Những ngày chống thực dân Pháp xâm lược
Luật Sư Phan Anh - Những ngày đầu sống trong ATK Việt Bắc
Nguyễn Thượng Hòa (trích "Phan Anh một niềm tự hào của tri thức Việt Nam" của NXBCTQG ST - 2014. Trang 372)

Đầu năm 1947, đồng chí Bùi Thanh Vân, Phó Văn phòng Bộ Kinh tế truyền đạt ý kiến của Bộ trưởng Phan Anh, lúc đó mới được cử làm Bộ trưởng Bộ Kinh tế trong Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đề nghị tôi lên công tác ở Văn phòng Bộ. Tôi hăng hái nhận lời ngay. Sau khi ăn Tết Đinh Hợi với gia đình, khoảng mồng 8 tháng Giêng tôi lên đường nhận nhiệm vụ mới. Nghỉ hai ngày ở trạm đón tiếp của Bộ tại Phú Thọ rồi tôi tiếp tục đi lên thị xã Tuyên Quang, lại nằm chờ mấy ngày ở trạm liên lạc. Đầu tháng 3-1947, vượt bến đò Bình Ca đến huyện Sơn Dương, ngủ lại một đêm, sáng hôm sau tôi khoác balô đi bộ vào ATK. Đường đi men theo dòng sông Phó Đáy. Qua cầu Bì đi sâu vào rừng già. Tuy là đường rừng nhưng với sức thanh niên và tinh thần háo hức lên đường tham gia kháng chiến, lần đầu tiên gặp những nhánh phong lan rừng tuyệt đẹp tỏa hương thơm ngào ngạt, nên hầu như tôi quên hêt mệt nhọc. Khoảng 10 giờ sáng thì tới suối Lenin, nước suối trong vắt, bờ rải cát mịn, đang đi đường rừng khúc khuỷu nay đi trên cát thật dễ chịu. Có anh em tức cảnh thành thơ:

Nước suối Lê vừa trong vừa mát

Đường suối Lê Lắm cát dễ đi...

Khoảng giữa trưa thì đến đình Hồng Thái. Dừng lại ăn cơm nắm muối vừng mang theo, nghỉ một lát rồi lại đi tiếp. Lội qua ngòi Thia, lúc này người đã thấm mệt mà đường rừng vẫn xa hun hút. Gặp mấy đồng bào địa phương, tôi hỏi thăm: “Còn xa không?”, họ trả lời: “Chẳng xa đâu, chỉ còn mây cây thôi” nhưng đi hàng giờ nữa mà vẫn chưa tới. Hóa ra ý bà con không phải là mấy cây số mà là mấy gốc cây lớn sẽ bắt gặp dọc đường đi!

Xế chiều, chúng tôi vượt sông Phó Đáy bằng mảng. Văn phòng Bộ trưởng Phan Anh đóng tại làng Hản, xã Kim Quan Hạ, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Làng nằm trên bờ sông Phó Đáy, hai bên bờ sông phong cảnh rất đẹp. Làng có hơn chục nóc nhà sàn, được bao bọc bởi con sông Phó Đáy và ba mặt núi cao. Giữa cánh đồng là một giếng nước sinh hoạt cho cả làng. Vì núi bao bọc xung quanh nên buổi sáng đến 9 giờ mà sương mù vẫn chưa tan, mùa đông buổi sáng rất rét. Bộ trưởng Phan Anh cùng gia đình (chị Phan Anh, ba con trai nhỏ và một cháu gái) ở nhờ nhà một đồng bào. Văn phòng Bộ trưởng ở nhà cụ Lương ngay kế bên...

Văn phòng lúc đó gồm có bốn người: Tôi là tham chính văn phòng; anh Trương Văn Kiền là bí thư, anh Hàn Huy Sán là thư ký đánh máy, anh Thông là cần vụ. Sau tuyển thêm hai thanh niên người địa phương” làm lien lạc. Để giữ bí mật cơ quan, Văn phòng Bộ trưởng Phan Anh lấy bí danh là cơ quan ông Việt Khổng. Anh em chúng tôi mỗi người cũng có một bí danh. Bộ trưởng hàng ngày nghiên cứu báo cáo, tài liệu, giải quyết các vấn đề Văn phòng Bộ trình. Lúc rảnh việc thì đọc sách, làm thơ. Anh chỉ vắng mặt ở cơ quan khi đi họp Chính phủ hoặc đi làm việc ở Văn phòng Bộ (lúc này đóng tại huyện Lập Thạch - Vĩnh Yên), họp các hội nghị.

