Theo con đường yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Đi theo con đường của Bác Hồ
(trích "Phan Anh một niềm tự hào của tri thức Việt Nam" của NXBCTQG ST - 2014. Trang 344)

... Lần đầu tiên tôi gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc nào và trong hoàn cảnh nào? Đây là một câu hỏi thông thường nhưng rât thú vị. Tôi nhớ một đêm đông ở trường trung học mà tôi ở nội trú, kỷ luật sắt của trường học không cho phép ai mang sách lên phòng ngủ. Nhưng tôi đã vào nằm trong giường, đắp chăn trùm kín chỉ để hé một khe nhỏ để đọc một quyển sách cấm mà một người bạn thân tín đưa cho. Đó là quyển Bản án chế độ thực dân Pháp. Tôi đọc từng trang, từng dòng; háo hức như người khát nước, uống từng câu từng chữ, quên cả ngủ để đọc. Sáng hôm sau quyển sách phải chuyền tay cho anh bạn khác. Tôi nghĩ: Phần lớn thanh niên học sinh ở lứa tuổi tôi trong thời gian này (1925-1930) đã được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh theo cách đó. Tôi sinh ra ở nơi đã nổ ra phong trào yêu nước Cần Vương chống thực dân Pháp. Ở đó có những nhà cách mạng yêu nước đã hy sinh tại chỗ như Phan Đình Phùng, có những nhà trí thức đã xuất dương sang Nhật Bản và Trung Quốc như Phan Bội Châu. Nhưng, các phong trào đó đều thất bại. ông Nguyễn Ái Quốc đã sang phương Tây để đi tìm con đường cứu nước. Tiếng tăm của nhà yêu nước đó gây trong tâm khảm lớp thanh niên lúc bấy giờ một niềm hy vọng lớn lao. Đến khi được đọc quyển sách cấm nói trên thì hy vọng đã chuyển thành ý chí và hành động. Sự gặp gỡ này đã quyết định hướng đi đời tôi vốn có gốc rễ từ trong quê hương Nghệ Tĩnh, trong một gia đình nhà Nho nghèo: Học không chỉ để mưu sinh, mà nhất định là phải đi tìm con đường để giải phóng đất nước. Bằng con đường nào? Bằng con đường mà Nguyễn Ái Quốc đã vạch ra.

Từ đó, mọi hành động của tôi từ trường trung học đến đại học rồi đến việc du học sang Paris, tôi vẫn nhớ cái đêm đông lạnh mà quên cả lạnh để đọc quyển sách cấm đó. Khi ở Pháp về, tôi làm nghề luật sư bào chữa cho nhiều vụ án cách mạng Việt Minh. Cách mạng Tháng Tám thành công, tôi được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên ở Hà Nội. Trong cuộc gặp đó, tôi nhớ câu nói của Bác Hồ: Tin vào trí thức và động viên khuyến khích trí thức tham gia cách mạng bằng mọi cách có thể được.

Sau cuộc gặp mặt đầu tiên một thời gian ngắn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao cho tôi nhiệm vụ tập hợp anh em trí thức lập một tổ chức gọi là “Hội đồng Kiến thiết quốc gia”, và chỉ định tôi làm Chủ tịch. Tổ chức này nhằm mục đích chính trị thực hiện đường lối của Bác Hồ, một đường lối đã mang lại thành công trong cả quá trình cách mạng Việt Nam chống giặc ngoại xâm đó là “Đoàn kêt, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Sau đó ít lâu, Tổng tuyển cử đã bầu ra Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam mới, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Để bầu chính phủ mới, có một sự chống đôi lớn lao với lực lượng thân quân đội Tàu Tưởng cầm đầu. Để thực hiện sự đoàn kết, chống nguy cơ quân Tàu ở lỳ và quân Pháp trở lại, cần có một chính phủ hợp pháp, đồng thời tiêu biểu cho sự đoàn kết quôc gia. Một vấn đề khó giải quyết là giữa phía Việt Minh và phía đối lập không bên nào nhường bên nào hai bộ: Bộ Quôc phòng và Bộ Nội vụ. Cuối cùng đi đến thỏa thuận là để hai bộ đó cho những người trung lập. Chính trong hoàn cảnh đó, Bác Hồ đã giao cho tôi làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, ngày. 2-3-1946 ở phiên họp khai mạc của Quốc hội. Rõ ràng là việc Bác giao những nhiệm vụ quan trọng đó cho tôi thể hiện một cách cụ thể lời nói của Bác đối với đoàn trí thức được Bác tiếp sau Cách mạng Tháng Tám thành công. Câu nói đó là: Bác tin vào trí thức.

