Thơ
BÀI THƠ “CẢNH KHUYA” CỦA BÁC HỒ - MỘT KIỆT TÁC THI CA, CÓ SỨC TRUYỀN CẢM VÔ CÙNG RỘNG LỚN
Để thấu hiểu tác phẩm thi ca và sức truyền cảm, hấp dẫn, thuyết phục của kiệt tác, cần biết khung cảnh thiên nhiên và hoàn cảnh xã hội ra đời các bài thơ: Xướng, họa và hưởng ứng của các tầng lớp: Lãnh đạo, cán bộ và nhân dân, mới hội tụ đủ nội dung thông tin và hình ảnh sinh động để chiêm ngưỡng, thưởng thức sự lộng lẫy, dung dị phong nhã, nhưng rất tình người trong bài thơ “Cảnh Khuya” của Bác Hồ.

Đây là một tác phẩm thi ca mang đậm “cốt cách dân gian” mà vẫn giữ được “phong thái hàn lâm”. Tác phẩm thi ca này cho thấy đặc sắc của nền Văn hóa Việt Nam – nền Văn hóa “dân tộc độc lập có truyền thống đấu tranh giữ nước”, đã tồn tại bền vững từ nhiều nghìn năm nay.
       Xin giới thiệu bài thơ “Cảnh Khuya” của Bác Hồ - một kiệt tác thi ca có sức truyền cảm vô cùng rộng lớn và hai bài: thơ họa và thơ hưởng ứng.
Bộ trưởng Bộ Kinh tế trên ATK
trong năm đầu cuộc kháng chiến chín năm.
      (Trích cuốn sách Những ngày đầu sống trong ATK Việt Bắc của ông Nguyễn Thượng Hòa - Tham chính Văn phòng Bộ trưởng Bộ Kinh tế thời kháng chiến chín năm - Chủ nhiệm Ủy ban Vật giá Nhà nước thời hòa bình).
      “Đầu năm 1947, đồng chí Bùi Thanh Vân - Phó Văn phòng Bộ Kinh tế, truyền đạt ý kiến Bộ trưởng Phan Anh, lúc đó được cử làm Bộ trưởng Bộ Kinh tế Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đề nghị tôi đến Văn phòng Bộ trưởng công tác. Tôi hăng hái nhận lời ngay” ...
      “Sau ăn Tết Đinh Hợi với gia đình, mồng 8 tháng Giêng tôi lên đường nhận nhiệm vụ. Nghỉ hai ngày ở trạm đón tiếp của Bộ tại Phú Thọ, rồi tiếp tục đi lên thị xã Tuyên Quang, lại nằm chờ mấy ngày ở trạm liên lạc. Đầu tháng 3 / 1947 vượt bến đò Bình Ca đến huyện Sơn Dương, ngủ lại một đêm, sáng hôm sau tôi khoác ba lô đi vào ATK” ...
     “Đường đi men theo dòng sông Phó Đáy, qua cầu Bì, đi sâu vào rừng già. Đường  khó đi, nhưng với sức thanh niên và tinh thần háo hức tham gia kháng chiến, tôi rảo bước khá nhanh. Lần đầu tiên nhìn thấy chùm hoa phong lan rừng tuyệt đẹp tỏa hương thơm ngào ngạt, nên hầu như tôi quên hết mệt nhọc. Khoảng 10 giờ sáng tới suối Lê Nin nước trong vắt, bờ cát mịn màng, đang đi đường rừng khúc khuỷu, gồ ghề, nay được đi trên cát thật dễ chịu làm sao” ... “Có anh em tức cảnh thành thơ:
   Nước suối Lê vừa trong vừa mát,
  Đường suối Lê lắm cát dễ đi
     “Khoảng giữa trưa đến đình Hồng Thái. Dừng chân ăn cơm nắm muối vừng mang theo, nghỉ một lát rồi lại đi tiếp. Lội qua ngòi Thia, lúc này người đã thấm mệt mà đường rừng vẫn còn xa hun hút. Gặp mấy đồng bào địa phương tôi hỏi thăm: “còn xa không ?”. Họ trả lời: “Chẳng xa nữa đâu, chỉ còn mấy cây thôi”. Nhưng đi hàng giờ nữa vẫn chưa tới. Hóa ra ý bà con không phải mấy cây số, mà là mấy gốc cây lớn sẽ gặp trên đường. Xế chiều tôi qua sông Phó Đáy bằng mảng. Văn phòng Bộ trưởng đóng tại làng Hản xã Kim Quan Hạ huyện Sơn Dương tỉnh Tuyên Quang”...