Công việc hàng ngày của chúng tôi là nhận công văn do liên lạc chuyển tới. Tôi nghiên cứu trình Bộ trưởng cho ý kiến rồi thảo văn bản trả lời, anh Sán đánh máy gửi đi. Thỉnh thoảng tôi đi công tác ra ngoài ATK để làm việc với Văn phòng Bộ hoặc đi họp tại các tỉnh Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Kạn,... lúc rảnh việc thì đi thăm hỏi bà con trong làng, làm công tác dân vận. Chúng tôi rất ít khi có khách vì phải giữ bí mật tuyệt đối địa điểm cơ quan. Khách thường là đồng chí Thứ trưởng Bùi Công Trừng, Cù Huy Cận, đồng chí Đổng lý Văn phòng Phạm Thành Vinh đến làm việc với Bộ trưởng. Cuộc sống sinh hoạt ở đây khác hẳn đồng bằng. Thực phẩm mua của dân làng, có gà vịt do bà con chăn nuôi, cá do bà con đánh bắt ở sông Phó Đáy. Đặc biệt đu đủ rất nhiêu. Mật ong rừng cũng sẵn, ăn thay đường lúc đó rất hiếm. Duy chỉ có nỗi khổ là không có rau xanh. Lúc đầu phái ăn rau tàu bay, rau có mùi hắc rất khó nuôt. Đồng bào thường đi rừng kiếm rau bao về cho. Rau bao rất giống rau cải nhưng lại có nhựa, khó ăn nhưng vẫn còn hơn rau tàu bay...

Lúc này hầu hêt chúng tôi đều trút bỏ quần áo thành phố thay bằng “quần áo bà ba” may bằng vải phin trắng hoặc vải mộc Nam Định nhuộm lá cơi nên có màu nâu nhạt, kể cả anh Phan Anh cũng mặc như vậy. Khi đi công tác, anh còn thắt thêm cái ruột tượng và đội mũ lá rộng vành của Khu IV, trông giống hệt bác nông dân, chỉ có điều bác nông dân này hay cưỡi một con ngựa hồng rất đẹp. Trên đường công tác, khi đi trong rừng thì anh cưỡi ngựa, Bí thư Kiền đi bộ theo sau, nhưng qua chỗ phố xá đông người thì anh xuống, Bí thư Kiền lên cưỡi ngựa. Anh Kiền mới ở Hội nghị Fontainebleau trở về hay mặc quần Mỹ, lưng đeo súng lục, cưỡi ngựa rất ra dáng một chỉ huy quân sự có cần vụ đi theo... Các anh làm thế là để che mắt địch. Anh chị Phan Anh là những nhà trí thức học ở Pháp về, cuộc sông trước kháng chiến rất đầy đủ. Nay anh chị sống kham khổ như anh em chúng tôi nhưng không hề kêu ca phàn nàn khiến cho chúng tôi rất khâm phục. Một buổi tối tháng 11-1947, liên lạc hỏa tốc tới chuyển một bức thư gửi anh Phan Anh. Anh mở ra xem rồi gọi ngay chúng tôi sang đọc thư. Hóa ra là bài thơ của Bác Hồ mới làm xong gửi cho anh Phan Anh và yêu cầu anh họa lại. Bài thơ rất hay, tôi thuộc lòng mấy câu:

“Tiếng suối trong như tiếng hát xa

Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa

Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ

Chưa ngủ vi lo nỗi nước nhà”.

Anh Phan Anh làm thơ rất nhanh (anh nổi tiếng là người giỏi lẩy Kiều). Sáng hôm sau, anh gọi chúng tôi sang đọc cho nghe bài thơ họa lại, trong đó bốn câu cuối nói lên lòng tin của anh vào thắng lợi của cuộc kháng chiến.

“Nước nhà tuy gặp bước gay go

Lái vững, chèo dai ta chẳng lo

Vượt sóng dựng buồm, ta lựa gió

Thuận chiều sẽ mở cánh buồm to...”.