Tôi nghĩ đây là một đặc điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc dùng người, tin người và từ đó gây thêm lòng tin cho cán bộ. Không những tin cán bộ mà còn tin nhân dân. Sở dĩ Bác Hồ đã đoàn kết được toàn dân chính là vì Bác tin dân và từ đó dân tin, đem hết khả năng trí tuệ và nhiệt tình để đi theo Bác phục vụ cách mạng.

Trong thời kỳ kháng chiến, cơ chế bao cấp, kỷ luật chặt chẽ là cần thiết. Nhưng cơ chế đó sẽ không phù hợp với thời bình, cho nên ngay từ năm 1953 lúc kháng chiến có chiều hướng đi đến một giai đoạn mới, cần mở rộng dân chủ, chống tệ quan liêu, vào dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, trong cuộc họp Hội đồng Chính phủ, Bác đã tặng cho mỗi người trong Chính phủ một cái bút máy có dòng chữ “Chống quan liêu, 2-9-1953” Đối với Bác, quan liêu là một tội lớn, đẻ ra lãng phí, tham ô. Trong quan điểm sai lầm của nhiều người chỉ thấy tham ô mới đáng trừng trị mà coi thường lãng phí và quan liêu. Tình trạng này kéo dài và là một trở ngại lớn cho việc thực hiện chế độ pháp trị khoa học, lấy thước đo của sự đúng sai bằng ý thức tổ chức kỷ luật và hiệu quả công tác khách quan về đức nhân hậu của Bác thì toàn dân Việt Nam, già trẻ trai gái đều biết, thể hiện trong đời sống hàng ngày, trong mối quan hệ với những người được làm việc với Bác, trong những lúc Bác tiếp những nam phụ lão ấu, công nông trí thức và cả những người làm tôn giáo. Một lần, Bác nói chuyện với một vị linh mục là cụ Phạm Bá Trực, trao đổi vấn đề tôn giáo, vấn đề phối hợp công việc giữa nhà thờ và chính quyền. Khi kết thúc, tôi còn nhớ một câu Bác nói: Các cụ lo những việc trên thiên đàng, còn chúng tôi lo những việc hạ giới. Linh mục rất tâm đắc với Bác và đã nói với tôi: Bác không chỉ lãnh đạo đất nước mà còn lãnh đạo toàn bộ cuộc sống của con người, cả phần xác lẫn phần hồn. Tính nhân hậu của Bác Hồ còn thể hiện trong chính sách dùng người. Cách mạng Tháng Tám thành công, Bác mở rộng Việt Minh thành Mặt trận Liên Việt, thu hút tất cả các giới, các tầng lớp xã hội, và đặc biệt Bác chú trọng giới trí thức. Một lần Bác hỏi tôi có nên đưa vào chức vụ cao một vị Thượng thư trong triều đình Huế, tôi chưa kịp trả lời, thì Bác đã nói ngay: Ông ấy là một nhà Nho, tuy làm quan lâu với Pháp, nhưng cũng rõ là người yêu nước và thanh liêm chính trực.