      “Làng Hản nằm gần sông Phó Đáy, hai bên bờ phong cảnh đẹp nên thơ. Làng có hơn chục nóc nhà sàn, được bao bọc bởi dòng sông và ba mặt núi cao. Giữa cánh đồng có một giếng nước rất trong, phục vụ cả làng. Vì có núi bao bọc xung quanh nên buổi sáng đến 9 giờ sương mù vẫn chưa tan, mùa đông có sương muối giá lạnh vô cùng. Văn phòng Bộ trưởng đóng tại nhà cụ Ma Văn Lương; gia đình Bộ trưởng (chị Phan và hai cháu nhỏ) ở nhờ nhà đồng bào ngay kế bên” ...
      “Lúc tôi đến, Văn phòng có bốn người: Tôi, Nguyễn Thượng Hòa - Tham chính Văn phòng; anh Trương Kiền - Bí thư giúp việc Bộ trưởng; anh Hàn Huy Sán - Thư ký đánh máy; anh Thông - cần vụ. Sau tuyển thêm hai thanh niên người Tày (anh Tùy, anh Ton) làm liên lạc, bảo vệ ... Để giữ bí mật, Văn phòng Bộ trưởng Phan Anh lấy bí danh “Cơ quan ông Việt Khổng”; anh em chúng tôi mỗi người cũng có một bí danh” ...   
     “Bộ trưởng thường xuyên nghiên cứu chính sách của Trung ương và chủ trương của Chính phủ. Hằng ngày tập trung xem xét các báo cáo và giải quyết những công việc của Bộ do Văn phòng trình lên, cũng như các tài liệu của các cơ quan ngoài Bộ gửi đến. Bộ trưởng đề ra những quyết sách cho ngành Kinh tế vùng kháng chiến hoạt động. Lúc rảnh Bộ trưởng đọc sách, làm thơ. Bộ trưởng chỉ vắng mặt ở cơ quan khi đi họp Chính phủ, làm việc ở Văn phòng Bộ Kinh tế (lúc này đóng tại huyện Lập Thạch, Vĩnh Yên) hoặc tham dự các hội nghị” ...
      “Công việc hằng ngày của “Cơ quan ông Việt Khổng”: Tôi nhận công văn do liên lạc chuyển tới, nghiên cứu trình lên Bộ trưởng cho ý kiến, rồi thảo văn bản trả lời, anh Hàn Huy Sán đánh máy, trình ký, cho liên lạc chuyển đi” …
      “Cuộc sống ở đây rất đạm bạc, chúng tôi đều trút bỏ quần áo thành phố thay bằng “quần áo bà ba” may bằng vải phin, vải mộc đều nhuộm lá cơi ra mầu cỏ úa, Bộ trưởng cũng mặc như vậy. Khi đi công tác, anh Phan còn thắt thêm cái ruột tượng và đội mũ lá khu 4 rộng vành, trông giống hệt bác nông dân; chỉ có điều bác nông dân này hay cưỡi một con ngựa hồng rất đẹp. Trên đường đi công tác, khi đi trong rừng Bộ trưởng cưỡi ngựa, bí thư Kiền đi bộ theo sau, nhưng qua chỗ phố xá đông người thì anh Phan xuống đi bộ, bí thư Kiền cưỡi trên mình ngựa. Anh Kiền mới ở hội nghị Fontainebleau trở về hay mặc quần Mỹ, lưng đeo súng lục, cưỡi ngựa rất ra dáng chỉ huy quân sự, có cần vụ đi theo. Các anh làm như thế để che mắt địch” ...
      “Anh chị Phan Anh là những trí thức đã du học bên Pháp trở về nước, cuộc sống trước kháng chiến khá đầy đủ. Nay lên chiến khu, anh chị sống kham khổ như anh em chúng tôi, nhưng không hề kêu ca phàn nàn, khiến chúng tôi rất khâm phục” ...
      “Cơ quan rất ít khi có khách, vì phải tuyệt đối giữ bí mật. Khách chỉ có các đồng chí Thứ trưởng Bùi Công Trừng, Cù Huy Cận và đồng chí Đổng lý Văn phòng Bộ Kinh tế Phạm Thành Vinh thường đến làm việc với Bộ trưởng” ...
Quân Pháp tấn công bao vây
chiến khu Việt Bắc.
Các cơ quan trong ATK di chuyển,
tránh địch.
      Ngày 7 / 10 / 1947, quân Pháp mở cuộc hành quân tấn công quy mô lớn bao vây chiến khu Việt Bắc, nhằm: Tiêu diệt cơ quan đầu não lãnh đạo kháng chiến của Việt Minh, tìm diệt quân chủ lực, phá tan căn cứ địa Việt Bắc. Trong chiến dịch đối phó cuộc tấn công bao vây của địch, Bác Hồ vừa chỉ đạo Tổng tư lệnh chỉ huy bộ đội chặn đánh hai mũi gọng kìm hành quân của địch, vừa lãnh đạo các cơ quan trong ATK di chuyển vượt vòng vây, tránh giặc.
      Các cơ quan trong ATK được lệnh di chuyển, tránh địch. “Cơ quan ông Việt Khổng” và gia đình Bộ trưởng lên chiếc mảng nứa xuôi dòng sông Phó Đáy một đoạn khá dài, rồi lên bộ vượt đèo, qua suối, đi suốt ngày đêm, có quãng đường lội xuôi dòng suối chảy hàng mấy tiếng đồng hồ ... Cuộc hành quân băng rừng từ Tân Trào, qua Quảng Nạp, sang Bộc Nhiêu, Tràng Xá (Thái Nguyên) đến Phương Giao thì tạm dừng lại, dựng trụ sở mới ...
      Bộ trưởng Phan Anh kể cho bà Đỗ Hồng Chỉnh biết những ngày tháng cuối năm 1947 cơ quan trên đường di chuyển, tránh giặc (trích trong cuốn sách “Những chặng đường anh đi”của Bà):
      “Một buổi sáng ở làng Hản, anh Phan đang làm việc tại Văn phòng, nghe thấy tiếng máy bay. Buổi chiều hôm đó có cán bộ đến hướng dẫn “Cơ quan ông Việt Khổng” và gia đình Bộ trưởng di chuyển, tránh địch. Mọi người gọn gàng đồ mang theo, xuống bến sông Phó Đáy. Tiễn chân, bà con dân bản không một chút hoang mang lo lắng, bầy tỏ tình lưu luyến khi tạm biệt và mong cho mọi người lên đường tránh địch an toàn, rồi mau chóng lại trở lại làng Hản” ...
      “Cả đoàn người lên chiếc mảng nứa xuôi dòng sông Phó Đáy, qua Kim Quang Thượng, Kim Quang Hạ, Cầu Toa, Yên Thượng, hướng về Tân Trào ... Từ Tân Trào qua Quảng Nạp, sang Bộc Nhiêu - Tràng Xá (Thái Nguyên), đến Phương Giao thì tạm vào trụ sở mới. Ở đó đồng bào niềm nở đón tiếp đậm tình dân, nghĩa nước” ...
      “Trên đường từ Quảng Nạp - núi Hồng qua Tràng Xá - Phương Giao, anh Phan và anh Lê Văn Hiến (Bộ trưởng Bộ Tài chính) được gặp Bác Hồ. Bác phân tích cho các anh biết những thuận lợi, khó khăn của địch và của ta; Bác phán đoán những hoạt động của địch. Bác vẽ trên đất, đường tiến và đường lui của địch và của ta. Bác giảng giải quân địch bao vây ta theo thế gọng kìm; ta phải luồn tránh ra ngoài gọng kìm, không để mắc kẹt trong vòng vây của chúng. Khi địch rút lui, ta lại trở về chỗ cũ” …
      “Trưa đến, Bác nghỉ ở một nhà đồng bào gần Tràng Xá. Vẫn như thường lệ, Bác ngả lưng ngủ một giấc, điềm tĩnh, thanh thản, như không hề có địch đang tấn công bao vây Việt Bắc. Anh Phan và anh Lê Văn Hiến được dịp ngắm nhìn Bác ngủ. Nắng chiếu qua kẽ vách, thành những vệt sáng in trên người Bác, Bác ngủ rất ngon lành”.
