dùng khỏi hệ thống, thậm chí xảy ra cái gọi là "mất dấu dữ liệu" khiến thông tin của người dùng bị mất kiểm soát.
Các ứng dụng hiển thị trên smartphone được chụp ở Los Angeles tháng 3/2021. Ảnh: AFP
Trước cáo buộc của Zatko, Twitter cho biết cựu nhân viên đang "vẽ ra một câu chuyện sai sự thật". Trả lời CNN, công ty khẳng định có hệ thống riêng phục vụ cho quy trình xóa, nhưng không đề cập quy trình có hoàn thành việc xóa triệt để dữ liệu người dùng hay không.
Dù lời khai của Zatko có thể gây sửng sốt, nhiều chuyên gia cho rằng vấn đề này đã tồn tại từ lâu. "Câu chuyện là lời nhắc nhở với chúng ta. Đôi khi chúng ta thiếu suy nghĩ, cẩn trọng trong việc chia sẻ dữ liệu của mình lên môi trường trực tuyến", Sandra Matz, nhà nghiên cứu truyền thông xã hội và là giáo sư tại Trường Kinh doanh Columbia, nói với CNN. "Nghe có vẻ rất đơn giản, nhưng bất cứ điều gì bạn đã gửi lên Internet, đừng bao giờ mong nó thành của riêng mình nữa. Lấy một thứ gì đó từ Internet và nhấn nút 'reset' từ đầu gần như là không thể".
Vào tháng 7, Meta cũng gây chú ý khi cung cấp các tin nhắn cho cơ quan thực thi pháp luật của Mỹ, liên quan đến một trường hợp phá thai tại Nebraska. Loạt tin nhắn với nội dung liên quan đến thuốc phá thai và tạo bằng chứng giả được Meta nộp cho tòa án được cho là bằng chứng để buộc tội hai người trong vụ án là Celeste Burgess, 18 tuổi, và mẹ cô là bà Jessica Burgess.
Tuy nhiên, vai trò của Meta trong vụ án cũng khiến nhiều người đặt câu hỏi về vấn đề dữ liệu người dùng đang được lưu trữ thế nào và việc nó bị can thiệp ra sao. Theo Ravi Sen, nhà nghiên cứu an ninh mạng và giáo sư tại Đại học Texas A&M, thực tế các cơ quan thực thi pháp luật hoặc "các nhóm khác" vẫn có thể có quyền truy cập, khôi phục dữ liệu đã xóa trong một số trường hợp nhất định.
Cũng theo Sen, đa số người khi tham gia Internet không biết nơi kết thúc của những thứ họ đã đăng lên. "Bất kỳ bài viết nào, dù là email, bình luận trên mạng xã hội hay tin nhắn, thường được lầm tưởng sẽ lưu trên thiết bị người gửi, người nhận và các máy chủ cung cấp dịch vụ. Trong trường hợp xóa nội dung, nhiều người nghĩ cả ba nơi trên dữ liệu sẽ biến mất, nhưng thực tế mọi thứ không dễ dàng như vậy".
Sen cho rằng, để kiểm soát dữ liệu của mình tốt hơn, người dùng chỉ còn cách liên hệ với đơn vị cung cấp dịch vụ, sau đó yêu cầu họ xóa nội dung khỏi máy chủ. Dù vậy, đây là cách làm phức tạp, không dễ thực hiện và các công ty cũng không phải lúc nào cũng sẵn sàng để đáp ứng yêu cầu này.
Theo các chuyên gia về quyền riêng tư, cách tốt nhất để kiểm soát dữ liệu trực tuyến là sử dụng các ứng dụng cung cấp mã hóa đầu cuối. Bên cạnh đó, cần cài đặt các chức năng giúp dữ liệu riêng tư từ các dịch vụ được mã hóa không thể truy cập ở nơi khác.
Nhưng các biện pháp trên vẫn không thể bảo vệ tuyệt đối. "Về cơ bản, bạn đã mất kiểm soát những thứ mình đăng sau cú Enter", Matz nói. "Bởi ngay cả khi bài viết bị xóa, ai đó có thể đã sao chép chúng và đăng ở nơi khác".
Cũng theo bà, người dùng nên lưu tâm hơn về những gì họ chia sẻ trên các nền tảng lớn. "Nghe có vẻ bi quan, nhưng tốt hơn nên có một sự thận trọng quá mức trên mạng", bà nói. "Khi đã chấp nhận đăng, mọi người cần chấp nhận tâm lý: mọi thứ có thể được sử dụng bởi bất kỳ ai và sẽ tồn tại vĩnh viễn trên Internet".
Nguồn: https://vnexpress.net/tai-sao-xoa-noi-dung-khoi-internet-gan-nhu-bat-kha-thi-4513457.html
 
Bài viết liên quan
01/16/2024
Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi): Tạo hành lang thông thoáng cho giao dịch số

Luật Giao dịch điện tử (GDĐT) năm 2023 đã được Quốc hội khóa XV thông qua với tỷ lệ 94,74% tán thành, có nhiều chính sách mới nổi bật giúp công nhận giao dịch điện tử sẽ có giá trị tương đương và có thể sử dụng thay thế giao dịch truyền thống. Có thể coi Luật này là Luật cơ bản về chuyển đổi số.

01/03/2024
6 kết quả nổi bật trong triển khai chuyển đổi số quốc gia 6 tháng đầu năm 2023

Bộ Thông tin và Truyền thông đã báo cáo 6 kết quả nổi bật trong triển khai chuyển đổi số quốc gia 6 tháng đầu năm 2023. Đây là cơ sở đánh giá hoạt động chuyển đổi số nửa đầu năm 2023 và đề ra phương hướng đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia trong 6 tháng cuối năm 2023.

Công nghệ mới của Google sẽ cách mạng hóa nhiếp ảnh kỹ thuật số

Trí tuệ nhân tạo (AI) có tên là RawNeRF do Google Research phát triển có thể giúp người dùng chụp ảnh vào ban đêm mà không bị giảm chất lượng hình ảnh.

AI 'làm mới' khung cảnh cho tranh

Dall-E 2, phần mềm do OpenAI phát triển, tích hợp tính năng "outpainting", có thể tạo khung cảnh bên ngoài cho bất cứ tác phẩm nghệ thuật nào.

Ác mộng vì bị phát tán số điện thoại trên mạng

Giữa đêm, Lương Quyết bỗng nhận hàng chục cuộc gọi đe dọa, sau khi số điện thoại của anh bị một người công khai trên nhóm Facebook.

Thực hư việc người dùng Zalo phải trả phí từ 2.800 - 55.000 đồng/ngày?

Như đã thông báo từ trước, từ tháng 8 này, ứng dụng Zalo chính thức triển khai 3 gói thuê bao cho người dùng tại Việt Nam với mức phí từ 2.800-55.000 đồng/ngày