Trong Chính phủ kháng chiến, số trí thức chiếm một tỷ lệ khá cao, có những trí thức đã theo cách mạng từ buổi đầu (trước khi Cách mạng Tháng Tám thành công) như các anh Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, có những trí thức mới theo cách mạng (sau Cách mạng Tháng Tám) như các anh Nguyễn Văn Huyên, Tạ Quang Bửu, Trần Đăng Khoa, Nghiêm Xuân Yêm, Hoàng Minh Giám, Vũ Đình Hòe, Vũ Đình Tụng, Hoàng Tích Trí, Trần Duy Hưng... Đồng thời, Bác đặc biệt chú ý cổ vũ giới khoa học, kỹ thuật. Thí dụ, kỳ họp Chính phủ nhân dịp Quốc khánh năm 1953, Bác đã đích thân trao Huân chương Kháng chiến cho bác sĩ Tôn Thất Tùng, bác sĩ Trần Hữu Tước cũng như kỹ sư Trần Đại Nghĩa là những ví dụ quan tâm trực tiếp của Bác, từ khi Bác đưa các anh ở Pháp về trong dịp Hội nghị Fontainebleau tham gia việc kháng chiến. Chính vì vậy mà có thể nói rằng lòng nhân hậu của Bác không chỉ là một tình nhân ái tự nhiên mà còn là niềm tin vào cái tốt của mọi người. Người đã tôt càng thêm tốt, người chưa tốt có thể thành tốt miễn là có hướng dẫn, có bồi dưỡng trong đối xử, trong việc sử dụng.

Riêng đối với tôi, lòng nhân ái của Bác thấm cả vào đời công và đời tư. Bác giao cho tôi nhiệm vụ ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công và sau này về công tác ngoại giao đi Hội nghị Fontainebleau, Hội nghị Genève; rồi lâu năm làm công tác kinh tế, công tác ngoại thương. Tôi là một người ngoài Đảng, tôi coi sự tín nhiệm của Bác đôi với một trí thức như tôi không chỉ là một sự tín nhiệm cá nhân, mà thể hiện cả một đường lối dùng người, đường lối đại đoàn kêt, đường lối dựa trên nguyên tắc: Tin dân và do đó dân tin.

Luật sư Phan Anh

Bài viết liên quan
07/20/2020
BÁC HỒ CỦA CHÚNG TA LÀ THẾ ĐÓ

Xin giới thiệu, bài viết dưới đây của ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban TW MTTQVN về cảm tưởng của Phan Anh lần đầu tiên gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh.

06/08/2020
Thời thế tạo anh hùng - Anh hùng tạo thời thế

(trích "Phan Anh một niềm tự hào của tri thức Việt Nam" của NXBCTQG ST - 2014. Trang 329)

06/08/2020
Hồ Chí Minh và con đường của những người tri thức

(trích "Phan Anh một niềm tự hào của tri thức Việt Nam" của NXBCTQG ST - 2014. Trang 312)

01/17/2020
Trường Thanh niên tiền tuyến Huế và hai trí thức nổi tiếng đồng sáng lập

Lịch sử cách mạng Việt Nam đã ghi nhận trường Thanh niên Tiền tuyến Huế như một “hiện tượng lịch sử” độc đáo. Đó là sản phẩm của lòng yêu nước Việt Nam được ánh sáng cách mạng dẫn đường và được tổ chức một cách khéo léo. Trường Thanh niên Tiền tuyến Huế gắn liền với tên tuổi hai nhà trí thức lớn, hai người đồng sáng lập nhà trường: Luật sư Phan Anh và Giáo sư Tạ Quang Bửu.

01/17/2020
Luật sư Phan Anh – một Đại biểu Quốc hội tận tụy - Lawyer Phan Anh - a dedicated parliamentarian

Phan Anh, một luật sư nổi tiếng của Hội Luật gia Việt Nam và là Phó Chủ tịch Quốc hội Khóa VII, đã góp phần rất lớn vào việc xây dựng Quốc hội Việt Nam và là một đại diện thực sự của nhân dân.