      “Chính ở đó, Bác Hồ chỉ thị: Nếu quân địch đến, các cơ quan trong ATK chia thành hai bộ phận đi theo hai hướng khác nhau. Hướng đi Lạng Sơn, giao cho anh Phan phụ trách. Khi cơ quan và gia đình dừng lại ở xã Xuất Tác,  đồng bào lại nhiệt tình giúp đỡ, tìm nơi kín đáo dựng hai nếp nhà bằng tranh tre nứa lá, một cho anh Hoàng Minh Giám và một cho anh Phan. Lúc đó đúng vào mùa quýt chín, đồng bào mến khách, nên khách có dịp thoải mái hái quýt trong vườn nhà đồng bào” …
      “Thời gian ở Xuất Tác, anh Phan tranh thủ thăm con đường xuyên sơn bí mật sang Lạng Sơn vào xã Nhất Thể bên bờ sông Thương. Ở Xuất Tác gần một tháng, được tin quân Pháp tới đốt phá Phương Giao. Mấy ngày sau máy bay lại lượn trên bầu trời Xuất Tác. Đã thuộc đường, những cơ quan được chỉ định hướng Lạng Sơn lên đường, đi qua đường rừng trên đỉnh núi. Xuất phát từ buổi chiều, trong khi máy bay địch lượn trên bầu trời nhằm tìm kiếm cơ quan của ta. Nhưng đường đi trong rừng rất kín đáo, nên địch không phát hiện được. Đi suốt đêm, hôm sau tới Nhất Thể, đến trụ sở mới được tin quân Pháp đã vào lùng sục Xuất Tác” ...
*
Bác Hồ tức cảnh xướng bài thơ
Cảnh Khuya”.
Gửi cho một số cán bộ và yêu cầu họa lại.
      Thực dân Pháp ngoan cố muốn trở lại đô hộ nước ta một lần nữa. Dân tộc Việt Nam quyết không chịu làm nô lệ, ngày 19 / 12 / 1946, Bác Hồ  - Chủ tịch kiêm Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa buộc phải ra lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến”, dù trong hoàn cảnh đất nước “ngàn cân treo sợi tóc”. với tương quan lực lượng ta - địch “châu chấu đá voi”.  
      Bác Hồ là vị Minh quân - thông kim bác cố “hiểu ta - biết địch”, là bậc Hiền tài - giỏi thao lược, biết “xoay vần thế cuộc”; luôn đáu đáu trăn trở lo tính công việc kháng chiến; đặt niềm tin vào cộng sự của mình và dạt dào tình yêu thương toàn thể chiến sỹ, đồng bào.
       Bác là thi nhân giầu lòng bác ái; biết thưởng ngoạn vẻ đẹp huyền ảo của “trời - đất”; Qua rằm tháng 9 năm Đinh Hợi (11 / 1947) vào một đêm trăng thanh gió mát, trong giây phút rung cảm trước cảnh đẹp lung linh non xanh nước biếc. Bác Hồ xúc động tức cảnh, xướng bài thơ Cảnh Khuya.
Đêm khuya nhân lúc quan hoài.
Nên câu thơ thẩn chờ ai họa vần.
 
Tiếng suối trong như tiếng hát xa.
Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa.
Cảnh khuya như vẽ Người chưa ngủ.
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.
 
Nước nhà đương gặp lúc gay go.
Trăm việc ngàn công đều phải lo.
Giúp đỡ nhờ anh em gắng sức.
Sức nhiều thắng lợi lại càng to.
     Bài thơ “Cảnh Khuya” của Bác là một kiệt tác thi ca hiếm có trên đàn thơ văn.
     Bác súc cảm trước vẻ đẹp hoa rừng, suối trong, không gian núi rừng hùng vỹ; Tấm lòng thương yêu chiến sỹ đồng bào, tin tưởng cộng sự; Cùng trách nhiệm lãnh đạo cuộc kháng chiến bảo vệ nền độc lập. Tất cả, trộn đều trong bầu nhiệt huyết đang chảy nơi trái tim Người.
      Đêm khuya trăng thanh gió mát, Bác hứng khởi xướng ra những dòng thơ nuột nà, rõ nghĩa, vần đẹp ý hay, lột tả nét lộng lẫy của thiên nhiên: Hoa, rừng, suối, nước và trách nhiệm với dân tộc trước vận mệnh quốc gia. Bác gửi gắm niềm tin, kêu gọi anh em đồng chí cùng lo tính việc nước, gắng sức mình đồng lòng gánh vác công việc kháng chiến.
      Trong không gian huyền ảo đêm trăng thanh, bạn đọc được thưởng thức “tiếng suối trong như tiếng hát xa”. Thi nhân sử dụng nghệ thuật so sánh “tiếng nước trên dòng suối” như “tiếng hát của đoàn quân ra trận” ...
      Câu thơ “Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa” điệp từ “lồng” được nhắc lại hai lần làm khung cảnh núi rừng thêm huyền ảo giữa đêm trăng thanh. Cây và hoa xen lẫn nhau tạo nên vẻ đẹp lung linh nhiều sắc màu qua cách nhìn cảnh vật của Thi nhân vốn giầu lòng yêu mến thiên nhiên.
     Điệp từ “chưa ngủ” được sử dụng hai lần vì cảm xúc trước cảnh đẹp núi rừng và vì nỗi lo công việc kháng chiến đang còn bộn bề; thể hiện “nỗi lo việc nước” và sự “rung động trước cảnh đẹp núi sông” luôn thường trực trong tâm trí Người “anh hùng dân tộc” luôn là “danh nhân văn hóa”. 
      Cảnh Khuya” - Bài thơ xướng của Bác và được Bác "Gửi chú Việt Khổng, yêu cầu họa lại". Theo ông Nguyễn Thượng Hòa trong “Những ngày đầu sống trong ATK Việt Bắc” có đoạn:
      “Vừa chập tối tháng 11 / 1947, liên lạc chuyển tới một bức thư gửi chú Việt Khổng; Bộ trưởng mở ra xem, rồi gọi ngay chúng tôi sang đọc. Hóa ra là bài thơ của Bác vừa mới làm, gửi anh Phan và yêu cầu họa lại. Bài thơ của Bác rất hay, tôi đã thuộc 4 câu:
Tiếng suối trong như tiếng hát xa. / Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa. /
Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ. / Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà” ...
     Sáng hôm sau, Bộ trưởng gọi chúng tôi sang, đọc cho nghe bài thơ mới họa lại trong đêm, trong đó có bốn câu cuối nói lên niềm tin cuộc kháng chiến nhất định thắng lợi:
Nước nhà tuy gặp bước gay go. / Lái vững chèo dai ta chẳng lo. /
Vượt sóng dựng buồm ta lựa gió. / Thuận chiều sẽ mở cánh buồm to ”.    
      Bà Đỗ Hồng Chỉnh trong cuốn sách “Những chặng đường Anh đi” cho biết:
      “Anh Phan kể những ngày cuối tháng 11 / 1947, cơ quan trên đường di chuyển, tránh giặc từ Xuất Tác sanh Nhất Thể, nhận được bài thơ của Bác Hồ gửi đến ... Anh  xúc động, thức trắng đêm đọc thơ, thưởng thức áng thơ hay của Bác. Ngay trong đêm hôm đó, anh Phan tức cảnh Họa lại bài thơ Cảnh Khuya”:
Họa vần xin gửi cho ai.
          Đường xa, xẻ tấm quan hoài nước non.
  
            Quanh quanh dòng suối cảnh đường xa.
Trời có trăng mà núi có hoa.
  Trăng sáng bao la, trời đất nước.
       Hoa thơm phảng phất vị hương nhà.
 
 Nước nhà tuy gặp bước gay go.
Lái vững chèo dai ta chẳng lo.
   Vượt sóng dựng buồm ta lựa gió.
    Thuận chiều sẽ mở cánh buồm to.
 
      Bài thơ “Cảnh Khuya” của Bác Hồ và Bài “Họa thơ Cảnh Khuya” của Luật sư Phan Anh được nhắc trong bài viết “Luật sư Phan Anh - Người được Bác Hồ tin cậy” của tác giả Trần Đương in trong cuốn sách “Luật sư Phan Anh”, (trang 94, 95).
      Bà Đỗ Hồng Chỉnh (trong cuốn sách Những chặng đường anh đi” cho biết:
      “Tháng 12 / 1947, anh Phan gửi lên Bác Hồ bài Họa thơ Cảnh Khuya”.
      “Trong một bài báo viết về những bài thơ được Bác gửi tặng và yêu cầu họa lại, anh Phan cho biết: “Những bài thơ Bác gửi nhằm mục đích động viên cán bộ trong những thời điểm khó khăn gian khổ. Không riêng đối với tôi, mà với nhiều cán bộ khác, lòng nhân hậu của Bác được thể hiện ở những việc làm cụ thể” ...
      “Anh Phan giải thích mấy từ, ngữ: “lái vững”, “chèo dai”, “vượt sóng dựng buồm” là nói về chiến lược cuộc kháng chiến dưới sự lãnh đạo của Bác. Sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc trong Mặt trận là yếu tố cực kỳ quan trọng, ảnh hưởng đến sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Nội dung các bài thơ xướng, họa thể hiện niềm tin: Cuộc kháng chiến nhất định thắng lợi, đoàn kết rộng mở - cánh buồm sẽ thuận gió để vượt lên mọi gian nguy” ...
      Bài thơ “Cảnh Khuya” của Bác Hồ và bài thơ Họa của anh Phan được treo trang trọng trước bàn thờ gia đình Luật sư Phan Anh từ ngày Luật sư còn sống.
      Đầu tháng 1 / 1948 bà Đỗ Thị Thao gửi cho thầy giáo Đỗ Ngọc - Giám đốc Thanh tra Tiểu học vụ tỉnh Vĩnh Yên, hai bài thơ: “Cảnh Khuya” của Bác Hồ và bài thơ “Họa Cảnh Khuya” của anh Phan, để động viên anh trai của mình thêm vững vàng niềm tin, tích cực tham gia kháng chiến trong những năm tháng đầu tiên vô cùng gian khổ …
      Tết Nguyên đán năm Mậu Tý (1948), Nhà giáo Đỗ Ngọc gửi về xã Dục Tú huyện Từ Sơn món quà tinh thần: “Hai bài thơ” - “Quà tết văn hóa trên Chiến khu” gửi tặng vợ, con ở quê hương đang vất vả tản cư, tránh giặc hung hăng, ban ngày kéo đến thôn làng càn quét.
      Bà Tôn Nữ Thị Huấn vô cùng xúc động nhận được “Tin xa” - Hai bài thơ Xướng - Họa “Cảnh Khuya” từ Chiến khu gửi về. “Quà tết văn hóa” là hai áng thơ yêu nước rất hay, nội dung súc tích, nhiều ý nghĩa, khích lệ người đọc niềm tin: Cuộc kháng chiến đánh đuổi giặc ngoại xâm nhất định thành công. Bà sung sướng đọc đi đọc lại và ngâm hai bài thơ Xướng - Họa “Cảnh Khuya” không biết bao nhiêu lần.
      Trong những ngày đón tết Nguyên đán năm Mậu Tý (tròn một năm ngày Bác Hồ đọc “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”) Bà Tôn Nữ Thị Huấn hứng khởi xuất ngôn thành áng thơ hay sau khi nhận “Tin xa”, để kịp gửi lên chiến khu Việt Bắc và tặng lại cho đời. Mỗi lần bà con bạn bè ở quê hương đến thăm nhà chúc tết, Bà lại cho con trai ra đọc bài thơ “Tin xa” để đáp lễ, chúc mừng năm mới mọi người, góp phần khích lệ niềm tự hào dân tộc và lòng ái quốc của bà con thôn quê.
Mong mỏi “tin xa” đã thỏa lòng.
 Nước nhà độc lập sẽ thành công.
Thoát vòng bó buộc đời nô lệ.
    Tỏ mặt năm châu giống Lạc Hồng.
 
Lạc Hồng há phải kém ai đâu.
Thời thế anh hùng đã có câu:
Dân chí tin nhờ trên sáng suốt.
     Nước nhà thắng lợi phúc dài lâu.