Ban ngày làm việc, đến tối chúng tôi cùng gia đình cụ Lương quây quần quanh bếp lửa, nướng sắn ăn và nói chuyện. Chị Lương luôn tay vót giang và se dây sắn để đan nón. Việc đan nón rất công phu vì đan dùng cho bản thân, không phải để bán. Tối nào chị cũng cặm cụi làm mà gần một năm vẫn chưa xong. Tôi để ý cháu trai mới gần bốn tuổi con anh Lương. Tối qua còn thấy cháu chạy chơi vui vẻ. Tối nay đã thấy cháu đắp chăn sui nằm bên bếp lửa. Hỏi ra mới biết cháu dang lên cơn sốt rét. Cơn sốt rét cách nhật kéo dài hàng năm, cháu nào vượt qua được thì sống rất lâu, cháu nào không vượt qua được thì vài năm là qua đời. Cụ Lương bảo chúng tôi: “Các đồng chí đi đến nơi nào thấy nhiều người già mà ít trẻ con thì nơi đó nước độc lắm đấy”. Theo dân làng thì ở làng Hản có ma cà rồng. Hồi đầu những năm 40 thế kỷ trước, trong Tiểu thuyết thứ bảy có đăng những chuyện rùng rợn về ma cà rồng. Bà con bảo: Nhà nào có ma cà rồng thi con gái dù đẹp đến mây cũng không ai dám lấy. Dân bản thường cúng ma bằng gà, lợn, riêng ma cà rông thì phải cúng bằng trâu sống, buộc dưới sàn nhà. Nếu đuổi được ma đì thì thầy cúng được dắt trâu về nhà mình. Tuy bà con trong làng tỏ ra rất kinh sợ ma cà rồng nhưng sau một thời gian ở đây, tôi không thấy biểu hiện gì lạ. Tôi thầm nghĩ: Có lẽ đây là chuyện huyễn hoặc do những kẻ xấu dựng lên để làm hại những cô gái đẹp chúng muốn chiếm làm vợ mà không được. Làng Hản thời đó nằm rất sâu trong núi rừng Việt Bắc. Từ Tân Trào đi lên phải hàng chục cây số. Đồng bào cho biết từ làng Hản có một con đường rừng sang được thị xã Tuyên Quang nhưng đường rất khó đi, phải vượt qua nhiều dãy núi cao hiểm trở nên ngay cả quân Pháp cũng không bao giờ dám sử dụng con đường này tấn công Việt Minh.

Bây giờ ở làng Hản đã có một con đường nhựa phẳng lỳ chạy thẳng từ thị xã Tuyên Quang về tới huyện lỵ Sơn Dương và làng Hản nằm ngay cạnh đường. Ngày trước muốn lên được làng Hản phải vượt qua sông Phó Đáy bằng mảng thì nay đã có một cây cầu bê tông ôtô có thể qua được. Cảnh vật làng Hản có nhiều thay đổi. Rừng cây rậm rạp che phủ cơ quan chúng tôi khi trước nay không còn dấu tích. Cây cối um tùm ven sông Phó Đáy cũng không còn, thay vào đó là cánh đồng quang đãng. Ngôi nhà chúng tôi ở khi xưa giờ là một ngôi nhà gạch mái bằng, chỉ có cây cổ thụ cạnh nhà là vẫn còn xanh tốt. Cuộc gặp mặt với gia đình anh Lương và bà con trong xã thật cảm động. Cụ ông, cụ bà, anh chị Lương đều đã không còn. Các con anh Lương rất vui mừng khi gặp lại tôi. Bà con dân làng có người vẫn nhớ tên tôi, nhớ đủ cả tên, họ. Gặp nhau tay bắt mặt mừng, kể lại chuyện hơn nửa thê kỷ trước. Làng bây giờ đã có điện, xe máy, vô tuyến truyền hình màu... Sản xuât phát triển, đặc biệt là trồng ngô lai năng suất cao nên vấn đề lương thực được bảo đảm và có dư thừa. Hơn nửa thê kỷ trôi qua. Cảnh vật có nhiều thay đổi nhưng lòng người dân ATK vẫn trước sau như một.

Trong câu chuyện, có người gợi ý: Giá như có một cái gì ghi nhớ nơi đây từng là nơi làm việc đầu tiên của Bộ trưởng Bộ Kinh tế Phan Anh trong những ngày đầu tiên ở ATK Việt Bắc thì quá hay! Bản thân tôi cũng tán thành ý kiến đó. Vì đó là mong muốn chính đáng của người dân làng Hản đã đùm bọc chúng tôi trong những ngày đầu cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp.