Tin tức
Cẩn trọng trong hoạt động từ thiện
Lợi dụng từ thiện để lừa đảo, thu lợi bất chính không phải là hiện tượng mới nảy sinh, nhưng gần đây, tình trạng này có chiều hướng diễn biến phức tạp, với nhiều mánh khóe tinh vi, gây bức xúc dư luận.
Công an huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) làm việc với Lê Thị Hiền, đối tượng đã lợi dụng quyên góp từ thiện để lừa đảo, chiếm đoạt số tiền lớn của các nhà hảo tâm.
Thời gian qua, số tiền lừa đảo từ các vụ việc bị phát hiện lên đến hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng, trong đó một số người nổi tiếng cũng vô tình mắc bẫy lừa đảo. Đáng lo ngại là tình trạng này đang làm xói mòn niềm tin của cộng đồng, nguy cơ ảnh hưởng tới các hoạt động từ thiện chính đáng.
Ngày 8/3 vừa qua, đại diện Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đã quyết định xử phạt diễn viên Quách Ngọc Tuyên 7,5 triệu đồng vì có hành vi chia sẻ thông tin không đúng sự thật liên quan việc kêu gọi từ thiện. Trước đó, trên trang Facebook cá nhân, nam diễn viên này chia sẻ bài viết kêu gọi sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng cho một bé trai mắc bệnh hiểm nghèo, cần số tiền lớn để phẫu thuật trong khi gia đình rất khó khăn, không thể lo nổi. Một số người vì thấy hoàn cảnh đáng thương của em nhỏ, tin tưởng vào thông tin do diễn viên Quách Ngọc Tuyên đưa ra nên nhanh chóng chuyển tiền ủng hộ vào số tài khoản được đăng tải kèm bài viết. Đáng chú ý, một nhà hảo tâm đã chuyển khoản số tiền lên đến 100 triệu đồng, tuy nhiên khi người này trực tiếp đến bệnh viện để tìm hiểu thì phát hiện không hề có trường hợp nào như nam diễn viên đã đưa tin. Trong khi đó chia sẻ của nam diễn viên Quách Ngọc Tuyên trên Facebook vẫn được nhiều người, gồm cả người nổi tiếng, tiếp tục lan tỏa với mong muốn chân thành là giúp em nhỏ gặp hoàn cảnh thương tâm có thêm sự giúp đỡ. Đến nay, tuy mức độ thiệt hại về vật chất mà các nhà hảo tâm tin, nghe theo thông tin sai để chuyển tiền quyên góp chưa được làm rõ, nhưng có thể thấy sự mất lòng tin là không thể đong đếm được. Ngày 1/3, diễn viên Quách Ngọc Tuyên chính thức lên tiếng xin lỗi về vụ việc, đồng nghĩa với việc phải nhận về mình không ít lời chỉ trích. Sự việc trên khiến nhiều người nhắc nhớ đến trường hợp một số người nổi tiếng khác từng bị xử phạt vì đưa thông tin sai liên quan đến từ thiện xảy ra trước đó không lâu. Đây có thể coi là bài học cho các cá nhân, đặc biệt là người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, liên quan đến việc kêu gọi từ thiện, tránh tình trạng "từ thiện ảo", từ thiện sai đối tượng, tạo cơ hội để một số đối tượng xấu khai thác, trục lợi.
Thực tế hiện nay, lợi dụng sự cả tin, lòng hảo tâm, tinh thần tương thân tương ái trong cộng đồng, cũng như khả năng kết nối, lan tỏa của mạng xã hội, một số cá nhân đã lập tài khoản ảo, từ đó dựng lên những câu chuyện thương tâm, những cảnh đời khốn khó để thu hút sự chú ý của nhiều người, rồi kêu gọi lòng từ thiện, giúp họ quyên góp thu lợi bất chính. Nhằm tăng sức thuyết phục, bên những câu chuyện có thể "lấy nước mắt" của cộng đồng, các đối tượng còn tạo ra một số bức ảnh gây ấn tượng, minh họa câu chuyện họ đăng tải nhằm tăng tính thuyết phục, thậm chí tổ chức cả mạng lưới "chân rết" trên mạng xã hội vào tương tác, cổ súy, mồi chài. Tiêu biểu như vụ việc "bác sĩ Khoa" hồi tháng 8/2021 gây xôn xao dư luận.
Đây là một trong nhiều sự việc nổi cộm thời gian qua, và cho thấy sự gia tăng rất đáng lo ngại của tình trạng này.
Chỉ trong vòng sáu tháng trở lại đây, hàng loạt vụ việc bị phát hiện khiến dư luận hết sức bất bình. Tiêu biểu có thể kể đến như: Ngày 6/10/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Nam Định ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, Lệnh bắt tạm giam đối với Cao Thị Hoài (sinh năm 1998, trú xóm 8, xã Giao Nhân, huyện Giao Thủy) để điều tra, làm rõ hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" quy định tại Điều 174, Bộ luật Hình sự. Trước đó, để tạo sự tin cậy với cộng đồng mạng, Cao Thị Hoài đã lập trang Facebook với lời mô tả là "Bảo vệ mạng sống cho các con", cho biết mình đang làm việc tại phòng khám và điều trị "Tâm An Đường". Từ đó Hoài sử dụng ảnh các trẻ sơ sinh bị bỏ rơi không may qua đời, các thai nhi bị phá bỏ để kêu gọi sự quyên góp của mọi người ủng hộ tiền mua đất, chôn cất, xây mộ cho sinh linh yểu mạng. Bằng cách thức này, Cao Thị Hoài đã lừa được hàng trăm triệu đồng của gần 688 nhà hảo tâm ở khắp các tỉnh, thành phố. Tháng 11/2021, Công an tỉnh Nghệ An tạm giữ hình sự đối tượng Trần Văn Dũng (sinh năm 1996, trú tại xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) để điều tra, làm rõ về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn của Dũng là sử dụng các tài khoản Facebook ảo, liên tục đăng tải nhiều hình cháu bé mắc bệnh bẩm sinh, bệnh hiểm nghèo đang cần tiền điều trị hoặc các thai nhi xấu số cần hòm chôn cất để lừa các nhà hảo tâm. Chỉ trong vòng sáu tháng (từ tháng 5 đến tháng 11/2021) Dũng đã thu về hơn 2,5 tỷ đồng là tiền quyên góp của các nhà hảo tâm. Cũng tại Nghệ An, tháng 12/2021, Công an thị xã Thái Hòa đã bắt giữ Phan Văn Tài (sinh năm 1996, trú tại xã Giang Sơn Tây, huyện Đô Lương) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đối tượng này đã tạo nhiều tài khoản ảo trên Facebook, đăng tải trên các hội, nhóm từ thiện nhiều bài viết không đúng sự thật về hoàn cảnh của các trẻ em gặp hoàn cảnh éo le, bị ngược đãi, bệnh tật hiểm nghèo,... hòng đánh vào lòng thương xót của cộng đồng mạng, từ đó kêu gọi mọi người quyên góp, ủng hộ giúp đỡ các em. Ước tính từ tháng 6/2021 đến khi bị bắt, Phan Văn Tài đã lừa đảo được hơn 1.600 người trên cả nước, chiếm đoạt số tiền trên 250 triệu đồng. Mới đây nhất, ngày 8/3/2022, Công an huyện Triệu Sơn (tỉnh Thanh Hóa) phát hiện đối tượng Lê Thị Hiền (sinh năm 2000, trú tại xã Minh Sơn, huyện Triệu Sơn) đã lợi dụng quyên góp từ thiện để lừa đảo, chiếm đoạt số tiền lớn của hàng trăm nhà hảo tâm trên phạm vi cả nước cũng với thủ đoạn tương tự như các đối tượng nêu trên.
Các sự việc trên cho thấy, dù có nhiều vụ lừa đảo từ thiện bị phát hiện và xử lý song tình trạng vẫn diễn biến hết sức phức tạp, với nhiều chiêu thức, thủ đoạn tinh vi, khó lường. Đối tượng lừa đảo hoạt động chủ yếu trên mạng xã hội với tên giả, địa chỉ giả nên khó phát hiện. Mặt khác, nhà hảo tâm thường dễ động lòng trắc ẩn và cả tin, ít chú ý tìm hiểu thực hư sự việc, bị dẫn dắt bởi câu chuyện thương tâm, để rồi vội vã chuyển tiền cho đối tượng lừa đảo. Ngay khi sự việc bị phát giác, không phải ai cũng lên tiếng bởi ngại phiền hà, cho rằng số tiền bị mất không quá lớn nên im lặng. Song đó chính là mục đích mà các đối tượng lừa đảo, trục lợi từ thiện trên mạng nhắm đến. "Tích tiểu thành đại", dù số tiền quyên góp của mỗi cá nhân chỉ vài chục, vài trăm nghìn đồng, nhưng lừa được càng nhiều người, số tiền thu về càng lớn. Và khi có nguy cơ bị phát hiện, kẻ lừa đảo lập tức biến mất, các tài khoản trên mạng xã hội lập tức bị xóa, số điện thoại chúng dùng liên lạc cũng "ngoài vùng phủ sóng". Để rồi chỉ một thời gian sau, "bẫy" mới lại tiếp được giăng ra trên mạng xã hội với tài khoản mới không rõ ràng về danh tính, hoặc danh tính giả mạo, với những câu chuyện bịa đặt đẫm nước mắt, kêu gọi cộng đồng chung tay giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn. Nếu được người nổi tiếng cùng chia sẻ câu chuyện bi ai do chúng dựng lên thì đối tượng lừa đảo càng dễ kiếm lời.
Kịch bản lặp đi lặp lại như vậy, nhưng do kẻ lừa đảo núp bóng từ thiện thường nghĩ ra nhiều chiêu thức, mánh khóe mới, nên người nhẹ dạ, cả tin, thiếu tỉnh táo vẫn sẽ dễ mắc bẫy, trong khi luôn tin rằng mình đang làm điều tốt đẹp để giúp đỡ những phận người đáng thương. Nếu để các hành vi lừa đảo nêu trên tiếp tục kéo dài, tình trạng này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý cộng đồng như: nghi ngờ các hoạt động thiện nguyện; mất niềm tin vào sự kiểm soát của cơ quan chức năng đối với các hành vi có dấu hiệu lừa đảo, trục lợi từ thiện; quay lưng lại với những hoàn cảnh thực sự khó khăn cần được giúp đỡ…
Từ diễn biến phức tạp của hoạt động từ thiện trên mạng xã hội hiện nay cho thấy, mỗi cá nhân khi tham gia hoạt động thiện nguyện cần hết sức tỉnh táo, cẩn trọng, cảnh giác trước thủ đoạn kêu gọi từ thiện để trục lợi, chú ý nắm bắt thông tin qua những nguồn tin cậy, cũng như có thể yêu cầu người đăng tải minh bạch thông tin liên quan đến các trường hợp cần giúp đỡ để người đóng góp từ thiện cũng như cộng đồng mạng có thể kiểm chứng, giám sát. Khi nghi ngờ, phát hiện dấu hiệu lừa đảo cần kịp thời báo cáo cơ quan chức năng để kiểm tra, xử lý. Về phía các cơ quan chức năng, tính phức tạp gia tăng của tình trạng này đòi hỏi cần thường xuyên bám sát các hoạt động nổi cộm trên mạng, áp dụng các biện pháp kỹ thuật để rà soát, kịp thời phát hiện những tiêu cực nảy sinh để chấn chỉnh. Đối với các đơn vị cung cấp nền tảng mạng xã hội cần có cơ chế kiểm soát thông tin về hoạt động từ thiện nói riêng, về hoạt động kinh doanh nói chung, kiên quyết loại bỏ những vấn đề, sự kiện, nội dung gây hại cho cộng đồng.
Từ thiện là xuất phát từ trái tim của mỗi người, mong muốn đem điều tốt đẹp với những người kém may mắn, gặp hoạn nạn. Đó là việc làm rất cần ngợi khen, biểu dương và khuyến khích. Tuy nhiên, dù mục đích, động cơ là làm việc thiện thì mỗi cá nhân khi tham gia hoạt động này cũng cần có kiến thức, kỹ năng để việc làm của mình thực sự phát huy hiệu quả. Để bảo đảm tấm lòng của mình được trao gửi đúng nơi, đúng chỗ, đúng mục đích các nhà hảo tâm cần dành thời gian tìm hiểu về các địa chỉ tiếp nhận tiền từ thiện, nên tìm đến các chương trình, quỹ từ thiện được cấp phép, hoạt động có uy tín, tin cậy. Với những người nổi tiếng, có ảnh hưởng khi trực tiếp đứng lên kêu gọi quyên góp từ thiện hoặc chia sẻ câu chuyện, hoàn cảnh cần được giúp đỡ, phải luôn ý thức về trách nhiệm của cá nhân trước cộng đồng và luật pháp. Bởi hành vi đăng tải thông tin sai, sự thiếu minh bạch trong hoạt động từ thiện sẽ phải trả giá rất đắt, vì không chỉ bị xử phạt theo quy định của pháp luật, mà còn đánh mất niềm tin của người hâm mộ. Sự cẩn trọng của mỗi cá nhân sẽ góp phần tạo môi trường lành mạnh cho hoạt động từ thiện, góp phần từng bước đẩy lùi và loại bỏ những đối tượng cơ hội, lợi dụng lòng nhân ái của cộng đồng để hành xử bất lương và trục lợi.
Nguồn: https://nhandan.vn/binh-luan-phe-phan/can-trong-trong-hoat-dong-tu-thien-689194/
Bài viết liên quan
04/09/2024
Thay đổi chính sách Quỹ Xã hội Phan Anh

Những đổi mới về chính sách của Quỹ Xã hội Phan Anh trong năm 2024

TRƯỜNG TIỂU HỌC TÙNG ẢNH 100 TUỔI

Nhân dịp trường tiểu học Tùng Ảnh 100 năm tuổi, có mấy người bạn ở quê nói tôi viết bài về trường. Tôi xa quê đã lâu, không biết viết gì, chỉ biết kể lại chuyện của ngày xưa, nhiều chuyện cũng chỉ được nghe bà và mẹ kể lại - Tác giả: Võ Hồng Phúc-Nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Cá nhân tham gia vận động, ủng hộ và quyên góp từ thiện: Qũy Xã hội Phan Anh luôn hướng tới sự minh bạch, sự chuyên nghiệp

Qũy Xã hội Phan Anh là nơi các cá nhân khi tham gia các hoạt động từ thiện đã có thể hoạt động một cách công khai minh bạch, hiệu quả thiết thực nhờ quy định mới và sự hỗ trợ của giải pháp thiện nguyện trên nền tảng số.

Siêu bão Noru liên tục mạnh lên, miền Trung bắt đầu mưa lớn

Rồi người ta có thể sẽ quên Sangsane, sẽ quên Damrey, sẽ quên Ketsana nhưng Noru thì không. Nó sẽ là cơn bão lịch sử về sức mạnh, về cấp độ lớn nhất từng đổ bộ vào đất liền của Việt Nam. Và tôi cầu mong nó không để lại dấu ấn lịch sử về thiệt hại.

Đặc sắc Chương trình nghệ thuật “Hòa Bình - Thanh âm xứ Mường” và Carnival năm 2022

Video được lấy nguồn từ : http://media.baohoabinh.com.vn/50/168...