 
       Là người dân yêu nước, người phụ nữ đảm đang, luôn tự hào “Thoát vòng bó buộc đời nô lệ”, vững niềm tin “Nước nhà thắng lợi phúc dài lâu”, sống nơi quê hương - giáp ranh vùng địch tạm chiếm “ngày địch đến càn, đêm mới là của ta”, đang gắng sức lo toan cho mẹ chồng và đàn con nhỏ chạy tản cư, tránh địch đến càn quét âm mưu lập tề, để chồng và con trai lớn yên tâm lên Chiến khu tham gia kháng chiến. Rất đáng tiếc, chín tháng sau, ngày 18 / 9 năm Mậu Tý (1948), tác giả bài thơ “Tin xa” đã qua đời, do bị trọng bệnh lúc tản cư.      
      Đọc bài thơ “Tin xa”, mới thấy sức truyền cảm, thuyết phục của bài thơ “Cảnh Khuya” của Bác Hồ mãnh liệt đến chừng nào ?; Không chỉ động viên cán bộ tích cực tham gia công việc kháng chiến; mà còn tăng “cộng hưởng” tinh thần độc lập dân tộc, lòng ái quốc của người phụ nữ Việt Nam lên cao đến mức nào ?.
      Các bài thơ “Cảnh khuya” của Bác Hồ, bài thơ “Họa Cảnh khuya” của Luật sư Phan Anh và bài thơ hưởng ứng “Tin xa” của bà Tôn Nữ thị Huấn, thể hiện: Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, toàn thể dân tộc Việt Nam từ Lãnh tụ tối cao đến người dân, tất cả đều đồng lòng tin tưởng cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc chắc chắn thành công. Niềm tin yêu của lãnh tụ tối cao với cán bộ kháng chiến và quần chúng nhân dân trong cả nước sâu sắc đến thế nào ?. Niềm tin tưởng tuyệt đối, sự ngưỡng mộ vô bờ bến của toàn dân, đặc biệt là giới trí thức, chị em phụ nữ với lãnh tụ dân tộc cao đến chừng nào ?. Mọi giới, các tầng lớp nhân dân thể hiện quyết tâm tham gia kháng chiến đến ngày toàn thắng. Dân tộc Việt Nam có được “niềm tin sắt đá” và “tinh thần đại đoàn kết” sẽ đầy đủ sức mạnh chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược bất kể từ đâu đến, bảo vệ nền độc lập.
     Sau hơn hai tháng tấn công bao vây Chiến khu Việt Bắc, quân xâm lược Pháp bị bộ đội ta phục kích, chặn đánh trên mọi nẻo đường hành quân ở cả hai mũi gọng kìm. Mục tiêu của quân Pháp đề ra không những thất bại đau đớn, mà lực lượng của chúng bị tổn thất rất nặng nề về quân số và khí tài chiến đấu. Chiến dịch bao vây Việt Bắc nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não Chính phủ Cụ Hồ hoàn toàn thất bại về tất cả mọi phương diện. Chiến lược xâm lăng “đánh nhanh thắng nhanh” của giặc hoàn toàn bị phá sản. Ngày 19 / 12 / 1947 quân đội Pháp phải rút khỏi Việt Bắc, trở về chiếm giữ khu vực đồng bằng, chuyển hướng chiến lược sang “đánh lâu dài”.
       Lực lượng kháng chiến của quân và dân ta sau chiến dịch Việt Bắc mạnh lên rất nhiều: Bộ đội ta đông lên hơn; bước đầu dạn dầy tinh thần chiến đấu; kỹ thuật vận động chiến thêm kinh nghiệm; trang bị vũ khí được tăng cường. Sau hơn hai tháng chiến đấu, quân dân ta đã tạo nên thế nhẩy vọt chiến lược, chuyển từ giai đoạn “phòng ngự” sang giai đoạn “cầm cự”./.
      Nhà giáo Đỗ Như Cự
 sưu tầm và biên tập

Bài viết liên quan
06/08/2020
Lẩy Kiều

“Chú Anh thật là một ổ Kiều” Đó là câu nói của Bác Hồ về tài lẩy Kiều của Luật Sư. Phan Anh hồi ở chiến khu Việt Bắc.